Trong tứ đại mĩ nhân của lịch sử Trung Hoa, có một nhân vật được gây dựng lên từ sự hư cấu trong sáng tác văn học, đó chính là Điêu Thuyền. Sắc đẹp của nàng được gọi là Bế Nguyệt, là hình tượng bay bổng trong nghệ thuật và được dân gian đúc kết lưu truyền như câu chuyện mĩ nhân trở thành anh hùng.

Điêu Thuyền là mĩ nhân có dung mạo tuyệt sắc xuất hiện trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa do La Quán Trung hư cấu. Câu chuyện về nàng liên quan tới việc Đổng Trác và Lữ Bố trong văn hóa Trung Hoa.

Theo những tình tiết trong tiểu thuyết thì nàng Điêu Thuyền đã sử dụng sắc đẹp và tài năng khéo léo cùng với chiêu thuật dương đông khích tây đã làm bánh xe lịch sử phải đổi hướng khi Đổng Trác bị giết bởi Lữ Bố để giành giật mình.

(Ảnh: IFuun)

Điều Thuyền trong những áng văn thơ ngợi ca về nàng

Người ta thường miêu tả dung nhan xinh đẹp của một nữ tử là hoa nhường nguyệt thẹn hay chim sa cá lặn.

Nhưng với Điêu Thuyền, người ta gọi nàng là bế nguyệt.

Tương truyền Điêu Thuyền đang ngắm trăng ở phía sau hoa viên Bái Nguyệt, bỗng nhiên gió nhẹ thổi tới, một đám mây che đi ánh trăng trong sáng, làm mặt trăng kia bị khuất dạng. Đúng lúc này Vương Doãn nhìn thấy. Vương Doãn vì muốn ca ngợi vẻ đẹp của con gái mình liền nói:

Mặt trăng kia với con gái của ta sao có thể sánh bằng, thấy thẹn mà phải trốn vào đám mây kia. Từ đó về sau mọi người xưng gọi nàng là bế nguyệt.

Vẻ đẹp của Điêu Thuyền là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhạc sĩ thời đó. Có một bài hát tả về nàng như sau:

Phải người cung cũ Chiêu Dương?
Xiêm y mây cuốn vương vương cánh hồng
Nhẹ nhàng mình liễu như bông,
Gót hài uyển chuyển trên lòng bàn taỵ.

Động đình lạc lối hoa bay,
Lương châu thoăn thoắt sen cài bước chân
Nhà vàng gió cợt cành xuân,
Trăm hoa nhường vẻ thanh tân một người!

Điêu Thuyền được mô tả là một người sở hữu giọng hát như chim yến oanh, ánh mắt long lanh, đôi môi chúm chím. Nàng chơi đàn mà âm thanh ngọt ngào như mật ngọt, ngón tay nàng như những búp sen non. Vẻ đẹp cùng tài năng của nàng khiến trái tim của một kẻ giết người không ghê tay như Đổng Trác phải say mê, khiến trái tim của kẻ tàn bạo phải tan chảy yếu mềm.

(Ảnh: Dea5.com)

‘‘Rèm châu vừa cuốn lên, thì Điêu Thuyền nhè nhẹ gót hài bước ra, xiêm y thướt tha, mình liễu uyển chuyển múa trước rèm châu như tiên nữ nhập động. Điêu Thuyền lại hát. Nàng vừa cầm phách gõ nhịp cất giọng ca. Giọng trong như oanh kêu, cao như hạc gọi, khi trầm khi bổng thánh thót như rót vào tai, mà huyền huyền ảo ảo làm mê hồn tục khách’’.

Có một bài thơ miêu tả về nhan sắc của nàng khi trổ tài đàn hát cho Đổng Trác nghe. Hắn ta say mê điên đảo, và trong khi còn ngây ngất ấy, ánh mắt nàng sắc tựa lưỡi kiếm, lời nói ngọt ngào mà sắc hơn dao có thể chém chết tên gian thần mà trả mối hận cho dân:

Nhất điểm anh đào khải giáng thần.
Lưỡng hàng toái ngọc phún dương xuân.
Đinh hương thiệt thổ hành cương kiếm.
Yêu trảm tà gian loạn quốc thần!

Tạm dịch:

Một đóa anh đào chúm chím môi,
Đôi hàng răng ngọc rạng xuân tươi.
Hương đưa đầu lưỡi tàng hơi kiếm:
Chém chết gian thần có lúc thôi

Hậu nhân qua các thế hệ vẫn tự hỏi, tại sao lại xếp Điêu Thuyền là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Hoa? Trong khi nhan sắc của Điêu Thuyền thì chưa được lịch sử ghi nhận?

Có khá nhiều câu trả lời cho vấn đề này nhưng có lẽ có một quan điểm mà cho tới nay người ta vẫn bàn luận đó là, Điêu Thuyền là hình ảnh của một mĩ nhân mang theo tài năng và nhan sắc như một sức mạnh binh khí trong cuộc chiến chính-tà. Là một mong ước của người dân xưa kia khi họ gây dựng lên một hình ảnh dùng nhan sắc giết gian thần mà chẳng phải chứng kiến cảnh binh đao khói lửa. Được coi là một mong mỏi của nhân dân khi loại bỏ cái ác mà chẳng phải thấy máu chảy đầu rơi.

Điêu Thuyền, khi sắc đẹp và tài năng là vũ khí địch với hàng nghìn binh hùng tướng mạnh

Điêu Thuyền chẳng những được truyền tụng trong dân gian là người đàn bà có nhan sắc làm cho ‘‘mây mờ trăng lặn’’ mà còn được coi là một kỳ nữ thông minh, mưu lược làm điên đảo các anh hùng hào kiệt thời Tam Quốc, cả về sắc lẫn tài, như lời bình luận gia văn học Mao Tôn Cương, người thời Minh mạt.

(Ảnh: WordPress.com)

Chính kế sách liên hoàn li gián của Vương Doãn và Điêu Thuyền đã giết Đổng Trác, là việc mà 18 lộ chư hầu binh hùng tướng mạnh của Viên Thiệu không làm được.

Trong “Thánh Thán Ngoại Thư”, Mao Tôn Cương viết về Điêu Thuyền như sau:

‘‘Thập bát lộ chư hầu bất năng sát Đổng Trác, nhi nhất Điêu Thuyền túc dĩ sát chi, Lưu Quan Trương tam nhân bất năng thắng Lã Bố, nhi Điêu Thuyền nhất nữ tử năng thắng chi, dĩ nhẫm tịch vi chiến trường, dĩ chỉ phấn vi giáp trụ, dĩ phán lãi vi qua mâu, dĩ tần tiếu vi cung thỉ, dĩ cam ngôn ti từ vi vận kỳ thiết phục, nữ tướng quân chân khả uý tai’’.

Dịch nghĩa :

“18 lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lữ Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của “nữ tướng quân” quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!”

Dân gian ca tụng và lưu truyền về Điêu Thuyền như một nữ tướng với tài năng và nhan sắc là sức mạnh của binh khí. Đổng Trác là một tên gian thần mà sức mạnh của 18 chư hầu chẳng thể diệt. Ấy vậy mà lại bị chết bởi một bông hoa đầy hương sắc.

Tạo hình nhân vật Đổng Trác. (Ảnh: Thoibao.today)

Mặc dù người ta vẫn chưa xác thực được sự tồn tại thực sự Điêu Thuyền hay cái chết của nàng. Nhưng giai thoại về nàng và thông điệp của nàng là biểu tượng cho cuộc chiến giữa ác nhân và mĩ nhân, mà cuối cùng cái đẹp đã chiến thắng cái ác, chính là điều mà người dân xưa nay hằng mong ước.

Có lẽ vì thế mà Điêu Thuyền được yêu mến mà xây dựng lên với vẻ đẹp mĩ miều vượt hẳn với những nữ tử bình thường. Những vẻ đẹp chỉ có trong thi ca mà hiếm khi có thật. Và vẻ đẹp ấy được dùng cho mục đích chân chính để diệt ác thần vì muôn dân.

Tịnh Tâm