Tranh cổ điển châu Âu thế kỷ 19 không chỉ phát huy thành tựu rực rỡ của thời kỳ Phục Hưng, mà còn hàm chứa những ngụ ý sâu xa khi cố gắng tái hiện lại những câu chuyện lịch sử. 

1. Bức “Hoa hồng của Héliogabale” (Les roses d’Héliogabale) – Lawrence Alma Tadema

Bức tranh tạo cảm giác lộng lẫy với cảnh tượng một bữa tiệc xa hoa trong một cung điện cổ tuyệt đẹp. Những nam thanh nữ tú chơi đùa ngả ngốn, ngập trong những cánh hoa hồng rải rác tung tóe khắp nơi. Chủ nhân của bữa tiệc không ai khác là Hoàng đế La Mã trẻ tuổi Heliogabalus.

Những cánh hoa hồng bay tung tóe trên không, nhóm thanh niên nam nữ này chìm trong màu sắc sặc sỡ của chúng, bị mùi hoa đậm đà êm ái vây quanh, khiến họ như bị mê đi mà quên mất chính mình. Đây liệu có phải là một sự kiện ăn chơi xa xỉ đầy lãng mạn và thú vị như được nhìn thấy hay không? Hoàng đế mặc áo choàng màu vàng, nằm sấp trên chiếc ghế dài, nhàn nhã và thờ ơ nhìn những vị khách bên dưới đang đắm chìm trong lạc thú. Vì sao lại có cảnh tượng kỳ lạ này?

“Les Roses d’Héliogabale” – Lawrence Alma-Tadema, 1888, 132x214cm (Ảnh: Wikipedia)

Thực ra, nội dung bức tranh này đã được lấy từ cuốn sách “Lịch sử của Augustus“, trong đó tác giả ẩn danh đã có đoạn viết rằng: “Hoàng đế rắc rất nhiều cánh hoa cho đến khi những người chìm trong đó không có lối thoát và bị chết ngạt.” Heliogabalus là hoàng đế của Đế chế La Mã vương triều Severus, trị vì từ năm 218 đến năm 222. Tên vua tàn nhẫn này thậm chí đã lấy hành vi đó làm thú vui. Hắn ta cũng là hoàng đế đầu tiên đến từ phương Đông kể từ khi Đế chế La Mã được thành lập.

Hoàng đế La Mã trẻ tuổi Heliogabalus, mặc áo choàng màu vàng, đang nhìn những vị khách sắp bị ngạt thở. (Ảnh: Wikipedia)
Những người đàn ông và phụ nữ đắm chìm trong vẻ đẹp và sự vui thú nên không biết rằng mối nguy hiểm đang đến gần. (Ảnh: wikidia)

Khung cảnh trực quan tuyệt đẹp của bức tranh như vậy đã trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa tàn khốc của nó. Nhiều tác phẩm hội họa mang tính học thuật vào cuối thế kỷ 19 rất đẹp, nhưng thường có những nét suy đồi hoặc bi quan. Họa sĩ Lawrence Alma Tadema cũng không phải là ngoại lệ. Tadema rất giỏi trong việc phục dựng lại những quang cảnh cổ xưa. Mọi đồ vật trong bức tranh này đều được ông tham chiếu từ các cổ vật La Mã, mỗi chi tiết đều được khắc họa rất cẩn thận. Tác phẩm nghệ thuật của ông đã vô cùng thành công vào thời điểm đó, đi cùng với danh tiếng và tài sản.

Tượng đầu Hoàng đế Heliogabale; Không rõ tác giả. (Ảnh: Wikipedia)

Là một họa sĩ đã có danh tiếng, Tadema có thể tự do sáng tác những gì ông muốn mà không phải chiểu theo yêu cầu của khách hàng. Bức tranh này là một ví dụ nổi bật. Bản thân Tadema rất coi trọng chủ đề này. Ông thậm chí còn tự vẽ mình thành một trong những vị khách mời (người mặc áo choàng màu xanh cỏ úa ngồi bên phải bức tranh và đang nhìn hoàng đế); nhân  vật này như thể đang cố gắng giữ thanh tỉnh và cảnh giác, thể hiện thái độ “mọi người đều say sưa, duy chỉ có ta là còn tỉnh táo“.

Người đàn ông với bộ quần áo màu xanh lá cây ở bên phải bức tranh là nhân vật tự họa của họa sĩ: đang tỉnh táo quan sát sự việc. Họa sĩ: Lawrence Alma Tadema. (Ảnh: Wikipedia)

Đồng thời, ông cũng đặt tầm nhìn của khán giả ở cùng độ cao với những người bị chôn vùi trong đống cánh hoa, mang đến cho khán giả cảm giác cũng bị đắm chìm; có lẽ đó là lời nhắn nhủ cho mọi người rằng không nên bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và niềm vui từ những gì mình nhìn thấy; tất cả mọi thú vui trên cõi đời này đều có giá của nó, có thể chúng ta đang phải đánh đổi thứ gì đó để lấy niềm vui này, có khi phải đổi cả mạng sống! Đây có lẽ mới là mục đích tư tưởng thực sự của bức tranh.

2. Bức “Tiếp kiến hoàng tử Condé ở Versailles” (Reception of Condé in Versailles) – Jean-Léon Gérôme

Reception of Condé in Versailles – Jean-Léon Gérôme được thực hiện vào năm 1878, 96,5x 139,7 cm, tranh sơn dầu, thuộc bộ sưu tập nghệ thuật gốc của Áo. (Ảnh: Wikipedia)

Bức tranh mô tả một khung cảnh tại Cung điện Versailles vào năm 1674; một người đàn ông như đang phải chịu đựng một nỗi đau đớn ghê gớm, đang chậm chạp và cố gắng hết sức bước lên những bậc thang hoa lệ. Chờ đợi ông là sự chào đón của Vua Louis XIV đứng trên đỉnh cầu thang, cùng các thành viên trong giới quý tộc, và nhóm các bộ trưởng đứng hai bên, hướng ánh nhìn chăm chú vào người đang cúi đầu trước nhà Vua.

Vậy nhân vật bí ẩn và đặc biệt này là ai? Đó chính là người anh họ trứ danh của nhà vua – Le Grand Condé (Louis II de Bourbon), người từng được công nhận là một phù thủy quân sự, là một anh hùng trên chiến trường. Ông cũng là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, trong 15 năm, vị thân vương này luôn đối địch với hoàng gia. Dĩ nhiên không phải không có lý do. Sau cái chết của vua Louis XIII, Louis XIV trẻ tuổi lên ngôi và tiếp nhận sự trợ giúp chính trị từ Nữ hoàng Anna của Áo và tướng Mazarin. Mazarin cố ý cắt giảm lợi ích của các quan chức và giới quý tộc để lấp đầy kho bạc trống rỗng, là hậu quả của cuộc chiến kéo dài 30 năm, nên gây ra sự phản kháng từ những quý tộc trong hoàng gia. Vị vua trẻ và nữ hoàng buộc phải chạy trốn khỏi Paris. Nữ hoàng Anna khi đó đã nhờ tới sự giúp đỡ từ đội quân của Le Grand Condé, nhằm làm dịu cuộc xung đột.

Le Grand Condé sau đó ỷ mình đã lập được công lớn, đối với các vương thất khác tỏ ra hết sức ngạo mạn. Mặc dù những sự cố này đã lắng xuống, nhưng đã đè một bóng đen lên vị vua trẻ Louis XIV. Do đó, trong thời kỳ cai trị sau này của mình, ông thường nhấn mạnh đến “quyền lực thiêng liêng” và thậm chí xây dựng Cung điện Versailles để đạt được sự tập trung quyền lực và lấy lòng giới quý tộc. Con cháu của Le Grand Condé sau này đã bị buộc phải sống lưu vong ở Tây Ban Nha sau năm 1652; đó là cái giá phải trả của kẻ phản phúc và đối đầu với Louis XIV.

Nhưng thế giới luôn biến đổi vô thường; sau khi Tây Ban Nha và Pháp hòa giải, năm 1659 Condé đã nhận được sự tha thứ của chính phủ và đã quay lại phò trợ cho Louis XIV.

Hoàng thân Le Grand Condé. (Ảnh: chartes.hypotheses)

Năm 1674, Le Grand Condé đã đánh bại quân đội Hà Lan trong trận Seena. Năm sau đó, ông kế vị chức chỉ huy trưởng từ tướng quân Tirena, dẹp bỏ được Đế chế La Mã thần thánh trên sông Rhine, hoàn thành chiến thắng vĩ đại cuối cùng.

Bức tranh này miêu tả cảnh tướng quân Le Grand Condé vĩ đại vừa chiến thắng trở về, với chiến công vẻ vang dâng cho Nhà vua, được các vương thất của vua Louis XIV nồng nhiệt chào đón. Đây là khoảnh khắc vinh quang ca ngợi chiến công bất tử của ông. Chỉ có điều, sau khi chiến thắng trở về ông đã bị mắc căn bệnh gout, nên việc đi lại rất thống khổ; vì thế mà bức tranh mới khắc họa rõ nét hình ảnh Condé trong bước đi nặng nề.

Họa sĩ người Pháp thế kỷ 19 Gérôme đặc biệt thích thể hiện các chủ đề lịch sử. Ông đã mở rộng trái tim để trở về với người anh hùng gần như đã bị lịch sử lãng quên. Để làm cho bức tranh gần với thực tế nhất có thể, ông đã dành rất nhiều thời gian đọc những lời chứng lịch sử, kể cả những chi tiết nhỏ nhất, nên ông đã miêu tả được rất nhiều khuôn mặt của các nhân vật nổi tiếng trong hoàng thất đương thời. Họa sĩ cũng không quên đặt các vòng nguyệt quế rải rác trên các bậc thang của cung điện, để ghi nhận công lao và vinh quang của Grand Condé.

Đó là cuộc gặp gỡ của một lãnh chúa anh hùng, nhưng có một trái tim khoan dung độ lượng, với một con ngựa chiến đứt dây cương lầm đường lạc lối nhưng đã trở về trong oanh liệt. Loại ân ân oán oán này đã viết nên một trang tuyệt vời trong lịch sử nước Pháp.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video2.dkn.tv||0b245357e__