Đại Kỷ Nguyên

Người quân tử chắc chắn phải chú ý đến 8 kiểu người này trong đời

Cổ nhân ví người quân tử như viên ngọc đẹp, tuy có góc cạnh, gai góc nhưng lại không làm tổn thương người khác. Vậy nên, là quân tử chắc chắn sẽ lưu ý 8 điểm này.

1. Người chỉ vì hả hê nhất thời mà trút giận lên người khác

Tuân Tử từng nói: Trút được phẫn nộ, hả giận thì tâm trạng thoải mái nhưng sẽ rước họa vào thân.

Chỉ vì muốn hả hê nhất thời mà trút giận lên người khác, nhìn người khác vì mình chịu đựng mà cảm thấy vui vẻ. Đây chính là đang làm tổn thương người khác. Kiểu người này năng lực khống chế bản thân yếu kém, hành vi dễ bị cảm xúc chi phối; nóng giận mất kiểm soát, coi nhẹ những lời xúc phạm người khác, khi tâm tình bị kích động dễ phạm sai lầm.

Sự phẫn nộ không thể tùy tiện bộc phát, cũng không nên để mãi trong lòng mà mặc kệ. Nếu bạn uất ức và chịu đựng, đè nén lâu ngày sẽ sinh bệnh, còn mất dần đi sự đồng cảm.

Dù là chịu đựng hay trút giận đều là cách thức cực đoan. Hãy bình tĩnh suy ngẫm lại, không nên để những cảm xúc tiêu cực lấn át và lừa dối bản thân mình. Không có gì hoàn hảo trong thế giới này, hãy thử thay đổi cách nhìn và quan điểm của bản thân, không có ai thực sự có thể làm tổn thương chúng ta ngoại trừ chính cái cảm xúc sân hận kia, nó làm tổn hại đến người ta sâu sắc nhất.

Nếu bạn có thể học cách yêu thương và trân quý những người xung quanh mình, rồi một ngày nào đó sẽ không còn ai có thể làm bạn tức giận được nữa. Bởi vì trân quý người khác cũng là trân quý chính mình.

2. Người giỏi quan sát đánh giá mà bị tổn thương là do ghen ghét

Tuân Tử nói: Nhìn thấu người khác quá rõ ràng, có lúc sẽ làm tổn thương họ, cũng làm tổn thương chính mình.

Quan sát kỹ có thể nhìn thấy rõ chỗ ưu khuyết của người khác. Đương nhiên không có gì sai khi chỉ ra chỗ thiếu sót của người ta một cách thiện ý, khiến họ thực sự bị thuyết phục thì có thể gọi là khuyến thiện. Nhưng nếu cứ tranh đúng sai, nhất mực đổ lỗi cho người khác, lấy việc trêu chọc người khác làm thú vui khiến họ bị tổn thương thì chính là đang dần đi sang cực ác rồi.

Người xưa có câu: “Thủy chí thanh tắc vô ngư, nhân chí sát tắc vô đồ”, ý rằng nước quá trong thì sẽ không có cá, người soi xét quá sẽ không có ai bên cạnh mình.

Người hà khắc quá thì ai dám gần? Khi đối đãi với người thân hay bạn bè đều cần lưu ý điều này.

Giữa bố mẹ với con cái thì nên nhỏ nhẹ dạy bảo một cách lý trí. Giữa vợ chồng thì nên ít tranh cãi ai đúng ai sai. Chỉ có yêu thương và thân thiện mới có thể nuôi dưỡng vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp .

Đúng sai phải trái đều không trọng yếu, quan trọng là sự hòa hảo với nhau, mắt nhắm mắt mở nhìn người ta thì quan hệ sẽ thoải mái hơn.

Nhìn thấu người khác quá rõ ràng, có lúc sẽ làm tổn thương họ, cũng làm tổn thương chính mình. (Ảnh: baidu.com)

3. Người học rộng mà khốn cùng là do hay rỉa rói người

Tuân Tử nói: Lợi dụng học thức của mình để áp đảo người khác, ngược lại chứng minh rằng bản thân mình thiếu giáo dưỡng.

Có những người luôn cho rằng tài trí của mình là hơn người, coi tri thức như vũ khí để tranh hơn thua, dùng kiến thức của mình để bác bỏ ý kiến của người khác, chọc vào chỗ đau của người ta để đạt được cảm giác vượt trội trong tâm tưởng. Tuy nhiên ai thật sự công nhận họ là người có tri thức uyên bác?

Người quân tử có học thức uyên thâm chân chính, là người thông suốt kinh sách, ăn nói hòa nhã, khoan dung rộng lượng và biết lắng nghe người khác.

Chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) cao phải chăng là do trời sinh? Không hẳn như vậy. Nó bắt nguồn từ sự chân thành lương thiện trong khi đối nhân xử thế, là quan sát và lý giải của chúng ta đối với người khác, là hiểu biết trong khi học tập tri thức.

4. Người thấu tỏ mà lại càng ngày càng mơ hồ là do cái miệng

Tuân Tử nói: Dùng lời nói để tranh biện làm sáng tỏ sự việc, thì sẽ khiến nó càng trở nên mơ hồ hơn.

Cách tốt nhất để thanh minh cho bản thân chính là chứng minh sự việc bằng hành động thực tiễn. Cách tệ nhất là ra sức giải thích và trốn tránh, đổ trách nhiệm cho người khác, sẽ làm mất lòng tin và sự tôn trọng của người khác dành cho mình.

Có tài hùng biện, không có nghĩa là bạn đang ôm giữ sự thật.

5. Người dùng lợi nhử người mà ngày càng tệ bạc là do kết giao

Tuân Tử nói: Bỏ ra càng nhiều tiền và lợi ích để duy hộ tình bạn thì nó sẽ ngày càng bạc bẽo hơn, đó là mối quan hệ xấu tệ nhất.

Bề mặt tươi cười, tâng bốc để làm hài lòng người khác nhằm mục đích duy trì mối quan hệ bằng hữu, nhưng nó không thể lâu dài.

Bỏ tiền ra để được tung hô xu nịnh thì càng hạ thấp bản thân mình, càng trở nên tầm thường hơn, bởi vì người ta chỉ thấy lợi ích mà không nhìn thấy nhân phẩm và tính cách của bạn.

“Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt”. Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy nhạt nhẽo nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.

Tình bạn chân thành chính là những người tâm đầu ý hợp, cùng chung chí hướng, cùng chung hoạn nạn.

Giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn là những người bạn tốt. Có thể chân thành chỉ ra chỗ thiếu sót của nhau để cùng tiến bộ là những người bạn quan trọng.

Bỏ ra càng nhiều tiền và lợi ích để duy hộ tình bạn thì nó sẽ ngày càng bạc bẽo hơn. (Ảnh: zing.vn)

6. Người có lý lẽ những không thuyết phục được người là do tranh thắng thua

Tuân Tử nói: Một cuộc tranh luận dù có đủ căn cứ lý luận cũng không thể thuyết phục được người khác nếu bạn chỉ muốn cố gắng tranh phần thắng về mình.

Biện luận quý ở chỗ bạn muốn thuyết phục người khác, nhưng nếu bạn chỉ đấu tranh vì đúng hay sai, hoặc để lấy thể diện thì ngay cả khi bạn khiến cho người khác không nói lại được lời nào nhưng trong tâm họ không hề phục .

Luyện quyền trước khi luyện đấm đá, hãy học cách lắng nghe người khác trước khi đáp lời.

Học cách lắng nghe là điều quan trọng trong khi trao đổi thảo luận. Thực sự lý giải được tâm tư của người khác, thì mới có thể chỉ rõ được lý lẽ, làm người ta cảm động, rồi cùng nhau thương lượng đưa ra phương án giải quyết, khiến cho người khác phải tâm phục khẩu phục.

7. Người chính trực nhưng không được người khác hiểu là do hiếu thắng

Tuân Tử nói: Người ta không lý giải được người chính trực vì sự thẳng thắn của anh ta sẽ làm tổn thương người khác.

“Xin lỗi, vì tôi đã nói thẳng”, nó giống như là một kim bài miễn tội vì đã tùy tiện nói lời tổn thương đến người khác.

Một người trực tâm ăn nói mau lẹ, dễ dàng bỏ qua tâm lý cảm xúc của người khác, chỉ hấp tấp muốn biểu đạt ra suy nghĩ của mình. Một câu phê bình dù thiện chí nhưng không đúng lúc cũng có thể tạo thành những tổn thương không ngờ tới.

Thí dụ như, phê bình hành vi không ngay thẳng của bạn bè trước mặt người khác; hoặc bàn luận về bạn trai cũ của bạn mình dù biết họ đã chia tay, đối phương đã ra hiệu không nên nói nữa nhưng vẫn cứ thao thao bất tuyệt, v.v.

Chu Dịch nói: “Tu từ lập kỳ thành”, nghĩa là “ngôn từ cũng biểu lộ sự chân thành”. Người với người giao du cùng nhau tuy có thể là bạn chân thành nhưng phải chú ý đến cách nói chuyện và phương thức biểu đạt lẫn thời điểm.

Có thể biến ý kiến chuyển thành trao đổi, muốn khiến người khác bị thuyết phục thì hãy thay câu nói: “Bạn sai rồi” bằng câu khác như: “Bạn có thể làm tốt hơn thế mà”.

Biến chỉ trích chuyển thành tự trách mình, ví như để người khác dễ tiếp nhận hơn thì thay vì hỏi “Anh nghe có rõ không?”, hãy tự hỏi mình: “Không biết tôi nói có rõ ràng không”.

Hãy học cách biểu đạt, để sự thẳng thắn trở thành một tính cách được hoan nghênh.

Hãy học cách biểu đạt, để sự thẳng thắn trở thành một tính cách được hoan nghênh. (Ảnh: forbes.uol.com)

8. Người thanh liêm mà không được tôn kính là do làm tổn thương người

Tuân Tử nói: Những người có nguyên tắc mà không được người ta tôn trọng, là vì sự sắc bén gai góc của họ làm tổn thương người khác.

Kiểu người góc cạnh này luôn kiên trì với nguyên tắc của họ trong cuộc sống, và khăng khăng trở thành người mà anh ấy muốn trở thành.

Người thiện lương, không phải là người cống hiến tận tâm một cách mù quáng, cũng không phải đi theo trào lưu, càng không là kẻ nịnh bợ. Người có tâm địa lương thiện biết phân biệt được thiện ác, tốt xấu, hiểu được phải làm gì và không nên làm gì.

Cổ nhân ví người quân tử như viên ngọc đẹp: “Liêm nhi bất quế”, nghĩa là: “liêm chính nhưng không làm tổn thương người”. Tuy có góc cạnh, gai góc nhưng lại không làm tổn thương người khác.

Nếu như góc cạnh quá sắc bén, khí thế quá cường thịnh, tự cao tự đại, không tôn trọng người khác, vậy thì không chỉ làm tổn thương người khác mà còn rước họa vào thân. Vì sự sắc sảo biểu lộ hết ra ngoài, sẽ kết nhiều thù oán, quá ư mạnh mẽ thì sẽ bị cô lập. Một khi gặp phải khó khăn, mọi người sẽ đều quay lưng với bạn, cuối cùng chỉ có một mình nuốt lấy cay đắng.

Bao dung và sắc sảo đều không mâu thuẫn, chỉ là bạn đừng nên quá cứng nhắc với những nguyên tắc của riêng mình.

Tám kiểu người mà Tuân Tử nhắc đến ở trên, đôi khi trong cuộc sống xô bồ này chúng ta cũng có thấy mình ở trong đó. Vậy một lần nữa nhắc nhở bản thân mình tĩnh lại và suy ngẫm, soi lại mình để hoàn thiện trở nên tốt hơn. Mong rằng mỗi chúng ta là một viên ngọc xinh đẹp sáng lấp lánh nhưng không làm tổn thương người khác.

Theo Apollo
Ngọc Ni biên dịch

Exit mobile version