Đại Kỷ Nguyên

Người không rạch ròi về tiền bạc chắc chắn cũng không thể thành công

Ảnh: Andrea Piacquadio / Pexels.

Trong cuộc sống, cách ứng xử với đồng tiền có thể phản ánh được con người của bạn ra sao, khiến người khác có thể yêu mến, cảm phục hoặc ác cảm với bạn.

Tiền bạc có thể phản ánh bạn là người đáng tin cậy hay không

Một hôm có cô gái trẻ đến tìm nhà một ông lão để trả tiền. Ông lão nọ rất ngạc nhiên và không hiểu tiền gì, hơn nữa ông lại không hề biết cô gái ấy. Nhưng khi được nghe cô gái trình bày ông mới sực nhớ ra cách đây rất lâu ông đã cho hai vợ chồng nọ vay một túi gạo. Năm đó là năm gia đình vợ chồng nọ gặp nạn, lâm vào cảnh nghèo đói. Câu chuyện đã xảy ra rất lâu từ 10 năm trước và số gạo khi ấy đối với ông lão cũng không đáng kể nên ông lão cũng đã dần quên đi.

Tuy nhiên, đứa con gái của hai vợ chồng nọ thì không bao giờ quên, luôn khắc ghi trong lòng. Đến hôm nay, khi cô vừa thành tựu cô liền thay ba mẹ mua một món quà kèm theo một ít tiền đến nhà ông lão nọ để trả ân. Cô hết sức kính trọng ông lão và luôn miệng cảm tạ sự giúp đỡ của ông năm đó đối với gia đình cô.

Đối với ông lão thì bao gạo đó chẳng đáng là bao và ông có thể quên đi dù gia đình cô gái không trả lại, nhưng hành động của cô chứng tỏ được con người như vậy mới đáng để chúng ta nể trọng về nhân cách sống. Những người như cô gái kia thường rất đáng tin cậy, bởi tiền bạc là thứ mẫn cảm nhất trên đời này. Cho dù một người có nhiệt tình đến đâu, dụng tâm đến đâu, chỉ cần tác phong tiền bạc khiến người khác khó chịu thì cũng sẽ rất khó có được nhân duyên tốt, càng không cần nói đến khiến người khác tín nhiệm.

Cho dù là thất bại, hay nợ cao chồng chất, hay người khác không cần bọn họ trả lại, đợi đến khi họ làm lại lần nữa, tạo dựng sự nghiệp thành công thì họ luôn không quên mà còn hoàn trả đầy đủ. Bởi vì họ biết tiền mất đi có thể kiếm lại được nhưng một khi thất hứa thì không còn chữ tín nữa, cũng không được người khác tín nhiệm. Đây chính là người thật sự có nhân cách lớn.

Thái độ của một người đối với số tiền càng nhỏ càng phản ánh rõ ràng sự giáo dưỡng của người đó

Hoa có cô chị họ cùng tuổi nhưng Hoa lại rất không thích cách ứng xử với tiền của người chị họ này. Chị họ biết Hoa có nhiều mối mua hàng tốt nên nhờ Hoa mua giúp. Hoa cho địa chỉ chị họ liên hệ mua trực tiếp nhưng chị họ nhất quyết nhờ Hoa mua hộ. Tuy nhiên khi mua xong, người chị họ bảo là trên người không có tiền, qua mấy ngày sẽ trả. Lúc đó, Hoa đang đi làm nên cũng không có bao nhiêu tiền, nên qua hơn mươi ngày nửa tháng Hoa bảo hết tiền thì người chị họ mới trả cho Hoa.

Từ khi Hoa và chồng kết hôn lại có sự nghiệp của riêng mình, thì mỗi khi giúp chị họ mua đồ cô ấy đều thiếu tiền mấy tháng. Nếu như Hoa nhắc đến, cô ấy sẽ cười nói Hoa cũng không thiếu số tiền này, nếu như Hoa thiếu thì cô ấy đã sớm trả cho Hoa, cô ấy đâu có thiếu tiền Hoa lần nào. Thực chất, số tiền mà Hoa mua đồ giúp cô ấy mỗi năm cũng hơn vài triệu, mặc dù không tới nỗi khiến Hoa phải thiếu thốn ăn mặc nhưng cảm giác này rất khó chịu.

Hoa biết nếu như Hoa mở miệng đòi nhiều lần thì người chị họ kia cũng sẽ trả cho Hoa, nhưng như vậy thật sự quá phiền phức. Do đó sau này khi chị họ nhờ muốn Hoa mua thứ gì, Hoa đều nói cô ấy không cần trả tiền cho Hoa mà hãy đưa trực tiếp cho cha mẹ Hoa.

Thật ra người họ hàng này về những mặt khác rất tốt, nhiệt tình, trọng tình thân, cũng không có lòng riêng tư, chỉ có một tật xấu này, bị rất nhiều người nhắc nhở nhưng cô ấy vẫn không sửa được.

Lúc trước Hoa luôn không hiểu, dù sao đến cuối cùng đều trả tiền cho Hoa, vì sao luôn muốn kéo dài một khoảng thời gian chứ? Sau này khi quen biết rộng rãi, Hoa mới phát hiện những người như vậy thật ra rất nhiều. Không biết là vì họ thật sự thiếu thốn vật chất hay là do bọn họ nghĩ vì là bà con nên khất nợ cũng không sao dù rằng trên người họ đang có tiền.

Cũng như vậy khi ta mượn tiền của người khác hoặc nhờ người khác giúp mua gì đó, thì ta nên hiểu rằng người khác cũng vì ta mà hy sinh khoản tiền của bản thân họ. Có thể tháng đó họ dùng tiền ấy để sắm sửa cho gia đình nhưng vì ta nên họ phải chi tiêu eo hẹp lại, có rất nhiều việc họ cần dùng tiền để làm việc riêng nhưng vì ta họ phải hoãn lại mọi thứ.

Do đó ta phải biết cảm ân họ đã giúp đỡ ta và tìm cách trả lại tự giác hoặc đúng hẹn, không nên đợi người khác nhắc nhở mới trả, còn nếu kẹt chưa thể trả được thì cũng nên trình bày để người khác thông cảm. Vậy mà có rất nhiều người bình thường thì tay bắt mặt mừng thân thiết, khi nợ tiền rồi thì đâm ra xa cách không dám gặp người mình đã mượn tiền.

Đại đa số mọi người không phải thiếu tiền không trả, chỉ là họ không rộng rãi về mặt tiền bạc, có thể kéo dài thì kéo dài, đến khi không kéo dài được nữa mới trả, lần sau vẫn tiếp tục như vậy. Những tình huống như vậy thật ra là tính cách có vấn đề, chính là trong rất nhiều việc đều do dự không quyết đoán.

Ảnh minh họa: Sharon McCutcheon / Unsplash.

Thái độ của một người đối với số tiền nhỏ càng phản ánh rõ ràng giáo dưỡng của người đó, chưa từng có ai chỉ vì một chút tiền mà đại phú đại quý, nhưng lại có người chỉ vì một chút tiền nhỏ nhặt mà vĩnh viễn không có thành tựu lớn. Những người càng tính toán nhỏ nhoi, trình độ hiểu biết càng kém cỏi, càng khó làm nên việc lớn. Nếu như tìm hiểu kỹ những người có thành tựu lớn, họ luôn có một cuộc đời thăng trầm, luôn gặp khó khăn trắc trở, nhưng cho dù là trong hoàn cảnh nào, trên phương diện tiền bạc họ đều không khiến cho người khác xem thường.

Những người bình thường đều yêu tiền, nhưng “quân tử yêu tài phú, tất có đạo lý riêng”, nếu thuộc về bản thân, thì chính là của bản thân mình. Cho nên yêu như thế nào cũng không thành vấn đề, nhưng nếu yêu tiền của người khác, không thuộc về bản thân thì chính là làm tổn hại đến lợi ích của người khác. Một người chỉ vì bản thân mà làm tổn hại đến lợi ích của người khác thì nhân phẩm liệu có thể tốt được.

Người không ứng xử rạch ròi với tiền thì không thể thành công

Vài ngày trước Nam có một món đồ quý giá cần phải gia công. Sau khi nói chuyện với bà chủ tiệm liền trả trước một nửa tiền, bà ấy cười nói không cần vì cùng Nam hợp tác lâu như vậy rồi còn không tin tưởng Nam sao? Đợi đến khi làm xong trả một lần là được rồi. Nam cũng cười nói Nam thích trả tiền trước một phần đã thành thói quen, như vậy mới khiến cho người khác cảm thấy thực tế hơn.

Bà chủ tiệm vui vẻ nói đã hợp tác với Nam lâu, cho nên rất tin tưởng Nam còn nhiều khách hàng khác thì kéo dài thời gian hai năm mới trả tiền, điều này khiến không ai dám làm ăn với anh ta nữa.

Bà còn kể rằng còn có một khách hàng, chỉ là một số tiền nhỏ nhưng lại kéo dài đến hai năm mới trả, mấy lần bà đòi anh ta, anh ta đều nói đợi thêm vài ngày, mà lần chờ đợi này chính là hai năm ròng rã, mấy ngày trước anh ta mới trả lại cho bà. Sau này anh ta lại đến tìm bà gia công đồ, bà trực tiếp nói dạo này làm ăn quá bận rộn, nên không thể sắp xếp thời gian làm cho anh ta được, kêu anh ta đi nơi khác gia công vậy.

Tại sao chuyện làm ăn với Nam lại thuận lợi còn anh chàng kia thì không? Đó là vì bà chủ tiệm không muốn phải đợi thêm hai năm nữa, cho nên thà rằng không làm. Sau đó tôi nghe người khác nói anh ta cũng đến chỗ họ, nhưng đều bị từ chối, bởi vì muốn đòi tiền công đều quá khó. Cuối cùng không biết anh ta tìm được ai giúp đỡ, nhưng cũng chỉ hợp tác một lần rồi thôi.

Trong làm ăn thì tiền bạc rất nhạy cảm, nếu muốn lâu dài thì ngay ban đầu bản thân bạn phải uy tín, còn cứ như anh chàng kia thì cuối cùng cũng không ai dám hợp tác và phá sản cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Người ta thường nói “Quản trung khuy báo, lược kiến nhất ban” có nghĩa là rất nhiều lúc, chỉ cần từ một chuyện nho nhỏ chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều vấn đề. Chúng ta đều có rất nhiều tật xấu, có những tật xấu không làm hại đến người khác, nhưng cũng có nhiều tật xấu tuyệt đối không nên có.

Nếu muốn người khác có hảo cảm với mình, tín nhiệm mình có lẽ phải làm một trăm việc, nhưng khiến người khác sinh ra ác cảm, phá hoại tín nhiệm thì chỉ cần một việc là đủ, do đó phải luôn chú trọng đến cách ứng xử của mình từ việc nhỏ thì mới thành công và được người khác yêu mến cũng như kính trọng.

Exit mobile version