Đại Kỷ Nguyên

Người nay ly hôn là chìm trong bi kịch, người xưa ly hôn là ngập tràn ý thơ

Khi cuộc hôn nhân chóng vánh qua đi, sẽ có người hoài niệm về quá khứ. Kỳ thực người xưa cũng từng ly hôn, nhưng cách họ chia tay lại đẹp và thơ mộng hơn rất nhiều.

Chỉ một thời gian ngắn mà biết bao cuộc tình đẹp tựa giấc mơ, bỗng một ngày vỡ tan trong tiếc nuối. 

Có cặp vợ chồng doanh nhân nọ, đã từng nắm tay nhau vượt qua cay đắng, vậy mà lại không thể trụ vững lúc giàu sang. Khi hôn nhân tan vỡ, anh một lời trách móc, tôi một lời than phiền, tiền tiền bạc bạc, đong đếm cân đo. Người này muốn buông, người kia cố níu, người này thẳng thừng giũ tay phủi áo, người kia cố chắp gương vỡ thành lành. Nhưng vẫn chỉ là: Ta chẳng thể bên nhau!

Lại có cặp đôi nghệ sĩ nọ, đã từng vẽ tình yêu trên cổ tích. Ái tình như mơ, đám cưới như mộng, đã từng ví cái ngày họ gặp nhau là khoảnh khắc đẹp nhất, lại từng hẹn ước sẽ nắm tay tới cuối con đường, cũng từng nguyện cầu cho tình yêu chân thành mãi mãi. Một cuộc hôn nhân tưởng chừng như viên mãn, sau cùng lại là đường ai nấy đi, cho dù muốn chia tay trong êm ái, thì vẫn không thể tránh khỏi đôi lời trách cứ về nhau.

Sau những hạnh phúc và ngọt ngào, câu chuyện tình vốn được coi là đẹp như cổ tích thời hiện đại của Song Hye Kyo – Song Joong Ki lại khiến trái tim các fan “tan vỡ” bởi tin tức cặp đôi đệ đơn ly hôn. (Ảnh: deskgram.net)

Vẫn biết rằng lòng người một khi thay đổi, sẽ chẳng thể quay lại như thuở ban đầu. Nhưng nếu như người ngày nay bằng sự ích kỷ và hẹp hòi của mình đã biến chia ly trở thành bi kịch, khiến ly hôn trở thành cơn ác mộng hay tấn trò đời… thì người xưa lại hành xử theo cách hoàn toàn ngược lại.

Trong một lá đơn ly hôn có từ thời nhà Đường, gọi là “phóng thê thư” (giấy giải phóng vợ), người chồng đã dành cho vợ những lời lẽ có thể nói là duyên dứt nhưng tình không tan, phận hết nhưng nghĩa không tận. Lá đơn cho thấy cuộc chia ly không thê lương ảm đạm mà vẫn ngập tràn ý thơ, người dứt áo ra đi không lạnh lùng bạc bẽo mà vẫn trọng nghĩa, trọng tình.

Một tờ “Phóng Thê Thư” từ thời nhà Đường. (Ảnh: Kongfz.com)

Nội dung lá đơn viết:

“Nói về duyên chồng vợ, phu thê tình thâm, ân sâu nghĩa nặng, cùng trò chuyện luận đàm, chung vui chén rượu giao bôi. 

Phàm đã là vợ chồng, ba đời trước kết duyên thì đời này mới nên chồng vợ. Vợ chồng sánh bước giống như uyên ương, sóng đôi cùng bay, nguyệt hoa cùng ngắm. Hai mỹ đức âm dương, ân ái là trọng nhất, hai trái tim cùng chung nhịp đập. 

Kế duyên 3 năm thì phu thê hòa hợp, 3 năm oán hận thì sẽ đối chọi nhau. Vợ thì một lời kể tội, chồng thì liếc mắt hiềm nghi, ghét nhau như mèo với chuột, như sói ở chung với cừu. 

Khi hai trái tim chẳng đồng lòng thì khó cùng chung một ý, nên mau mau tham vấn người thân, để xin ly biệt, vật dụng ghi chép ra, ai đi đường nấy. 

Mong nương tử sau khi chia ly, chỉnh trang tóc mai, sửa nét mày ngài, tỏ rõ dáng vẻ yểu điệu thục nữ, lựa chọn được người quan chức cao, thả bóng trước thềm, đẹp duyên cầm sắt. 

Hóa giải ân oán, xin chớ ghét nhau. Ly biệt cả hai cùng khoan dung, ai nấy đều vui vẻ. 

Ăn mặc trong 3 năm, xin tặng tỏ chút lòng. Kính chúc nương tử thiên thu vạn tuế”.

Người ngày nay ly hôn mà không buông ra đôi lời than thở, thì đã là đáng quý đáng trọng lắm rồi. Nhưng lang quân xưa khi dứt tình với vợ, vẫn không quên dặn dò nương tử “chỉnh trang tóc mai, sửa nét mày ngài” để sớm tìm được ý trung nhân mà “nên duyên cầm sắt”. Thậm chí chồng không chỉ dâng tặng y phục và lương thực đủ dùng trong 3 năm, mà còn cúi mình chúc vợ “thiên thu vạn tuế”. Nhờ đó, ly hôn của cổ nhân không mang hàm ý “bỏ vợ”, mà là “giải phóng” để người bạn đời của mình sớm tìm thấy bến đỗ bình yên.

Lại ngẫm đến những cuộc tình tan vỡ cả tăm tiếng và tai tiếng ngày nay, có ý kiến cho rằng trong “tình yêu mì ăn liền” người ta luôn thấy một sự hối hả và mộng tưởng, một nỗi đau đớn và không ngừng oán than. Biết bao cuộc tình hiện đại đều có khởi đầu đẹp như trong tiểu thuyết, lại kết thúc bằng nỗi bi kịch ê chề. 

Tình yêu đẹp nhất thường là những giây phút ban đầu, chỉ tiếc rằng cuộc tình ấy dẫu lung linh muôn tía ngàn hồng thì vẫn không chống đỡ nổi sự phũ phàng của thời gian. Thế nên, nếu như tình yêu ấy không thể vững bền thì hãy coi tàn khuyết là mỹ lệ, coi sự dở dang là viên mãn, và coi kết thúc là thời điểm bắt đầu. Rượu mạnh chỉ có thể dăm ba đôi chén nhưng nước nhạt mới là thứ để tận hưởng lâu dài. Tình yêu cũng vậy, không quý ở cuồng nhiệt đắm say mà trọng ở ân tình sâu lắng, không cầu được sớm tối bên nhau mà chỉ cần lưu giữ ký ức đẹp về nhau.

Lại nhớ hai câu trong “Thước Kiều Tiên” của Tần Quan kể về chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ: “Cuộc trùng phùng vào lúc gió vàng sương ngọc ngày Thất Tịch, còn đáng quý hơn những cặp phu thê chốn nhân gian thân xác bên nhau mà tâm thì xa cách”. Những cuộc hôn nhân chốn phàm trần nếu một mai tan vỡ, thì chỉ mong hãy trân trọng nhau và hãy nhớ về nhau như cái ngày đầu tiên gặp gỡ.

Giá như mỗi mối tình đều giống như lần đầu tiên, mỗi cuộc hôn nhân đều giống như ngày đầu gặp gỡ, thì đâu cần phải chia ly trong ngậm ngùi?

Tâm Minh

Bạn đang đọc bài viết: “Người nay ly hôn là chìm trong bi kịch, người xưa ly hôn là ngập tràn ý thơ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version