Đại Kỷ Nguyên

Người có giáo dưỡng chính là đừng làm người khác phải khó xử

Giáo dưỡng là một loại vẻ đẹp không lời. Người có giáo dưỡng phảng phất như một cơn mưa xuân đầu mùa, thường hay vô tình mà làm cho bạn cảm thấy vô cùng dễ chịu.

Lý Gia Thành là một nhà diễn thuyết, một tỷ phú, nhà đầu tư, nhà tư bản công nghiệp, nhà từ thiện người Hồng Kông. Cho dù là ở những nơi xa xôi hẻo lánh hay chỉ là một nhân viên phục vụ bình thường, ông cũng đều quan tâm chú ý đặc biệt.

Có một anh bạn trên mạng từng kể hoàn cảnh lần đầu tiên gặp Lý Gia Thành. Trong tưởng tượng của anh ta, Lý Gia Thành là một ông lớn trong ngành kinh tế thương mại, nên chắc chắn sẽ từ từ khoan thai chậm rãi mà đến, sau đó đợi mọi người vỗ tay rồi mới bắt đầu bước lên diễn thuyết. Thế nhưng thực tế là, Lý Gia Thành tự mình đứng tại cửa thang máy, bắt tay và đưa danh thiếp với mỗi từng vị khách mời. Bàn ăn và thứ tự chỗ ngồi đều không phân chia mà chính là rút thăm để quyết định vị trí. Mỗi bàn ông đều lưu lại ngồi khoảng 15 phút. Khi kết thúc, ông cũng đều cùng mọi người bắt tay, các nhân viên phục vụ đứng ở các góc tường ông cũng không quên.

Ở Trung Quốc, cách hành xử trên bàn rượu chính là một khảo nghiệm để biết được một người có tu dưỡng hay không. Một nhóm đông người gặp gỡ nhau, mỗi một câu đều có thể quan tâm đến tất cả mọi người, không bỏ quên bất kì một ai, chẳng trách Lý Gia Thành có thể đạt được thành tựu lớn như thế.

Trong các thời kỳ chiến tranh, người ta dùng trăm phương ngàn kế để khiến cho kẻ địch không lúc nào thoải mái dễ chịu. Nhưng ở thời đại hòa bình này, bạn có thể làm cho người khác cảm nhận được sự thoải mái tự nhiên, thì điều đó quyết định sự thành công của bạn.

Người có giáo dưỡng là người luôn làm cho người đối diện cảm thấy dễ chịu

Người có giáo dưỡng biểu hiện ra trực tiếp nhất chính là không khiến cho người khác phải khó xử.

(Ảnh: flickr.com)

Mùa thứ tư của chương trình “The Voice of China”, Châu Kiệt Luân là huấn luyện viên. Có một cô gái Hoa kiều quốc tịch Thái Lan tên là Langgalamu, cô hát bài hát của nữ ca sĩ Đặng Lệ Quân vô cùng hay, giọng ca trong sáng uyển chuyển du dương. Langgalamu nói rằng mình rất thích các ca khúc của Châu Kiệt Luân, khi đó toàn bộ hội trường đều ồn ào kêu la muốn Châu Kiệt Luân hãy cùng hát chung với Langgalamu. Thế là Châu Kiệt Luân đáp ứng mong muốn của khán giả, lên sân khấu cùng hát với Langgalamu bài “Nghìn trùng xa cách”.

Châu Kiệt Luân cất giọng hát đầu tiên:

Hiên nhà như vách núi, chuông gió tựa biển xanh…

Langgalamu hát tiếp đoạn thứ hai:

Câu chuyện chốn ngoại thành, sương mù giăng phủ kín…

Bởi vì là giọng nữ mà hát bài hát của nam, nên âm vực cao hơn quãng tám. Langgalamu hiển nhiên hát có chút chịu không nổi, rất gắng gượng. Khi Langgalamu hát đến đoạn cao trào:

Em không thể nghe rõ, tiếng gió đâu tồn tại…

Câu tiếp theo âm điệu đột ngột tăng cao, Langgalamu cảm thấy không thể hát nổi, hoặc phải phá âm. Châu Kiệt Luân cực kỳ nhanh nhẹn và tự nhiên hát câu tiếp theo:

Đó là tiếng thở than…

Và anh nháy mắt khích lệ cô, thế nên những sự tình như xấu hổ hay ngượng ngùng đều không xảy ra. Châu Kiệt Luân có sự chú ý vô cùng sắc bén cùng lòng kiên định, khoan dung và điềm đạm, đã giúp đỡ một cô bé vừa mới bước bước chân đầu tiên vào làng âm nhạc. Sau sự việc đó, Châu Kiệt Luân cũng chưa đưa ra lời bình nào, cũng không ở trước truyền thông đàm luận việc này. Thế nên sự tình đó cứ âm thầm trôi qua.

Dưới cái nhìn của tôi, đây chính là biểu hiện của người có giáo dưỡng. Không chút biến sắc mà giải vây giúp người khác, mà sau đó cũng không đàm luận điều gì. Không lấy sự việc giúp đỡ giải vây người khác mà khoe khoang bản thân, đây chính là người có giáo dưỡng.

(Ảnh minh họa: ifeng.com)

Một người có giáo dưỡng, thể hiện qua rất nhiều sự tình dù là những chi tiết nhỏ

Ví như khi trời mưa, bạn đang đi tới gần ven đường, một người lái xe chạy ngang qua bạn, phanh xe và giảm tốc độ lại để nước không văng lên người bạn. Sau khi vượt lên một đoạn khá xa tới chỗ không có ai, anh ta mới bắt đầu tăng tốc lại. Lúc này, trong lòng bạn có cảm thấy ấm áp không, có cảm thấy ấn tượng và thiện cảm với người tài xế ấy không?

Có một lần, công ty tổ chức đi du lịch hàng năm, đồng nghiệp mua kem phân chia cho mọi người ăn. Không biết là do ai khởi xướng đầu tiên, ném bao kem màu hồng bay lả tả lên cao, bị gió thổi bay đi. Mọi người cảm thấy thú vị liền cùng nhau nhao nhao bắt chước, dẫn đến mấy chục bao kem bay múa đầy trời, khắp nơi đều là bao kem vung vãi đầy mặt đất.

Chỉ có một cô bạn, lặng lẽ đem bao kem nhét vào túi đồ của mình, còn lặng lẽ nhặt một vài bao kem khác nhét vào túi. Khi nhìn thấy thùng rác, cô bạn cũng không ngay lúc đó đem bao kem ném vào. Đợi cho tất cả mọi người đi khỏi rồi, cô mới lặng lẽ đem bao kem ném vào thùng rác.

Sau đó, tôi nói chuyện này với cô bạn, cô nói rằng mọi người đều chơi rất vui vẻ, cô cảm thấy không có vấn đề gì cả. Nhưng thật sự là cô không thích mọi người ném rác lung tung tại khu vui chơi. Lý do cô đem mấy bao kem nhét vào trong túi của mình, đợi đến khi ra khỏi khu vui chơi mới ném đi là vì cô không muốn thể hiện mình có ý thức bảo vệ môi trường trong khi mọi người lại đi xả rác, sẽ làm mọi người cảm thấy khó chịu.

Tôi bỗng nhiên cảm thấy cô bạn này là một người có tu dưỡng từ bên trong ra tới bên ngoài. Đây là phẩm chất mà con người ngày nay đang khuyết thiếu. Người có giáo dưỡng, dù đi đến nơi đâu cũng như mang đến cho mọi người một làn gió xuân tươi mát.

(Ảnh minh họa: cmoney.tw)

Giáo dưỡng là một loại vẻ đẹp không lời

Nhà văn du lịch nổi tiếng người Mỹ Kairuyak nói: Giáo dưỡng là một loại vẻ đẹp không lời. Người có giáo dưỡng sẽ luôn làm cho người khác cảm thấy rất thoải mái.

Khi ra ngoài, họ sẽ lặng lẽ đóng cửa nhẹ nhàng và sẽ không đánh thức bạn dậy.

Họ sẽ ra ngoài khi nói chuyện điện thoại, không quấy rầy khi bạn đang đọc sách.

Người có giáo dưỡng phảng phất như một cơn mưa xuân đầu mùa, làm dịu mát mọi nơi trên thế giới này, thường hay vô tình mà làm cho bạn cảm thấy vô cùng dễ chịu.

Thật ra, bản chất của giáo dưỡng có hai phương diện: thứ nhất là chừng mực, thứ hai là kiềm chế. Rất nhiều người thường không biết cách xử lý tình huống. Mang một tấm lòng nhân hậu, nhưng khi đối diện với tình huống mà không biết chừng mực thì nó sẽ trở thành phản tác dụng.

Ví như khi thấy vợ chồng hàng xóm cãi nhau, lúc ban đầu bạn chỉ có ý định muốn khuyên can họ một chút, để họ bớt nóng giận và hòa hoãn lẫn nhau. Kết quả, bạn nói chuyện không biết giữ chừng mực, lại gần như xen vào chuyện nhà người ta. Người ta quay ngược lại hoài nghi bạn có ý đồ gì khác, oán trách bạn, vậy là đầu đuôi lẫn lộn lung tung cả.

Còn kiềm chế là khi xử lý sự việc có chừng mực, kịp thời thu tay lại. Đừng xem sự giáo dưỡng như là vốn liếng để khoe khoang, mỗi một lời nói hay hành động của mình đem phô trương khắp nơi. Mỗi người đều có cách thể hiện của riêng mình, điều khó nhất là kiềm chế cách thể hiện của bản thân. Ví như câu chuyện của cô bạn bên trên, sở dĩ khi ra khỏi khu vui chơi cô mới lặng lẽ đem bao kem ném đi, chính là vì không muốn bản thân giống như đang khoe khoang mình cao thượng bảo vệ môi trường, tránh cho mọi người cảm thấy khó xử.

Xã hội hiện nay có quá nhiều người hay tỏ vẻ mình là người có giáo dưỡng, nên hay làm một số sự tình để thể hiện cho người khác xem bản thân là người có đạo đức cao thượng. Rồi lại trắng trợn tuyên dương, khoe khoang bản thân làm người khác chịu không nổi. Loại người này thực sự là những kẻ không có giáo dưỡng.

Theo cmoney.tw
Biên dịch: Tuệ Liên
Biên tập: Thanh Ngọc

Exit mobile version