Đại Kỷ Nguyên

‘Ngũ hành tương sinh tương khắc’ – Thuyết Vạn vật của người xưa với những ứng dụng đáng kinh ngạc

Các nhà vật lý học vĩ đại nhất như Stephen Hawking và Albert Einstein đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và tìm ra sự thống nhất của Thuyết Vạn Vật. Và điều thú vị là hàng ngàn năm trước, người Trung Hoa cổ đại đã phát minh ra thuyết vạn vật của riêng mình – thuyết Ngũ Hành tương sinh tương khắc.

Ngũ Hành là một khái niệm cơ bản trong hiểu biết của người Trung Quốc về đặc tính tự nhiên và quy luật biến đổi. Khái niệm Ngũ Hành đã được đề cập đến trong Tam Tự Kinh – tác phẩm được biết đến nhiều nhất dành cho trẻ em Trung Quốc của tác giả Vương Ứng Lân (1223- 1296) thuộc thời nhà Tống. Trong suốt thế kỷ 18, Tam Tự Kinh là bộ sách đầu tiên mà giới trẻ theo học. Trong đó, thuyết Ngũ Hành dựa trên các quy tắc số học của người Trung quốc phản ánh trên quẻ dịch để giải thích về quy luật biến đổi của vạn sự vạn vật.

Mãi sau này, các nhà vật lý học vĩ đại nhất của lịch sử, như Stephen Hawking và Albert Einstein đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và tìm ra sự thống nhất của Thuyết Vạn Vật. Thuyết này được ví như bảo bối để giải thích về vạn sự vạn vật trong vũ trụ, từ hoạt động của não bộ con người tới sự hình thành của núi rừng hay biển cả, lớn hơn nữa là sự hình thành và hoạt động của các hành tinh và các vì sao trong vũ trụ bao la rộng lớn này.

Trong khi đó, từ hàng ngàn năm trước, người Trung Quốc cổ đại đã phát minh ra thuyết vạn vật của riêng mình, thuyết Ngũ Hành. Thuyết Ngũ Hành giải thích về 5 yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, là cơ sở tạo nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ của chúng ta. Gắn liền với thuyết Ngũ Hành là khái niệm về sự phát triển tương hỗ và ức chế lẫn nhau, mỗi một yếu tố có tác dụng thúc đẩy hay ức chế một trong các yếu tố còn lại.

Ví dụ: Nước giúp cây phát triển, lửa đốt cháy được gỗ, lửa làm tan chảy kim loại nhưng nước lại làm tắt lửa, cứ như vậy, các yếu tố đó sẽ kiểm soát nhau và duy trì trạng thái cân bằng hài hòa.

Bề mặt có vẻ như đơn giản nhưng thuyết Ngũ Hành ẩn chứa rất nhiều nguyên lí phức tạp và trừu tượng, được áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ y học cổ truyền, âm nhạc, ẩm thực, phong thủy, nghệ thuật kiến trúc, triết học. Sự toàn diện của thuyết này đã nên sự hài hòa của văn hóa Trung Hoa cổ đại.

Ngũ Hành ẩn chứa rất nhiều nguyên lí phức tạp và trừu tượng, được áp dụng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh dẫn theo tuviglobal.org

Nghệ thuật và kiến trúc

Biểu tượng của Ngũ Hành hiện hữu ở hầu hết các công trình nghệ thuật và kiến trúc của người Trung hoa cổ.

Ở Tử Cấm Thành, cung điện hoàng gia Trung Quốc được thiết kế với gam màu tươi đậm của sắc xanh lá cây, vàng và đỏ. Những màu này không đơn giản là được chọn cho đẹp mắt mà chúng tượng trưng cho các yếu tố: Mộc, Thổ, Hỏa, mang theo những thông điệp tốt lành cho sự hưng thịnh.

Những bức tường màu đỏ của Tử Cấm Thành biểu tượng cho yếu tố Hỏa trong Ngũ Hành, tượng trưng cho sự phồn vinh và thịnh vượng. Mái nhà màu vàng biểu tượng cho yếu tố Thổ, được cho là trung tâm của vũ trụ. Màu vàng của đất là tượng trưng sức mạnh quyền lực của hoàng đế, do vậy áo long bào của hoàng đế cũng có màu vàng này. Hành Hỏa cũng tương sinh với Hành Thổ vốn tượng trưng cho Hoàng Đế làm cho Hoàng Gia luôn thịnh vượng và mạnh mẽ.

Tường màu đỏ hành Hỏa, ngói màu vàng hành Thổ, áo long bào màu vàng hành Thổ; Hỏa sinh Thổ làm cho hoàng gia luôn thịnh vượng. Ảnh dẫn theo blogchinatur.blogspot.com

Tuy nhiên không phải mái nhà nào cũng đều màu vàng, mái nhà ở cung điện của con vua được lợp bằng những viên gạch màu xanh, biểu tượng của yếu tố Mộc trong Ngũ Hành, tượng trưng cho sự sinh trưởng và sức mạnh, phù hợp với sự phát triển của tuổi thanh thiếu niên. Ngoài màu xanh đại biểu cho hành Mộc, có thể dễ nhận thấy toàn bộ công trình này có nguyên liệu chủ yếu là gỗ – các cây gỗ lớn gọi là Giáp Mộc được sơn màu đỏ thếp vàng vì Giáp Mộc sẽ trở nên hữu ích nếu được Hỏa nung đốt cho cứng chắc và đuổi côn trùng khiến cho nó nghìn năm cũng không hư hại. Giáp Mộc cũng tượng trưng cho các quan lớn trụ cột của quốc gia và sự giáo dục ra nhân tài. Do đó nó còn có tác dụng tạo 1 vòng tuần hoàn tương sinh vì Mộc sinh vượng cho Hỏa – Hỏa sinh Thổ tức là Hoàng Gia qua các thế hệ đều mãi hưng vượng với sự trợ giúp của các trụ cột quốc gia và một nền giáo dục tốt nhất.

Một điều thú vị là thư viện của hoàng đế lại có màu đen, nhiều người cho là không tốt, nhưng thực ra nó lại liên quan tới yếu tố Thủy trong Ngũ Hành, nước tượng trưng cho mùa đông và tích trữ, biểu tượng cho việc bảo vệ kho sách bởi sách rất dễ bị cháy cũng như tương sinh cho hành Mộc của sách luôn vượng vì Mộc như đã nói ở trên chính là tượng trưng cho văn hóa giáo dục. Thư viện Hoàng đế phải luôn hưng vượng để cho các bậc đế vương có được tri thức tốt nhất mà quản lý hiệu quả đế chế của mình.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, một trong những loại nhạc cụ cổ xưa của văn hóa Trung hoa mà mô tả được đầy đủ quan niệm hay ý tứ của người xưa là đàn Tì bà. Nó có cấu tạo từ gỗ ngô đồng, đàn có chiều dài 35 thốn, trong đó số 3 tượng trưng cho Thiên – Địa – Nhân còn số 5 tượng trung cho Ngũ Hành, đàn có 4 dây tượng trưng cho 4 mùa: Xuân, Hạ,Thu, Đông.

Đàn Tì Bà. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Ẩm thực và y học

Thuyết Ngũ Hành chính là nền tảng căn bản của ẩm thực Trung hoa và y học cổ truyền, vì nó giúp cân bằng hài hòa giữa mùi vị và năng lượng của cơ thể. Mỗi một yếu tố đều gắn liền với một hương vị, gắn liền với một bộ phận của cơ thể và một loại năng lượng.

Các món ăn Trung Hoa luôn có một nhiệm vụ chính là phối hợp với Ngũ Hành của thời tiết để cân bằng yếu tố Ngũ Hành trong thân thể nhằm mục đích làm cho cơ thể cân bằng và luôn khỏe mạnh sung sức trong bất kỳ thời tiết nào. Ví dụ yếu tố Kim gắn liền với hương vị cay hoặc nồng, gắn liền với phổi, gắn liền với loại năng lượng khô. Vì sao vị cay nóng như vậy lại thích hợp với mùa lạnh và mùa ẩm ướt. Vì mùa đông là lúc lạnh nhất chính là yếu tố Kim vượng, mà Kim lại sinh Thủy nên theo Tiết Khí thì mùa đông thuộc hành Thủy. Tính chất của Kim và Thủy là hàn (lạnh) nên mùa này dễ bị mắc bệnh hô hấp khi Kim và Thủy quá vượng làm Ngũ Hành cơ thể mất cân bằng.

Có thể dễ thấy nhất là khi hít khí lạnh nhiều sẽ dễ bị sưng phổi (Kim) do phổi có nước (Thủy) dẫn đến viêm. Cay nồng chính là mang Hỏa tính có tác dụng khắc chế Kim và giảm thế mạnh của Thủy làm cân bằng lại nội tạng. Do đó thực phẩm có hương vị cay nóng thường có tác dụng chống lại sự ẩm ướt và làm ấm cơ thể, làm phân tán cái lạnh. Các loại thảo mộc như: gừng, tỏi, hành tây và mù tạt làm giảm sự xung huyết trong phổi, kích thích tuần hoàn máu, khiến vị giác nhạy bén hơn với thức ăn. Đây là sự kết hợp hoàn hảo khi thời tiết lạnh và ẩm ướt.

Khi thời tiết lạnh và ẩm ướt người Trung Hoa thường ăn món cay; cũng bắt nguồn từ ngũ hành mà ra vậy. Ảnh dẫn theo baomoi.com

Nhưng khi mùa nóng và khô đến, chúng ta lại muốn ăn những món ăn ngọt và mát như cháo đậu xanh, nước lúa mạch, chân châu thảo dược và tào phớ.

Vì mùa nóng chính là mùa Hỏa và Thổ vượng khi nắng nóng suốt ngày làm khô nước và mặt đất nóng với cát bụi mù trời, cơ thể mất cân bằng Ngũ Hành nghiêm trọng, đặc biệt là những ai làm việc ngoài trời sẽ dễ bị sốc nhiệt (hỏa vượng thủy kiệt) khiến ngất hay váng đầu. Đó chính là lúc cần thực phẩm có nước nhiều (Thủy) và mát lạnh (Kim) để làm Hỏa và Thổ cân bằng trở lại trong cơ thể vì Thổ khắc Thủy và Hỏa khắc Kim xong sẽ trở nên suy yếu.

Cách chế biến món ăn Trung Quốc thực sự mang lại hiệu quả bởi nó là sự kết hợp hài hòa hoàn hảo giữa các loại thực phẩm và hương vị để tăng cường sức khỏe và tuổi thọ. Hơn thế nữa nghệ thuật chân chính của ẩm thực Trung Hoa chính là làm cân bằng ngũ hành cơ thể và bên ngoài, tăng sức mạnh của đề kháng cơ thể, dùng sức mạnh tự thân mà chống lại bệnh tật. Vì Y học cổ truyền Trung Hoa cho rằng các triệu chứng bệnh và các dấu hiệu nói lên sự mất cân bằng âm dương và ngũ hành trong cơ thể được phản ánh lên mỗi bộ phận khác nhau

Ví dụ: Ngũ hành trên thân thể người tương ứng với các bộ phận như sau:

Mộc: ứng với Gan
Hỏa: ứng với Tim
Thổ: ứng với Dạ dày
Kim: ứng với Phổi
Thủy: ứng với Thận

Khi mất cân bằng trong Ngũ Hành lập tức sinh ra bệnh, vậy trong điều trị bệnh của người Trung Quốc cổ xưa thường dùng lý tương sinh tương khắc để bồi bổ cơ thể cũng như tiết chế bệnh tật, nhằm cân bằng lại Ngũ Hành theo định lý: Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Trong cơ thể người thì can mộc sinh tâm hỏa, tâm hỏa sinh tì thổ, tì thổ sinh phế kim, phế kim sinh thận thủy, thận thủy sinh can mộc.

Lý tương khắc bao gồm: Mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc. Áp dụng cho thân thể người thì lý tương khắc thể hiện như sau: Can mộc khắc tì thổ, tì thổ khắc thận thủy, thận thủy khắc tâm hỏa, tâm hỏa khắc phế kim, phế kim khắc can mộc.

Trong y học, thuyết Ngũ Hành có vai trò cực kì quan trọng, giúp nắm được biểu hiện bệnh lí, các quan hệ bệnh lí và phương thức điều trị. Có rất nhiều các danh y trong lịch sử chỉ dùng mắt, dùng tay mà phỏng đoán bệnh tật và họ đều phải thông thạo yếu tố về Ngũ Hành này.

Điều nói trên là một minh chứng đơn giản nhất trong việc hoà hợp với tự nhiên của ẩm thực và y học Trung Hoa. Được phát triển qua hàng ngàn năm, việc áp dụng lý thuyết này là trên thực tế là phức tạp hơn, tinh tế hơn. Tất cả đều dựa trên khái niệm cơ bản của Thuyết Ngũ Hành.

Năm đức tính (ngũ thường) phải có của đạo Khổng

Đó chính là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây là quan điểm trong tư tưởng của Khổng tử và Mạnh Tử. Đến khoảng hai trăm năm sau thời Khổng Giáo nguyên thủy tại thời kỳ tiền thân của nhà Tần, Khổng Giáo đã được nâng lên thành hệ tư tưởng chính thức, áp dụng vào thời nhà Hán với nhà triết gia nổi tiếng Đổng Trọng Thư. Hệ thống tư tưởng này đã tìm ra mối liên hệ giữa thuyết âm dương và thuyết Ngũ Hành.

Trong quan điểm của ông, Đổng Trọng Thư tin rằng vũ trụ bị chi phối bởi thuyết này và con người nên phù hợp với nó. Ông đi tiên phong trong khái niệm rằng năm đức tính con người cần phải có là phù hợp với nguyên lý Ngũ Hành như sau:

Năm đức tính (ngũ thường) phải có của đạo Khổng.

‘Nhân’ tương ứng với hành Mộc:

Nhân là đứng đầu trong Ngũ Đức và là gốc của tất cả đức tính trong Ngũ Hành. Nhân tượng trưng cho sự phát triển và hài hòa tự nhiên vì Nhân có biểu trưng lớn nhất chính là tình thương với vạn vật, không làm hại sinh mệnh nào. Cây cối chính là biểu tượng tuyệt vời vì không bao giờ làm hại bất cứ sinh vật nào một cách có chủ ý. Nhân cũng chính là sống hòa hợp với thiên nhiên mà thiên nhiên biểu trưng lớn nhất đến đời sống con người chính là cây cối nên Nhân ứng với hành Mộc.

Và Mộc cũng chính là biểu trưng cho sự tu hành và giáo dục vì Nhân cũng có nghĩa là người và để làm người một cách tốt nhất chính là phải có học và tu hành.Tóm lại Nhân chính là Đức quan trọng nhất trong Ngũ Đức vì nó nói đến quy phạm làm người, tất cả các đức về sau đều bổ sung cho Nhân sao cho người ta có thể trở thành Chính Nhân Quân Tử mà thôi. Chính là câu “Nhân Giả Vô Địch“ (người có Nhân không ai địch nổi) là như vậy.

‘Lễ’ tương ứng với hành Thủy:

Lễ đứng thứ hai trong Ngũ Đức tượng trưng cho sự cung kính và mềm mỏng, lễ nghi và thứ bậc trên dưới. Tại sao Lễ lại quan trọng như vậy, vì nó chính là tương sinh ra đức Nhân (Mộc). Con người ta học hành thì phải luôn tuân thủ theo Cổ Lễ thì mới làm Chính Nhân Quân tử. Hay nói cách khác chính là Lễ dưỡng dục cho đức Nhân của con người. Người vô lễ vô phép không biết tôn ti chắc chắn không phải người Nhân.

‘Nghĩa’ tương ứng với hành Kim:

Đứng thứ ba trong Ngũ Đức thể hiện sức mạnh và ý chí kiên cường. Người Nhân mà không có nghĩa thì cũng vô dụng vì không thể nhập thế giúp đời được. Ví như một cây gỗ lớn muốn dùng làm cột nhà tất cả chặt hết các cành lá rườm rà và gọt cho trở nên thẳng bằng dao rìu (Kim). Quá trình này đối với cây rất đau đớn nhưng cũng nhờ vậy mà cây trở thành rường cột có ích cho con người. Người Quân Tử cũng chính là phải trải qua gian khổ mới có được sức mạnh và ý chí kiên cường, mới có thể gánh vác trách nhiệm, hoàn thành đức Nhân của mình, đem tài học mà cống hiến cho xã hội.

Người Quân Tử cũng chính là phải trải qua gian khổ mới có được sức mạnh và ý chí kiên cường. Ảnh dẫn theo pinterest.com

‘Trí’ tương ứng với hành Hỏa:

Đứng thứ tư trong Ngũ Đức thể hiện sự thông minh trí tuệ. Hỏa này chính là lửa dùng để thui cây. Sau khi chặt hạ cây bằng dao rìu (Kim hay Nghĩa bên trên) thì còn phải qua một bước chính là dùng Hỏa để thui cho cháy đi hết các dăm gỗ vụn và đốt chết các côn trùng ẩn nấp trong thân cây khiến có thể làm cây bị mọt và hư sau này.

Đó là lửa nhỏ, còn lửa lớn như cháy rừng thì sao? Chính là từ lớp tro tàn của những cây gỗ đã chết mà các cây non lại mọc lên sinh cơ bừng bừng và phát triển sự sống vô tận cũng như người quân tử dẫu có chết vi Đạo thì di sản để lại cũng là có ích cho muôn đời sau. Nên với đức Trí thì người quân tử ngoài việc có ý chí sắt thép kiên cường thì càng cần phải có trí tuệ lớn lao thì mới thành công lâu bền. Ví như một thân cây trong lửa dẫu có đau khổ thế nào cũng luôn im lặng chịu đựng vì sao? Vì chính là Trí Tuệ sẽ phát sinh trong kiếp nạn, đối diện sinh tử sống chết vẫn là dùng sự yên tĩnh tuyệt đối mà thản nhiên đối diện. Đó chính là Trí mà cũng là Dũng của Thánh Nhân.

‘Tín’ tương ứng với hành Thổ:

Đức cuối cùng trong Ngũ Đức và tượng trưng cho sự bền vững về tâm chí và kiên định. Xếp cuối cùng nhưng lại không phải là ít quan trọng nhất vì Tín chính là Đất để dưỡng cây cùng với Lễ (Thủy). Thiếu một trong hai yếu tố này thì chắc chắn cây sẽ chết – tức là không đạt Nhân. Nên người quân tử nếu không thủ Tín và giữ Lễ thì sẽ không xứng làm người nên cũng đừng nói đến Trí và Nghĩa làm gì.

Nó còn có một ý nghĩa nữa chính là Tín và Lễ luôn phải bổ sung cho nhau, nếu chỉ dùng một cái hay thiếu một cái đều không đạt Nhân – tức là cây chết. Nên người quân tử muốn Thủ Tín tức phải xem xét xem cái Tín ấy có hợp với Lễ hay không mà quyền biến. Nếu không hợp Lễ cũng không cần giữ. Còn ai mà cứ khăng khăng thủ Tín dù không hợp Lễ chính là người câu chấp và làm điều xằng bậy cũng như Đất Khô sẽ làm chết cây.

Người quân tử muốn Thủ Tín tức phải xem xét xem cái Tín ấy có hợp với Lễ hay không mà quyền biến. Ảnh dẫn theo pinterest.com

5 đức tính này với trọng tâm là Đạt Nhân và Hài Hòa đã trở thành quy chuẩn đạo đức rất khắt khe hơn 2 ngàn năm qua của Nho Gia khiến cho xã hội an định cũng như đào tạo hàng triệu nho sinh, quan lại giúp đỡ vua cai trị bách tính ấm no. Nên cũng không lấy gì làm lạ mà hiện nay Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều cổ súy nghiên cứu trở lại tư tưởng Ngũ Hành và các triết lý cổ của Nho Gia cũng như phương Đông.

Đổng Trọng Thư kết hợp âm dương Ngũ Hành để giải thích các hiện tượng tự nhiên, xã hội, con người. Theo ông, giữa con người và tự nhiên có một mối quan hệ thần bí. Khi giải đáp về khởi nguồn, kết cấu của vũ trụ, ông nói đại ý rằng: Trong vũ trụ con người là sự sáng tạo đặc biệt của Trời, vượt lên vạn vật, tương hợp với Trời. Trời có bốn mùa, con người có tứ chi. Từ thuyết “Thiên nhân hợp nhất”, ông đã dẫn dắt ra mệnh đề “Thiên nhân cảm ứng”, để nói lên rằng thiên tai là do trời cảnh cáo loài người. Bên cạnh đó ông còn nói:

Trời không đổi, Đạo cũng không đổi, con người cần sống hoà hợp với quy luật của Trời đất. Có nghĩa là: con người là một tiểu vũ trụ, thân thể sẽ đạt đến trạng thái tốt nhất khi tuân theo thuyết ‘thiên nhân hợp nhất’.

Có lẽ cũng nên hiểu rằng sự hiện diện của mỗi con người chúng ta ở nơi đây đã được an bài trong thế giới này, là một phần tử của thế giới này. Vậy nên hẳn là tốt hơn khi mỗi việc chúng ta làm đều cần có sự suy nghĩ cân nhắc, sao cho phù hợp với quy luật của tự nhiên, thuận theo tự nhiên mới là cách hành xử đúng đắn nhất.

Tịnh Tâm

Xem thêm:

Exit mobile version