Chuyện một Nho sinh thời nhà Trần ở Hải Dương, cho thấy đạo lý bất dịch: Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, lưới trời thênh thang, thưa nhưng chẳng lọt.

Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó.

Đọc truyện xưa để nhớ đạo xưa, người nay còn nhớ đạo xưa thì chẳng sợ suy đồi.

Thời nhà Trần có chàng Nho sinh là Phạm Tử Hư người Cẩm Giàng (nay là huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), theo học thầy Dương Trạm. Thầy thường răn Tử Hư vì cái tính hay kiêu căng, từ đấy chàng cố sức sửa đổi, trở nên người có đức tính tốt. Ngày thầy qua dời, các học trò khác đều bỏ đi hết, chỉ có một mình Tử Hư làm nhà bên cạnh mộ thầy, chăm nom mộ phần, thờ cúng đúng lễ suốt ba năm mới trở về nhà. Đã bốn mươi tuổi mà Tử Hư chưa đỗ đạt, bèn lên kinh thành trọ học bên bờ Hồ Tây.

Một buổi sáng trong áng sương mù chàng nhìn thấy một tán vàng kiệu ngọc bay lên trên không, kế đến lại có một xe nạm hạt châu có kẻ hầu đi cùng. Tử Hư dòm trộm thì thấy thầy mình là Dương Trạm, toan đến gần sụp lạy thì thầy xua tay nói, giữa đường không phải chỗ nói chuyện, tối mai đến cửa Bắc đền Trấn Vũ, thầy trò hàn huyên.

Theo lời thầy, Tử Hư sắm rượu và thức nhắm mang đến, thầy trò gặp nhau chuyện trò vui vẻ. Dương Trạm cho biết nguyên nhân vì sao mới từ trần đã trở nên hiển hách thế này:

“Ta thuở sống không có một điều thiện nào đáng khen, chỉ có hay giữ điều tín thực đối với thầy bạn, quý trọng những tờ giấy có chữ, hễ thấy rơi vãi liền nhặt mà đốt đi. Đức Đế quân đây ngài khen là có bụng tốt tâu xin cho làm chức trực lại ở cửa Tử đồng (ý nói nơi ở của Đế quân). Hôm qua ta hầu linh giá ngài lên chầu Thiên cung, tình cờ lại gặp nhà ngươi, đó cũng là vì thầy trò mình có cái mối duyên”.

Thầy cũng nói mình trông coi việc văn chương thi cử, khoa danh cao thấp của những học trò trong thiên hạ. Tử Hư nhân đó hỏi về đường khoa cử của mình. Thầy bảo rằng Tử Hư có tài học ít người sánh kịp, song vì thói kiêu ngạo mà bị Đế quân bắt đỗ đạt muộn.

“Cứ như văn chương tài nghệ của anh, đương thời này không ai bì kịp, huống anh lại còn có tính trung hậu thành thực; có điều lúc thiếu thời thường lấy văn tài mà kiêu ngạo với người khác, cho nên trời mới bắt đỗ muộn để phải chùn nhụt cái nết ngông ngáo đi… Cho nên xưa nay người ta bàn về kẻ sĩ, tất trước hết phải xét đến đức hạnh là vì thế…”

Ảnh minh họa: Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên.

Trạm Dương cũng đề cao đức hạnh nhà Nho, phê phán kẻ xuất thân Nho học mà gian xảo, tráo trở. Nhân chuyện nhân quả báo ứng, Tử Hư kể ra những tên tham quan ô lại đang tác oai tác quái mong thầy cho biết số phận của chúng. Trạm Dương khẳng định:

“Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Lưới trời thênh thang, thưa nhưng chẳng lọt. Chỉ bởi rằng thời gian chưa đến mà thôi. Nay ta bảo rõ anh nghe, trong khoảng trời đất báo ứng luân hồi, chỉ có hai loài thiện ác. Người chăm làm thiện, tuy hãy còn sống, tên đã ghi ở Đế đình. Người hay làm ác, không đợi đến chết, án đã thành ở Địa phủ. Cho nên Nhan Hồi lúc sống ở trong ngõ hẻm mà chết làm chức Tu văn (1), Vương Bàng ngày thường có nết kiêu ngoan mà chết phải máy râu mặt đất (2).

Không phải như người ở cõi đời, có thể mượn thế mà được làm quan, có thể nhờ tiền mà được khỏi vạ, hình phạt thì quá lạm, tước thưởng thì quá thiên cư, cúi đầu khom cật, dù hèn hẹ cũng cất nhắc lên, đứa đoạt thằng gian, nhờ đút lót mà khỏi. Anh nên cố gắng, đừng gieo cái nghiệp báo ở kiếp sau này”.

Tử Hư liền hỏi mình cũng thường đến đền Đế quân làm lễ cầu mộng, xin báo cho biết sự nghiệp sau này, nhưng không rõ thực hư việc này kết quả ra sao. Trạm Dương cười rằng Đế quân không để tâm tới việc vụn vặt ấy. Song những người một lòng chay sạch thành kính, thì cũng có thể thấy.

Thấy Tử Hư muốn xem cõi tiên, thầy Trạm bèn xin Đế quân cho chàng được toại nguyện. Trạm Dương dẫn Tử Hư đi thăm thú các tòa ở Thiên Tào. Nào là “Cửa tích đức” trong đó có chừng hơn nghìn vị Tiên thuở sống có lòng yêu thương mọi người, tuy không phải dốc hết tiền làm việc bố thí, nhưng biết tùy thời mà chu cấp, không keo bần lại không hợm hĩnh, được Đế quân khen là có Nhân.

Nào là “Cửa Thuận hạnh”, trong có hơn nghìn vị Tiên thuở sống hiếu thuận, Đế quân khen là có lòng, cho vào cung mây nên họ được ở đây.

Lại đến “Cửa Nho thần” có hàng nghìn vị danh thần các đời như Tô Hiến Thành triều Lý, Chu Văn An triều Trần cùng các vị danh thần đời Hán, Đường… ngày ngày bái yết Đế quân rồi cứ 500 năm lại được giáng sinh xuống cõi trần làm khanh tướng, sĩ phu, hiệu doãn.

Trời gần sáng thì Tử Hư phải từ biệt thầy về hạ giới. Năm sau đi thi, quả nhiên đỗ Tiến sĩ. Cũng từ đó, phàm những việc cát hung họa phúc nhà Tử Hư, thường được thầy về báo cho biết trước.

***

Trong lời bình cuối chuyện, Nguyễn Dữ nói: Chuyện huyền hoặc, người quân tử cũng chẳng nên ham chuộng, nhưng nếu là chuyện liên quan tới luân thường, lời khuyên đạo lý đúng đắn thì nên chép ra và truyền lại.

Nay như câu chuyện Tử Hư, có biết bao đạo lý ở trong đó. Nào là người kiêu ngạo thì dù thông thái, trung hậu vẫn sẽ bị Trời phạt mà chậm đường quan nghiệp. Kẻ mượn thế làm quan, nhờ tiền mua tước, hèn hạ, giảo hoạt, gian tà thì sẽ chịu quả báo không sai chạy. Chuyện cũng lại khuyên, những chuyện cầu xin Thần thánh không phải cứ cầu nhiều là được nghe thấu, mà phải là người có tấm lòng thanh sạch, không vương dục vọng, không cầu vị tư. Đồng thời khuyên người ta khi sống hãy làm việc Thiện, hiếu thuận, ngay thẳng, thực hành đạo đức Nho gia. Phúc báo hay tai ương là dựa vào loại người thiện hay ác, chắc chắn sẽ báo, chỉ là chưa tới thời gian thì chưa thấy mà thôi.

Chú thích:

(1): Nhan Hồi là học trò được Khổng Tử thương yêu, nghèo khó sống trong ngõ hẹp mà vẫn vui vẻ, năm 32 tuổi mất sớm. Sau đến đời Tấn có Tô Thiều chết đi sống lại kể chuyện Âm ty, nói “Hai ông Nhan hồi và Bốc Thượng hiện được làm chức Tu văn lang ở dưới đất”.

(2): Vương Bàng là con Vương An Thạch, một lần An Thạch thấy người hầu cũ của mình chết hiện về, hỏi Vương Bàng ở đâu. Người ở dẫn ông đến một chỗ thấy Vương Bàng đang bị cùm kẹp trong ngục tối, máu vấy ra đầy đất.

Các đoạn trích trong bài, từ bản Truyền Kỳ Mạn Lục của Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Tp.HCM, 1988.

Video: Người thực sự thiện lương không cần xem phong thuỷ

videoinfo__video3.dkn.tv||0c40b247b__