Đại Kỷ Nguyên

Vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển, nền tảng khoa học của mọi dòng nhạc

Trong kho tàng âm nhạc thế giới, nhạc cổ điển được xem là nền tảng khoa học của mọi dòng nhạc, đồng thời cũng là dòng nhạc khó thưởng thức nhất, kén người nghe nhất, với đối tượng yêu thích nhạc cổ điển cũng ít nhất. Vì sao lại như vậy?

Một thể loại kén người đọc, nhưng càng được thưởng thức sẽ càng hay

Vẻ đẹp tuyệt vời của dòng nhạc cổ điển rất khó để cảm nhận được. Âm nhạc cổ điển tạo cảm giác rất sâu về nội tâm, từng câu, từng nốt đều tạo nên những bầu không gian mênh mông như vô tận với những trạng thái tinh thần tinh tế hết mực. Khi thì tĩnh lặng trong sáng, khi thì vui tươi vô tư thoát tục, khi thì bi hùng bi tráng buồn thương, khi thì lãng mạn thăng hoa kịch tính, khi thì hào hùng, tráng lệ, lộng lẫy… để rồi đưa thính giả đến những rung động cao thượng thật gần gũi của tâm hồn! Ấy là chưa kể đến hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm được sáng tác hoàn toàn khác nhau, không một tác phẩm nào lại giống tác phẩm nào, có những tác phẩm dài cả giờ đồng hồ, mà trong đó mỗi tác phẩm lại phát huy những sáng tạo kỹ thuật, những biến tấu âm nhạc đầy trí tuệ!

Barcarolle(June) – The seasons Op.37b | Tchaikovsky:

Những lời khen ngợi cho dòng nhạc cổ điển như vậy tuyệt đối chẳng phải những lời mầu mè để lăng xê cho một dòng nhạc có ít thính giả nhất trên thế giới. Bởi cho dù người viết có khen thêm nữa, cũng sẽ không đủ bằng sự thật mà những thính giả cao cấp từ xưa đến nay đã đánh giá về nó. Và ngay cả khi chúng ta không biết nhiều những đánh giá đó, không biết cụ thể tại sao những nhạc sỹ được gọi là thiên tài vĩ đại, thì chúng ta hãy biết: “Âm nhạc cổ điển càng được thưởng thức sẽ càng hay, âm nhạc cổ điển là bất hủ và không lỗi thời”

Là nền tảng khoa học của mọi dòng nhạc

Trên nhạc viện khắp thế giới, dù học sinh theo học bất cứ nhạc cụ nào, giáo trình cho nhiều năm vẫn luôn là nhạc cổ điển. Sau đó trên nền tảng cổ điển ấy, học sinh có khả năng sẽ sáng tạo riêng. Có thể là sáng tạo thêm cho chính dòng nhạc cổ điển, hoặc có thể là sáng tác những dòng nhạc khác như Pop, Rock… Điều này cho thấy, âm nhạc cổ điển chính là nền tảng của mọi dòng nhạc, là thẩm mỹ thiết yếu cho mọi nhạc công, nhạc sỹ… Và hiển nhiên điều này cũng cho thấy tầm ảnh hưởng của những nhạc sỹ cổ điển với thế giới nói chung, thế giới âm nhạc nói riêng là muôn thủa.

Ngoài ra, âm nhạc cổ điển còn gắn liền với những giai thoại về cuộc đời của những tác giả vĩ đại, có những giai thoại mà bạn đọc sẽ thấy nó còn hay hơn cả âm nhạc, có những giai thoại có thể làm thay đổi hoàn toàn quyết định cuộc sống của những người đọc về nó. Chẳng hạn, có bạn sau khi đọc hết cuốn sách về nhạc sỹ Nicolo Paganini, thì quyết định theo học violon đến hết đời (Trở thành nghệ sỹ violon)… Xin lấy một ví dụ về câu truyện “Huyền thoại Paganini trên một dây” như sau:

Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 đang đứng chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây quanh ông cùng hòa nhạc với ông. Bất chợt, một dây đàn bị đứt và treo lóng lánh dưới cần đàn của ông.

Những giọt mồ hôi từ trán ông tuôn ra. Ông lo lắng nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến một cách tốt đẹp. Dây đàn thứ hai lại bị đứt trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng. Và ngay sau đó là dây thứ ba. Giờ thì có ba dây đàn bị đứt đang đong đưa trên chiếc vĩ cầm của Paganini, khi người nghệ sỹ bậc thầy này hoàn thành khúc cao trào với chỉ một dây còn lại. Khán giả nhịp chân và trong phong cách lịch thiệp của người Ý, đại sảnh đã ngập tràn những tiếng “hoan hô”.

Khi tiếng vỗ tay khen ngợi lắng xuống, người nghệ sỹ vĩ cầm này yêu cầu mọi người ngồi xuống. Mặc dù họ hiểu chẳng còn cách nào để mong ông biểu diễn phần còn lại, nhưng mọi người đều yên lặng ngồi xuống chổ ngồi của mình. Ông nâng đàn lên cao cho mọi người nhìn thấy. Ông gật đầu với người chỉ huy dàn nhạc để bắt đầu chơi lại và rồi quay mặt về đám đông. Với một ánh mắt ngời sáng, ông mỉm cười và nói to: “Đây là Paganini với một dây đàn!”

Rồi ông đặt chiếc đàn Stradivarius một dây dưới cằm và chơi nốt đoạn cuối với chỉ một dây đàn. Trong lúc khán giả lắc đầu trong tột cùng kinh ngạc.”

Chúng ta biết rằng cây đàn Violon chỉ có 4 dây, được xếp theo thứ tự từ dày đến mỏng, Sol, Rê, La, Mi. Trong đó, dây Mi rất dễ đứt khi nghệ sỹ biểu diễn quá mạnh mẽ. Dây La thì khó đứt hơn, còn dây Rê thì đã xếp vào dạng khó mà đứt được, dây Sol thì không thể đứt được. Và điều quan trọng là, khi 1 sợi dây bị đứt trong lúc biểu diễn thì coi như chẳng còn cách nào mà chuyển soạn tác phẩm lên 3 dây còn lại để mà tiếp tục biểu diễn cho dù là nghệ sỹ rất giỏi. Nhưng Paganini đã chuyển soạn tác phẩm ông đang biểu diễn theo thứ tự lần lượt những dây bị đứt. Điều này hiển nhiên là một huyền thoại đáng kinh ngạc có một không hai trong lịch sử nghệ thuật của nhân loại.

Niccolò (hay Nicolò) Paganini (27 tháng 10 năm 1782 – 27 tháng 5 năm 1840) là một nghệ sĩ chơi violin, viola, guitar và nhà soạn nhạc người Ý. Ảnh: Wikipedia

Sự hòa quyện của âm nhạc và chiều sâu trí tuệ cùng nội tâm người nghệ sĩ

Qua câu chuyện của Paganini ta thấy vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển, ngoài lớp vỏ bọc là âm nhạc, thì vẻ đẹp thuần túy của nó chính là chiều sâu của những phẩm tính, những đức hạnh của nội tâm con người, cùng trí tuệ. Chính vì điều này, mà nó trở nên rất khó thưởng thức. Bởi vì, người thưởng thức ít nhất cũng phải có những rung động cho những đức hạnh và phẩm tính ấy. Và thính giả nếu có đức hạnh và phẩm tính càng cao thì càng dễ thưởng thức được trọn vẹn vẻ đẹp của cổ điển.

Như vậy, thính giả cũng sẽ cảm ứng được những giá trị thăng hoa rất tự nhiên mà tác giả đã để lại trong tác phẩm của họ. Ngược lại, nếu người thưởng thức mang trong lòng sự nóng vội, thiếu đi sự nhẫn nại, để cái tôi trong lòng bùng lên, hoặc quá nhiều rắc rối của lý trí thì cũng sẽ khó lòng mà thấy ra được cái hay cái đẹp của cổ điển.

Mặc dù vậy, bài viết không diễn giải vẻ đẹp của dòng nhạc cổ điển theo nghĩa cực đoan, rằng chỉ có cổ điển mới có vẻ đẹp của nghệ thuật, hoặc chỉ có âm nhạc cổ điển mới xứng đáng để thưởng thức. Bởi cho dù không phải là dòng nhạc cổ điển, nếu nó được chơi lên bởi một nghệ sỹ có tình yêu và những phẩm tính vĩ đại, lại đúng hoàn cảnh, ngữ cảnh, thì tác phẩm đó vẫn là những viên ngọc quý giá. Bởi âm nhạc suy cho cùng cũng là ngôn ngữ nghệ thuật biểu đạt những giá trị tình yêu, nội tâm. Điểm đáng chú ý là cách diễn đạt về mặt khoa học của cổ điển (Hợp âm, giai điệu, phối khí…) thì rất bài bản, tròn trịa, trở thành nền tảng cho mọi dòng nhạc.

‘Horn Sonata’ của Beethoven:

Những yếu tố làm nên vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển

Yếu tố đầu tiên phải kể tới đó là nhạc cụ, một âm thanh tiêu chuẩn tác động rất quan trọng đến việc nhân thức nét đẹp âm nhạc. Ví dụ: Âm thanh của cây guitar 100.000đ với chất liệu gỗ rởm và dây đàn sắt kém chất lượng thì hiển nhiên phải thua âm thanh của cây đàn guitar 1000$. Và thính giả cũng cần cảm nhận được, sự khác nhau ấy cụ thể ra làm sao, tỉ lệ bồi âm như thế nào, độ sáng, độ tối… Hoặc ví dụ khác, khi thính giả thưởng thức 1 tác phẩm tam tấu dành cho đàn dây của Beethoven chẳng hạn, thì tác phẩm gồm 3 nhạc cụ: 1 Violon, 1 Viola, 1 Cello. Nhưng khi nghe sang bản Ngũ tấu cũng của Beethoven, thì số lượng Violon và Viola đã được nhân đôi. Vì thế mà âm thanh trong bản ngũ tấu dày hơn, đẹp hơn so với tam tấu rất nhiều. Hoặc có thể hiểu, trong bản tam tấu, thì nghệ sỹ chơi Violon và Viola sẽ phải gặp rất nhiều khó khăn trong những kỹ năng kiểm soát được tiếng đàn hoàn hảo…

Peer Gynt – Ngũ tấu kèn gỗ – Chương 3:

Một yếu tố khác nữa là khả năng trình diễn của những nhạc công cũng tác động rất lớn tới thính giả. Một tác phẩm hay, cũng có thể mất hoàn toàn vẻ đẹp do nhạc công chưa cảm hết được giá trị âm nhạc và tinh thần cũng như kỹ thuật của bài. Vậy nên, thính giả cũng cần có trình độ để chọn đúng người nhạc công giỏi để thưởng thức…

Đứng trên góc độ học thuật và trí tuệ cũng rất quan trọng, nghĩa là nếu thính giả được học nhiều năm cách chơi một nhạc cụ cổ điển nào đấy, thì việc thưởng thức âm nhạc cổ điển cũng sẽ trở nên vô cùng dễ dàng. Bởi khi đi học, người thầy giàu kinh nghiệm sẽ chỉ ra cho học sinh cách chơi sao cho âm thanh là chuẩn mực, cách xử lý một câu nhạc, một đoạn nhạc, một tác phẩm sao cho lôi cuốn… Và như thế phần lớn cách thức dẫn đến việc thưởng thức cũng sẽ được hình thành.

Vậy, chúng ta đã thấy được phần nào sự khó khăn trong việc khám phá vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển. Đó có khi là sự tương đồng cho những trải nghiệm, sự rung động hòa nhịp của trí tuệ và con tim!

Tóm lại, âm nhạc cổ điển là một kho tàng tinh thần với chiều sâu tâm hồn vô giá. Nếu bạn đọc được học tập cũng như tiếp xúc thưởng thức có bài bản thì những vẻ đẹp tuyệt vời ấy sẽ chắp cánh tâm hồn bạn, sẽ nuôi dưỡng sự trong sáng, kích thích những phẩm tính đạo đức, nhân lên những giá trị tình yêu cao thượng trong bạn!

Exit mobile version