Đại Kỷ Nguyên

Người ăn mày nói một câu khiến vị quan hổ thẹn trong lòng

Vào triều đại nhà Thanh, ở cửa nam của huyện Vĩnh Thanh có một người ăn mày tên là Tiểu Trương. Mọi người thường gọi cậu là Trương ăn mày.

Tiểu Trương sinh ra trong một gia đình bần cùng, cha mất sớm, mẹ mù lòa. Từ sau khi cha mất, Tiểu Trương đành phải dựa vào ăn xin để nuôi nấng mẹ. Hai mẹ con họ không có nhà để ở nên đã trú tạm ở một ngôi miếu cổ cũ nát trong làng.

Một ngày nọ, tuyết rơi phủ trắng mặt đất. Quan tri huyện là Ngụy Kế Tề tình cờ đi qua ngôi miếu cổ cũ nát kia và nghe thấy tiếng hát từ bên trong truyền ra. Âm điệu tuy không phải là tuyệt hay, đặc sắc nhưng lại rất tình cảm, vui tươi và cảm động lòng người.

Vị quan tri huyện cảm thấy kỳ lạ liền quay lại hỏi đám tùy tùng: “Các ngươi có biết tiếng hát đó là của ai không? Ai đang ở trong ngôi miếu cổ này vậy?”

Đám tùy tùng vì đã thường xuyên gặp mặt Tiểu Trương ăn xin ở ngoài đường nên trả lời ngay: “Thưa ngài, tiếng hát này là của tên ăn mày họ Trương đấy ạ! Gia cảnh bần hàn, mẹ già mù mắt nên phải ở tạm chốn này.”

Vị quan tri huyện nghe xong cảm thấy có chút tò mò, tiến vào bên trong chứng kiến hai mẹ con người ăn mày rách rưới liền cất lời hỏi thăm: “Tuyết rơi đầy trời, lạnh buốt thấu xương, ngươi vì cái gì mà hát vậy?”

Tiểu Trương đáp lời: “Thưa ngài, hôm nay là ngày sinh nhật của mẹ tôi. Tôi hát để chúc mừng sinh nhật mẹ và cũng là muốn khích lệ mẹ luôn sống vui tươi.”

Ngụy Kế Tề nghe xong thấy cảm động trong lòng, cũng thương xót gia cảnh của họ liền lệnh cho đám tùy tùng mang một ít đồ dùng và lương thực ở trên xe đến tặng cho mẹ của Trương ăn mày. Đồng thời, Ngụy tri huyện cũng tặng cho Trương ăn mày 10 quan tiền.

Trương ăn mày quỳ gối dập đầu nói: “Tri huyện ban tặng đồ dùng và lương thực cho mẹ con chúng tôi, chúng tôi không dám nhận ạ. Quan tri huyện ban thưởng tiền cho tôi, tôi cũng không dám nhận đâu ạ.”

Ngụy tri huyện có chút bất ngờ, lên tiếng nói: “Cái này chẳng phải tốt hơn nhiều so với cơm thừa canh cặn mà hai mẹ con ngươi ăn xin hàng ngày sao?”

Trương ăn mày cung kính đáp lời: “Không ạ! Mẹ con chúng tôi ăn cơm thừa canh cặn đã rất lâu rồi. Tuy chỉ là cơm thừa canh cặn nhưng chúng tôi lại cảm thấy trong lòng rất an bình, thanh thản, chúng không có gì là không sạch sẽ cả. Tiểu dân chỉ là một người dân ngu muội dốt nát, không biết rõ số tiền kia là tri huyện từ đâu mà có được. Mẹ con chúng tôi chỉ hy vọng, người làm quan đều thanh bạch, như vậy thì dân chúng sẽ được nhờ ạ.”

Ngụy tri huyện nghe xong những lời này trong lòng cảm thấy chấn động và vô cùng hổ thẹn khi nhớ về những ngày tháng làm quan của mình. Ông thầm nghĩ: “Chỉ là một tên ăn mày mà lại có tâm hồn cao thượng như vậy. Xem ra, ta đây còn không bằng một tên ăn mày rồi!”

Ngụy tri huyện không ép họ nhận đồ và tiền nhưng cảm kích trước khí phách của Tiểu Trương nên muốn cho họ một phòng ốc nhỏ để ở. Nhưng Trương ăn mày sau khi biết ý định của Ngụy tri huyện đã lặng lẽ cõng mẹ rời khỏi địa phương đến nơi khác sinh sống.

Ngụy tri huyện sau khi biết điều này càng cảm phục trước lòng thanh bạch của mẹ con họ, không vì nghèo hèn, không vì tham lam mà nhận của cải phi nghĩa. Từ đó về sau, Ngụy tri huyện cũng trở thành một vị quan thanh liêm, được người dân trong vùng tôn kính.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version