Có văn hóa không chỉ đơn thuần là đọc nhiều sách, đi nhiều nơi, trải qua nhiều sự việc, càng không phải là trình độ học vấn cao thế nào…
Văn hóa không phải là một thứ cứng nhắc như ‘điều kiện’ khi chọn người yêu, nó không phải là thứ thuộc về vật chất mà là thứ thuộc về tinh thần.
Giữa đọc rất nhiều sách và có văn hóa không có quan hệ tuyến tính.
Người đọc rất nhiều sách cũng chưa chắc có văn hóa. Người không đọc sách đôi khi lại có khí độ và tu dưỡng phi phàm.
Thế nên, có văn hóa không chỉ đơn thuần là đọc nhiều sách, đi nhiều nơi, trải qua nhiều sự việc, càng không phải là trình độ học vấn cao thế nào.
Trình độ học vấn cũng chỉ dọa được một số người. Nhiều người có trình độ học vấn cao nhưng nhân cách khiếm khuyết, thế thì nói gì đến có văn hóa đây.
Văn hóa rốt cuộc là gì?
Tu dưỡng giáo dục
Đây là đặc trưng cơ bản nhất của có văn hóa. Nho nhã, văn nhã và chất phác hài hòa, đây là những từ mà người xưa hình dung người có học, có văn hóa.
Thời cổ đại, giáo dục cơ sở chính là những kinh điển như Tứ thư Ngũ kinh. Học những kinh thư này sẽ gây dựng nên nhân cách con người, khác hẳn với giáo dục hiện nay chỉ là giáo dục tri thức thuần túy, chú trọng vào công dụng thực tế mà không coi trọng tu thân. Mục đích giáo dục khác nhau sẽ bồi dưỡng ra con người hoàn toàn khác nhau.
Giáo dục hiện đại coi trọng bồi dưỡng hiệu quả và công dụng thực dụng, dẫn đến có người đã đọc rất nhiều sách, đi học rất nhiều năm, nhưng ngay cả sự tu dưỡng lễ phép tối thiểu cũng không có, nhân cách khiếm khuyết. Sau khi nhân cách đã thành hình thì chính là đã lệch lạc rồi. Thế thì sau này càng ngày càng lệch lạc, tính phá hoại đối với người khác, đối với xã hội sẽ càng ngày càng lớn.
Bản chất của tu dưỡng giáo dục tốt đẹp chính là một người khí chất bình tĩnh ôn hòa. Khí hòa thì có nét mặt vui vẻ, có nét mặt vui vẻ thì có dung mạo nhu mì tốt đẹp.
Khí hòa thì thần khí trú ở trong tâm, lòng luôn an định, hướng vào nội tâm. Người như thế hoàn toàn không nghĩ đến xâm phạm bắt nạt người khác.
Một người không có tu dưỡng giáo dục thì ngược lại, trong lòng họ bất bình, khí cũng không điều hòa.
Người khí không điều hòa, nếu không gây ra chút sự tình, không trêu chọc kích bác người khác thì toàn thân bứt rứt không thoải mái.
Người thiếu tu dưỡng giáo dục thì toàn bộ cơ chế vận hành khí của họ không chỉ hỗn loạn mà còn khuếch trương khí ra ngoài, áp lên thân người khác, khiến người ta có cảm giác như bị xâm phạm bắt nạt, không thoải mái. Đây chính là khí lớn lấn át người, thô lỗ khiến người ta ghét.
Khí phách phong độ
Đây là một đặc trưng của tu dưỡng giáo dục lên một cảnh giới cao hơn. Trong lòng tự có tài hoa thi thư, chính khí hạo nhiên, khí phách hiên ngang, đẹp phóng khoáng như cây ngọc trong gió, cử chỉ nho nhã, phong độ phi phàm, trác việt siêu quần.
Đó là những từ dùng để hình dung khí chất toát ra của một người có văn hóa.
Có hòa khí an định lại hướng vào nội tâm rồi, tiếp tục thăng hoa, tiếp tục tích tụ lắng đọng. Thế thì trường khí này có thể thông qua thân thể phát ra thần thái và sáng láng, khiến cho người ta nhìn sẽ cảm thấy người này khí phách phong độ phi phàm.
Phẩm chất đặc trưng này lại không thể giả bộ ra được, cũng không thể diễn xuất ra được. Nó chỉ có thể từ sự tích tụ tu dưỡng từng ngày mà có được.
Người hiện đại ít chú trọng tu dưỡng thân tâm. Đa phần là tạo ra vẻ bề ngoài, chú trọng đến thuộc tính xã hội mà quên mất thuộc tính tinh thần của bản thân.
Người quá nhiều thuộc tính xã hội thì sẽ cho rằng khí phách phong độ là xe hơi của mình tốt hơn người khác, mình ăn, mặc đều hơn người khác, điều kiện gì cũng hơn người khác.
Thực ra hoàn toàn ngược lại.
Người có siêu xe với người đeo đầy dây chuyền vàng lớn ở quán đồ nướng về bản chất là không có gì khác biệt. Nội tâm nghèo rớt nên cần phải trang sức bề ngoài.
Trang sức bề ngoài càng nhiều càng lớn thì khí phách phong độ nội tâm lại càng mất giá: Không có một chút tích tụ văn hóa nào cả. Thuộc tính xã hội càng hiển quý, thì thuộc tính tinh thần cá nhân nhiều khi càng trái ngược.
Trang Tử nói: “Người xa hoa ham dục càng thâm sâu thì thần trí thiên bẩm của họ càng nông cạn”.
Quan tâm đến người khác
Nhiệt tình, đối đãi với người khác chân thành, biết quan tâm đến người khác, đó chính là phong thái của người quân tử xưa.
Mà phẩm chất này lại do giáo dục phẩm đức tư tưởng mà có. Làm một con người, khí hòa thần định, tĩnh tâm an định hướng vào nội tâm, chính khí nạp đầy thân thể, thì họ sẽ tự nhiên biểu lộ ra quan tâm đối với người, đối với vật và đối với xã hội.
Theo Apollo
Nam Phương biên dịch