Đại Kỷ Nguyên

Người phúc mỏng thường có hai đặc trưng này

Người phúc mỏng thường có hai đặc trưng này

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Trong họa có phúc, trong phúc có họa”.

Phúc và họa là hai thứ cùng nhau song hành, cùng nhau chuyển hóa. Trong họa có thể xuất hiện phúc, trong phúc lại có thể ẩn giấu họa. Đây là quy luật tồn tại đồng thời của phúc và họa, không phụ thuộc vào ý nghĩ chủ quan của bất kỳ ai.

Tuy nhiên, phúc và họa vẫn bị tác động phần nào bởi yếu tố chủ quan từ hành vi của con người và có thể thay đổi theo quy luật “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”.

Cuốn sách Cách Ngôn Liên Bích cũng cho chúng ta biết rằng: Phúc họa đều do con người tự chuốc lấy, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo, như hình với bóng vậy. Nếu người có tâm hướng thiện và luôn làm việc tốt, họ sẽ tích được nhiều nhân đức. Ngược lại nếu người làm việc xấu, lòng dạ đen tối, họ sẽ tự chuốc họa vào thân.

Với những người đức mỏng phúc bạc, dễ thấy hai đặc điểm sau:

Thích nhận xét và nói xấu sau lưng

Trong Cách Ngôn Liên Bích chép rằng: Cái họa lớn nhất trong đời chính là thích đi đánh giá đúng sai. Đối với mỗi người, phần lớn hậu họa đều là do “lỡ miệng”, nói năng bất cẩn, nói điều không nên nói, vậy nên sẽ tự dẫn họa vào mình.

Có câu rằng: Nhiều lời ắt có chuyện, họa từ miệng mà ra. Nói nhiều dễ để lộ ra khuyết điểm của bản thân, đồng thời, khi bình luận về người khác họ sẽ càng dễ đắc tội, gây ra phiền toái cho chính mình. Khi nói xấu sau lưng một ai đó, họ sẽ khó che đậy được cái xấu của tự mình. Người thích nói hay về bản thân thực ra là đang ghen tỵ với cái hay của kẻ khác. Những lời nói thị phi chỉ càng thể hiện ra sự hẹp hòi, khiến người khác cho rằng họ không đủ rộng lượng, từ đó dễ bị bạn bè xa lánh, kéo theo phúc lộc cũng ngày càng tiêu hao.

Trong sách Tăng Quảng Hiền Văn cũng có ghi: Người thích nói xấu sau lưng thường là kẻ lòng dạ hẹp hòi, ít phúc đức. Người sống không tốt, phúc phần cũng ít theo, người sống tốt, phúc cũng nhiều theo. Ông Trời luôn giúp đỡ những ai giàu nhân nghĩa, còn những ai hay nói lời thị phi sẽ dễ rước họa vào thân, phúc mỏng, đức bạc.

Thích gây chuyện

Trong Cách Ngôn Liên Bích có ghi: Chuyện vốn không có gì nhưng cố tình gây sự, làm to chuyện, như thế phúc lộc sẽ tiêu hao.

Lòng luôn thanh thản mới là điều đáng quý. Trong cuộc đời mỗi chúng ta thật không dễ có được những giây phút yên bình, chỉ cần không có chuyện là sẽ có phúc, không hận thù là sẽ có đức. Nhưng trong hiện thực cuộc sống lại có rất nhiều người thích gây chuyện, họ bỏ đi cái phúc mà mình đáng được hưởng và quay ra gây sự với mọi người, việc không có họ cố tìm cho ra chuyện, không làm ầm ĩ lên là không chịu được, và cuối cùng, khi họ đi rồi là để lại cả bầu trời ai oán.

Có khi, người tạo ra chuyện là có động lực tốt, như muốn tốt cho thân nhân, hay muốn tốt cho bạn bè, nhưng kết quả cuối cùng thì lại tự gây ra phiền toái. Đó chính là có lòng tốt nhưng lại làm hỏng việc.

Làm người nên biết đủ, khi cần thu tay về thì hãy thu tay, chớ nên để lòng tham phát triển, chớ nên tự gây chuyện, đây cũng chính là tích phúc đức cho bản thân. Đời người có đến 8, 9 phần là không như ý. Những việc mình làm, Trời Đất đều chứng giám. Rất nhiều việc không trong tầm kiểm soát của bản thân, nếu càng gây ra nhiều chuyện thì sẽ càng gặp nhiều phiền toái.

Vì thế mới nói, phúc họa do con người tự tạo ra, bớt gây chuyện sẽ tránh được hậu họa, cũng tránh làm tiêu hao phúc phận của chính mình.

Theo Wendy, Secret China
Quỳnh Chi biên dịch

Video: Một câu nói ác ý có thể làm hao tổn phúc báo cả đời người

Exit mobile version