Những người ở tầng thứ càng thấp thì lại càng thích lãng phí nhiều thời gian vào những chuyện không quan trọng. Họ chỉ nhìn thấy bề ngoài của sự việc mà không nhìn thấy được cốt lõi bên trong.
Người có hiểu biết sâu rộng sẽ không lãng phí thời gian
Khi ngồi tàu điện ngầm tôi vô tình nghe thấy cuộc trò chuyện của hai thanh niên. Một người trong đó nói rằng: “Mấy hôm nay đều là tin đồn về Quách Kính Minh, không nghĩ tới lúc trước tớ còn xem sách của anh ta, thật cảm thấy bản thân cũng quá rảnh rỗi rồi!“. (Quách Kính Minh là biên kịch, đạo diễn, nhà văn theo thể loại giả tưởng ở Trung Quốc, được giới trẻ yêu thích)
Một người khác trả lời: “Anh ta thân hình nhỏ bé, lý tưởng to lớn, nhưng nhân phẩm lại quá tệ, cho dù có làm ra chuyện gì tớ cũng không thấy ngạc nhiên“.
Tôi đảo mắt nhìn sang bọn họ mới phát hiện thì ra chỉ là hai học sinh phổ thông, một bên chơi Game “Garena Liên Quân Mobile”, một bên không ngừng bàn luận chuyện của người khác.
Chúng ta đang bước vào thời đại giải trí, cả ngày không lo chuyện của bản thân, chỉ biết đi quan tâm scandal của minh tinh, ngoại tình, hay bạo lực gia đình… Chẳng hạn Trịnh Sảng mập hay gầy, hoặc cô ấy tìm thấy phương hướng mới cho cuộc đời mình ra sao cũng trở thành chuyện cho người khác đàm tiếu. Người nào vừa nổi tiếng, lại có người nào vừa bị rơi đài, những tin đồn về minh tinh dần dần trở thành hứng thú trong các cuộc trò chuyện của mọi người.
Các chương trình về hôn nhân liên tục bị thay đổi, sửa đổi kịch bản phim truyền hình để lôi kéo tỉ suất người xem ngày càng phổ biến. Những chương trình cũ với nội dung nhân văn thì ngày càng ít ỏi, chỉ có vài ba chương trình là còn kéo dài được tới bây giờ giống như một kỳ tích.
Các loại tin tức giải trí đã chiếm phần lớn thời gian và sự chú ý của chúng ta, vì vậy những chương trình nghiêm túc cũng bị giải trí hóa. Chúng ta có thể thấy rất nhiều ý kiến và các chủ đề nóng vĩnh viễn không bao giờ thiếu trên các trang mạng xã hội. Nhưng dần dần bạn sẽ phát hiện ra: Mọi người quan tâm thông tin một cách hời hợt, ngày càng có xu hướng giống nhau, không một ai quan tâm “chân tướng” sâu xa là gì. Mọi người chỉ tin tưởng “sự thật” mà mọi người mong muốn.
Trong cuốn sách “Amusing Ourselves to Death” của mình, Neil Postman có viết một đoạn như thế này: “Tất cả các cuộc hội thoại của con người đều dần dần xuất hiện phương thức giải trí, và nó cũng trở thành một tinh thần văn hóa. Chính trị, tôn giáo, tin tức, thể thao, giáo dục và kinh doanh đều cam tâm trở thành thứ yếu, đứng phía sau giải trí. Không một lời oán hận, thậm chí là bặt vô âm tín, và kết quả cuối cùng chính là biến con người trở thành một “chủng vật” vô vị”.
Người có tầng thứ càng thấp thì càng thích lãng phí thời gian trong các tin tức giải trí vô bổ. Ngày càng có nhiều người mắc chứng “nghiện Internet”. Nghiện những tin tức giải trí trên mạng, sau đó sinh ra ỷ lại, mù quáng chạy theo xu hướng. Đắm mình vào thế giới ảo không có cách nào tự thoát ra. E rằng theo thời gian lâu dài bản thân người ta sẽ biến thành một thân thể trong suốt, não bộ trống rỗng, chỉ biết chìm đắm vào cảm giác vui sướng.
Có người nói: “Thời gian của bạn dùng như thế nào sẽ phản ánh được bạn là một người ra sao”. Thế giới ảo làm bạn mất phương hướng giải quyết những vấn đề cá nhân vì trí tưởng tượng quá nhiều.
Dương Giáng là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc, bà từng viết một phong thư cho một người trẻ tuổi thỉnh cầu bà giúp giải đáp nghi hoặc. Trong thư bà trả lời rằng: “Vấn đề của bạn phát sinh là vì bạn đọc sách quá ít, nhưng sự tưởng tượng lại quá nhiều“.
Chẳng hạn như tôi có một người bạn, sau khi tốt nghiệp đại học cô ấy phát hiện bạn trai bắt cá hai tay, đau buồn do thất tình khiến cô ấy trở thành một người hoàn toàn khác. Cô không còn đến lớp đào tạo Tiếng Anh, cũng không còn đi phòng tập Gym, cô ấy vốn dĩ là một người hoạt bát, thích trò chuyện nhưng sau khi thất tình lại trở nên trầm mặc, ít nói.
Thỉnh thoảng hẹn cô ấy ra gặp mặt, lại phát hiện cô ấy chỉ để tâm vào điện thoại. Đôi mắt cô ấy đỏ hoe giống như đã rất lâu chưa được ngủ một giấc an ổn, cô ấy nói với tôi rằng:
“Tớ không thể khống chế chính mình, tớ luôn luôn xem Weibo và mạng xã hội của anh ấy vì sợ bản thân không để ý sẽ bỏ qua tin tức nào đó của anh ấy. Tớ rất sợ anh ấy sẽ đăng hình cùng cô gái đó, nhưng tớ lại nhịn không được muốn xem thử, xem thử cô ta có điểm nào tốt hơn tớ. Mỗi lần như vậy tớ đều xem hết mấy tiếng đồng hồ, cũng không còn sức lực làm chuyện gì khác“.
Tôi chỉ biết im lặng, có lẽ những người thất tình đều phải trải qua giai đoạn này, nhưng lãng phí thời gian của bản thân đi quan tâm quá mức người khác thật sự là một hành động không hề lý trí.
Trong thời đại này, thông qua các phần mềm mạng xã hội, chúng ta có thể đi thăm dò cuộc sống, tư tưởng, và hành động của người khác. Sau đó so sánh với bản thân mình. Khi bạn trở về một căn nhà thuê chật hẹp, nhớ đến giám đốc trong công ty, trong lòng đều tràn đầy u sầu, hoang tưởng.
Ví dụ như: “Nếu tôi có thể làm giám đốc thì tốt rồi, tiền lương cũng nhiều gấp đôi“. Ví dụ như khi nằm trên giường, đăng nhập vào mạng xã hội, nhìn thấy ảnh đi du lịch của một người bạn học cũ thì cực kỳ ngưỡng mộ nghĩ rằng: “Gả cho một người đàn ông tốt xem như vận số tốt, không cần làm gì cả, ngày ngày chỉ đi du lịch đây đó“.
Bạn chìm đắm trong cảm xúc bất bình, than oán, trong mắt chỉ thấy khoảng cách khác biệt của bản thân và người khác, vì vậy luôn luôn không có cảm giác vui vẻ. Những người hiểu biết càng kém cỏi thì càng thích lãng phí thời gian đi quan tâm đến người khác, trong khi không chút để ý gì đến bản thân.
Mỗi một người khi sinh ra đã là một cá thể độc lập, sinh mệnh có hạn. Chỉ biết chú ý đến người khác không bằng quan tâm bản thân nhiều hơn, nỗ lực nhiều hơn để cuộc đời bớt đi một chút tiếc nuối. Có như vậy cuộc sống mới thật sự được vui vẻ.
Khi một người có thể đem toàn bộ tinh lực và thời gian quan tâm đến sự phát triển của bản thân mà không phải là thế giới bên ngoài, thì mới đạt được một sự hiểu biết cao xa hơn.
Một ngày không lướt mạng xã hội bạn sẽ không có gì tổn thất. Nhưng nếu như không có kế hoạch cho công việc và cuộc sống, mới là sự tổn thất nặng nề của bạn
Ví dụ như khi bạn ở trong rừng nhìn thấy một người chăm chỉ đốn cây, đã làm việc hơn năm tiếng đồng hồ, gần như sắp kiệt sức nhưng hiệu quả công việc thì ngày càng kém hơn. Tất nhiên bạn sẽ khuyên anh ấy: “Tại sao không nghỉ ngơi một chút, rồi mài cưa cho bén hơn?“. Thế nhưng đối phương lại trả lời rằng: “Tôi không rảnh, không kịp cưa cây thì lấy đâu ra thời gian mài cưa“. Người đàn ông này có phải cũng giống như bạn, gấp rút mong cầu một cái kết.
Chúng ta mỗi ngày đều phải xử lý rất nhiều việc, luôn có cảm giác làm không hết. Những điều tầm thường khiến chúng ta mất nhiều thời gian, vì vậy chúng ta không thể tập trung vào những chuyện có giá trị quan trọng hơn. Cũng giống như bạn có thời gian lướt web, coi mạng xã hội nhưng lại không có thời gian để lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình.
Bạn có thời gian đọc tiểu thuyết không có ý nghĩa trên mạng, nhưng lại không có thời gian đọc những tác phẩm kinh điển. Bạn có thời gian trò chuyện vui chơi, nhưng lại không có thời gian chăm sóc thân thể.
Người có tầng thứ càng thấp sẽ càng thích lãng phí thời gian cho những chuyện vô nghĩa, không quan trọng. Có một câu nói như thế này: “Muốn làm tốt một chuyện gì đó, trước hết phải có sự chuẩn bị tỉ mỉ và sẵn sàng“.
Chỉ cần bạn dành ra thời gian rèn luyện thân thể, nâng cao thể chất và tinh thần mới có thể nâng cao được giá trị của bản thân
Trong quyển sách “7 thói quen của người thành đạt” có nói: Cuộc đời của mỗi người chỉ có đầu tư thời gian rèn luyện thân thể mới đáng giá nhất. Loại công phu tu dưỡng này hoàn toàn nhờ vào bản thân, người bên cạnh không có cách nào giúp đỡ.
Bởi vì đây là chuyện thuộc về quan trọng nhưng không gấp gáp. Nhà khoa học của Hoa Kỳ đề xuất một lý thuyết quản lý thời gian, dựa vào mức độ quan trọng và khẩn cấp, chúng ta có thể chia các công việc cơ bản thành bốn loại:
- Vừa quan trọng vừa khẩn cấp
- Quan trọng nhưng không khẩn cấp
- Khẩn cấp nhưng không quan trọng
- Không quan trọng cũng không khẩn cấp
Chúng ta luôn lơ là với những chuyện “quan trọng nhưng không khẩn cấp”, và dùng nhiều thời gian với những chuyện “khẩn cấp nhưng không quan trọng” và những chuyện “không quan trọng cũng không khẩn cấp”. Những người làm việc có hiệu quả cao sẽ biết cách từ chối cuộc sống phức tạp và biết nên làm những gì.
Ngược lại những người bình thường hay gặp khó khăn trong việc sắp xếp thứ tự sự việc theo tính quan trọng. Vào những lúc như vậy bạn nên hỏi bản thân mình một câu: “Việc này có mức ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc sống trong tương lai của tôi?“.
Một ngày không lướt mạng xã hội bạn sẽ không có gì tổn thất, nhưng nếu như không có kế hoạch cho công việc và cuộc sống, lựa chọn công việc không thích hợp với bản thân thì mới là sự tổn thất nặng nề của bạn. Không đọc tiểu thuyết trên mạng bất quá chỉ khiến bạn mất đi một hạng mục vui thú, nhưng nếu không đọc những quyển sách chuyên sâu, giúp ích cho trí não thì khả năng suy nghĩ độc lập của bạn sẽ ngày càng thiếu khuyết.
Có người nói: “Mỗi ngày bạn đều bận rộn như vậy mới là nguyên nhân chính khiến bạn không làm nổi việc lớn gì“. Chỉ có cách chuyển thời gian trọng tâm vào những điều quan trọng chúng ta mới có thể mở rộng không gian tự phát triển cho bản thân.
Trong cuộc sống này, một nửa người liều mạng, một nửa người khác lại cam chịu. Một nửa người nắm bắt thời gian, một nửa khác lại lãng phí thời gian. Một nửa người có thanh xuân oanh liệt, một nửa khác lại có thanh xuân trống rỗng. Bạn nguyện ý làm một người như thế nào?
Theo Soundofhope
Khải Phong biên dịch