Trí huệ, khí độ và hàm dưỡng của một người tốt đẹp ra sao chỉ cần một thời gian tiếp xúc ngắn ngủi là có thể nhìn thấu.
Câu chuyện dưới đây diễn ra sau khi Napoleon Bonaparte lên ngôi hoàng đế nước Pháp.
Napoleon có chuyến du ngoạn bên ngoài cung điện. Khi đi qua một thị trấn nhỏ, ông dừng chân ở khách sạn nghỉ ngơi một chút, rồi thay đổi thường phục và bước ra phố tản bộ. Bởi bộ y phục khá giản dị, hoàn toàn che kín thân phận hoàng đế, vậy nên khi Napoleon bước đi trên đường không một ai chú ý đến ông.
Sau một hồi dạo vòng quanh trên phố, Napoleon bị lạc đường. Ông đứng ở giao lộ nhìn đông ngó tây, không biết ngã rẽ nào mới là lối quay về khách sạn.
Vừa khéo lúc ấy có một người ăn mặc trông giống như quân nhân đang đứng hút thuốc ở bên lề đường. Napoleon tiến về phía anh ta, rất lịch sự hỏi rằng: “Chào anh bạn, xin hỏi đường nào thông đến khách sạn thị trấn vậy?”.
Anh ta miệng đang ngậm điếu thuốc, đưa mắt nhìn Napoleon rồi chỉ tay một cái, ý nói rằng ông bạn hãy đi về con đường bên phải. Tuy thái độ của anh ta vô cùng ngạo mạn, Napoleon vẫn hòa nhã nói: “Cảm ơn anh, mong anh cho tôi biết thêm khách sạn cách đây có xa lắm không?”.
Anh ta lộ vẻ khó chịu trả lời: “Một dặm!”. Nói xong liền quay mặt đi, tỏ ý không muốn tiếp chuyện thêm nữa.
Napoleon nói lời cảm ơn, nhưng đi được mấy bước ông bỗng quay trở lại và nói với người đó rằng: “Xin cho hỏi, trong quân đội cấp bậc của anh là gì?”.
Ánh lửa trong điếu thuốc lóe lên, anh ta cao giọng nói một cách rất ngạo mạn: “Anh hãy đoán xem nào!”.
“Là trung úy chăng?”.
Anh ta phả ra một làn khói trắng, rồi nói một cách rất đắc ý rằng: “Còn cao hơn thế nữa!”.
Napoleon hỏi: “Là thượng úy chăng?”.
“Còn cao hơn nữa!”.
“Lẽ nào là thiếu tá?”.
“Không sai, đã bị anh bạn đoán trúng rồi!”.
Napoleon liền cúi đầu trước vị thiếu tá, tỏ ý kính chào.
Chính ngay lúc Napoleon muốn rời đi, vị thiếu tá vội hỏi ngược lại: “Anh cũng là quân nhân ư? Là cấp bậc nào vậy, mau cho tôi biết nào!”.
Napoleon mỉm cười nói: “Anh cũng đoán thử xem!”.
“Là trung uý?”.
“Cao hơn thế nữa”.
“Thượng úy?”.
“Còn cao hơn nữa”.
“Lẽ nào anh cũng là thiếu tá?”.
Napoleon lại nói: “Anh thử đoán cao hơn nữa xem”.
Vị thiếu tá đó vội cầm điếu thuốc trong miệng xuống, nói: “Lẽ nào trưởng quan là thượng tá?”.
Napoleon mỉm cười nói: “Còn cao hơn nữa”.
Thiếu tá lập tức đứng nghiêm nói: “Thế các hạ nhất định là đại tướng rồi!”.
Napoleon cười nói: “Còn cao hơn thế nữa!”.
Thiếu tá lập tức cúi rạp mình, nói: “Lẽ nào ngài là hoàng đế bệ hạ thời nay?”.
Napoleon nói: “Đúng rồi!”.
Thiếu tá giọng run run, hoảng hốt nói rằng: “Bệ hạ, xin hãy tha tội!”.
Napoleon cười nói: “Thiếu tá tốt của ta, anh có phạm tội gì đâu, ta có lý do gì để trách phạt anh chứ? Nhưng ta vẫn muốn khuyên anh một câu, sau này khi đối đãi với người thì đừng quá ngạo mạn, mà khiêm tốn một chút sẽ tốt hơn”.
Vị thiếu tá thở phào nhẹ nhõm, vẫn may là gặp được Napoleon khoan hồng độ lượng, nên đây cũng được coi là một lần giáo huấn. Nếu là người khác, e rằng dù có vái chào hay xin lỗi nhiều hơn nữa cũng không bù đắp được nỗi hối hận vô cùng.
***
Có câu: “Thùng rỗng kêu to”, người càng ngạo mạn thì lại càng bộc lộ thiếu sót của cá nhân, chứ không biết rằng núi cao còn có núi cao hơn, ngoài trời còn có trời cao hơn. Những gì chúng ta có chỉ là một chút hiểu biết và bản lĩnh nhỏ nhoi, sao có thể ngông cuồng tự đại, xem thường người khác?
Con người không phải vạn năng, dù trong lĩnh vực mà mình thành thạo cũng sẽ có những chỗ bản thân chưa hoàn toàn nắm vững, cần đến sự giúp đỡ của những người bên cạnh mới có thể xử lý vẹn tròn.
Có câu: “Dưới đài ngọn nến là nơi tối nhất”. Cây nến tuy có thể chiếu sáng xung quanh nhưng lại không thể chiếu xuống dưới đài của nó. Cũng như bác sĩ ngoại khoa dù có tài giỏi đến đâu, đến khi bản thân mắc bệnh cần phải làm phẫu thuật, họ cũng cần đến sự giúp đỡ của những bác sĩ khác.
Vậy nên mới nói rằng, chừa lại con đường cho người khác, sau này cũng dễ nhìn mặt nhau. Làm người chớ nên kiêu ngạo tự phụ, có vậy mới không khiến ai chán ghét. Khiêm tốn có thể kết thiện duyên, ngạo mạn sẽ chặn đứng con đường tương lai của chính mình.
Vũ Dương
Theo iBook IDV