Đại Kỷ Nguyên

Người nói thì thầm trời nghe như sấm, một niệm ác khởi lên, công danh liền mất hết

Trong dân gian có câu rằng “Người nói thì thầm, trời nghe như sấm”, nhất cử nhất niệm của con người thì Thần linh đều biết. Cho dù là một niệm ác khởi lên hay là một câu nói bất lương, trong phút chốc cũng có thể đánh mất phúc phận cả đời. Câu chuyện dưới đây là bài học cho tất cả chúng ta. 

La Ẩn là người Tân Thành, Chiết Giang, sống vào thời Ngũ đại cuối nhà Đường. Ông hiệu là Giang Đông Sinh, từ nhỏ vốn đã thông minh, văn thơ xuất chúng, được mệnh danh là “Tài tử Giang Đông”. La Ẩn đến 27 tuổi đã có tên được đề cử thi cử trong triều đình, nhưng về sau mấy lần thi đều thất bại. Điều này khiến nhiều người bội phục tài năng của ông tỏ ra rất ngạc nhiên.

La Ẩn từ nhỏ đã được mệnh danh là thần đồng, phú thơ rất nhanh, lại rất đúng vần điệu. Ông rất giỏi đối câu, ở đâu có câu đối nào không đối được hoặc là khó đối, chỉ cần đến miệng ông đều có thể đối được ngay. Tuy nhiên cũng vì vậy mà ông cậy mình có tài, thường hay khinh người, coi thường người khác, ăn nói khắt khe cay nghiệt, cho nên mọi người đều rất sợ cái miệng của ông. Đối với những thất bại của mình, La Ẩn thường hay bất bình trong tâm và đi khắp nơi than oán. 

La Ẩn mất bố từ nhỏ, ở cùng mẹ dệt vải kiếm chút tiền sống qua ngày, lại gặp thời Đường loạn thế, cuộc sống khó khăn không chỗ lương tựa, đành phải ‘dày mặt’ đi vay tiền của người thân bạn bè. Đến lúc nhà nào cũng chẳng muốn cho vay nữa, mọi người cứ nhìn từ xa mà thấy ông là đã đoán được ý định ông đến để vay tiền, ai cũng đều đóng cửa lại không tiếp. La Ẩn về nhà nói cho mẹ biết sự tình này với tâm rất oán giận. Đúng lúc hai mẹ con đang rất tức giận những người không cho mình vay tiền, thì bỗng có một người biết xem tướng đi qua nói với La Ẩn rằng: 

“Ông trán cao cằm đầy đặn, mồm vuông mũi thẳng, mắt sáng như sao, là có tướng làm vương hầu, nên cần phải bảo trọng!”.

Ảnh minh hoạ.

Người xem tướng nói xong rồi liền rời đi mất. Hai mẹ con La Ẩn nghe được điều này, đối với những người bạn thân không cho vay tiền vừa hận vừa nguyền rủa rằng: “Những người này thật đáng ghét, nếu ta sau này mà làm quan lớn, nhất định phải báo thù, sẽ không cho các ngươi con đường sống, như thế mới hạ được mối nhục thù này”. Hai mẹ con họ cứ liên tiếp nói như vậy suốt mấy ngày liền.

Và quả đúng như có câu nói: “Người nói thì thầm, trời nghe như sấm”. Đến một ngày đêm nọ, La Ẩn mơ mơ màng màng thấy có bốn vị Hoàng Cân lực sĩ đến gần trước mặt và nói: “Chúng ta tuân theo lệnh của Tử Phủ Chân Nhân đến mời ngươi đi”. Nói xong liền trói ông lại và đẩy ông đi đến một nơi chỉ thấy khói mây bay lượn, lành khí tràn đầy, có trăm ngàn lực sĩ thiên binh xếp đứng hai bên, và có một vị đại thần ngồi ngay giữa điện.

Hoàng Cân lực sĩ bẩm báo với vị đại thần: “Đã dẫn La Ẩn đến phụng mệnh”. 

Tử Phủ Chân Nhân nói: “La Ẩn, đáng lẽ ngươi có phúc phận làm vương hầu, giống như Tiền Lưu vậy, nhưng ngươi lại sinh tà niệm rằng những ai không cho ngươi vay tiền thì không cùng trời chung với họ, giết người rửa hận. Nếu sau này cho ngươi làm vương một phương ắt sẽ tàn sát sinh linh hạ giới, gây tội ác lớn, như vậy sẽ nghịch với lý của trời đất. Ta đã báo cho Ngọc hoàng biết ác tâm tà nguyền mấy ngày vừa rồi của ngươi. Ngọc hoàng rất chi phẫn nộ, hạ chỉ tước hết phúc phận làm vương hầu của ngươi rồi”.

Tử Phủ Chân Nhân nói xong bèn ra lệnh cho Hoàng Cân lực sĩ dẫn La Ẩn trở về. La Ẩn tỉnh mộng, vội vàng bật dậy soi gương, không ngờ khuôn mặt mình đã thay đổi hẳn: trán nhỏ cằm nhọn, mồm méo mũi tẹt. Ông vội vàng gọi mẹ dậy, nói hết chuyện vừa gặp, hai mẹ con đều vô cùng hối hận, khóc lóc không thôi. Quả đúng là một lời bất chính đã hủy hết phúc phận cả đời!

Một tháng sau, La Ẩn gặp lại người xem tướng trước kia. Người xem tướng ngạc nhiên hỏi: “Vì sao tướng mạo của ông lại thay đổi đến nông nổi này? Nhất định là ông có tâm thuật không chính, mới bị âm phủ trừng phạt như vậy”.

La Ẩn bất đắc dĩ kể lại sự tình, rồi hối hận nói: “Một niệm không chính, tổn phúc đến vậy, tôi phải làm sao bây giờ?”.

Người xem tướng nói: “Trên đầu ba thước có thần minh, tâm nghĩ những gì, trời đất đều biết hết cả đấy. Nếu ông có tâm hành ác, sẽ có tà khí quanh thân, ông trời làm sao không biết được chứ? Tướng theo tâm sinh, tâm không tốt tướng mạo sẽ biến đổi theo, đây là điều tất nhiên. Nhưng nếu sau này một lòng một tâm hối cải hành thiện, sửa sai dần dần, thì vẫn còn cơ hội vãn hồi lại những gì đã mất”.

Người xem tướng nói xong, thở dài rồi rời đi.

Sau khi nghe lời khuyên của người xem tướng, La Ẩn một lòng học làm người tốt. (Ảnh minh họa từ zhongwen)

Từ đấy về sau, La Ẩn một lòng học làm người tốt, trong tâm không dám có điều ác, ngày thường chăm chỉ đọc sách, tận lực giúp đỡ người khác. Ông thường hay giúp đỡ những người nghèo khổ, tận sức trợ giúp, trong số đó có cả Tiền Lưu. Trong mấy năm liền, La Ẩn tu tâm hành thiện, không làm một việc phi lễ phi nghĩa nào, quả nhiên một hôm Văn Xương Đế Quân báo mộng rằng:

“Mấy năm nay ngươi lo lắng tẩy sửa tâm mình, những việc ngươi làm đều được trời cao ghi nhận. Ta cũng công nhận nhưng việc ngươi đã làm, lại thấy ngươi tài hoa, vậy nên đã bẩm báo hết cho Ngọc hoàng và Ngài đã chuẩn tấu. Nhưng giờ đang lúc thiên hạ không thái bình, chưa thể cấp cho ngươi công danh ngay được, chờ ta từ từ cấp bổng lộc cho ngươi vậy!”. Lời vừa nói xong thì La Ẩn bừng tỉnh giấc.

Về sau, Tiền Lưu vì lập công dẹp giặc, được Đường Chiêu Tông phong làm Trấn Hải tiết độ sứ. Tiền Lưu thấy La Ẩn tài hoa xuất chúng nhưng lại chưa từng đỗ đạt làm quan, vậy nên muốn ra tay giúp đỡ, vì thế cử ông làm chức quan Kim Ngân thư tệ, đến khi vào thành thì phong ông làm chưởng thư ký. Về sau Tiền Lưu được phong làm Ngô Việt Vương, La Ẩn cũng vì thế được giữ các chức Tiền Đường lệnh, Tư huân lang trung, Cấp sự trung.

Đến khi Chu Ôn cướp ngôi nhà Đường, kiến lập Hậu Lương, Chu Ôn cũng đã nghe nói đến danh tiếng La Ẩn từ lâu, muốn mời La Ẩn làm Hữu gián nghị đại phu, nhưng đã bị ông từ chối. Khi đó Tiền Lưu muốn thượng thư đồng ý làm thần tử của Chu Ôn, La Ẩn bèn khuyên Tiền Lưu rằng: “Chu Ôn cướp ngôi không được lòng người, ngài là thần của triều Đường, nên khởi binh diệt tặc, phục hưng nhà Đường, danh chính ngôn thuận, không lo không thắng! Giả sử khởi sự không thành, cũng có thể giữ lại được mười bốn châu của Ngô Việt tại Giang Đông. Làm sao có thể làm thần tử của hắn mà ô nhục bản thân?”.

Tiền Lưu nghe La Ẩn nói vậy, trong tâm nghĩ: “La Ẩn thi cử nhiều lần không thành, trong lòng không những không có chút oán hận nhà Đường, mà giờ còn khuyên ta khởi binh phục hưng nhà Đường. Điều này cho thấy ông ta không chấp vào cái được mất của cá nhân, hơn nữa còn lấy đạo nghĩa làm trọng, đúng là nghĩa sĩ có lòng thành sáng tỏ thật sự!”.

Từ đó về sau Tiền Lưu càng thêm khâm phục nhân phẩm đạo đức của La Ẩn, việc to việc nhỏ đều nghe ý kiến của ông.

La Ẩn có gan can gián, vì bách tính mà dám nói chuyện bất bình. Ông cũng là người lương thiện thường nói những lời khuyên bảo người khác, về sau được phong làm gián nghị đại phu, mẹ và vợ của ông ấy đều được vinh danh trong triều đình.

Dương Minh biên dịch

Xem thêm: 

Exit mobile version