Vào thời nhà Minh, có một người con hiếu thảo họ Ngô, tên gọi Thiệu Tông ở huyện Tân Thành, tỉnh Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, sống ở Mai Khê qua nhiều thế hệ. Chàng thiên tính thông minh, từ nhỏ đã rất giỏi viết văn chương. Vào năm Vạn Lịch Bính Ngọ (tức năm Vạn Lịch thứ 35, năm 1606), khi đốc học Lạc Nhật Thăng làm chủ khảo, đã chọn chàng là người đứng đầu trong các thí sinh, đương thời chàng mới 20 tuổi, sau này chàng đã nhiều lần tham gia thi cử đều đạt điểm cao.

Cha của Ngô Thiệu Tông tên là Ngô Đạo Long, thân thể ốm yếu đa bệnh, sau một thời gian dài bị bệnh, ông bị liệt không thể đứng dậy được, thân thể trước sau đều bật máu, chữa trị đã 10 năm mà không có hiệu quả. Vào tháng Giêng năm Mậu Ngọ, Ngô Đạo Long bệnh tình tăng nặng, con trai trong tâm thập phần lo lắng, nhưng lại không nghĩ ra được biện pháp nào, bèn trai giới mộc dục, thắp hương khẩn cầu thiên địa, cũng chích máu trong tay ra viết một bức huyết thư, định lên núi Thái Hoa và nhảy xuống “vách đá xả thân” để chết thay cho cha.  

Núi Thái Hoa là một ngọn núi nổi tiếng ở huyện Sùng Nhân, Phủ Châu, cách Tân Thành ba trăm dặm, tương truyền các vị thần tiên ở đó rất linh nghiệm, phàm là người đến chiêu bái, người có tội sẽ bị trừng phạt mà không thể lên núi được, thậm chí còn có linh quan đến đánh chết họ, người đồng hành có thể nghe rõ tiếng roi sắt quất xuống; Có người đột nhiên phát điên, đem tất cả những ác hành mà bản thân lúc bình sinh đã làm mà không ai biết kể hết ra. Trong điện thờ Thần bên trái có vách đá dốc dị thường, gọi là “đá xả thân”. Có người gặp phải chuyện gì đó cực kỳ nan giải sẽ đến đây và nhảy khỏi vách đá, vỡ đầu đứt chân mà chết, 

Sau khi Ngô Thiệu Tông viết xong tờ sớ, sáng hôm sau chàng lên đường một mình, đi bộ suốt hai ngày. Sau khi đến núi Thái Hoa, Ngô Thiệu Tông sống trong túp lều nhỏ của đạo sĩ Quan Tấn Vũ. Trong số những người cùng ngụ ở đó, có hai người đến từ thị trấn Nam Xương, còn có ba người là thư sinh đồng hương. Vào ngày 18, Ngô Thiệu Tông bước vào chánh điện, lầm rầm cầu nguyện rồi đốt tờ sớ. Những người cùng ngụ tại đó đã mời chàng cùng du lãm đỉnh Trữ Kì. Ngô Thiệu Tông đến rìa vách đá, bất ngờ nhảy xuống khỏi vách đá. Những người đồng hành đều kinh ngạc, không biết nên làm gì. Tin tức lan truyền, mọi người chấn động, hàng nghìn người vây xem.

Đạo sĩ nhờ người mua quan tài để chôn cất người con hiếu thảo Ngô Thiệu Tông. Từ đỉnh núi đến chân vách đá, đường núi quanh co, uốn lượn suốt bốn mươi dặm. Đột nhiên, vị đạo sĩ trong điện thờ vội vàng chạy tới vách đá, hét lên với mọi người: “Ai bảo Ngô tú tài nhảy khỏi vách đá mà chết? Hiện tại cậu ấy đang quỳ lạy dưới ngai Thần tọa, mặc y phục giống như trước đây.” Mọi người quay trở lên điện để xem, quả nhiên như vậy.

Hóa ra, sau khi Ngô Thiệu Tông nhảy khỏi vách đá, chàng dừng lại trên không trung mà không rơi xuống. Khi mở mắt ra, chàng nhìn thấy những đám mây trắng bay lên dưới chân mình, và thấy một cánh cửa đá lớn ở phía xa, trên đó có viết một chữ “Hiếu” rất to. Một lúc sau, chàng nhìn thấy ba vị thần tiên nói với chàng: “Hỡi người con hiếu thảo, trên tảng đá bên trái của ta có 92 phù triện thần tiên, con hãy ghi nhớ chúng, khi trở về hãy viết nó ra giấy, đốt nó cho cha ăn, không chỉ có thể trị khỏi bệnh cho cha, mà còn có thể kéo dài tuổi thọ.” Nói xong còn dạy chàng những chú ngữ và phù triện để hồi sinh, chữa bệnh lỵ, sốt rét, và xua đuổi bệnh dịch. Sau khi Ngô Thiệu Tông khấu đầu tạ ơn, thân thể đã ở trong chính điện. Ngô Thiệu Tông cho biết: “Toàn bộ quá trình giống như một giấc mơ.”

Sau khi Ngô Thiệu Tông xong việc, chàng lập tức chạy về, trở về nhà sau một ngày rưỡi. Khi chàng về đến nhà, thì cha đã bệnh nặng sắp chết, không còn nói được nữa. Ngô Thiệu Tông vội viết ra 92 tiên triện rồi đốt cho cha ăn, mọi người trong phòng đều ngửi thấy mùi thơm tỏa ra. Tiên triện vừa vào miệng, cha của Ngô Thiệu Tông đã có thể nói được, hỏi: “Đây là loại thuốc gì?” Ngày hôm sau cha chàng đã có thể ngồi dậy húp cháo, mười ngày sau liền khỏi bệnh. Ngô Thiệu Tông đã đi bộ 600 dặm, trong 5 ngày không ăn không uống. Cha chàng từ đó về sau khỏe mạnh hơn, cơm cũng ăn nhiều hơn, mỗi ngày đều ngâm thơ uống rượu. Ở tuổi 92, cụ vẫn còn minh mẫn, cuối cùng cụ qua đời mà không hề bệnh tật.

Từ đó trở đi, Ngô Thiệu Tông vang danh gần xa. Tiền sứ bộ thượng thư Độ Quốc Đỉnh là bạn bè đồng đạo, tiến sĩ Hoàng Đoan Bá, Quá Chu Mưu, cử nhân Hoàng Danh Khanh, Đồ Bá Xương, cống sĩ Cừ Quang Phu, đều bái chàng làm thầy. Ngô Thiệu Tông khi nhà Minh diệt vong vào năm Giáp Thân, đã đến Thái Ninh tránh chiến loạn, cuối cùng qua đời vì bệnh tại nhà thư sinh Liệu Dũ Đạt. Liệu Dũ Đạt đến Tân Thành, ở lại nhà của Ngô Trưởng Tộ, con trai của hiếu tử Ngô Thiệu Tông. Liệu Dũ Đạt nói: “Hiếu tử (Ngô Thiệu Tông) bình sinh có danh nghĩa tốt, coi nhẹ tiền tài, thường cung cấp tiền tài để giải quyết kiện tụng cho người khác. Sau khi tận mắt nhìn thấy thần linh, ông càng chú ý đến việc tu dưỡng đức hạnh của bản thân. Nếu xung quanh có người bị bệnh, hiếu tử sẽ dùng phù triện để chữa trị cho họ.”

Tác giả Ngụy Hi bình luận, nói: Nghe nói hiếu tử thường đến núi Thái Hoa, leo lên điện Thần, thì thầm với các vị thần tiên, thay người cầu nguyện, điều này người khác nhìn đều là trái với lẽ thường. Nhưng các quân tử trong huyện thường có thể kể lại tường tận sự tích của Ngô hiếu tử.

Nguồn: “Ngô hiếu tử truyện” của Ngụy Hi

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch