Có người xuất gia bị quỷ ma quấy phá, có người không xuất gia lại đủ sức chấn nhiếp bách tà. Vậy, người như thế nào mới có thể giữ được ‘chính khí’?
Mùa xuân năm Dân Quốc thứ 34 (năm 1945), hòa thượng Hư Vân rời Vân Môn thiền tự đến chùa Nam Hoa truyền giới.
Chùa Vân Môn có hai vị hoà thượng cùng ở một tăng phòng, một người tên gọi Cổ Căn, một người là Truyền Chân. Một hôm Cổ Căn cảm thấy thân thể không thoải mái nên không đến dạ đường tụng kinh niệm Phật. Truyền Chân thấy vậy nên cũng lười không đi nữa. Hai người ngủ khò khò, rất mau chóng chìm vào giấc mộng.
Một lúc sau cửa phòng bỗng mở ra, chỉ thấy một bàn tay lớn thò vào khua khoắng khắp phòng. Bóng đen đó túm được Truyền Chân và ném xuống nền nhà.
Bóng đen giáo huấn rằng: “Bồ Tát mở Đạo trường cho các người chỗ tu hành. Nay các người lười nhác không lên điện tụng kinh, không đi học mà vẫn còn không biết xấu hổ. Quả là đáng bị đánh”. Nói rồi liền giơ bàn tay lớn lên nhằm vào mông Truyền Chân phát liên hồi mười mấy cái.
Tiếng động lớn khiến Cổ Căn tỉnh dậy, sợ quá kêu lên, tận mắt thấy bóng đen bay vút đi mất. Tất cả tăng nhân trong chùa đều chạy đến hỏi han tình hình. Mọi người thấy Truyền Chân bị đánh vào mông, đầy vết tím bầm sưng lên, chữa trị hơn một tháng mới khỏi.
Buổi tối ngay sau hôm Truyền Chân bị đánh, có một tăng nhân xuất thân từ quân nhân, biết võ nghệ, giỏi đấu võ, đã cầm chiếc gậy sắt nằm trên giường của Truyền Chân, muốn đọ sức với “con quỷ đó” một phen.
Không lâu sau bóng đen quả nhiên lại xuất hiện. Vị tăng nhân vừa muốn trở dậy đánh vào bóng đen thì thấy toàn thân như bị buộc chặt, hoàn toàn không thể cử động được. Chỉ nghe thấy tiếng bóng đen nói: “Ngươi quả là tâm địa bất lương. Đã xuất gia rồi, làm đệ tử của Phật Đà rồi, nên bỏ thói xấu đấu đá của quân nhân đó đi. Hôm nay ta đến không phải để đánh ngươi, mà để đợi ngươi phát tâm hối lỗi. Nếu không hối cải thì hãy đợi đấy chịu hình phạt”.
Bóng đen nói xong liền bay đi. Vị hoà thượng đó sợ quá chạy trốn khỏi tăng phòng.
Bốn tháng sau, lão hòa thượng Hư Vân từ chùa Nam Hoa trở về, nghe nói trong chùa đã xảy ra chuyện kỳ lạ. Một buổi tối lúc đêm hôm khuya khoắt vắng lặng, hòa thượng Hư Vân đang ngồi đả tọa tham thiền, bỗng thấy một cụ già râu trắng khoác áo xanh đến chào ông và nói:
“Đệ tử trú ở núi phía sau, đã được mấy trăm năm rồi. Quãng thời gian trước sư phụ đến chùa Nam Hoa cũng đúng lúc đệ tử đi xa không ở nhà. Con cháu của đệ tử không ra gì đã quấy nhiễu chúng tăng thanh tu. Đệ tử đã nghiêm khắc quở trách chúng, răn dạy chúng không được tái phạm. Hôm nay đến xin tạ tội với sư phụ”.
Hòa thượng Hư Vân nói: “Đã là khác loại thì ai yên phận nấy không gây chuyện cho nhau, chớ hiện thân nhiều để tránh quấy nhiễu các tăng nhân tu hành”.
Sau này trong chùa không còn xuất hiện các hiện tượng dị thường nữa.
Vị hoà thượng trong câu chuyện trên hoặc vì một niệm lười nhác, hoặc có tâm bất lương đến đã bị dị loại giáo huấn. Sau khi quỷ mị xuất hiện, tăng nhân sợ hãi bỏ đi, không dám ở căn phòng đó nữa. Thực ra đều là bản thân chính khí không đủ mới gặp phải những chuyện kinh hoàng như thế.
Làm thế nào để giữ được chính khí sung mãn, tránh được sự xâm phạm quấy nhiễu của tà ma quỷ quái?
Năm Giáp Dần đời Càn Long, Kỷ Hiểu Lam phụng mệnh đến Phúc Kiến kiểm tra đôn đốc việc dạy học. Học sử thự Phúc Châu thường xuyên xảy ra chuyện kỳ dị, rất nhiều nô bộc đều kinh sợ. Cha Kỷ Hiểu Lam là Diêu An Công nghe nói Học sử thự không yên tĩnh liền chuyển giường đến ngôi nhà bị quỷ quấy phá. Kết quả cả đêm đều rất yên tĩnh, không hề xảy ra bất kỳ chuyện kỳ dị nào. Kỷ Hiểu Lam lo lắng cho cha, khuyên ông hãy chuyển ra khỏi căn nhà đó, chớ lấy thân ngàn vàng của mình mà đấu với quỷ.
Diêu tiên sinh liền giảng thuật cho con trai đạo lý “âm không thắng được dương”: Nếu quỷ quái xâm phạm con người thì nhất định bởi vì người đó dương khí không đủ, không chiến thắng được thứ âm tà.
Trong con mắt Diêu tiên sinh, người dương khí cường thịnh không phải là dũng cảm khỏe mạnh, chỉ dựa vào khí huyết mạnh mẽ, hoặc tính tình mạnh bạo. Ông cho rằng: Người trong tâm thường có lòng từ thiện thì đó chính là dương khí. Trong tâm nảy sinh ý niệm ác độc thì đó là âm khí. Tâm địa bình thản chân thành thì đó là dương khí. Trong lòng nham hiểm gian trá thì đó là âm khí. Công chính cương trực là dương khí, tự tư siểm nịnh là âm khí.
Diêu tiên sinh bảo Kỷ Hiểu Lam rằng: “Tâm địa con người quang minh chính đại thì có dương khí thuần chính. Ngẫu nhiên gặp phải tà ma quỷ mị thì người chính khí đầy thân sẽ như lò lửa cháy rực trong căn phòng tăm tối lạnh lẽo, có thể tan chảy băng giá. Con đọc sách đã nhiều, đã thấy sử sách nào ghi chép người có phẩm hạnh đoan chính bị quỷ mị xâm phạm bao giờ chưa?”.
Diêu tiên sinh tọa trấn ở Học sử thự Phúc Châu, ông một thân chính khí đã chấn nhiếp quỷ mị, từ đó chúng không còn dám đến gây chuyện nữa.
Thường có câu nói: “Đời người chính là một trường tu hành”. Không cần xuất gia, không cần vào núi, mà ngay ở cõi hồng trần cuồn cuộn này, người trí tuệ cũng có thể có được kiến giải sáng suốt, không sợ quỷ mị, chấn nhiếp ma tà quỷ quái.
Kiến Thiện
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tài liệu tham khảo:
- “Hư Vân hòa thượng niên phổ”
- “Duyệt vi thảo đường bút ký” quyển 9
- “Như thị ngã văn tam”
Bạn đang đọc bài viết: “Người có chính khí, phẩm hạnh đoan chính thì không sợ ma quỷ xâm hại” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |