Trong hơn 5 năm qua, có một người Tây phương đã đi khắp Việt Nam để níu giữ lại những nét đẹp văn hóa lâu đời đang dần dần mai một. Anh chính là nhiếp ảnh gia Réhahn – người được giới truyền thông ưu ái gọi là “Người lưu giữ linh hồn nhân vật”.
Sinh ra và lớn lên tại Normandy, Pháp, cũng từng đặt chân tới hơn 35 quốc gia ở khắp các châu lục Á, Âu, Mỹ, nhưng nhiếp ảnh gia Réhahn lại chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình. Réhahn cho biết, lần đầu tiên anh tới Việt Nam là vào năm 2007, trong chuyến đi cùng với một tổ chức phi chính phủ của Pháp. Chuyến đi đã để lại trong anh ấn tượng về một nền văn hóa phong phú đa sắc màu. Cho đến năm 2011, anh đã chuyển đến định cư lâu dài tại Việt Nam và chọn phố cổ Hội An làm mái ấm của mình.
Qua những chuyến hành trình dọc theo đất nước, nhiếp ảnh gia Réhahn đã đến thăm các nhóm dân tộc thiểu số, hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa để tìm hiểu nét đẹp văn hóa mỗi vùng miền. Anh không chỉ được tận mắt chứng kiến sự đa dạng trong văn hóa mà còn cảm nhận rõ ràng một sự tồn tại mong manh trong các di sản lâu đời ấy. Theo nhiếp ảnh gia Réhahn, từ những bộ trang phục truyền thống cho đến ngôn ngữ địa phương, các tập tục lâu đời và những tri thức từng được truyền thừa qua hàng ngàn năm qua – nay đang dần dần biến mất.
“Dường như một phần của lịch sử văn hóa sẽ ngủ quên mãi mãi và không có ai làm bất kể điều gì để đánh thức chúng” – Réhahn chia sẻ.
Cùng với nỗ lực lưu giữ lại những nét đẹp ấy, anh đã đến thăm các thôn bản xa xôi, cùng ăn cùng ở với những người dân trong bản, và ghi lại những khoảnh khắc giản dị nhưng quý giá vô ngần của họ. Đó là nụ cười rạng rỡ in hằn dấu thời gian của những ông lão, bà lão; là hình ảnh em bé 6 tuổi người M’nong đang cầu nguyện trước chú voi lớn; là khung cảnh thôn quê thanh bình và mộc mạc, và là khu phố cổ rêu phong màu thời gian, v.v.
Và kết quả của các cuộc hành trình khác nhau trong gần 5 năm xuyên suốt Bắc-Trung-Nam, nhiếp ảnh gia Réhahn đã cho ra mắt bộ sưu tập tranh “Việt Nam – Những mảnh ghép tương phản” (2014), “Những người bạn” (2014), và bộ ảnh “Nụ cười ẩn giấu” (2015), và gần đây nhất là di sản “Bảo tàng Nghệ thuật Di sản Vô giá” (2017).
Có thể nói, khi làn sóng văn minh đang cuốn trôi đi những giá trị văn hóa lâu đời, thì công trình thầm lặng của “người nghệ sĩ Tây phương trên đất Việt” ấy đã thức tỉnh chúng ta nhìn nhận lại một lần nữa để thêm trân trọng, nâng niu, và bảo tồn linh hồn của dân tộc.
Hồng Liên
Xem thêm: