Đại Kỷ Nguyên

Người đang làm Trời đang nhìn. Có thể dối người nhưng không thể dối Trời (P.1)

Làm người chớ lừa dối lòng mình mà trái với lương tâm. Người xưa nói: “Người đang làm Trời đang nhìn. Có thể dối người nhưng không thể dối Trời”, để nhắc nhở mọi người từng giờ từng phút xem xét mỗi một ý niệm, hành động, việc làm của mình xem có hợp với lẽ Trời hay không.

Có người làm việc xấu che đậy không để ai biết, cho rằng có thể lừa được người khác. Nào có hay có thể lừa được người chứ không lừa được Trời Đất Thần linh, không thể lừa được lương tâm bản thân mình.

Thiện ác hữu báo, người thiện được phúc lành kẻ ác gặp tai ương, cổ kim có vô số sự thực đã nghiệm chứng rồi. Kẻ hành ác nhất định không chạy thoát khỏi kết cục tất nhiên của nhân quả báo ứng trừng phạt. Tội ác của họ bị mọi người lên án, phúc lộc cho đến tuổi thọ trong mệnh sẽ bị cắt giảm, phải chịu họa hoạn ưu sầu báo ứng với tội lỗi của họ, không cách nào tránh được vận mệnh tai ương. Do đó nói rằng, hại người thì cuối cùng là tự hại mình, bắt đầu bằng làm hại người khác, và cuối cùng là làm hại chính bản thân mình. Chớ vì lợi ích cá nhân, tính sổ người ta, tính đi tính lại thành ra tính toán chính mình. Nên sớm hướng thiện thì mới là hành động thông minh. Trong thư tịch cổ có chép một số các trường hợp như sau.

1. Gian tà, vu cáo hãm hại bị ác báo

Lư Kỷ đời Đường lòng dạ hẹp hòi, là người thâm hiểm xảo quyệt, khéo xu nịnh bợ đỡ. Sau khi ông ta làm tể tướng thì đố kỵ với những người hiền tài, hễ ai hơi có ý kiến bất đồng liền bài xích đả kích thậm chí đẩy họ vào chỗ chết nhằm củng cố thế lực. Ông ta tạo bè kết phái mưu lợi cá nhân, vơ vét tiền của người dân, đặt ra các loại thuế hà khắc như “thuế nhà ở”, “thuế mua bán”, v.v., khiến người dân không biết dựa vào đâu mà sống.

Lư Kỷ. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Lư Kỷ đàn áp các nhân sỹ chính nghĩa, thủ đoạn rất thấp hèn, không thủ đoạn xấu xa nào mà không dùng đến. Tể tướng Trương Viêm, Trương Dật học thức uyên bác, nhưng do không hùa theo vây cánh của ông ta nên đã bị đố kỵ hãm hại.

Chu Thử phản loạn, Đường Đức Tông trốn chạy đến Phụng Thiên, tể tướng Thôi Ninh rơi lệ đau lòng nói lên thời cuộc. Lư Kỷ vì thế chán ghét, bèn trước mặt Đường Đức Tông vu cáo Thôi Ninh và Chu Thử có thề ước. Thôi Ninh vì thế bị sát hại.

Điện trung Thị lang sứ Nghiêm Chân Khanh trực ngôn can gián, dâng sớ vạch trần tội trạng Lư Kỷ lộng quyền làm loạn quốc sự liền bị Lư Kỷ căm hận. Lư Kỷ thừa lúc Hoài Tây Tiết độ sứ Lý Hy Liệt phản loạn đã sử dụng kế độc, sai Nghiêm Chân Khanh đến khuyên hàng, mượn tay Lý Hy Liệt giết đi. Nghe tin Nghiêm Chân Khanh bị hại, tướng sỹ ba quân khóc lóc đau đớn. Đại thần chân chính Lý Quỹ, Đỗ Hựu đều bị Lư Kỷ gièm pha hãm hại.

Để chuyên quyền và củng cố địa vị, đồng thời che giấu tội trạng, Lư Kỷ dốc sức bịt đường ngôn luận, vu cáo hãm hại người tốt. Những kẻ tiểu nhân nịnh hót bợ đỡ thì được trọng dụng và đề bạt.

Lư Kỷ cầm quyền 4 năm, dân oán khắp nơi. Cấp sự trung Viên Cao Đàn hạch tội ông ta, chỉ rõ sự gian tà bại hoại triều chính của hắn, giáng chức quan cũng không đủ xứng với tội lỗi của hắn, nhưng Đường Đức Tông lại không bãi chức. Đường Đức Tông nói với Lại bộ Thượng thư Lý Miễn rằng: “Mọi người đều nói Lư Kỷ gian tà, sao trẫm lại không thấy. Khanh có biết tội trạng ông ta không?”

Lý Miễn đáp: “Thiên hạ đều biết ông ta gian tà, riêng bệ hạ không biết, do đó hắn mới gian tà được”.

Sau này do binh biến Kinh Nguyên, Kinh sư thất thủ, Sóc phương Tiết độ sứ Lý Hoài Quang dâng sớ hạch tội Lư Kỷ rằng: “Tàn hại trung lương, gian thần hại quốc”. Các đại thần cũng đều tới tấp dâng sớ tố cáo tội ác, cả ngàn người đều đứng lên vạch tội Lư Kỷ. Đường Đức Tông bất đắc dĩ giáng chức ông ta làm Tư mã Tân Châu, rồi lại giáng xuống làm Biệt giá Lễ Châu. Lư Kỷ trên đường nhậm chức bị bệnh chết trên thuyền.

Cả đời Lư Kỷ, để thỏa mãn lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn nào. Cuộc đời vô liêm sỉ của ông ta được gắn vào cột sỉ nhục trong sách “Gian thần truyện” của sử sách đời Đường để người đời sau nguyền rủa.

Cuộc đời của Lư Kỷ đã trở thành hình tượng xấu xa với người đời sau. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Làm quan là để mưu cầu phúc lành cho người dân trong thiên hạ, những Lư Kỷ lại lòng dạ hẹp hòi, thuận theo hắn thì sống, đối ngược hắn thì chết, với tâm đố kỵ đã vu cáo hãm hại biết bao nhiêu người tốt. Dựa vào quyền lực mưu cầu tư lợi cá nhân có thể đắc thế nhất thời, nhưng cuối cùng sẽ khiến bản thân đơn độc trơ trọi. Kẻ tiểu nhân sở dĩ đố kỵ thậm chí làm đủ việc xấu là bởi vì không biết đạo lý rằng: con người dù có nhiều mưu kế, mánh khóe đến đâu đi nữa, Trời vẫn báo ứng khéo hơn nhiều.

Trong thơ “Du Phong Đô Hồ Mẫu Địch ngâm thi”, sách “Dụ thế minh ngôn” của Phùng Mộng Long đời Minh có miêu tả Hồ Mẫu Địch, một tú tài đời Nguyên bị Diêm Vương mời đến Sâm La Điện ở Phong Đô làm khách, đã đích thân chứng kiến những kẻ đại ác trên thế gian qua các triều đại đang chịu trừng phạt ở đó. Cái khổ ở địa ngục là vô cùng vô tận. Trong đó, ở “Địa ngục gian tà” thấy hơn trăm người đeo gông cùm, Hồ Mẫu Địch hỏi: “Những người này là ai vậy?”

Viên thư lại coi ngục trả lời: “Đều là các quan tướng, gian tà ác đảng, dối trên lừa vua, mọt nước hại dân các triều đại, như bọn Lương Ký, Đổng Trác, Lư Kỷ, Lý Lâm Phủ đều ở trong đó. Tội mà bọn chúng phải chịu giống như Tần Cối”.

Quả đúng là:

“Dối lòng trái lẽ nghĩ hành ác,

Niệm này mới khởi Trời đã hay,

Báo ứng cuối cùng chẳng hề sai,

Chỉ là đến sớm hay đến muộn”

Theo minghui.org
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version