Đại Kỷ Nguyên

Nghĩ cho người khác trước, không lo mình bị thiệt

Ngày xưa, có một anh học trò nghèo, sống cực khổ tới năm 30 tuổi mà vẫn nghèo xác nghèo xơ. Ban ngày anh phải đi làm mướn để có tiền đi học.

Một hôm, anh nghĩ: Ta nghe đồn ngoài biển Đông có hòn đảo Ngọc Hoàng Thượng Đế thường ngự xuống nghỉ ngơi. Ta phải tới đó gặp Ngài để hỏi rõ nguyên do vì sao ta mãi nghèo mới được.

Ngày hôm sau, anh khăn gói lên đường. Cuộc hành trình thật là vất vả gian nan. Chẳng bao lâu sau, lương thực mang theo đã cạn hết, anh phải ghé vào một nhà bên đường xin ăn. Chủ nhà này là một người giàu có và tử tế, ông cho đầy tớ dọn cơm mời anh ăn. Nghe anh nói đi gặp Ngọc Hoàng, người chủ nhà cho anh một số tiền đi đường và dặn:

– Nhân tiện, nhờ cậu hỏi giúp Ngọc Hoàng cho tôi một việc. Suốt đời tôi không làm điều gì sai quấy, vậy tại sao vợ chồng tôi chỉ có một đứa con gái mà nó lại bị câm ngay từ lúc mới sinh?

Anh nhận lời rồi lên đường tiếp tục cuộc hành trình. Chẳng mấy chốc, số tiền tiêu hết, anh lại phải ghé vào một nhà xin giúp đỡ. Người chủ cũng dọn cơm cho anh ăn. Biết được mục đích chuyến đi của anh, ông ân cần lấy gạo tặng anh và nói:

– Nếu gặp Ngọc Hoàng, nhờ cậu hỏi hộ tôi một việc. Tôi có trồng một cây cam trước nhà, cành lá thì um tùm xanh tươi, mà tại sao cam không bao giờ có quả?

Anh nhận lời rồi ra đi. Anh đi mãi mới tới được bờ biển. Nhìn ra ngoài đại dương bao la, không thấy bóng dáng con thuyền nào, anh cảm thấy chán nản. Bỗng chốc, một con rùa to lớn từ dưới nước ngoi lên. Rùa nói với anh:

– Trèo lên lưng tôi đi! Tôi sẽ đưa cậu ra tận đảo gặp Ngọc Hoàng.

Nhân tiện, cậu làm ơn hỏi Ngọc Hoàng giùm tôi tại sao tôi ở đây đã một ngàn năm mà vẫn còn sống kiếp rùa không thay đổi?

Đợi cho người học trò bước xuống, rùa phăng phăng rẽ sóng bơi đi. Chẳng bao lâu, hòn đảo đã hiện ra trước mặt.

Anh từ giã rùa rồi bước chân lên đảo. Gặp dãy núi chắn ngang trước mặt, anh cố trèo lên đỉnh núi rồi ngồi xuống một gốc cây chờ đợi.

Vào một buổi sáng, đang lúc chờ đợi, anh bỗng thấy một luồng sáng chói lòa trên đỉnh núi. Sau đó, Ngọc Hoàng Thượng Đế từ vùng sáng khoan thai bước ra.

Anh tiến đến trước mặt Ngọc Hoàng, hành lễ và cung kính hỏi về việc rùa dặn. Nghe xong, Ngọc Hoàng nói:

– Nó phải nhả viên ngọc ngậm trong miệng ra thì mới hóa kiếp được.

Anh tiếp tục đem chuyện của người trồng cam ra kể. Ngọc Hoàng bảo:

– Cam ấy không sinh quả vì dưới gốc nó có vàng.

Được thể, anh hỏi luôn số phận người con gái câm. Ngọc Hoàng trả lời:

– Nó không nói được chỉ vì chưa gặp ông Trạng nào khai khẩu cho nó.

Sau cùng, anh định hỏi về việc mình, thì Ngọc Hoàng gắt:

– Thật phiền phức quá! Ta rời Thiên Đình xuống đây để nghỉ ngơi, không ngờ lại bị người trần đến quấy rầy!

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Nói xong, Ngọc Hoàng cưỡi mây bay về Trời. Người học trò đành ngậm ngùi quay gót. Ra tới biển, anh thấy rùa đã chờ sẵn. Trong lúc chở anh về đất liền, rùa hỏi:

– Việc tôi thế nào?

Anh trả lời:

– Rùa phải nhả hòn ngọc trong miệng ra thì mới hóa kiếp được.

Rùa nhả hòn ngọc ra biếu anh. Nó liền biến thành một con cá vàng xinh đẹp bơi lượn nhởn nhơ.

Anh về tới nhà người trồng cam thì người chủ ra đón và hỏi:

– Cậu hỏi Ngọc Hoàng cho tôi chưa?

Anh trả lời:

– Thưa ông, tôi đã hỏi rồi. Dưới gốc cam có vàng. Đào vàng lên là cây cam của ông sẽ sinh trái.

Quả vậy, người chủ nhà lấy cuốc đào lên được một hũ vàng. Ông mừng quá chia cho anh một nửa.

Sau đó, anh lại tiếp tục lên đường. Anh về tới kinh đô đúng vào thời kỳ nhà vua đang tổ chức khoa thi. Nhờ viên ngọc quý mang trong người, anh trở nên thông minh khác thường. Sẵn có vàng, anh liền ở lại mua lều chõng, sắm sửa kinh sách để ôn luyện. Năm ấy, anh thi đỗ Trạng Nguyên.

Ít lâu sau, Trạng cưỡi ngựa vinh quy về làng. Lúc qua nhà người giàu, Trạng không quên lời hứa, dừng ngựa ghé vào thăm. Trạng chưa kịp cho ông chủ biết câu trả lời của Ngọc Hoàng thì cô con gái câm đã ra đón Trạng. Thấy Trạng, đột nhiên cô thốt lên thành lời.

Người cha mừng quá bèn gả con gái mình cho Trạng.

Trong câu chuyện trên, người học trò đã phải trải qua 30 năm nghèo khổ cơ cực, rồi lại một hành trình gian nan dằng dặc, có lúc tưởng chừng vô vọng để đến gặp Ngọc Hoàng. Thế nhưng, anh lại ưu tiên nhờ Ngài giải đáp vấn đề của những người khác trước. Là vì anh biết ơn họ đã giúp đỡ anh trên hành trình? Hay vì anh đơn giản chỉ là có thói quen lo nghĩ cho người khác trước?

Dù là thế nào, thì chàng học trò hiền lành thật thà kia cuối cùng chẳng hề bị thiệt. Anh chẳng những đắc được trí huệ, công danh, mà còn có được mối lương duyên Trời định. Đấy chẳng phải là phúc báo tốt đẹp cho tấm lòng lương thiện, vị tha của anh hay sao?

Mọi người vẫn thường bảo nhau: “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. “Thánh nhân” trong câu chuyện này là Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngài đã là vương chốn thiên đàng, cảnh giới của Ngài là thanh tĩnh vô vi, nào cần xuống một hòn đảo trần gian để nghỉ ngơi cơ chứ? Hẳn là Ngọc Hoàng cảm động trước tấm lòng thành của anh học trò nghèo mà hạ cố giáng lâm, từ bi giảng giải, lại để anh tự ngộ ra đạo lý: nghĩ cho người khác trước cũng là thiện đãi chính mình!

Thanh Ngọc

(Tham khảo: Truyện cổ tích Việt Nam)

Xem thêm:

Exit mobile version