Đại Kỷ Nguyên

Người cảnh giới càng cao càng giữ được tĩnh khí

Sinh ra là con người không thể tránh khỏi sinh lão bệnh tử, những chuyện không như ý trong đời người nhiều vô kể, nếu không có trái tim tĩnh lặng như nước, thì cũng sẽ phải chịu đau khổ vì suy tính thiệt hơn.

Ta thường nhìn thấy một số người vì có được vài thứ vật chất nhỏ nhoi mà vui mừng hớn hở, hạnh phúc đến khoa chân múa tay. Cũng nhìn thấy một số người khi mất đi thứ gì đó có giá trị thì khóc lóc đau khổ, dằn vặt cả đời. Đối mặt với những gập ghềnh, quanh co của cuộc sống, những khó khăn vất vả, nếu trái tim vì vật chất mà lao lực thì nửa đời sống trong bi thương mà không tìm thấy niềm vui.

Một người nếu không hiểu được cách kiềm chế tình cảm thì dễ phải đối mặt với những bất hạnh trong đời. Cuộc sống nghèo nàn về vật chất không đáng sợ bằng sự thiếu hụt của tinh thần, lương trì. “Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn” là một cảnh giới trong văn hoá truyền thống và cũng là tiêu chuẩn tu luyện đạo đức của người xưa. Người xưa cho rằng, ham muốn càng lớn, áp lực cuộc sống càng tăng lên. Nếu có thể giảm bớt những ham muốn thì cuộc đời tự khắc sẽ nhẹ nhàng và thanh thản.

Thời Bắc Tống có một nhà chính trị gia, nhà văn học và một nhà giáo dục tên là Phạm Trọng Yêm ( ảnh: wikipedia).

Nguồn gốc của câu nói: “Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn” xuất phát từ tác phẩm Nhạc Dương lâu ký của một đại thần nhà Tống, Phạm Trọng Yêm. Ý nghĩa của nó vô cùng sâu xa: Không vì những thứ vật chất bên ngoài mà vui mừng, cũng không vì bất hạnh của bản thân mình mà phiền muộn.

Nếu đời người tiến cũng lo lắng, lùi cũng lo lắng thì biết đến bao giờ mới có thể vui vẻ? Năm đó, Phạm Trọng Yêm viết trong Nhạc Dương Lâu ký: “Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn”. Khi đó ông đang ở trong những năm tháng khó khăn nhất của đời người, bị cách chức và bị giam giữ tại Đặng Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Mười chữ này của ông lại không hề phản ánh khó khăn mà ông đang trải qua lúc đó, trái lại, cho thấy sự bình thản của người quân tử, điều này cho thấy nội tâm của Phạm Công quá kiên cường.

Trước khi viết ra những lời thấu triệt đạo lý kia, tâm sự của Phạm Trọng Yêm cũng khá phức tạp. Khi còn làm quan trong triều, ông lo lắng cho bách tính thiên hạ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Cho đến khi bị lưu đày ở vùng xa xôi, ông lại lo rằng Hoàng đế trong triều không nghe lời can gián của trung thần trong triều mà hành sự sai lầm. Do đó Phạm Trọng Yên không cách nào ngừng lo âu cho được, vậy thì lúc nào mới có thể vui vẻ thực sự đây?

Khi đã thấu tỏ đạo lý hành xử trong đời, cuối cùng Phạm Trọng Yêm đã hiểu, dù đối mặt với thất bại hay thành công, đều cần giữ được tĩnh khí. Đừng vì thành công hay thất bại nhất thời mà xử tệ với bản thân mình. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng hãy duy trì một trạng thái rộng lượng, điềm nhiên, yêu mình yêu người, lấy Thiện đãi người. 

Suy xét kỹ lại, đời người quả thực có nhiều việc không như ý muốn, đa số đều là do người ta quá đặt nặng sự được mất mà thôi. Ví như nào là tranh đấu vì chức vụ, vì lợi ích, vì thanh danh mà so bì cao thấp quyết liệt với người khác. Khi đắc ý thì cười nói ha ha, coi trời bằng vung, lúc thất ý thì mặt mày ủ dột, lực bất tòng tâm, mất hết ý chí. Cổ nhân coi những hạng người như vậy chưa đáng được gọi là trượng phu, cũng chỉ là hạng thất phu mà thôi.

Ảnh: Lovepik.

Trong lịch sử có rất nhiều trung thần nghĩa sỹ, khi gặp phải khó khăn cản trở đều không thấy khó mà lui. Tô Thức, Nhạc Phi, Tân Khí Tật, Lâm Tắc Từ… khi bị giáng chức đều là thản đãng, an nhiên, không hề bất mãn hay suy sụp, ủ rũ, nản lòng. Họ coi đó là một cơ hội để tu tâm dưỡng tính, sắt son với đạo nghĩa và rốt cuộc luôn giữ cho mình một tâm hồn cao quý, một phẩm hạnh chính trực. 

Người quân tử có tấm lòng trong sáng vô tư, dù bên ngoài là biến nghịch gì cũng không thể đụng chạm tới tâm linh họ. Làm người nếu có thể thanh tâm quả dục, không quan tâm nhiều đến được mất hơn thua thì tự nhiên có thể đạt được cảnh giới “Không vì vật mà vui, không vì mình mà buồn”. Tâm tĩnh lặng như nước là đạo xử thế của những người có đạo đức cao thượng.

Tịnh Văn
Theo Secretchina

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

Exit mobile version