Đại Kỷ Nguyên

Người quân tử coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, uy vũ cũng không thể khuất phục

(Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Thái sử công Tư Mã Thiên từng viết: “Ai cũng có một lần chết. Cái chết có khi nặng hơn núi Thái Sơn, có khi nhẹ tựa lông chim hồng. Đó là vì cách dùng nó khác nhau mà ra”. 

Đứng trước sinh và tử, những bậc quân tử thời cổ đại cho rằng: Chỉ cần hành động của bản thân phù hợp với đạo đức, dù là một chuyện nhỏ mà phải lựa chọn hy sinh bản thân vì đại nghĩa, thì họ cũng không chút mảy may do dự. Thời Tiên Tần những câu chuyện như thế xảy ra rất nhiều. 

Điền Ty không hùa theo phản thần

Những năm cuối thời Xuân Thu tại nước Tấn, vị quan tể ấp Trung Mâu tên là Phật Hất đã phát động một cuộc nổi loạn. Phật Hất đặt một vạc nước sôi trên đống củi đang cháy trong sân, nói với các quan và đại phu rằng: “Theo ta thì có thể có được thái ấp, không theo ta thì sẽ bị luộc chín”. Các đại phu không thể không nghe theo.

Đến lượt mình, Điền Ty khẳng khái nói: “Theo đạo nghĩa mà lựa chọn cái chết thì không lo phải trốn tránh sự trừng phạt. Theo đạo nghĩa thì không thể lên như diều gặp gió, cũng không thể phát tài, chi bằng vào vạc lửa”. Nói xong liền cởi quần áo nhảy vào vạc nước, Phật Hất thấy vậy liền nhanh chóng thả ông ra.

Triệu Giản Tử nghe tin có nghịch tặc ở Trung Mâu, liền xuất binh đi trấn áp phản loạn. Khi nghe nói Điền Ty không thuận theo phản tặc, liền sai người đến ban thưởng cho ông, nhưng Điền Ty nhất mực khước từ: “Tôi không thể nhận. Vì tán dương một cá nhân mà làm cả nghìn người không ngẩng đầu lên được, bậc trí tuệ sáng suốt sẽ không làm như thế. Chỉ vì khen thưởng một mình tôi mà làm người khác cảm thấy xấu hổ, thiết nghĩ bậc nhân nghĩa sẽ không theo cách này. Nếu tôi nhận thưởng thì những người ở Trung Mâu sẽ cảm thấy không còn đất dung thân, đó không phải là điều nhân nghĩa”.

(Ảnh minh họa: Epochtimes)

Điền Ty không những không nhận thưởng mà còn chuyển nhà đến phía nam của Sở quốc. Ông nói: “Thật là vô đạo đức khi đặt bản thân lên trên người khác nhờ hành động đạo đức của mình. Vậy nên, ta phải rời khỏi nơi đây”. 

Dịch Giáp khước từ Bạch Công

Thời Xuân Thu, con trai của Sở Bình Vương là Thái tử Kiến bị gian thần Phí Vô Cực hãm hại, buộc phải sống lưu vong ở ngoại quốc, sau này bị tử nạn ở nước Trịnh. Con trai của Thái tử Kiến là công tử Thắng cũng phải lang bạt khắp bốn phương trời. Sau này, Sở Huệ Vương lên ngôi đã sai Lệnh doãn Tử Tây (tức công tử Thân) triệu hồi công tử Thắng, phong cho Thắng quản lý Bạch huyền ấp nên gọi là “Bạch Công”. 

Bạch Công Thắng vẫn còn ôm giữ hận thù năm xưa, định bụng sẽ giết chết Huệ Vương và Tử Tây. Bạch Công Thắng bèn tìm đến Dịch Giáp và nói: “Nếu theo ta, ngươi sẽ có được chức vị và bổng lộc. Còn nếu không theo, thì thuộc hạ của ta sẽ giết ngươi”.

Dịch Giáp liền cười vang một tiếng rồi đáp: 

“Chúng ta đã từng cùng nhau thảo luận thế nào là đạo nghĩa, ngài quên rồi sao? Cho dù ngay lập tức có được thiên hạ, nhưng nếu trái với đạo nghĩa thì tôi sẽ không làm. Cho dù bị uy hiếp bằng vũ lực, nhưng nếu trái với đạo nghĩa thì tôi không phục tùng. Bây giờ ngài muốn tôi giúp ngài ám sát quân vương, đây không phải là đạo nghĩa mà tôi theo đuổi. Cho dù ngài dùng lợi ích để mua chuộc, dùng vũ lực để đe dọa, thì tôi cũng tuyệt đối không làm theo. Ngài tỏ rõ uy phong của ngài, còn tôi cũng thể hiện rõ đạo nghĩa của tôi. 

Dùng vũ khí để khống chế ngài là đọ sức, dùng lời nói để đồng ý với ngài là xoàng xĩnh. Tôi nghe nói kẻ sỹ vì nghĩa tuyệt đối không tương đấu, cũng tuyệt đối không tham sống sợ chết, mà là đứng chắp tay chờ người khác đến giết mà không thay đổi sắc mặt”. Nói xong, Dịch Giáp liền đứng chắp tay chờ đao kiếm đến, giữ vẻ mặt ung dung bình tĩnh, mặt không biến sắc.

Yến Anh khiển trách Thôi Trữ

Thời Xuân Thu, vua Tề Trang Công tư thông với tiểu thiếp của đại phu Thôi Trữ, liền bị Thôi Trữ lập mưu giết chết. Lúc ấy, Thôi Trữ đóng hết cửa nẻo, đồng thời ngăn không cho tùy tùng của nhà vua tiến vào. Yến Anh đứng ở ngoài cổng, nói: “Nhà vua nếu vì xã tắc mà chết, thì phải chết theo. Nếu vì xã tắc mà trốn, thì phải trốn theo. Còn nếu chỉ vì bản thân mà chết, vì bản thân mà trốn, thì ngoài những người thân mật còn ai dám hết lòng!”. Cổng nhà họ Thôi bèn mở ra cho Yến Anh vào. Yến Anh gối đầu Trang Công lên đùi mà khóc, nấc lên ba lần rồi bước ra. Có người nói với Thôi Trữ: “Ắt phải giết!”. Thôi Trữ nói: “Người ấy được dân trông vọng, cứ tha để lấy lòng dân”. 

Đại phu Yến Anh (Ảnh: Wikipedia)

Sau Thôi Trữ lập Tề Cảnh Công lên ngôi. Thôi Trữ vì sợ quần thần không phục bèn ép mọi người tuyên thệ với mình, ai ai cũng buộc phải nghe theo. Đến lượt mình, Yến Anh từ chối tuyên thệ và nói: “Thôi Trữ đại nghịch bất đạo, giết chết quân vương. Không đi theo Công thất mà đi theo họ Thôi, họ Khánh, sẽ gặp phải báo ứng”. Những người tham gia minh ước đều sững sờ, nhìn chằm chằm vào Yến Anh. 

Thôi Trữ liền nói với Yến Anh: “Nếu ngươi thay đổi những lời vừa nói, ta và ngươi sẽ cùng nhau cai trị thiên hạ. Nếu ngươi không thay đổi, ta sẽ giết chết ngươi, kiếm này sẽ đâm chết ngươi, kích này sẽ câu chết ngươi, ngươi suy nghĩ kỹ đi!”.

Yến Anh liền trả lời: “Ta nghe nói: Bởi vì mê đắm vào lợi ích mà bội phản quân vương, đó không phải là nhân nghĩa. Bởi sợ đao kiếm uy hiếp mà mất đi mỹ đức, đó không phải là cương trực và dũng cảm. Trong Kinh Thi có nói: ‘Với quân tử thì không cần dùng cách bất chính để mưu cầu hạnh phúc’. Vậy hôm nay ta làm sao mà rút lại những lời nói của mình để mưu cầu hạnh phúc đây? Dù rằng bị kiếm đâm, kích câu, ta cũng sẽ không thay đổi tâm ý”.

Khánh Phong muốn giết Yến Anh, nhưng Thôi Trữ ngăn lại và nói: “Đấy là trung thần, hãy tha cho hắn”, rồi thả Yến Anh đi. Yến Anh đường hoàng bước lên xe ngựa, người đánh xe sợ hãi bèn vội vã thúc ngựa đi nhưng Yến Anh liền cản lại: “Hổ báo sống trong núi sâu, nhưng tính mệnh của chúng do đầu bếp định đoạt. Chạy nhanh có thể sống thêm vài ngày, chạy chậm thì cùng lắm cũng chỉ chết sớm vài hôm”. Người đánh xe nghe vậy liền chậm rãi rời đi.

Sau khi Thôi Trữ giết vua, thái sử của Tề quốc viết vào bản ghi chép: “Thôi Trữ giết Trang Công”. Thôi Trữ rất tức giận, yêu cầu thái sử sửa lại, nhưng thái sử nhất quyết không nghe theo, liền xử tử thái sử. Em trai lớn của thái sử lại viết vào bản ghi chép: “Thôi Trữ giết Trang Công”, cũng bị họ Thôi xử tử. Người em trai thứ tiếp tục công việc và lại bị giết chết, cuối cùng người em trai thứ ba lại lặp lại câu nói trên, Thôi Trữ không còn cách nào khác đành phải tha mạng. Người trong gia tộc tưởng rằng các thái sử trước đây đều bị giết hết, nhưng khi vừa cầm thẻ tre định viết tiếp dòng chữ: “Thôi Trữ giết Trang Công” thì phát hiện mọi thứ đã được ghi lại đúng như lịch sử nên yên lòng rời đi. 

Ngọc Linh
Theo bài viết của Lý Tinh Thành đăng trên Epochtimes

Video: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại

Exit mobile version