Đại Kỷ Nguyên

Người đang làm Trời đang nhìn. Có thể dối người nhưng không thể dối Trời (P.3)

Làm người chớ lừa dối lòng mình mà trái với lương tâm. Người xưa nói: “Người đang làm Trời đang nhìn. Có thể dối người nhưng không thể dối Trời”, để nhắc nhở mọi người từng giờ từng phút xem xét mỗi một ý niệm, hành động, việc làm của mình xem có hợp với lẽ Trời hay không.

Xem thêm: Phần 1, Phần 2

Xảo trá mưu sâu họa càng sâu

Xưa ở trấn Thái Thương Sa Khê có một phú ông họ Thẩm, hung dữ bạo ngược, giàu có mà bất nhân. Những đất đai nhà ai mà tiếp giáp với nhà ông ta thì ông ta sẽ nghĩ mọi cách để lấn chiếm dần, cuối cùng cướp đoạt lấy bằng được. Người ta có dụng cụ như lưới, đăng, xe, cày thì tìm cách mượn bằng được rồi ngấm ngầm phá hỏng, vì lo lắng người ta sẽ xâm phạm lợi ích của mình. Hàng xóm có cha con Lưu Trí Kim, làm nghề điêu khắc, tay nghề rất cao siêu. Công cụ, dao đục của họ đều mua tận Vân Nam về, sắc bén vô cùng. Khi ông Thẩm xây dựng phòng ốc, thuê cha con nhà họ Lưu đến điêu khắc rường cột các loại hoa văn.

Hai cha con nhà họ Lưu ngày ngày cần mẫn điêu khắc rất tinh xảo, nửa năm mới hoàn thành, nhưng ông Thẩm lại trả thiếu tiền công. Hai cha con họ Lưu nói chuyện lý lẽ với ông Thẩm nhưng ông ta lại ôm hận trong lòng.

Hai cha con họ Lưu nói chuyện lý lẽ với ông Thẩm nhưng ông ta lại ôm hận trong lòng. (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Một hôm, chùa Báo Ân ở Nam Kinh muốn làm 500 vị La Hán, biết được danh tiếng cha con nhà họ Lưu, bèn thuê họ tạc tượng, đưa tiền đặt cọc và hẹn ngày. Sau khi ông Thẩm biết chuyện, ông ta ngầm cho người giả làm khách buôn, đi cùng với cha con họ Lưu. Tên khách buôn giả giữa đường đã phá hỏng hết dụng cụ dao đục của cha con họ Lưu rồi bỏ trốn.

Khi cha con họ Lưu đến chùa đúng lúc thợ địa phương đang tranh nhau công việc. Cha con họ Lưu vì dụng cụ bị hỏng hết, lại là người đất khách tha hương, nên không dám tranh nhận công việc với họ, đành phải làm một số việc vặt để trả nợ số tiền đặt cọc. Sau khi công việc xong xuôi, hai cha con tay trắng trở về, thậm chí không còn một xu trong người. Hai cha con ngửa mặt than Trời, ngày ngày kêu oan, nhưng không biết kẻ phá hỏng dụng cụ của mình lại chính là người do ông Thẩm sai đi làm.

Ông Thẩm làm việc xấu, càng ngày càng thậm tệ, lại còn tự cho rằng bí mật mưu cao, người khác chẳng thể làm gì được. Con dâu ông ta khuyên rằng: “Tội nghiệt cha gây ra đã sâu lắm rồi, nếu Trời giáng tội thì trốn tránh nơi nào đây?”.

Ông Thẩm nổi giận nói: “Ta có tội gì mà khiến Trời trừng phạt? Mày dám ác ngôn nguyền rủa ta, đúng là đồ bất hiếu, giữ lại làm cái gì?”

Thế là ông Thẩm đuổi con dâu về nhà mẹ đẻ. Con dâu rời nhà đi chưa được một dặm, bỗng nhiên mưa giông sấm sét nổi lên, cô vội vàng tìm nơi trú ẩn, nhìn từ xa thấp thoáng thấy một con rồng đang bay về phía nhà cha chồng, cuốn đi tất cả. Toàn bộ tài sản không còn lại bất cứ thứ gì, cả nhà già trẻ lớn bé đều bị chết. Chỉ riêng cô do trở về nhà mẹ đẻ nên thoát nạn.

Một tấm lòng thiện có thể dưỡng sinh, sử dụng một vật cũng có thể thấy khả năng. Còn kẻ ngấm ngầm phá hoại, thì dẫu có tài cũng khó thi triển. Cái gọi là ‘khí vật’ chính là chỉ như cày cuốc của nhà nông, công cụ của người thợ, bút mực của văn nhân. Đó là những đồ vật tuy nhỏ, nhưng lại thường dùng và ắt phải dùng đến. Đồ của người khác thì ngấm ngầm phá hỏng, để đến khi người ta dùng đến thì chịu bó tay, khiến cho họ vì vậy lâm vào cảnh cơ hàn, nghèo khó và bệnh tật trầm trọng thêm, tiền tài mất hết. Đó là tâm địa bại hoại cực độ, tạo tội nghiệt không hề nhẹ. Ông Thẩm ngầm hại người, hành ác đa đoan quỷ quyệt, cuối cùng hại chính bản thân và gia đình mình.

Ông Thẩm ngầm hại người, hành ác đa đoan quỷ quyệt, cuối cùng hại chính bản thân và gia đình mình… (Ảnh minh họa: calto.info)

Quả đúng là:

Tự cổ mưu sâu họa cũng sâu,
Đừng tham phú quý mất lương tâm.
Chớ nói nhân quả không báo ứng,
Đạo Trời tuần hoàn chẳng sai đâu.

Theo minghui.org
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version