Đại Kỷ Nguyên

Người có tu dưỡng: Lời nói chân chính, hành vi đường hoàng

“Lời nói chẳng mất tiền mua”, cổ nhân nói không sai. Văn hoá giao tiếp, ứng xử, xưa nay luôn là một trong những thước đo đánh giá rõ nhất giá trị của một con người. Dù là ở thời đại nào, sự lễ nghĩa trong giao tiếp, lời ăn tiếng nói cũng là một phẩm hạnh được ca tụng, trân trọng. 

Dưới đây là những lễ nghi thông thường mà cổ nhân đã hữu ý lưu lại cho chúng ta. Độc giả đọc vào và ngẫm nghĩ lại một chút, hẳn sẽ có nhiều dư vị.

Quân tử không lỡ chân, không thất sắc, không lỡ miệng

Người quân tử trước mặt người khác thì cử chỉ cần thận trọng, dung mạo và nói năng đoan chính, trang trọng, không được nói lời sai trái và những lời không đáng nói.

Việc công không bàn riêng

Việc công nên bàn chung, làm chung, nếu bàn luận riêng thì sẽ bị hiềm nghi gian tà mưu đồ cá nhân. Người biết nói chuyện không chỉ nói lời nên nói mà còn phải biết nói nơi thích hợp.

Ở triều đình thì không nói chuyện chó ngựa

Triều đình là nơi mưu tính chính sự, bàn chuyện chính sự. Khi làm việc công thì không nói đến những vui chơi giải trí như thi chó đua ngựa. Khi làm việc cần có tinh thần yêu kính nghề nghiệp và càng cần tự giác kỷ luật.

Ảnh: Sohu.

Chốn công đình không nói về phụ nữ

Khi làm việc thì không được nói đến chuyện nữ sắc, giải trí, đùa giỡn. Nói chuyện cần phải nắm bắt thời cơ, vào thời cơ thích hợp nói những chuyện thích đáng.

Sắc dục là một trong những ham dục lớn của con người. Người xưa nói “tửu, sắc, tài, khí” là “tứ đổ tường” – nghĩa là 4 bức tường giam hãm con người.

Ở quan nói chuyện quan, ở phủ nói chuyện phủ, ở khố nói chuyện khố, ở triều nói chuyện triều.

Ở triều đình, lời nói hành động đều phải hợp lý. Quan, phủ, khố, triều đều là những nơi làm việc công. Ở những nơi làm việc tương ứng thì đàm luận về sự việc tương ứng cần xử lý.

Chịu tang không nói chuyện vui, tế lễ không nói chuyện dữ

Trong thời gian chịu tang thì không được nói đến những chuyện vui vẻ đùa vui. Khi tế lễ thì không được nói đến những chuyện dữ, chuyện chẳng lành.

Ở vị trí đó mà không nói về việc đó, người quân tử lấy làm hổ thẹn. Nói về việc đó mà không làm về việc đó, người quân tử lấy làm hổ thẹn.

Ở một ví trí chức vụ nhất định mà không đưa ra ý kiến cần có ở vị trí ấy thì người quân tử cảm thấy đó là điều hổ thẹn. Nhưng nếu có nói bàn về công việc của vị trí đó mà không thực hiện, không có hành động thì người quân tử cũng cảm thấy đó là điều hổ thẹn.

Người bề trên không đề cập đến thì chớ sàm ngôn

Chuyện mà người bề trên không nhắc đến thì đừng đề cập. Khi nói chuyện với người bề trên, cần để họ chủ động dẫn dắt câu chuyện, đưa ra các vấn đề.

Ảnh: Pinterest.

Hầu chuyện người bề trên, người bề trên hỏi, hỏi xong rồi mới trả lời

Khi hầu chuyện những người bề trên, nếu họ hỏi thì nhất định phải đợi họ nói hết rồi mới trả lời. Không được cắt ngang lời họ, cũng không được nói xen vào. Khi giao tiếp với người khác cũng như vậy, để biểu thị tôn trọng họ thì tốt nhất là không được cắt ngang lời.

Nói chuyện với người quân tử, không xem xét mọi người xung quanh mà trả lời thì đó không hợp với lễ.

Lễ coi trọng khiêm hạ. Nếu nhiều người cùng hầu chuyện bậc trưởng giả, người quân tử thì khi bậc trưởng giả đưa ra câu hỏi, trước hết hãy xem mọi người xung quanh, đợi người khác trả lời, không nên mạo muội vội vàng tranh trả lời trước. Cần quan sát mọi người để đối đáp. Nếu không có người nói thì mình mới trả lời câu hỏi.

Lời nói xuất phát từ trái tim, cần chân thành, người trí tuệ thận trọng lời nói, nên nói thì nói, nói hợp thời điểm, hợp địa điểm. Nói chuyện với người bề trên, nếu chưa đến lượt mình mà đã nói thì đó là hấp tấp. Nếu không quan sát sắc mặt mọi người mà nói thì dễ khinh suất nói bừa, hoặc nói lời tổn hại đến người khác. Điều mình nên nói mà lại không nói thì đó là che dấu.

Làm người có tu dưỡng đạo đức thì lời nói, hành vi đường hoàng, chân chính nhưng khiêm tốn, chừng mực, thích hợp.

Xuân Thanh
Theo Góc nhìn cuộc sống

Tổ tiên tích đức thay vận mệnh, con cháu vinh hoa lộc mãn đường

Exit mobile version