Người xưa từng nói: “Lấy cái vụng về nhất của thiên hạ để ứng đối với cái khéo léo nhất của thiên hạ”. Để con đường tương lai của mình giảm trở ngại cản bước thì ngay từ bây giờ hãy dụng công vụng về đi một chút.

Thế nhân thường cho rằng người tinh khôn dễ thành công hơn người vụng về, nhưng nào có hay, thông minh lại bị thông minh dẫn dắt sai. Người thông minh luôn muốn mọi việc đều có lợi, dựa vào khôn khéo để có lợi cho mình, cuối cùng lại hại chính mình.

Thông minh tự cho mình là đúng không khác gì ngu xuẩn

Trong Hồng Lâu Mộng, Vương Hy Phượng tài năng kiến thức phi phàm, đối nhân xử thế khéo léo chu toàn, am hiểu thế sự, tài năng quản lý hơn người, có thể nói là một người vô cùng thông minh. Nhưng đến cuối cùng, Hy Phượng lại rơi vào kết cục thê thảm “Cơ mưu tính toán quá thông minh, trái lại hại chết tính mạng chồng”.

Thực ra thông minh không phải là sai, nhưng nếu dùng thông minh vào mưu kế đấu đá, tranh thiệt hơn thắng thua, thì dẫu có thông minh như thế nào đi nữa cũng sẽ đầy khí hung bạo, đâu đâu cũng đắc tội với người ta, khiến người ta căm ghét, cuối cùng hại chính mình.

Khổng Tử nói: “Thái quá cũng như chưa đạt”.

(Nguyên văn: “Quá do bất cập”)

Làm bất kỳ việc gì cũng nên có mức độ thích hợp. Thông minh xử thế cần phải thu được tài năng sắc bén của mình, cất giấu được cái thông minh của mình.

Thông minh thái quá là đại kỵ của bậc trí giả.

Đạo đối nhân xử thế là ở ức chế chứ không phải ở khuếch trương, là ở cất giấu chứ không phải ở hiển lộ.

Có lẽ Vương Hy Phượng đến chết vẫn không biết cái thông minh tự cho mình là đúng này chẳng qua là cạm bẫy hại chính mình, dưới con mắt người khác thì đó là một hành vi ngu xuẩn.

Vương Hy Phượng thông minh uy quyền khiến ai cũng nể sợ nhưng băng tan, tuyết chảy, kết cục của cô bi thảm như mọi người đẹp đất Kim Lăng. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Người thành đại sự không phải ở thông minh

Lão Tử nói: “Thông minh nhỏ không làm nên trí tuệ lớn, tính toán nhỏ cũng không xứng là thông minh”. Người thực sự có trí tuệ là người mà trong mắt thế nhân thường cho là kẻ ngốc.

Sử ký có chép chuyện Khổng Tử khi còn trẻ đã từng đến thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người.

Lão Tử nói: “Thương nhân giỏi là người khéo cất giấu như không có của cải gì. Người quân tử có đức lớn thì dung mạo trông như ngu ngốc”.

(Nguyên văn: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức, dung mạo nhược ngu”)

Lão Tử nói với Khổng Tử rằng, một thương nhân đầu óc thông minh sẽ cất giấu hàng hóa tài sản để không ai có thể nhìn ra ông ta giàu có. Tuy ông ta rất giàu có nhưng bề ngoài lại giống như người nghèo khó không có thứ gì. Một người quân tử phẩm đức cao thượng thì luôn luôn giống một người ngu ngốc đần độn, không hề hiển lộ một chút thông minh trí tuệ nào ra bên ngoài. Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo, bỏ cái tâm tham dục đi thì mới có thể trở thành một vị Thánh nhân được.

Cơ mưu tính hết, xem ra có vẻ thông minh nhưng sẽ hủy hoại kết cục của bản thân, khiến bản thân cả đời bị hãm vào mưu kế đấu đá, suốt ngày phòng cái này ngừa cái kia, khiến tâm trí treo lơ lửng trên trời, không thấy được những cảnh tốt đẹp trong cuộc đời, mất đi niềm vui cuộc sống.

Chính là cái người ta nói “người ngốc có phúc”, người đại trí nhược ngu không bao giờ hiển lộ tài năng sắc sảo, hành xử nhỏ nhẹ, luôn luôn không tính toán so đo quá nhiều. Họ bề ngoài tuy rất bình thường nhưng nội tâm lại phong phú vô cùng.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Vụng về nhất thiên hạ thắng được khéo léo nhất thiên hạ

Giở chút khôn khéo ra, tất nhiên là có thể đi nhanh hơn người khác, nhưng trên thực tế, nền móng và tâm thái ắt sẽ không ổn định vững vàng, dẫn đến thành công trong tương lai bị giới hạn, cuối cùng tụt về người tầm thường.

Người thực sự sáng suốt không bao giờ chỉ một mực hấp tấp lựa chọn đi con đường tắt, dốc lòng lo nghĩ mưu kế, mà sẽ lựa chọn trầm tĩnh lại, cần cù gắng sức học tập, dùng phương pháp “vụng về” ứng đối với tất cả cơ mưu khéo léo.

Tăng Quốc Phiên, danh sỹ đời Thanh có nói: “Đạo Trời kỵ khéo léo, Đạo Trời kỵ đầy đủ, Đạo Trời kỵ hai lòng”.

(Nguyên văn: “Thiên Đạo kỵ xảo, Thiên Đạo kỵ doanh, Thiên Đạo kỵ nhị”)

Làm người, làm việc không thể cứ giở trò khôn ranh, cần hiểu được đạo lý thiết thực. Mưu kế, cơ hội, khéo léo kiếm lợi đều không thể lâu dài.

Trên đời không có bữa ăn miễn phí. Lễ vật mà vận mệnh ban tặng đã được ghi rõ mức giá từ lâu rồi.

Thế gian hoàn toàn không có giấc mơ đẹp làm giàu sau một đêm. Đằng sau tất cả những thành công đều là khổ công “một phen giá lạnh thấu cốt xương”.

Tăng Quốc Phiên là người hiểu rõ “công phu ngu ngốc”. Thời trẻ ông đọc sách, đỗ tiến sỹ, đều dựa vào công phu ngu ngốc, dốc sức làm đến cùng.

Thuở nhỏ đọc sách, cha ông yêu cầu ông rằng, đọc không hiểu câu trên thì không được đọc câu tiếp theo. Đọc không xong quyển sách này thì không được động đến quyển sách tiếp theo. Làm không xong các nhiệm vụ trong ngày thì tuyệt đối không được đi ngủ.

Ông không biết kỹ xảo, đường tắt, chỉ biết một con đường đi liền một mạch, không đến tận cùng không quay đầu.

Chính phương thức học tập “ngu đần” như thế này đã khiến ông tạo dựng được tinh thần cần cù cố gắng, chịu khổ, thiết thực vượt hơn người thường. Cũng chính vì dốc sức “ngu ngốc” như thế này ông mới gây dựng được nền móng vững chắc, gieo những hạt giống tốt cho con đường khoa cử quan lộ về sau.

Tranh vẽ Tăng Quốc Phiên. (Ảnh: ifuun.com)

Chúng ta sẽ phát hiện ra, người ngốc nghếch đều không biết khéo léo thủ lợi, gặp vấn đề họ chỉ biết kiên trì lao vào, do đó cũng không để lại góc chết. Trái lại, những người khôn lanh đều không muốn dốc sức khổ nhọc, gặp khó khăn thì chạy vòng qua, nền móng không tạo dựng được kiên cố.

Do đó vụng về, xem ra có vẻ chậm chạp, thực tế lại là nhanh nhất, là một cách làm cực kỳ sáng suốt. Bởi vì không khéo léo thủ lợi nên không để lại cái xấu, không xuất hiện cái sai, nên thắng tất cả những cơ mưu khéo léo.

Có câu ngạn ngữ rằng: “Tinh khôn 3 phần, ngốc nghếch 3 phần, để lại 3 phần cho cháu con”. Làm người, làm việc đều không nên quá tinh khôn, không nên hiển lộ tài năng sắc sảo, nên hiểu được ẩn giấu trí tuệ, làm một người sáng suốt “vụng về”, đại trí nhược ngu.

Trong cuộc so tài giữa tinh khôn và vụng về, tinh khôn 3 phần thì người không tụ đến, ngốc nghếch 3 phần thì đường mới rộng mở.

Hãy ngốc nghếch một chút, nhân hậu một chút thì mới có thể sáng suốt thực sự.

Theo Vision Times
Nam Phương biên dịch

Bạn đang đọc bài viết: Người thành đại sự không phải ở thông minh mà là bởi có nội tâm phong phú tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, xin quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi tại địa chỉ: https://www.facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/ Mọi liên hệ cung cấp thông tin và tin bài cộng tác, xin gửi về hòm thư: [email protected]

Xin chân thành cảm ơn! Chúc quý độc giả có những giờ phút thật thoải mái cùng Đại Kỷ Nguyên!  

videoinfo__video3.dkn.tv||149278959__