Thời kỳ Nam Tống, có rất nhiều họa gia cung đình như Lý Địch, Diêm Thứ Bình, Lý Tường v.v. ngoài vẽ tranh sơn thủy, hoa điểu, thì trâu cũng là một đề tài được chú ý tới. Những con trâu nước, dù là trong khi đang làm việc hay đang trong khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, đều luôn hiện lên vẻ an nhàn, điềm tĩnh, hình dáng như “đại trí nhược ngu” (người có tài thường trầm tĩnh, khiêm tốn nên trông bề ngoài có vẻ đần độn). Vì thế mà các họa gia rất yêu thích đề tài này. Họ đưa những động tĩnh của trâu vào trong các bức họa và đưa chúng thành trung tâm chính của tác phẩm.

Giang Nam là quê hương của đồng lúa và cá, vì sự cần thiết trong việc canh tác đất đai nên gia súc có thể được bắt gặp ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trâu nước. Nếu một họa gia địa phương muốn vẽ trâu nước, bất kỳ lúc nào cũng luôn có cơ hội quan sát sinh hoạt của nó, có thể nhìn thấy mọi tư thế như nằm, đứng hay hoạt động, họa gia cũng có thể tiện tay mà vẽ ngay một bức tranh trâu nước.

Về họa gia

Lý Địch (1162-1224), là người Tiền Đường (nay là Chiết Giang, Hàng Châu), là một họa gia cung đình thời Nam Tống, từng đảm nhiệm chức Chi Hầu. Ông là người giỏi vẽ tranh hoa điểu, trúc thạch (cây trúc và đá), phong cách ông theo đuổi phần lớn là phong cách tả thực. Có nhà phê bình nhận định tranh của Lý Địch là “Bút mặc tinh diệu, thiết sắc nhã trí” (Bút mực tinh xảo vi diệu, bố cục và phân chia màu sắc trang nhã). Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: “Phong vũ quy mục đồ”, “Tuyết thụ hàn cầm”, “Ưng Trĩ”, “Kê sồ thị tự đồ”, “Liệp khuyển đồ” v.v.

Về tác phẩm

Bức họa “Phong vũ quy mục đồ” của Lý Địch mô tả cảnh hai đứa trẻ đang chăn trâu trên triền đê, ven bờ có hai cây liễu, đang lúc chăn trâu bỗng thấy trời đột nhiên đổi sắc, trở nên u ám, gió lớn nổi lên, sợ rằng sẽ đổ một trận mưa lớn, liền vội vã lùa trâu trở về nhà. Toàn bộ bức tranh được lấy bối cảnh vội vàng tránh mưa, người gấp gáp, trâu cũng gấp gáp, mà gió càng ngày càng mạnh, khiến hai cây liễu ven bờ ngả nghiêng. Cây liễu, hai đứa trẻ, trâu, mặt nước, cỏ dại, toàn bộ đều được khắc họa  trong bức tranh.

Trên bức họa có đề sáu chữ: “Giáp Ngọ tuế Lý Địch bút”, “Giáp Ngọ” là năm Lý Tông Thuần Hi (1174), vì thế bức tranh này được coi là một trong những tác phẩm đầu tiên của Lý Địch. “Phong vũ quy mục đồ” cũng được cho là kiệt tác mô tả phong cảnh và sắc thái chăn nuôi thời cổ đại được lưu truyền từ cổ chí kim.

“Phong vũ quy mục đồ” – Lý Địch. (Ảnh: 99lib)

Về bút mực

Hình ảnh chiếm một không gian lớn trong bức tranh, với kích thước cao to nguy nga chính là hai cây liễu; nhìn chiều cao và thân hình chắc chắn của cây có thể biết được đây là một cây liễu lâu năm; thân cây thô ráp, bao phủ bỏi những khối u cục, đó chính là dấu vết còn lại của những cành cây đã bị gãy do gió bão. Họa gia sử dụng mực nhạt làm nền, sau đó phần thân cây được phác họa bằng mực đậm; ở những chi tiết quan trọng, đặc biệt là phần cục u được nhuộm màu rất chi tiết, độ tương phản rất lớn giữa phần trung tâm và phần bên ngoài, tạo ra cho bức tranh một cảm giác lập thể sinh động.

Cây liễu trong “Phong vũ quy mục đồ”. (Ảnh: epochtimes)

Có thể họa gia trong khi điều chỉnh mực, đầu tiên hòa mực nhạt, đem bút lông chấm lên, đồng thời trước khi hạ bút vẽ thì đặt đầu bút chạm vào phần mực đậm, nhưng chỉ chạm một nửa phần đầu bút, từ đó việc điều phối mực đậm nhạt vẽ xuống sẽ được khống chế theo lực nhấn của tay. Sau khi mực đậm lên giấy hết, mực nhạt sẽ tự nhiên xuất hiện tiếp theo; từ đó có còn thế ngẫu nhiên vận dụng giao hỗ đậm nhạt. Họa gia thiên về dùng mực màu đen, xoa một chút, như vậy phần thân cây sẽ hiện lên một cách tự nhiên, mạnh mẽ nhất.

Phần thân của hai cây liễu có cấu trúc khá phức tạp, nhiều khúc chuyển hướng, tạo cảm giác rễ hai cây đó được cắm sâu vào lòng đất, trầm ổn, thành một nền tảng vững chắc để chống đỡ cho cả tùm cây to.

Một phần của “Phong vũ quy mục đồ” (Ảnh: ifuun)

Những chiếc lá của cây cổ thụ được Lý địch miêu tả bằng kỹ thuật vẽ lông trâu, bảo trì một lực vẽ đều nhau để tạo nên sự đồng nhất trong từng chiếc lá, có nhiều họa gia sử dụng kỹ thuật làm phẳng đầu bút và tạo phần lông bút thành hình dạng lược để có thể vẽ các đường mỏng cân bằng. Hư hư thực thực, thưa thưa dày dày, lại tạo nên được hiệu quả đáng kinh ngạc, cũng phản ánh được tâm trí của người hoa gia, có thể là một sự tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng nghệ thuật. Có như vậy, bức họa mới khiến người ta rung động từ trong tim.

Chúng ta có thể thấy rằng, dưới tác dụng của một trận gió lớn, cây liễu từ thân, nhánh đến lá cây cùng nhau xoắn lại, sau đó cuồn cuộn đổ về phía bên trái của bức họa. Họa gia cũng kết hợp vẽ lá liễu với đám lau sậy và cỏ dại bên bờ, tạo thành một tổng thể vận động thống nhất.

Một phần của “Phong vũ quy mục đồ”. (Ảnh: epochtimes)

Kỹ thuật được sử dụng khi khắc họa hình ảnh trâu nước là sử dụng nét móc siết. Thứ nhất, thân hình và hành động của hai chú trâu được sử dụng phương pháp thổi phồng, những đường viền thân trâu được khắc họa tròn trịa và sâu khiến cơ thể chú trâu hiện lên khỏe mạnh, hết sức linh động và cường tráng, hướng về phía người xem mà tiến tới.

Hình ảnh trâu nước trong “Phong vũ quy mục đồ” (Ảnh: simayi)

Hai chú tiểu đồng chăn trâu được vẽ tương đối mờ nhạt trong bức họa, hai đứa trẻ ngồi trên lưng trâu, cúi mình trong cơn gió dữ dội, trên đầu đội chiếc nón lá lớn, mặc một chiếc áo tơi, thân hình mờ mờ nhỏ nhắn trên lưng trâu. Mặc dù hình ảnh này khá mờ nhạt nhưng cũng tạo nên một nét đặc sắc cho bức tranh. Việc tạo hình hai đứa trẻ có sự suy tính nhất định, nhất là về tư thế cúi khom, một tay chụp lấy nón lá, tay kia cầm roi, thể hiện rõ bút pháp tả thực của Lý Địch.

Phân tích nội dung bức tranh

Bên cạnh bờ nước, trên dải đất triền đê bằng phẳng, hai con trâu đang vội vã chạy về nhà dưới sự điều khiển của hai tiểu đồng. Một đứa chút nữa thì bị gió thổi bay, cậu đã bị gió thổi bay mất chiếc nón, bèn quay người lại mà quặp chân quặp tay vào lưng trâu. Trong trận gió lớn, cậu bé do dự nhìn về phía chiếc nón bị bay mất, nửa muốn xuống lấy lại, nửa muốn từ bỏ.

Một phần của “Phong vũ quy mục đồ”. (Ảnh: blog.sina)

Hai chú trâu như ý thức được sự khó khăn của chủ nhân, cũng lộ ra dáng vẻ ngơ ngác không biết nên phải làm gì; chú trâu phía trước đang đi bỗng chùng chân và quay đầu lại, tựa hồ như muốn hỏi chú trâu phía sau: “Làm gì thế? Có đi hay không?”

Vào lúc này, cử động của hai chú trâu cùng với hai chú bé mục đồng có quan hệ mật thiết với nhau, cũng kiềm chế lẫn nhau, tạo ra một hiệu ứng ấn tượng như trong một vở hí kịch. Đây là một sự kết hợp có chủ ý của họa gia, nhằm nhấn mạnh một hiện tượng thực tế là, khi đụng phải một tình huống bất ngờ, những phản ứng tự phát của các sinh mệnh riêng lẻ có thể tạo ra rắc rối trong phối hợp với nhau. Bản năng phản ứng của các sinh mệnh trong bức tranh đã được biểu lộ qua các chuyển động tinh tế.

Một phần của “Phong vũ quy mục đồ”. (Ảnh: blog.sina)

Hơn nữa, để mô tả sức gió mãnh liệt, tất cả những sự vật trong tranh đều hướng về phía bên trái mà tung bay. Do đó, kiểu bố cục cân đối này đã đẩy ý nghĩa bức tranh đến một cao độ nhất định, thông qua mọi chi tiết trong tranh, họa gia cho thấy đường về nhà ngược chiều gió mạnh. Từ bố cục cân đối của bức tranh, hướng đi về nhà được nhận ra qua thái độ của hai đứa trẻ và hai chú trâu.

Toàn bộ bức tranh toát lên bầu không khí vận động mạnh mẽ, được đặt ở trong tư thế chuyển động oằn mình của hai cây liễu, lan tỏa cảm giác, khiến người xem vô tình tiến nhập vào bức họa, dường như cũng có cảm giác bị cơn gió mạnh thổi bay.

“Phong vũ quy mục đồ” như một cơn kình phong ùn ùn kéo đến, thổi qua ngàn năm lịch sử; xuất phát từ tấm lòng trung thực của họa gia – lòng người đi theo cơn gió  – thổi lướt các qua thời đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh, mang theo đầy đủ tính thẩm mỹ cổ điển và thành tựu văn hóa của từng thời đại trong lịch sử tới cho khán giả ngày nay. Đây chính là thành công to lớn của họa gia Lý Địch.

Cậu bé chăn trâu vốn thong thả nhàn rỗi, những chú trâu vốn chậm chạp hiền lành, cây liễu vốn tĩnh lặng mềm mại, cỏ dại vốn nhỏ bé yếu đuối, nhưng tất cả chúng vì theo những trận cuồng phong mà đã không ngừng thay đổi bản thân; hình thức sinh mệnh luôn luôn có thể thay đổi phù hợp theo hoàn cảnh, nhưng bản chất của mỗi sinh mệnh thì luôn luôn bất biến.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch