Đại Kỷ Nguyên

Vũ Cao Đàm, cây đại thụ của mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20

Vũ Cao Đàm là một cây đại thụ trong làng mỹ thuật Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Các sáng tác của ông chủ yếu bao gồm tượng đồng, tượng đất nung, tranh lụa và tranh sơn dầu; trong đó các tác phẩm tranh lụa là thành công nhất. Tại các phiên đấu giá tranh quốc tế cho tới gần đây, tranh lụa của ông đã đạt được các mức giá rất cao. Có lẽ do cọ pháp độc đáo điêu luyện của ông, trên nền tảng sở học hội họa Tây phương, kết hợp với giá trị nhân văn lịch sử của một thời kỳ đặc biệt của Việt Nam mà ông miêu tả, đã tạo cho ông những thành công đặc biệt đó trên trường hội họa thế giới.

Chân dung thời trẻ của họa sĩ Vũ Cao Đàm. (Ảnh: Wikimedia.org)

Đôi nét về sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Vũ Cao Đàm

Vũ Cao Đàm sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông theo học khóa 2 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1926 – 1931), cùng khóa với danh họa Tô Ngọc Vân. Trong năm đầu tiên, ông học cả hội họa và điêu khắc, nhưng từ năm thứ hai thì chuyển hẳn sang điêu khắc. Tốt nghiệp năm 1931 với kết quả xuất sắc, ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre.

Cũng từ đó, ông định cư tại Pháp rồi trở thành một họa sĩ đa tài, sáng tác theo cả điêu khắc và hội họa. Những tác phẩm của Vũ Cao Đàm từ sớm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Ví dụ, từ những năm 1940, Chính phủ Pháp đã mua 3 tác phẩm của Vũ Cao Đàm, gồm hai bức tranh lụa ‘Chân dung người Hà Nội’ (1939) và ‘Đàn bà An Nam’ (1939) và bức tượng đồng ‘Người Đông Dương’, mà sau này được đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật André Diligent de Roubaix.

Họa sĩ Vũ Cao Đàm và các sinh viên đồng khóa của trường Cao Đẳng Mĩ Thuật Đông Dương (Hàng cao nhất, bên phải). (Ảnh: Lophocvems.wordpress.com)

Vốn có sở học về đúc tượng đồng, nhưng lại không gặp thời, bởi vì trong giai đoạn diễn ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), quân đội Đức khi chiếm đóng nước Pháp đã tịch thu những vật dụng bằng đồng để phục vụ việc đúc vũ khí và cấm đổ khuôn tượng đồng nghệ thuật, Vũ Cao Đàm đành phải tạo tượng bằng đất nung rồi đánh bóng, chẳng hạn tượng chân dung giáo sư Jean Tardieu, con trai thầy dạy cũ của ông.

‘Giáo sư Jean Tardieu’. Chất liệu: Đất nung. (Ảnh: Artnet.com)

Nói về người thầy của Vũ Cao Đàm và các họa sĩ cùng trang lứa; giáo sư Victor Tardieu là người Pháp, nhưng ông coi Việt Nam chính là quê hương thứ hai của mình. Là người sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sức ảnh hưởng của ông đến hội họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 vô cùng sâu sắc. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, nếu không có trái tim rộng mở cùng “nhãn quan” nghệ thuật tuyệt vời của Victor Tardieu, chưa chắc Việt Nam chúng ta đã có được các danh họa có tên tuổi như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn và đặc biệt là Nguyễn Phan Chánh.

‘Thiếu nữ ngồi’ Chất liệu: Đất nung.

Quay trở lại sự việc không được đúc tượng đồng, ông đã quyết định chuyển từ làm tượng sang vẽ tranh. Trước tiên ông vẽ tranh lụa, rồi đến tranh sơn dầu. Một lý do ông chuyển sang tranh sơn dầu, ngoài sự đam mê khám phá thủ pháp nghệ thuật, một phần xuất phát từ sự bất tiện trong việc thực hiện cũng như bảo quản tác phẩm tranh lụa. Ông từng nói: “Tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, vì phải có tấm kính che để gìn giữ cho lụa cho nên không thể vẽ với kích thước lớn được”.

Một bức tranh sơn dầu của họa sĩ Vũ Cao Đàm. (Ảnh: WordPress.com)
Các họa sĩ Vũ Cao Đàm (giữa), Lê Phổ, Mai Trung Thứ trước cửa Galerie Van Rick, Paris. (Ảnh: Lophocvems.wordpress.com)

Nhưng có lẽ vào thời điểm đó ông đã không ngờ được rằng chính những bức tranh lụa của ông mới là mục tiêu săn tìm của các nhà sưu tập thời nay, với những mức đấu giá đạt cao ngất ngưởng.

Ví dụ, trong các phiên đấu giá gần đây tại các nhà đấu giá nổi tiếng trên thế giới như Drouot ở Paris, Sotheby’s ở Hong Kong, bức ‘Hai thiếu nữ’ có giá bán 99.450 Euro; bức ‘Trò chuyện’ đạt 220.520 Euro; bức ‘Giai nhân trò chuyện trong vườn’ đạt 230.477 USD; hoặc bức ‘Hai thiêú nữ ngồi thêu’ đạt 226.950 Euro.

Các kết quả gần đây trên các sàn đấu giá quốc tế cho thấy tranh của ông đang thu hút các nhà sưu tập, chỉ đứng sau các tác phẩm của danh họa bậc thầy Lê Phổ – Sau khi kết thúc phiên đấu giá ngày 26-3-2018 tại Paris, nhà tổ chức đã nhấn mạnh: “Một lần nữa, các họa sĩ Việt Nam đã đạt các mức giá kỷ lục tại Pháp, trong đó có Vũ Cao Đàm, người mà chúng tôi tự hào đã đạt được bốn trong số bảy kết quả tốt nhất (với giá tranh của ông) trên thế giới trong hơn 30 năm qua”.

‘Hai thiêú nữ ngồi thêu’. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)
‘Giai nhân trò chuyện trong vườn’. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)
‘Hai thiếu nữ’. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)
‘Trò chuyện’. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)

Các đặc trưng nghệ thuật trong sáng tác của Vũ Cao Đàm

Tuy sống ở Pháp, nhưng phong cách nghệ thuật của ông là sự kết hợp tư tưởng văn hóa Đông – Tây với chủ đề Việt Nam. Tranh của Vũ Cao Đàm chịu ảnh hưởng của phong cách mỹ thuật miền Nam nước Pháp – vào thời cực thịnh của trường phái ấn tượng.

Nhiều tác phẩm điêu khắc của ông được coi là mẫu mực của điêu khắc Việt Nam hiện đại, trong đó có hai bức tượng hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, là bức ‘Chân dung’ và ‘Thiếu nữ cài lược’. Hai bức tượng này đã được nhiều thế hệ họa sĩ, kiến trúc sư vẽ lại, hoặc tạo các phiên bản thạch cao. Ta có thể dễ dàng bắt gặp phiên bản thạch cao của hai bức tượng này ở các lớp học vẽ kiến trúc, mỹ thuật.

Điêu khắc ‘Thiếu nữ cài lược’ Vũ Cao Đàm. Chất liệu: Đất nung. (Ảnh: Printerest.com)
Điêu khắc ‘Thiếu nữ cài lược’. Chất liệu: Đất nung. (Ảnh: Tinhhoagomviet.vn)
Tượng ‘Chân dung người đội mũ tế’. Vũ Cao Đàm. Chất liệu: Đất nung. (Ảnh: Designs.vn)

Phong cách điêu khắc của Vũ Cao Đàm học hỏi nhiều từ các tác phẩm của họa sĩ Rodin. Vũ Cao Đàm đã chứng tỏ ông xuất sắc trong thể loại tượng bán thân. Ngay trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường (1926 – 1931), Vũ Cao Đàm đã sáng tạo nhiều tác phẩm điêu khắc, như ‘Đầu thiếu nữ’ (chất liệu: đất nung, 1927), ‘Thôn nữ’ (chất liệu: đất nung, 1927), hay tượng bán thân của Vũ Đình Thi (chất liệu: đồng, 1927). Trong những năm ở Pháp, cùng với các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu…, bằng những sáng tác giàu tìm tòi, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghệ thuật truyền thống phương Đông và hội họa phương Tây, Vũ Cao Đàm đã góp phần nâng cao vị thế của họa sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế.

‘Chân dung thiếu nữ áo hồng’, 1934. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)

Trong bộ tứ vang danh “Phổ – Thứ – Lựu – Đàm”, Vũ Cao Đàm không nổi tiếng bằng 3 người kia, có lẽ vì cách vẽ của ông mang nhiều lý tính, nghiêm cẩn về tạo hình, nên khó tìm được sự đồng điệu của người mua tranh – mà số đông vốn ưa thích sự lãng mạn, nhẹ nhàng. Quan trọng hơn, khi tiếp xúc với thị trường nghệ thuật, dường như ông khá e dè và luôn giữ khoảng cách; ông thuộc kiểu nghệ sĩ “sáng tác cho riêng mình”.

‘Chân dung thiếu nữ trong vườn’. Chất liệu: Tranh lụa. Ảnh: (Pinterest.com)
‘Hai mẹ con’.Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)

Trong tác phẩm ‘Hai mẹ con’, ông miêu tả vẻ đẹp nhu mì dịu dàng của người phụ nữ miền Tây Nam Bộ trong trang phục truyền thống. Phụ nữ Miền Tây rất xinh đẹp và thật thà, thương yêu chồng con, lại còn rất hiếu thảo với cha mẹ.

Bức ‘Thiếu nữ’ của Vũ Cao Đàm. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Aguttes.com)

Trong bức ‘Thiếu nữ’, họa sĩ Vũ Cao Đàm chú trọng miêu tả sự thanh lịch nhẹ nhàng và trầm tĩnh của cô gái trẻ. Ông sử dụng một gam màu sắc quý phái, sắp xếp khéo léo các tông màu xanh dịu trên nền vàng nâu, khăn quàng trắng xanh và khăn đội đầu trắng ngà, biểu hiện sự tinh tế trong trang phục của cô gái.

Một tác phẩm chân dung phụ nữ, tiêu biểu cho phong cách Vũ Cao Đàm. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)

Về phong cách chung của bộ tứ ‘Phổ – Thứ – Lựu – Đàm’, nhà nghiên cứu Thụy Khuê từng nhận xét: “Tác phẩm của họ không mô phỏng nghệ thuật Đông – Tây một cách ước lệ, mà nối tiếp truyền thống phong cách ấn tượng và phối hợp hai phong cách quan điểm vũ trụ nhân sinh. Đó cũng chính là cái đã làm cho hội họa Pháp và sau đó là Mỹ, công nhận giá trị của các họa sĩ Việt Nam này.

‘Chương trình biểu diễn nghệ thuật’. Chất liệu: Tranh lụa. (Ảnh: Pinterest.com)

Những năm cuối đời, một nhà nghiên cứu hỏi: “Bác có nhắn nhủ gì cho những họa sĩ trẻ không?”, Vũ Cao Đàm ôn tồn trả lời: “Kiên trì học tập, ngay khi không bằng lòng với chính mình. Đừng bao giờ chán nản. Cố gắng đào sâu thêm, ngay khi vẽ không ra gì cả, cũng đừng ngần ngại – đừng buồn”. Những suy nghĩ này phần nào phác họa được tính cách và cuộc đời “vị nghệ thuật” của ông.

Ngắm nhìn các tác phẩm của họa sĩ Vũ Cao Đàm, chúng ta nhận thấy có một tiếng nói chung của các họa sĩ Việt Nam xưa. Đó là những nét vẽ mang đậm tính dân tộc, thể hiện cái đẹp dịu dàng, thuần hậu và nét văn hóa đặc trưng của người Á Đông. Vì đều là những họa sĩ sống xa quê hương, nên trong mỗi tác phẩm của họ đều thể hiện rõ nét một tâm tình chung, đó là nỗi nhớ quê hương bản xứ da diết.

Thiện Lương

Exit mobile version