Đại Kỷ Nguyên

Vở đại nhạc kịch ‘Eugene Onegin’ của Tchaikovsky, một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất mọi thời đại

Vở đại nhạc kịch “Eugene Onegin” của Pyotr Ilyich Tchaikovsky là một tác phẩm dựa trên tiểu thuyết cùng tên viết bằng thơ của đại thi hào Alexander Pushkin. Dưới tài nghệ của Tchaikovsky vở đại nhạc kịch “Eugene Onegin” đã trở thành một trong những tác phẩm cổ điển nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Hình ảnh tuyệt đẹp của những người nông dân với niềm vui sau một mùa bội thu cho đến những giai điệu, âm hưởng của những buổi tiệc long trọng, những vũ hội sang trọng của giới thượng lưu đã đưa vở đại nhạc kịch “Eugene Onegin” trở thành “bách khoa toàn thư về đời sống Nga cổ xưa”. 

Cảnh đẹp nơi thôn quê cuốn hút bởi sự yên tĩnh của cuộc sống điền viên. Những cảm xúc dồn nén khi “màu sắc” thê lương của mùa thu trong cánh rừng, làn sương buông mờ, ảm đạm sau cái chết của Lenski trong màn đấu súng với Onegin. 

Âm nhạc ấy có lúc là nỗi buồn bi thảm, có lúc lại bùng nổ bởi không khí vui tươi trong những bữa tiệc long trọng. Kết hợp với vẻ đẹp trong giọng ca của các nghệ sĩ, nhịp điệu, cùng lời văn nhiều kịch tính và cũng không kém trữ tình đã làm rung động trái tim của người nghe.  

Thưởng thức “Eugene Onegin” không chỉ là xem kịch mà còn xem được một thời kỳ của nước Nga

Onegin là một thanh niên quý tộc thông minh, có học thức và hào hoa (Ảnh: filmdienst.de)

“…Nhờ thần Dớt, anh ta nay thừa kế
Mọi gia tài của bố mẹ, bà con…”

Chàng công tử hào hoa Eugene Onegin, anh là con độc nhất của một quý tộc, chẳng hề tỏ ra mừng rỡ khi biết tin thừa kế một gia tài từ người bác. 

Sau nhiều năm phí hoài tuổi trẻ trong các phòng trà, nhà hát, tiếp tân, khiêu vũ, tiệc tùng, anh bắt đầu buồn chán “nỗi buồn chán của người Nga”. Anh đóng cửa ngồi nhà viết văn, đọc sách …

Onegin luôn được phái đẹp yêu mến. Nhưng với anh thì: 

“Các cô gái không làm chàng mê mẩn
Chàng chỉ yêu mong chốc lát giải buồn”

Chán ngấy cuộc sống nhàn rỗi vô vị, Onegin quyết định về thăm ngôi biệt thự để thay đổi không khí. Tại đây Onegin làm quen với Vladimir Lenski (một nhà thơ) và hai người đã kết bạn với nhau.

Một lần, Lensky đưa Onegin tới ăn tối với gia đình vị hôn thê của mình – Olga. Olga có một người chị tên là Tanhia, tuy không xinh đẹp như cô em nhưng Tanhia lại có một tâm hồn trong sáng, thuần khiết, đẹp đẽ và giản dị.

Tanhia thể hiện sự bình dị, thuần khiết của những cô gái trẻ Nga thời xưa (Ảnh minh họa: 500px.com)

Tanhia đã yêu Onegin ngay trong buổi đầu gặp gỡ nên cô đã viết thư tỏ tình gửi ngay cho Onegin. Xúc động vì tấm lòng chân thành của cô nhưng Onegin lại từ chối tình yêu vì lo rằng cuộc sống sẽ mất “yên tĩnh và tự do”.

Và mặc dù Tanhia có tất cả những phẩm hạnh của người vợ trong mơ của Onegin, nhưng anh chỉ có thể coi cô như em gái. Onegin khuyên cô hãy chế ngự những cảm xúc của mình vì sợ rằng những người đàn ông khác sẽ không tôn trọng sự ngây thơ của cô.

Đúng vào ngày lễ thánh đặt tên của Tanhia, xảy ra xung đột giữa Lenski với Onegin. Do sự bực bội với Lenski nên Onegin đã tìm cách trả thù bạn theo kiểu quí tộc bằng cách giả vờ ve vãn Olga để chọc tức Lenski.

Nổi cơn ghen, Lenski thách đấu súng với Onegin. Vì thói sĩ diện quý tộc, Onegin đã nhận lời thách đấu và anh đã giết bạn. Đau buồn và hối hận, Onegin rời làng quê ra đi du ngoạn lang thang suốt hai năm trời. 

Onegin đã phải đau khổ bởi sự ích kỷ của mình khi nhận lời đấu súng và giết chết bạn để bảo vệ sự tự tôn thấp hèn của mình (Ảnh: oopperabaletti.fi)

Sau này Onegin gặp lại Tanhia, lúc đó cô đã là một phu nhân sang trọng và đức hạnh của công tước nổi tiếng trong giới quý tộc thủ đô.

Tình yêu sống dậy mãnh liệt trong tâm hồn Onegin. Bất chợt, Onegin nhận ra mình đã yêu, yêu Tanhia da diết. Onegin viết thư cho Tanhia nhưng cô không hồi đáp.

Tuy vẫn còn yêu Ongein nhưng Tanhia với phẩm hạnh của một người vợ đoan chính đã quyết định chung thủy suốt đời với chồng và càng không cho phép mình ngoại tình, dù chỉ trong tư tưởng.

“Tôi đã được gả chồng, tuy khác ý,
Nhưng là vợ, suốt đời tôi chung thủy”.

Dưới đây là toàn bộ vở đại nhạc kịch “Eugene Onegin”, hãy nhấn nút “play” để hòa mình vào không gian nước Nga cổ xưa trong thế giới đại nhạc kịch “Eugene Onegin”:

Còn đây là bản Polonaise lẫy lừng trích từ “Eugene Onegin” (được cắt từ phân đoạn 1:25:30 – 1:30:00): 

Tchaikovsky không chỉ là nhạc sĩ Nga vĩ đại mà còn là nhạc sĩ đại tài của thế giới

Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840 – 1893) sinh ra ở Votkinsk, miền Uran trong một gia đình kỹ sư mỏ. Ông được chǎm sóc và phát triển nǎng khiếu âm nhạc từ nhỏ.

Nǎm 19 tuổi, tốt nghiệp trường luật, làm việc ở bộ luật pháp nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho âm nhạc, chơi đàn piano. Nǎm 22 tuổi, Tchaikovsky học ở Nhạc viện Peterbursg. Sau 3 nǎm học tập, tốt nghiệp với huy chương vàng, sau đó là giáo sư Nhạc viện Moscow (1866 – 1878).

Năm 1878 hòan thành bản giao hưởng số 4 và nhạc kịch “Eugene Onegin “. Ðược một bà triệu phú tên là Fông Méc đỡ đầu về kinh tế, Tchaikovsky’s rất yên tâm sáng tác.

Giữa những năm 80, Tchaikovsky tham gia hoạt động với tư cách là nhạc trưởng, biễu diễn khắp nơi trong và ngoài nước. Năm 1893 ông được tặng học vị tiến sĩ của trường đại học tổng hợp Cambrigde ở Anh.

Sở dĩ âm nhạc của Tchaikovsky trở nên nổi tiếng vì ông biết kết hợp nhuần nhuyễn âm nhạc Nga với âm nhạc châu Âu, âm nhạc thành thị, nông thôn. 

Là nhà giao hưởng lỗi lạc, nhà soạn nhạc kịch thiên tài, Tchaikovsky đã sáng tác những tác phẩm kiệt xuất thuộc nhiều thể loại âm nhạc, các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm: vở ba-lê “Swan Lake” (Hồ thiên nga) đề cao tình yêu chung thủy, “The Sleeping Beauty” (Người đẹp ngủ trong rừng) thể hiện niềm vui chiến thắng của cái thiện trước cái ác, “The Nutcracker” (Chiếc kẹp hạt dẻ) như một câu chuyện cổ tích được đánh giá là tác phẩm với phần âm nhạc tinh tế nhất, ngoài đó ra còn có “Queen of Spades” (Con đầm Pích); 6 bản giao hưởng; vở “Khúc dạo đầu 1812” và rất nhiều tiểu phẩm cho piano… 

Hoàng Lâm

Exit mobile version