Đại Kỷ Nguyên

Xem phim “Đường Về” – con đường nào đưa chúng ta tìm về hạnh phúc thực sự

Một cách hết sức thuyết phục, bộ phim một lần nữa cho ta thấy sức mạnh của tình yêu thương, của lòng tốt chân thành, sự giản dị, bao dung, sự cho đi mà không mong hồi đáp

Tóm tắt truyện phim:

Cuộc sống không mấy suôn sẻ nơi đô thị buộc mẹ Sang-u phải đưa cậu bé 7 tuổi về sống với bà ngoại tại một ngôi làng nghèo khó. Cậu bé nghịch ngợm thường trêu chọc bà cụ đã gần 80, gọi bà là “tàn tật” (bà bị gù và câm, không thể nói chuyện, kể chuyện hay chơi đùa như người bình thường với cháu), giấu ủng của bà, thậm chí còn “nhanh trí” lấy trộm trâm cài tóc của bà để bán lấy tiền mua pin máy trò chơi điện tử. Tuy vậy, bà cụ chẳng bao giờ rầy la lấy một câu mà chỉ một mực dành hết tình yêu thương cho cậu cháu tinh nghịch. Bà dành cho Sang-u mọi thứ, dù cậu chẳng mấy khi coi chúng ra gì. Một hôm, Sang-u đòi ăn gà rán KFC. Cả đời chưa biết đến KFC là gì nên bà cụ không hiểu, buộc cậu bé phải giả động tác gà vỗ cánh. Bà cụ khó nhọc lê bước xuống núi và trở về với một con gà luộc. Không được như ý, Sang-u giận lắm và quyết nhịn ăn. Đến đêm, đói quá không chịu được, cậu lén bò khỏi giường và ăn hết cả con gà. No bụng, cậu bé ngủ ngon lành và từ đó bắt đầu thấy yêu quý bà ngoại cũng như cuộc sống thôn dã nơi đây. Cậu bắt đầu quen các bạn mới, một cô bé vô tư lự, một cậu bé nông quê thân thiện, chịu khó, tốt bụng, những người hàng xóm quan tâm trìu mến, tất cả những con người bề ngoài nhìn lam lũ nhưng lại chân thành, thật thà và hiền lành, rộng lượng. Cuộc sống ở ngôi làng miền núi hẻo lánh hiện lên trong veo, chầm chậm và yên bình. Cậu bé ban đầu xuất hiện như một cậu bé thành phố ích kỷ, kênh kiệu, láu cá, vô cảm đã dần dần thay đổi, càng về sau cậu càng trở nên hiền hòa hơn, tình thương, lòng trắc ẩn và sự cảm thông trong cậu được vun đắp. Khi phải xa bà ngoại để trở về thành phố, cậu bé như đứt từng khúc ruột. Bà cụ cứ đứng trước xe buýt để tiễn con, tiễn cháu nhưng cho đến lúc đó, cậu bé vẫn không biết phải nói gì. Mãi đến khi xe chuyển bánh, cậu mới lao về cuối xe, vẽ một vòng tròn trên ngực, dấu hiệu bà cậu thường làm mỗi khi muốn nói lời: Xin lỗi!

Cảnh buổi tối trong căn nhà nhỏ ấm áp của bà
Bộ phim do nữ đạo diễn Lee Jeong-hyang viết kịch bản và sản xuất năm 2002, dựa trên hồi ức về bà ngoại mình. Toàn bộ dàn diễn viên, trừ vai Sang-u, đều được lựa chọn từ các cư dân của một ngôi làng hẻo lánh tại Youngdong, tỉnh Bắc Chuncheong. Địa điểm quay phim chỉ có 8 hộ dân. “Đường về” (The way home) đã vượt qua nhiều bộ phim bom tấn về doanh thu phòng vé với hơn 4 triệu lượt khán giả.

Sung U khóc nhè dãy dụa vì món gà Kentucky không được như cậu hy vọng
Bà cụ trong bộ phim này cũng giống như Mẹ Thiên nhiên bao dung và nhân hậu của con người. Mẹ cho chúng ta cuộc sống, cho chúng ta cơm áo, hàn gắn vết thương của chúng ta bằng tình yêu thương và đức hy sinh, rồi cuối cùng lặng lẽ nhìn các con ra đi khi chúng đã đủ lông đủ cánh.

Những người làng thân thiện cho Sang U thấy sự giúp đỡ chia sẻ là việc tự nhiên

Những thước phim rất đẹp tái hiện khung cảnh vùng quê nghèo, chỉ có núi và rừng, sương che khuất mặt trời tới trưa, ngôi nhà sàn gỗ lưng chừng núi, cánh đồng lúa nhấp nhô, con đường nhỏ ngoằn ngoèo lấy lội, muốn mua đồ phải đi nhờ, bắt xe ra chợ phiên cách đấy hàng chục cây số, thức ăn chẳng có gì ngoài cơm gạo, rau củ, thậm chí chỉ là muối mắm trưng mỡ….Trẻ con ở đây phải làm việc không khác người lớn, nhưng các em chân thật, trong sáng, vô tư, thuần thiện, không chút so đo hơn thiệt. Khác hẳn với cậu bé thành phố lanh lợi, tinh quái, tính toán rất nhanh nhưng luôn vì tư lợi cho bản thân, nhiều lúc vì vậy mà nảy sinh những hành động đầy ác ý cũng không tự biết.

Những người bạn mới ở làng thật mộc mạc, vô tư

Theo dõi phim, ta có cảm giác giống như mình đang ở một miền quê vừa rất quen thuộc nhưng vừa lạ lẫm, một thế giới tiên thiên cách biệt bỗng nhiên được nhận ra nhờ góc nhìn tinh tế và sâu sắc của nữ đạo diễn Lee Jeong Hyang. Cuộc sống chân thật hiền hòa nơi làng quê cứ trôi đi bình lặng và an nhiên. Con người gắn bó với thiên nhiên, sự đơn giản, sự tần tảo lam lũ trong lao động, xa cách với cuộc sống hiện đại có thể là căn nguyên khiến họ giữ nguyên vẻ chất phát, hồn hậu. Hình ảnh cậu bé làng quê da xạm nắng rắn giỏi cõng trên lưng một gánh củi to đầy nam tính và trách nhiệm, cô bạn lừa khiến cậu phải chạy thật nhanh lên khỏi dốc để thoát khỏi sự rợt đuổi của con bò dữ. Nhưng cậu không hề nghĩ đến nỗi vất vả, chút sợ hãi hay cố gắng của mình mà chỉ thật sự vui vì vượt qua nó, bản tính sẵn lòng giúp đỡ người khác (khi Sang U chơi xấu cậu) không quan trọng người đó như thế nào. Những người làng hiền lành, xem việc của nhà khác cũng như việc của nhà mình. Những người bạn già gặp nhau vui mừng rạng rỡ, điềm tĩnh trong mọi sự, bình thản đón nhận sinh lão bệnh tử như là đã hiểu thấu rõ quy luật của sự sống. Cảnh hai bà cụ già gặp nhau trong phiên chợ, gửi quà cho nhau, nói chuyện, trầm ngâm, quyến luyến bịn rịn thật ấm áp, đầy tình người. Cảnh hai bà  cháu đến thăm, lặng lẽ ngồi bên cạnh ông cụ người làng bị ốm, tất cả tịnh lặng nhưng có gì đầy trân trọng, chân tình, an ủi và thiêng liêng. Hình ảnh bà cụ nằm ngủ thiếp đi bên hiên nhà, mái tóc như mây trắng xóa, bên cạnh là khung cảnh núi xanh và bầu trời bao la chan hòa ánh sáng, một khung cảnh vừa bình an vừa tráng lệ…

Cuộc sống chậm chạp chan hòa dưới nắng và núi đồi, không khí trong veo an lành

Một cách hết sức thuyết phục, bộ phim một lần nữa cho ta thấy sức mạnh của tình yêu thương, của lòng tốt chân thành, sự giản dị, bao dung, sự cho đi mà không mong hồi đáp, tình yêu thương quan tâm vô tư luôn là một ngôn ngữ mà ai cũng có thể sử dụng và ai cũng có thể tiếp nhận, tình yêu ấy không màu mè, không li kì, nhưng nhẫn nại, từ tốn, tốt lành, đầy lắng đọng mà không bi thương.

Nhờ lòng tốt và sự kiên nhẫn, bao dung của bà và cuộc sống thuần phác nơi thôn quê, cuối cùng Sung- u từ một cậu bé ích kỷ, không ngoan đã trở nên là một em bé biết yêu thương, biết xúc động sâu sắc, biết chia sẻ và quan tâm 

Người bà và làng quê nguyên sơ trong phim chính là hiện thân của mọi đức tính ấy. Đó cũng là những phẩm cách nguyên sơ của mỗi con người, là bản ngã chân thực, tiềm ẩn mà đôi khi chúng ta cũng giống như cậu bé Sang-u kia, bị bủa vây bởi cuộc sống hiện đại với vô số ồn ào, náo nhiệt, đổi thay, bao nhiêu thiết bị giải trí, công nghệ, đồ ăn công nghiệp, sự tiện lợi, chủ nghĩa cá nhân.v.v.  đã bỏ quên không còn nhận thấy, đã tự mình trở nên xa cách, tự mình tạo những xung đột và cản trở cho chính bản thân tìm về bản ngã tốt lành, một nội tâm chan hòa, rộng mở bởi tình yêu thương, hạnh phúc.

Vinh Hoa tổng hợp

 

Exit mobile version