Làm một người đơn giản, có cách sống đạm bạc, tư tưởng thanh tĩnh, không bị cuốn vào trong sự xa hoa của chốn hồng trần, ấy mới là cảnh giới của bậc trí huệ vậy. 

Lão Tử, họ Lý, tên Nhĩ, tự là Đam, người thời Xuân Thu, viết cuốn “Đạo Đức Kinh” 5000 chữ, chính là tinh hoa đạo học của mình lưu lại hậu thế. Đây cũng là một trong những cuốn sách được xuất bản nhiều nhất trên thế giới với nội dung bác đại tinh thâm. Lão Tử khuyên người ta phải biết tu thân dưỡng tính, sống thuận theo tự nhiên, chất phác, không tranh giành, vạn sự tùy kỳ tự nhiên. 

Đạo xử thế: Người cảnh giới càng thấp càng phức tạp, người cảnh giới càng cao càng giản dị, đơn thuần

Trong “Đạo Đức Kinh” nói: “Ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta ù tai, ngũ vị làm người ta tê lưỡi, ruổi ngựa săn bắn làm lòng người mê loạn, vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái này mà lựa cái kia”. Bỏ cái cần phải bỏ, tức là những thứ khởi lên lòng dục: đồ ăn ngon, quần áo đẹp, mĩ nữ, thanh sắc… Còn cầu là cầu sự chất phác, vô dục vậy. 

Người có tấm lòng đơn giản thì nghĩ ít, tấm lòng không phức tạp, vì thản đãng mà đối với từng việc, từng người lại tập trung hơn, chu đáo hơn. Họ cũng không để ý nhiều đến những lời đánh giá, soi xét của người khác. Họ hành động theo những gì trái tim mình mách bảo, chỉ cần không phải chuyện thương luân bại lý là được rồi. 

Người lúc nào cũng mong muốn đạt được càng nhiều thì tính toán càng chi li càng mệt mỏi. Trong một xã hội hiện đại đang ngày càng phức tạp hơn, học cách trở thành một người đơn giản cũng không phải chuyện dễ dàng, cũng đòi hỏi một cảnh giới cao. 

Người đơn giản hiểu được sự khác biệt của đơn giản và phức tạp, trong thế giới phức tạp vẫn giữ được sự bình yên trong trái tim. Làm một người đơn giản, ăn những món đơn giản và sống những ngày tháng đơn giản nhất. Một cuộc sống thực sự ý nghĩa, rốt cuộc lại chính là đơn giản, bình bình thản thản mà bước đi, giữ được trái tim thuần khiết thuở ban đầu. 

Tranh vẽ Khổng Tử và Lão Tử đang cùng nhau luận Đạo (ảnh: Sohu).

Đạo làm người: Người cảnh giới thấp thì hùng hổ, người cảnh giới cao lại nhu hòa

Lão Tử viết trong “Đạo Đức Kinh” rằng: “Thượng thiện nhược thủy. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố ky ư đạo”. Nghĩa là: Người thiện vào bậc cao thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với Đạo”. 

Những người hiền hòa lại cũng giống như nước vậy, mặc dù yếu mềm nhưng bao dung vạn vật. Làm người hiền hòa, nói chuyện, làm việc đều trừ lại cho người khác một chỗ trống, một đường lui. Làm người, làm việc một cách hiền hòa, không kiêu ngạo, người khác sẽ có ấn tượng tốt với bạn. Có ấn tượng tốt thì sẽ có nhân duyên tốt. Nhân duyên tốt rồi thì con đường sẽ rộng rãi, thênh thang. 

Ở chương 9, “Đạo Đức Kinh” cũng viết: “Trì nhi doanh chi bất như kỳ dĩ. Sủy nhi nhuệ chi bất khả trường bảo”. Nghĩa là: Giữ và đổ đầy mãi, không bằng dừng lại. Mài cho nhọn sắc, không giữ được lâu. Người ta khi nắm giữ mọi thứ thường trở nên tự kiêu tự đại, chi bằng dừng lại đúng lúc. Vật đã mài lộ rõ mũi nhọn, khó mà duy trì lâu bền được, tất phải mòn, phải gãy.

Đây là một đạo lý xử thế rất thâm sâu. Những người mạnh mẽ, sắc sảo quá thường không chú ý đến lời nói và hành động, rất dễ làm tổn thương người khác và cũng dễ chuốc lấy oán thù. Kẻ tài giỏi mà phô mình quá lộ liễu thì cũng dễ rước họa vào thân. Tướng quân thời cổ đại, trăm trận giáp chiến sa trường, lập bao oai vinh hiển hách nhưng cuối cùng cũng chẳng thể thoát nổi kiếp “thỏ chết chó săn bị mổ”, như tấm gương tày liếp của Hàn Tín xưa kia. Chỉ có cách hướng nội, tự tu sửa mình, không phô trương mới có thể khiến bạn trở thành một người điềm tĩnh và khí thế. 

Đạo lý dưỡng sinh: Người cảnh giới thấp chú trọng “dưỡng”, người cảnh giới cao chú trọng “thuận”

Tư Mã Thiên, sử gia nổi tiếng thời Hán, từng nói về Lão Tử rằng, dù Lão Tử 60 tuổi hay 200 tuổi thì ông vẫn sống mạnh khỏe nhờ vào việc tu đạo dưỡng thọ. Là sử quan của triều Chu, Lão Tử thông hiểu con đường dưỡng sinh, có trí tuệ dưỡng sinh độc đáo.  Người bình thường, nghĩ đến hai từ “dưỡng sinh” cho rằng chỉ là chuyện ăn, ngủ, điều dưỡng khí huyết, tinh thần. Tất nhiên đó là một khía cạnh không thể chối bỏ. Song cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh chính là một chữ “Thuận”, thuận theo tự nhiên, thuận theo Đạo. Con người sinh ra từ vũ trụ, trở về với bản tính thuần phác của vũ trụ, thuận theo đạo lớn của trời đất thì mới là cách bảo tồn sinh mệnh khôn ngoan nhất. 

Người hiện đại, đối với thực phẩm, ngày càng kén cá chọn canh, rất tin vào những chỉ số đo lường khoa học, nào là chất xơ bao nhiêu, chất đường bao nhiêu, chất đạm bao nhiêu… Người ta chừng như ăn gì cũng sợ không sạch sẽ, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cũng có những người rất kén ăn, mỗi chén cơm, gắp rau đưa vào miệng đều là bồn chồn lo lắng, cơ thể và tinh thần tưởng khỏe mà lại không khỏe hơn chút nào. 

Trong thế giới quan của Lão Tử, chìa khóa quan trong nhất của dưỡng sinh chính là dưỡng tinh thần. Giữ cho trái tim luôn được thản nhiên, bình hòa mới là môn pháp quan trong nhất của dưỡng sinh. Người hiện đại vì dưỡng sinh mà lại đang bó mình vào đủ thứ công thức, quan niệm cứng nhắc khác nhau, như vậy là đã thất bại ngay từ đầu rồi.

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”. Nghĩa là, người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên. Dưỡng sinh một cách đúng đắn nhất thì chính là người nên thuận theo đạo Trời, thuận theo tự nhiên, chỉ cần giữ được trạng thái bình thường là đủ, không cần phải cố ý gia tăng thêm.

Tranh vẽ Lão Tử (Ảnh: Pixabay).

Thuật mưu sự: Người cảnh giới thấp thì “nhận”, người cảnh giới cao lại “buông”.

Muốn thành đại sự, nhất định phải biết cách tập hợp nhân tài. Có thể tập hợp nhân tài là một lẽ, còn phải biết cách quản trị, sử dụng nhân tài hợp lý. Một nhà lãnh đạo giỏi, một thương nhân giỏi, hay dù chỉ là một phụ huynh giỏi nhất định phải hiểu về cách quản lý. Như thế nào mới là một người quản lý giỏi?

Lão Tử nói: “Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh vạn vật” (Đạo sinh ra một, một sinh ra hai, hai sinh ra ba, ba sinh ra vạn vật). Như vậy “Đạo” chính là khởi nguyên của vạn vật, sinh sôi ra vạn vật, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp. Cơ chế “sinh ra vạn vật” này cũng là một kiểu phát triển, sinh trưởng rất tự nhiên, thuộc về bản tính của vạn vật. 

Do đó, bất luận là một chính trị gia có sự nghiệp lỗi lạc hay một ông bố, bà mẹ bình thường chỉ đơn giản là giáo dục con cái trong nhà thì đều cần phải đưa được cái gọi là bản tính tự nhiên này hiển lộ ra ngoài. Đó cũng là nói, quản lý một quốc gia thì nên lấy khoan hòa làm chủ, luật pháp không cần quá nghiêm khắc, mà xây dựng một nền đức trị khoan dung. Quản trị một gia đình, dạy dỗ con cái cũng không cần phải quá chặt chẽ, chi li, mà phải biết buông nhẹ. hãy để con cái tự mình trưởng thành, tự tìm cho mình một phong cách sống riêng, miễn là có thể làm một người tốt. Đừng đặt ra quá nhiều quy tắc và quy định để hạn chế sự phát triển của chúng, để chúng được lớn lên thuận theo thiên tính, tự do trưởng thành. Đây mới là sự giáo dục tốt nhất. 

***

Xã hội ngày nay có rất nhiều thứ hấp dẫn người ta: máy tính, điện thoại, ipad, mạng xã hội… Tất cả khiến con người hoa mắt, chóng mặt, không biết cách nào thoát khỏi. Điều này đương nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của tâm trí và cơ thể người ta. Giải bài toán hóc búa này có lẽ không gì hơn là để tâm tính của mình quay về sự thuần phác vốn có. 

Làm một người đơn giản, đơn thuần, ta có thể khiến đôi mắt của mình sáng rõ hơn, có thể nhìn rõ những chuyện không thể nhìn hay những chuyện không cần làm. Giữ được một trái tim thản nhiên và bình hòa, thuận theo tự nhiên cũng là quy tắc cơ bản của đạo làm người, đạo đối nhân xử thế. Nếu được vậy, mỗi ngày ta sẽ càng trở thành một người tinh khiết, đơn thuần, chân thành, nhẫn nại và thiện lương hơn. 

Tịnh Văn
Theo Soundofhope