Đại Kỷ Nguyên

Giữ thân như ngọc sẽ được phúc báo, ham mê dâm dục sẽ bị trừng phạt

Trong “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” có viết rằng: “Những người tham lam sắc dục, hành vi bất chính, làm tổn hại đi bản tính lương thiện và danh tiết của bản thân tức là trái với Thiên lý thì sẽ phải chịu nhận sự trừng phạt. Thiên thượng sẽ giáng tai họa cho những người này, báo ứng vô cùng nhanh chóng. Chỉ những ai trọng đức, giữ mình thanh khiết, thủ thân như ngọc thì mới có thể được phúc báo.”

Từ xưa đến nay, mọi người đều tin rằng những người có thể nghiêm khắc với bản thân về vấn đề sắc dục thì nhất định sẽ được phúc báo. Còn những người tham lam dâm dục, làm ra những chuyện trái với luân thường đạo lý, thậm chí mới chỉ có những suy nghĩ bất chính thì cũng đã là có tội và phải chịu sự trừng phạt. Dưới đây là một câu chuyện như thế:

Vào thời Bắc Tống, ở Tín Châu, Giang Tây có người đàn ông tên là Lâm Mậu Tiên, là người có học vấn nhưng gia cảnh nghèo túng, bần hàn, không có tiền đi học, vì thế anh ta đành đóng cửa tự học ở nhà.

Bên cạnh nhà Lâm Mậu Tiên có một vị phu nhân xinh đẹp của một gia đình giàu có, nhưng hiềm một nỗi, người chồng lại là người không có học vấn. Vì thế, người phụ nữ này đã đem lòng ái mộ Lâm Mậu Tiên và ghét bỏ chồng mình. Vì quá ái mộ danh tiếng của Lâm Mậu Tiên nên một lần nhân lúc nửa đêm, người phụ nữ này đã tìm đến nhà anh ta.

Lâm Mậu Tiên nghiêm nghị nói rằng: “Nam nữ khác biệt, lễ pháp không dung, thiên địa quỷ thần đều biết, bà sao có thể làm ô uế phẩm hạnh của ta?” Người phụ nữ này nghe Lâm Mậu Tiên nói xong, vô cùng xấu hổ mà rời đi.

Năm sau, năm thứ 8 niên hiệu Thiên Thánh, Bắc Tống, Lâm Mậu Tiên thi đỗ tiến sỹ. Bởi vì tài hoa đức độ hơn người nên ông rất được triều đình trọng dụng. Ông được triệu vào kinh thành đảm nhận chức vụ Thái Thường Khanh, một chức quan nhị phẩm.

Sau này, cả bốn người con trai của ông đều đỗ đạt tiến sỹ. Gia đình ông được người đời ca ngợi là “Nhất ngôn ngũ tiến sĩ” ý chỉ một gia đình mà có tới năm người đỗ đạt tiến sĩ. Gia đình ông cũng trở thành một trong những gia đình hiển vinh nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Ngay mở đầu của cuốn “Trung Dung” đã nói rõ rằng, người quân tử cho dù là lúc không có ai nhìn thấy thì cũng không làm chuyện vô lễ, trái Thiên lý.

Người xưa kính Thiên kính Thần, bậc quân tử cho dù ở đâu cũng biết có Thần minh giám sát, mắt Thần như điện, không dám phóng túng dục niệm của bản thân. Họ có thể khống chế được bản thân, tu thiện tích phúc và sẽ được Thượng Thiên bảo hộ, người và Thần đều khâm phục.

Kẻ tiểu nhân, người vô minh không tin luật nhân quả, cũng không biết sợ, kiêng nể, cho rằng làm việc xấu bí mật thì sẽ không ai biết. Nhưng kỳ thực, con người làm việc xấu chỉ có thể giấu được người chứ không giấu được Thần.

Đạo lý ấy đã mai một rồi, ngày nay người ta đến chùa nhưng không tin có Thần giám sát mọi hành vi của con người, nên chuyện trái luân thường đạo lý nào cũng dám làm. Chuyện ngoại tình, người nọ giựt chồng người kia thành ‘chuyện thường ngày ở huyện’. Dùng nhan sắc hay thậm chí thân xác để đổi lấy danh, tiền là chuyện cũng chẳng có chi lạ lùng..

Nguồn cơn của trăm sự bại hoại trái lẽ Trời ấy cũng là vì người ta làm mà không nghĩ rằng ‘ trên đầu ba thước có thần linh’ thấu tỏ.

Nghiệp gây ra, trả đến kiếp nào hết được?

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version