Đại Kỷ Nguyên

Ngôi nhà đích thực của sinh mệnh đời người ở đâu?

Khi bạn rời khỏi bụng mẹ đến với trần thế, thời khắc mở mắt ra, đại đa số đều khóc oe oe. Người ta nói, con người thấy trần thế quá khổ nên không muốn đến.

Gia đình

Khi đã đến cõi trần rồi, bất kể là giàu hay nghèo, bạn đều có một gia đình, một ngôi nhà để sinh tồn. Dưới sự chăm sóc và bảo vệ của cha mẹ, bạn dần dần trưởng thành. Từ một tờ giấy trắng ban đầu – một tờ giấy trắng thuần tịnh, bạn đã không ngừng nhuốm rất nhiều quan niệm, thói quen, hình thành nên bẩm tính và tính khí riêng, trở thành một con người riêng biệt và duy nhất. Bất kể khoa học kỹ thuật cao thế nào cũng không thể phục chế một con người hoàn chỉnh giống bạn được.

Bạn từ vô tri không biết gì đến mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, rồi bước vào xã hội, ăn thức ăn chốn nhân gian, nhận sự giáo dục chốn nhân gian, thân thể bạn không ngừng lớn lên, tư tưởng bạn dần dần thành thục, quan niệm cũng càng ngày càng nhiều, bạn cũng càng ngày càng độc lập hơn. Khi đã đủ lông đủ cánh, bạn không muốn nhận sự che chở của cha mẹ nữa mà đi tìm mảnh trời riêng cho mình.

Trong biển người mênh mông, vì duyên phận lôi kéo đưa đẩy, vì ân oán đời trước, bạn tìm được một nửa của mình, đó là người nguyện cùng bạn đồng cam cộng khổ, phong vũ đồng thuyền, thế là bạn đã có gia đình nhỏ của mình. Dần dà, gia đình nhỏ diễn biến thành đại gia đình, các loại quan hệ càng đan xen phức tạp như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, bạn bè, bạn học xưa… đã tổ thành một mạng lưới các mối quan hệ dày đặc.

Quốc gia

Quốc gia là một ngôi nhà lớn hơn nữa, là gia đình có rất nhiều người chung sống. Mỗi người sống trong quốc gia đều có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc và bảo vệ nó. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều các bậc nhân sỹ chí sỹ đã hiến dâng thân mình, đã đổ dòng máu nóng cuối cùng cho Tổ quốc. Họ cũng được lưu danh thiên cổ, được sử xanh lưu truyền bất hủ.

Người thống trị cao nhất của một quốc gia là cha mẹ của quốc dân, là sự đảm bảo về ăn mặc sinh sống của thần dân. Có tấm bình phong lớn của quốc gia che chở như thế này thì gia đình nhỏ mới được an toàn.

“Quốc thái dân an”, quốc gia là một ngôi nhà lớn hơn nữa, là gia đình có rất nhiều người chung sống. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Ngôi nhà đích thực của sinh mệnh

Bất kể là gia đình của cha mẹ, hoặc gia đình nhỏ của mình, hay là quốc gia, đều chỉ là những cái cảng tránh gió bão trong khi con người sinh tồn trong trần thế, đều là nơi để sinh mệnh được thăng hoa.

Sinh mệnh đến với thế gian, làm người không phải là mục đích. Phương Đông có truyền thuyết Nữ Oa, phương Tây có truyền thuyết Thượng Đế tạo ra con người. Con người đều từ Thiên quốc đến, vốn đều là những vị Thần thánh khiết trên Thiên thượng. Bởi vì sinh mệnh biến dị, không phù hợp với tiêu chuẩn trên cao tầng mà bị đọa xuống chốn phàm trần. Do đó, hàng nghìn năm nay nhân loại đều đang tìm tòi, tìm kiếm con đường trở về nhà, hy vọng có thể trở về ngôi nhà trên Thiên thượng, trở về với ngôi nhà của cha mẹ đích thực sinh ra bạn.

Chốn hồng trần cuồn cuộn chỉ là một quán trọ của đời người. Con người chỉ là lữ khách vội vàng trên đường, hết thảy những gì trên thế gian, khi sinh không đem đến, khi chết chẳng đem đi, khi đến thân trần trụi, khi đi hai bàn tay trắng. Nhưng cặp mắt con người quá thực tại, không thể nào nhìn thấu.

Sống trong cám dỗ của danh, tình, lợi, con người đã quên mất ngôi nhà đích thực của mình, đắm chìm trong đó, cứ vui mãi không biết mệt mỏi. Thậm chí còn có người, vì cái tự họ cho rằng là ‘chân lý’ mà tranh đấu cả đời, mà đánh mất đi cái sinh mệnh nhỏ bé này, mãi cho đến giờ phút lâm chung vẫn chưa minh bạch ra mình là ai, sống vì điều gì, không biết ngôi nhà đích thực của mình ở đâu, quả thật đáng buồn!

Trăm năm đời người thoáng qua cũng chỉ giống như lữ khách vội vàng trên đường. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Chính vì thế mà trong Phật giáo có các Pháp môn khác nhau, giúp người tu hành theo các Pháp môn đó đến với các thế giới của các vị Phật khác nhau. Ví như tu Tịnh Độ thì đến thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, tu hành theo Phật Dược Sư thì đến thế giới Lưu Ly, tu hành theo Phật Thích Ca thì đến thế giới Phạm Thiên… Còn trong Đạo gia giảng, tu Đạo là để phản bổn quy chân, trở về với bản nguyên của sinh mệnh. Đức Chúa Giê-su cũng giảng: “Các con tin ta thì sẽ đến được Thiên quốc”.

Như vậy, nhà là nơi con người trở về, chỉ có trở về ngôi nhà trên Thiên Thượng mới là cội nguồn đích thực của sinh mệnh. Những bất kể là ngôi nhà ở tầng thứ nào đều có mối liên hệ giữa Đạo và đức. Chỉ có tuân theo Đạo và đức, ngôi nhà chốn nhân gian mới hưng thịnh, ngôi nhà trên Thiên Thượng mới có thể có đường trở về, đời người mới có thể viên mãn. Nếu không thì đời người như chiếc thuyền con trên biển mênh mông mịt mù, như cánh chim nhỏ trên bầu trời bao la, đã mê lạc mất phương hướng, cuối cùng rơi xuống vực sâu thăm thẳm đáng sợ.

 

Kiến Thiện

Theo zhengjian.org

Exit mobile version