Mạnh Tử nói: “Trời phó thác trách nhiệm trọng đại cho ai thì trước tiên để họ khổ cái tâm chí, nhọc cái gân cốt, đói cái thân xác, nghèo khổ tấm thân, sự nghiệp đảo điên hỗn loạn. Do đó họ sẽ động tâm phản tỉnh, tâm tính nhẫn nại kiên định, bồi bổ những tài năng còn thiếu”.
Tự cổ chí kim, người thành đại sự đều biết nhẫn nhục, không quản ngại gánh vác việc nặng nhọc mà ôm chí lớn trong lòng.
Ông là con nhà quan ở Hà Bắc, cha ông vì mắc sai lầm mà bị giáng đày ở Quảng Đông. Năm ông lên 3 tuổi, phụ thân qua đời, gia cảnh trở nên bần cùng khốn khó, ông và mẹ di cư đến huyện Nam Hải, Quảng Đông. Lớn lên một chút ông phải đi kiếm củi mưu sinh, cuộc sống vô cùng cơ cực. Do hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên ông không được đi học, cũng không biết chữ. Năm 24 tuổi, ông một mình đến chùa Đông Sơn ở huyện Hoàng Mai, Hồ Bắc, để cầu Pháp. Vì trong chùa có rất nhiều người nên nhà chùa sắp xếp cho ông làm công việc giã gạo dưới bếp.
Nhẫn nhục gánh vác việc nặng nhọc
Ông có thể chịu được rất nhiều khổ cực. Trong chùa lượng gạo cần tiêu thụ mỗi ngày là rất lớn, vì vậy ông phải không ngừng giã gạo. Bởi thân thể gầy gò, sức lực lại yếu, ông bèn buộc một tảng đá bên hông để gia tăng trọng lượng, nhờ đó lượng gạo giã được đã tăng lên khá nhiều. Sau một thời gian lâu, mặc dù lớp da đã bị chà xát rách ra ông vẫn cứ kiên trì giã gạo như cũ. Trụ trì trong chùa thấy ông chăm chỉ chịu khó đã khen ngợi rằng: “Người cầu Đạo vì Pháp quên thân, nên là như thế”.
Khi đó nhà bếp còn có hai người nữa cùng giã gạo. Hai người này ức hiếp ông là người mới đến, cố ý lẩn tránh lười nhác để ông phải làm việc nhiều hơn. Mỗi khi người phụ trách có mặt thì họ làm việc hết sức hăng say, nhưng hễ người phụ trách vừa đi khỏi thì họ lại lười nhác làm qua quýt, trốn tránh không chịu làm việc. Tệ hơn là, họ còn trút gạo ông vừa giã xong vào sọt của mình để thể hiện họ đã hoàn thành tốt công việc, còn ông thì luôn luôn mang tiếng là không hoàn thành nhiệm vụ. Họ thậm chí còn tố cáo với người phụ trách rằng ông lười biếng.
Người phụ trách nghe nói vậy liền mắng ông không tiếc lời, đồng thời đặt ra quy định lượng gạo cần phải giã mỗi ngày, yêu cầu ông phải hoàn thành. Nhưng trước lời vu khống của hai người kia, ông không hề phân giải tranh cãi. Bị mắng oan ông cũng không để trong tâm. Ông ẩn mình giữ mình, khổ nhọc thân tâm, nỗ lực làm việc, gắng sức giã nhiều hơn để cung cấp cho nhu cầu trong chùa.
Mãi sau này người phụ trách mới biết rằng hai người làm cùng kia gian dối xảo trá, bèn tức giận mắng nhiếc họ một trận. Hai người này cho rằng ông đã tố cáo họ nên rất căm hận, chửi rủa ông bằng những lời lẽ rất khó nghe. Nhưng đối với những lời sỉ nhục ấy ông hoàn toàn không để tâm, từ sáng đến tối vẫn miệt mài làm việc. Hai người này thấy vậy thầm nghĩ rằng gã khờ này quả là chịu được khổ, vì vậy mà trở nên đố kỵ, nảy sinh ý đồ muốn tìm cơ hội trừng trị ông.
Từ bi cảm hóa kẻ xấu
Một hôm, hai người làm cùng vì không hoàn thành công việc nên bị mắng nhiếc, thế là lại càng tỏ ra căm hận. Họ lén lấy nước bẩn đổ lên giường của ông. Nhưng như thể vẫn chưa hả giận, nhân lúc ông đang giã gạo họ đã đẩy ông xuống cối đá. Vì trên người ông có buộc một tảng đá lớn nên lực quán tính rất mạnh, khiến phần háng bên trái bị trật khớp, đau đớn đến mức mồ hôi toát ra đầm đìa. Hai người thấy vậy nói: “Ngươi chớ có giả bộ, đứng dậy, đứng dậy mau!”.
Ông nói thều thào: “Xương háng tôi đau không chịu nổi, tôi không đứng lên được”. Hai người nghe vậy vội vàng bước tới, mỗi người kéo một tay cố hết sức lôi ông lên, nhưng chân trái ông quá đau không thể đặt được xuống đất. Họ thấy việc không lành liền nói: “Thôi được, ngươi nhẫn chịu một chút, chúng ta sẽ dìu ngươi về giường”.
Đúng lúc ấy người bếp trưởng đến lấy gạo. Thấy mặt ông trắng bệch nhợt nhạt, mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, dáng vẻ lại vô cùng đau đớn, bếp trưởng bèn hỏi: “Anh làm sao vậy? Chỗ nào khó chịu, hay có người ức hiếp anh?”.
Ông nói: “Cảm ơn huynh đã quan tâm, vừa rồi tôi bất cẩn ngã xuống cối đá, rất có thể khớp háng đã bị thương. Thấy tôi không xoay xở được nên hai huynh đệ này đã dìu tôi lên”.
Hai người cảm động trước sự từ bi của ông, bèn quỳ sụp xuống và nói: “Thưa bếp trưởng, thực ra không phải ông ấy bị ngã, mà là hai chúng tôi đẩy ông ấy xuống. Bếp trưởng, xin hãy trừng phạt chúng tôi”.
Bếp trưởng rất tức giận, nhưng thấy hai người thành tâm hối lỗi như thế, hơn nữa lại được ông ra sức cầu xin giúp họ, nên bếp trưởng cũng đành bỏ qua. Sau đó hai người làm cùng kia đã khiêng ông về tư phòng. Lúc này họ vô cùng hối hận, lương tâm cắn rứt trong lòng, họ bèn quỳ dưới đất, ra sức vả vào miệng mình. Họ vừa vả vừa nói: “Chúng tôi có lỗi với ông, chúng tôi ngu dốt, đã làm hại ông thê thảm như thế này”.
Đại sư một thời
Một lần trụ trì trong chùa muốn chọn người kế thừa y bát, đã yêu cầu các đệ tử phải viết một bài kệ để thể hiện lý giải của cá nhân về Phật Pháp. Ông mặc dù đã ngộ Đạo sâu sắc, nhưng vì không biết chữ nên không thể viết được. May mắn có người biết chữ đã viết giúp ông. Bài kệ này ngay sau đó đã trở nên nổi tiếng, được trụ trì khen ngợi. Bài kệ viết:
Bồ Đề bản vô thụ,
Minh kính diệc vô đài,
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Tạm dịch:
Cây Bồ Đề chẳng có,
Đài minh kính cũng không,
Bản lai không hết thảy,
Nơi nào nhuốm trần ai.
Cũng chính nhờ bài kệ này mà ông được trụ trì chùa Đông Sơn là Ngũ tổ Hoằng Nhẫn chọn làm người kế thừa y bát.
Sau này ông trở thành đại sư nổi tiếng và được người đời gọi là Lục tổ Thiền tông Huệ Năng. Ngày nay, trên quảng trường của Thư viện Quốc gia Liên hiệp Vương quốc Anh vẫn còn bức tượng của 10 nhà tư tưởng lớn trên thế giới, trong đó có các đại biểu phương Đông là ba nhà tiên triết: Khổng Tử, Lão Tử và Huệ Năng, được gọi chung là “Đông phương Tam Thánh nhân”.
Canh ba đêm ngày mồng 3 tháng 8 năm Tiên Thiên thứ hai đời Đường Huyền Tông (năm 713), đại sư Huệ Năng viên tịch ở chùa Quốc Ân, huyện Tân Hưng, thành phố Vân Phù, tỉnh Quảng Đông, hưởng dương 76 tuổi. Thân thể của ông được đặt ở chùa Nam Hoa, huyện Thiều Quang, Quảng Đông. Điều kỳ diệu là sau gần 1300 năm mà thân thể của Lục tổ Huệ Năng vẫn không hề mục nát, được hậu thế ca ngợi là kim thân bất diệt và được mọi người sùng kính tôn thờ.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nhất Tâm biên dịch