Đại Kỷ Nguyên

Người quân tử chậm rãi ở lời nói, nhanh chóng ở hành động

Ba câu nói của Khổng Tử với đạo lý vô cùng sâu sắc, nếu thể nghiệm được chắc rằng mỗi chúng ta đều có thụ ích, trong cuộc đời tránh được rất nhiều quãng đường vòng.

Thuở thiếu thời đọc “Luận Ngữ” của Khổng Tử cảm thấy không hiểu rõ lắm, khi đến tuổi trung niên, đã trải qua nhiều khổ nạn thì tôi mới hiểu ra nếu trước đây đọc hiểu được Luận Ngữ thì cuộc đời đã giảm được rất nhiều quãng đường vòng.

Hôm nay khi đọc đến thiên “Lý nhân’, tôi chấn động bởi nội dung của 3 câu này, bởi vì đã đi qua nhiều con đường oan uổng rồi mới thể nghiệm được đạo lý một cách sâu sắc.

1. Đạo của ta chỉ có một tư tưởng xuyên suốt

Khổng Tử nói: “Sâm à, Đạo của ta chỉ có một tư tưởng xuyên suốt” (Ngô đạo nhất dĩ quán chi).

Tăng Tử (tức Tăng Sâm) nói: “Vâng”.

Sau khi Khổng Tử đi ra, các đệ tử xúm quanh Tăng Sâm hỏi: “Cái đó có nghĩa là gì vậy?”

Tăng Tử nói: “Đạo của Phu tử chỉ có hai chữ Trung Thứ mà thôi”.

Xem lại cuộc đời Khổng Tử, quả thực ông đã lấy hai chữ “Trung Thứ” xuyên suốt áp dụng vào cuộc sống thường nhật. Ông trung với bản thân, trung với người, khoan thứ bản thân, khoan thứ người, do đó mới xuất hiện những tư tưởng kết tinh ưu tú như Nhân, và “Hữu giáo vô loại” (Giáo dục không phân biệt tầng lớp, xuất xứ, đẳng cấp).

Đến tuổi trung niên, cuối cùng tôi mới tìm được “Đạo lý sống” của mình, mới trả lời được câu hỏi trong triết học “Ta sẽ đi đâu?”. Sở dĩ tôi có thể làm được như vậy là vì đã có thể tìm được bản chất của cuộc sống: “Tu tâm dưỡng tính, làm việc mình có sở trường nhất mà cũng có ý nghĩa nhất”. Đó chính là “một tư tưởng xuyên suốt” mà Khổng Tử đã nói.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

2. Người tự ước thúc bản thân mà phạm lỗi lầm thì rất hiếm

Khổng Tử nói: “Người tự ước thúc bản thân mà phạm lỗi lầm thì rất hiếm” (“Dĩ ước thất chi giả tiển hĩ”).

Trong xã hội tràn đầy ham dục vật chất này, chúng ta đã trở nên càng ngày càng truy cầu vật chất, trái lại truy cầu đối với tinh thần, là việc quan trọng nhất thì lại không được coi trọng nữa.

Quá coi trọng vật chất thì sẽ không ngừng nảy sinh lòng tham dục. Tham dục là vô hạn, thế nên càng nhiều ý niệm tham lam thì càng không thể ước thúc bản thân, dẫn đến phạm tội lỗi càng nhiều.

Hàng xóm nhà tôi ở quê có người lòng tham vô đáy. Khi tôi còn đi học thì họ đã muốn lấn chiếm đất đai nhà tôi, còn đánh tiếng tìm người đánh chúng tôi.

Người xưa nói “Làm nhiều điều bất nghĩa ắt sẽ tự diệt mình”. Sau này gia đình họ làm ăn thất bại, sa sút đến mức phải bán hết nhà cửa đất đai. Có thể thấy thiện ác cuối cùng rồi sẽ có báo ứng.

3. Người quân tử chậm rãi ở lời nói, nhanh chóng ở hành động

Người xưa nói chuyện đều rất cẩn thận, chỉ sợ mình nói lời sai trái, đồng thời dồn nhiều sức lực hơn cho hành động. Người ngày nay thì lại ngược lại, giỏi võ mồm, mở miệng là tuôn ra, cảm thấy bản thân mình nói gì cũng đều đúng, hơn nữa nói cả trăm lần mà chẳng hành động nổi một lần.

Tôi sợ nhất là khi làm việc gặp người hễ mở miệng là nói ‘không vấn đề’. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy, người quá tùy ý nói ‘không vấn đề’ thường không làm tốt sự việc.

Tôi có một đồng nghiệp cũ, mỗi lần sắp xếp nhiệm vụ cho anh ấy, bất kể việc dễ hay khó đến mấy, anh chỉ nói một câu ‘không vấn đề’. Nhưng sau đó thường những việc này bị anh ta làm hỗn loạn cả lên, cuối cùng mớ hỗn loạn ấy lại phải người khác giúp xử lý nốt.

Có thể thấy tầm quan trọng của câu “Người quân tử chậm rãi ở lời nói, nhanh chóng ở hành động” (“Quân tử dục nột ư ngôn nhi mẫn ư hành”). Nói ít làm nhiều mới là người có trí tuệ.

Người xưa nói: “Nửa bộ sách Luận Ngữ đủ quản lý trị sửa cả Thiên hạ” (“Bán bộ Luận Ngữ trị thiên hạ”). Đối với người ở bất kể chức phận nào, đọc Luận Ngữ cũng thu được lợi ích, có được gợi mở. Chỉ cần chúng ta làm được 3 điểm trên thì có thể ngày ngày sống trong vô tư lự rồi.

Nam Phương
Theo secretchina.com

Exit mobile version