Trong “Liễu Phàm tứ huấn” có câu: “Thiện giả phúc vị chí, nhi họa dĩ viễn; ác giả họa vị chí, nhi phúc dĩ viễn.” Ý tứ là, người thiện phúc chưa đến mà họa đã rời xa, người ác họa chưa đến mà phúc đã xa rời. Lời này đã nói rõ rằng, thiện hữu thiện báo, đây là chân lý từ xưa đến nay. Cho dù đó là chỉ là việc thiện nhỏ cũng có thể làm ấm trái tim của con người và giúp cho mối quan hệ trong xã hội này trở nên hài hòa hơn.
Người thường làm việc thiện cũng sẽ giúp bản thân nhận được nhiều thọ ích. Thiện niệm khởi nguồn từ tấm lòng, nhìn sâu hơn chúng ta có thể thấy được suối nguồn của thiện, giúp cho nó chảy cuồn cuộn không ngừng và mang lại cho bản thân những lợi ích bất ngờ. Các nghiên cứu tương tự được thực hiện bởi Đại học Oslo Metropolitan ở Na Uy và Đại học Dortmund ở Đức đã phát hiện ra rằng những người tự nguyện giúp đỡ người khác có chỉ số hạnh phúc nội tâm cao hơn những người không biết giúp đỡ người khác.
Năm 2013, một nghiên cứu của Canada được công bố trên Tập san Thư viện Y khoa Quốc gia (National Library of Medicine) của Mỹ đã chứng thực rằng việc giúp đỡ người khác có thể làm giảm chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác.
Năm 2016, một báo cáo nghiên cứu đặc biệt về y học tâm lý đăng trên Tạp chí Y học hành vi sinh học cho thấy, hành thiện có liên quan đến việc giảm căng thẳng và tăng cường sức sống cho não. Điều này cho thấy, sự cho đi mang lại nhiều lợi ích tâm lý hơn là nhận lại. Các nghiên cứu khác cũng chứng minh được rằng làm nhiều việc thiện sẽ khiến cho 2 hormone là serotonin và dopamine tăng lên. Dopamine giúp con người cảm thấy dễ chịu, serotonin làm giảm buồn phiền chán nản, vì thế mà chúng giúp đại não người cảm thấy luôn ngập tràn niềm vui.
Donna Cameron là nhân viên xã hội cho một tổ chức phi lợi nhuận, cô hiểu sâu sắc tầm quan trọng của lòng tốt trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, cô cũng lo lắng rằng bản thân có thể bỏ cuộc giữa chừng trong việc thực hành sự thiện lương nên đã tạo một blog có tên “Một năm thực hành thiện lương” để ghi lại những hành động tử tế hàng ngày của chính mình. Cô bất ngờ phát hiện ra rằng thực hành thiện lương thường xuyên có thể thúc đẩy tiết hormone serotonin và giảm đau mãn tính, giảm căng thẳng mất ngủ, điều này phù hợp với kết quả của nhiều nghiên cứu nước ngoài.
Muốn duy trì liên tục việc thực hành thiện lương cũng không dễ dàng, đặc biệt là lúc đối diện với tình huống khẩn cấp, rất dễ khiến người nổi nóng. Tuy nhiên, nếu một người giữ vững được tấm lòng lương thiện thì sẽ biết quan tâm và nghĩ cho người khác nhiều hơn, nhờ vậy và cơn nóng giận khi gặp chuyện không vừa lòng cũng sẽ được giải tỏa. Ví dụ, khi lái xe thì việc tuân thủ luật lệ giao thông và giữ khoảng cách an toàn với các xe khác là điều đương nhiên, tuy vậy khi thấy xe phía sau bấm còi xin đường thì rất có thể là họ đang có việc khẩn cấp, do vậy chúng ta tự nhiên sẽ nghĩ được là nên nhường đường cho họ. Khi ở rạp chiếu phim, người ngồi bên cạnh ăn thứ gì đó phát ra âm thanh rất có thể là vì họ xong việc muộn không kịp ăn ở bên ngoài mà phải mang đồ ăn vào rạp.
Muốn cho sự thiện lương được hiện diện trong đời sống hằng ngày của chúng ta thì cần phải bền trí và thực hiện một cách không ngừng nghỉ. Dưới đây là 4 cách để nuôi dưỡng thói quen sống lương thiện đáng thử một lần:
Lòng biết ơn: Hãy sống có tâm, trân trọng và biết ơn tất cả những gì bản thân đang có, và chỉ khi biết trân trọng những phước lành đó chúng ta mới thu hút được nhiều phước lành hơn.
Nhìn mọi việc một cách tích cực: Trong cuộc sống, việc không như ý thường ùn ùn kéo đến, cho nên chúng ta cần học cách trực tiếp giải quyết vấn đề bằng thái độ tích cực, đón nhận ngày mới bằng tâm trạng vui vẻ. Ví dụ, khi trên bàn chỉ còn nửa ly nước, người lạc quan sẽ biết ơn vì vẫn còn nửa ly nước để uống; trong khi người bi quan sẽ lo lắng vì chỉ còn nửa ly nước. Học cách nhìn mọi việc bằng suy nghĩ tích cực và sống vui vẻ mỗi ngày.
Đối xử tử tế với người khác: Nghĩ đến người khác nhiều hơn, đồng cảm, tôn trọng và hiểu được nhu cầu cũng như cảm xúc của người khác nhiều hơn. Đối xử tốt với người khác không chỉ khiến bản thân được mọi người yêu mến mà còn khiến nội tâm trở nên phong phú và đủ đầy từ bên trong.
Tự kiểm điểm bản thân: Thường xuyên xem xét lại lời nói và hành động của chính mình, tìm ra những vấn đề thiếu sót từ đó nỗ lực thay đổi để hoàn thiện, có như vậy thì con người ngày càng trở nên thiện lương, khi đối mặt với khó khăn trắc trở thì bản thân mới có năng lực để đối diện.
Đúng vậy, muốn để cho sự thiện lương hòa vào từng hành động cũng như suy nghĩ trong đời sống thì người đó nhất định phải giữ vững tấm lòng lương thiện và kiên trì bền bỉ thực hiện nó. Thông qua thái độ không ngừng biết ơn và đối diện trực tiếp với khó khăn thử thách, đối xử tử tế với người khác cũng như xét lại chính mình, mỗi người chúng ta mới có thể hoàn thiện phẩm chất của mình, đồng thời để cho sự thiện lương hiện diện trong cuộc sống sinh hoạt. Mỗi người đều thực hiện được điều này thì xã hội sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Theo Epochtimes
San San biên dịch