Đại Kỷ Nguyên

Người thông minh thật sự đều là giả ‘ngốc’, vụng về đến cực điểm lại thành ‘khôn’

Người thông minh thật sự đều là giả 'ngốc', vụng về đến cực điểm lại thành 'khôn'

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Có một lần Khổng Tử đến thỉnh đạo Lão Tử. Lão Tử nói: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”, ý nói rằng người mà buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ. Xem chừng đó chính là một triết lý lớn của đời người. 

Vì sao người trí lại giả ngu? Con người hiện đại có lẽ ít ai lý giải nổi. Người ta nghĩ rằng có tài năng thì phải bộc lộ hết ra ngoài, chứng minh với xã hội để mưu cầu tiến thân. Nhưng cổ nhân thực sự cho rằng cách xử thế “giả ngốc” mới là vẹn toàn nhất.

Trước hết, đó là biểu hiện của sự tu dưỡng, hàm dưỡng và khiêm nhường. Ngoài ra, người ta cho rằng kẻ ỷ vào tài sẽ nguy khốn vì tài, ỷ vào danh thậm chí sẽ mất mạng vào danh. Nguyễn Du chẳng phải đã nói: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần” đó sao?

Cuộc đời sống động của Tăng Quốc Phiên, đại thần nổi danh triều đại nhà Thanh sẽ cho bạn một cái nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về đạo lý ấy.

“Đầu óc đần độn như ngươi thì đọc sách gì kia chứ?”

Làng Tương Hương có lưu truyền một câu chuyện cười như sau. Tương truyền, Tăng Quốc Phiên đọc sách ở nhà, chỉ một đoạn văn ngắn ngủi mà đọc đi đọc lại hồi lâu vẫn không sao thuộc được. Một tên trộm định bụng chờ ông ngủ say, thừa cơ lẻn vào khoắng đồ. Nhưng trời đã khuya lắm rồi mà đợi mãi đợi mãi vẫn thấy ông chong đèn, không chịu đi ngủ.

Cuối cùng, tên trộm sốt ruột, không đợi thêm được, bèn nhảy ra khỏi chỗ nấp, lớn tiếng quát: “Đầu óc đần độn như ngươi thì đọc sách gì kia chứ?”. 

Câu chuyện cười này cũng có nguyên do của nó. Tư chất bẩm sinh của gia tộc họ Tăng vốn không xuất sắc gì cho lắm. Cha của Tăng Quốc Phiên là Tăng Lân Thư thi tú tài 17 lần, mãi tới năm 43 tuổi mới may mắn đỗ.

Vậy đầu óc Tăng Quốc Phiên thực sự đần độn đến thế sao? 

Kỳ thực Tăng Quốc Phiên là người vô cùng thông minh nhanh trí, là trọng thần của triều Thanh trong buổi loạn lạc. Ông là một chuyên gia quân sự, nhà chiến lược cao minh. Năm 1851, nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc nổi dậy, cả nước chấn động, bó tay không tìm ra kế sách đánh dẹp. Quân Thái Bình chỉ trong vòng nửa năm đã chiếm cả một vùng phía nam Trường Giang. Sau lại đánh chiếm Nam Kinh, dựng đô, xưng hiệu.

Năm 1853, Tăng Quốc Phiên lập tức thành lập đội Tương Quân (đội quân làng Tương Hương), phụng mệnh Hoàng đế đi đánh dẹp quân Thái Bình. Tương Quân sau này trở thành đạo quân chủ chốt, có vai trò quan trọng nhất trong cuộc chiến giữa quân triều đình và quân Thái Bình. 

Khi ấy từ Hoàng đế đến các quan đại thần đều tuyệt vọng, bi quan. Triều đình Mãn Thanh như rắn mất đầu, không thể đưa ra nổi một đối sách. Tăng Quốc Phiên bèn đề xuất dẹp yên quân Thái Bình bằng chiến lược “Từ trên đánh xuống với khí thế như vũ bão“. Ông muốn giành lại Vũ Xương, sau đó khống chế vùng trung du sông Trường Giang, tiếp đó nhắm đến Cửu Giang, An Khánh, cuối cùng thì tấn công vào Thiên Kinh (tức Nam Kinh). 

Chiến lược này đã tỏ rõ sự lợi hại. Năm 1864, Tương quân vây đánh Nam Kinh. Trải qua nhiều trận chiến gian khổ, cuối cùng cũng hạ được thành. Thái Bình Thiên Quốc chính thức chấm dứt vai trò trên vũ đài lịch sử. Tăng Quốc Phiên trở thành trọng thần hưng quốc, được triều đình phong thưởng, thăng chức rất hậu.

Chân dung Tăng Quốc Phiên (ảnh: Wikipedia).

Giã từ công danh trên đỉnh vinh quang

Xưa nay những bậc công thần giỏi nắm bắt thế sự, biết tiến biết thoái như Tăng Quốc Phiên thật sự không nhiều. Sau khi tiêu diệt quân Thái Bình, công danh, sự nghiệp của ông chính là như diều gặp gió. Nhưng ông không vì thế mà trở nên cao hứng, trái lại cứ điềm nhiên như không. Ông đã sớm đoán trước nguy nan, cái bẫy của danh lợi, kiên quyết dâng sớ xin từ chối chức vị nắm quyền lớn thống lĩnh bốn tỉnh. Ông cũng hết sức quyết đoán bãi bỏ Tương quân, vốn là nền tảng quyền lực của mình.

Cả một đời của ông là “ra trận làm tướng soái, vào triều làm tể tướng”. Trong chốn quan trường, những người thành công mà lại bảo vệ được thân mình như ông quả thật không nhiều. Tăng Quốc Phiên tinh thông thao lược ở cả chiến trường lẫn quan trường, có bản lĩnh của một cao thủ Thái cực, rất giỏi hóa giải những vấn đề hóc búa một cách tài tình. 

Trong nhật ký của Triệu Liệt Văn, trợ ký của Tăng Quốc Phiên, có ghi lại một tình tiết như sau:

Đang lúc Tăng Quốc Thuyên (em trai Quốc Phiên) chưa đánh hạ được Nam Kinh, triều đình định hạ lệnh cho Lý Hồng Chương hiệp trợ tấn công.

Lý Hồng Chương một mặt không muốn giành lấy công đầu của anh em nhà họ Tăng để lấy lòng, mặt khác lại muốn đẩy trách nhiệm kháng chỉ cho họ Tăng. Bởi vậy, họ Lý đã lén lút giải thích khắp nơi và làm nhiều chuyện mờ ám. 

Tăng Quốc Phiên bèn gửi cho Hoàng đế một bản tấu với lời lẽ khiêm nhường, kiên quyết mời Lý Hồng Chương đến đối chất, không mong có công, chỉ mong không bị hiểu lầm, lời lẽ chân thành tha thiết, rất mực điềm tĩnh.

Âm mưu của họ Lý chỉ liếc mắt thoáng qua là có thể nhận ra ngay. Triệu Liệt Văn đánh giá rằng biện pháp này của Tăng Quốc Phiên thẳng thắn, rõ ràng, mà lại cao minh hơn Lý Hồng Chương gấp bội.

Chỉ riêng điều này cũng có thể thấy rằng, sự tinh anh của họ Tăng đã đạt đến tầng thứ cao nhất, quả là người thường không thể sánh kịp. Chính sự “ngốc nghếch” xuất chúng này đã tạo nên sự tinh anh, sáng suốt và cao minh xuất sắc của Tăng Quốc Phiên.

Tư tưởng triết học của Tăng Quốc Phiên cũng rất độc đáo, chính là sùng bái sự ngốc nghếch. Ông nói rằng: “Kẻ ngốc nghếch nhất thiên hạ có thể thắng người thông minh nhất thiên hạ”. 

Tăng Quốc Phiên có thể tinh thông khoa cử đều là dựa vào “sức mạnh của sự ngốc nghếch”. Cha ông yêu cầu ông nếu không hiểu câu trước thì không được đọc đến câu sau, không đọc xong cuốn sách này thì đừng sờ tới cuốn sách khác, không học xong bài trong ngày thì đừng đi ngủ.

Ông không hiểu “kỹ xảo” hay con đường tắt nào, chỉ biết một con đường đi thẳng, tiến thẳng vào đường hầm đen hun hút, chỉ cần không va vào tường thì quyết không quay đầu trở lại. Công thức học tập “ngốc nghếch” này đã bồi dưỡng nên tinh thần nỗ lực, chịu khổ, thiết thực ở con người Tăng Quốc Phiên. 

Sức mạnh của sự ‘ngốc nghếch’

Kinh nghiệm chịu khổ, nỗ lực học tập đã mang đến trải nghiệm độc đáo cho Tăng Quốc Phiên. Ông phát hiện ra rằng ngốc nghếch có sở trường của ngốc nghếch. Người ngốc nghếch không có tư chất thông minh, do đó sẽ khiêm tốn hơn người khác. Người ngốc nghếch từ nhỏ học hành đã gặp nhiều trắc trở do đó năng lực chống lại những trắc trở trong cuộc sống vô cùng mạnh.

Người ngốc nghếch cũng không biết dùng kỹ xảo, gặp vấn đề chỉ biết xông thẳng vào giải quyết nên không để lại con đường chết cho mình. Ngược lại, những người thông minh vặt không muốn bỏ công sức, nỗ lực, khắc khổ, hễ gặp khó khăn là đi đường vòng. Họ chỉ tạo được một nền tảng lỏng lẻo. Cho nên ngốc nghếch có vẻ chậm chạp nhưng kỳ thực lại là nhanh nhất. Bởi vì đó là sự thành công rất chắc chắn, không để lại hậu họa về sau.

Tranh vẽ Tăng Quốc Phiên đàm luận về cách nhận biết tài năng (Ảnh: Epochtimes).

Mặc dù Tăng Quốc Phiên thi tú tài 9 năm mới đỗ đạt, nhưng nút thắt vừa được khai thông thì con đường phía sau của ông ngày càng thông thuận. Năm trước đỗ tú tài thì năm sau ông trúng cử nhân, 4 năm sau, ông lại thi đỗ Tiến sỹ cao trung. Trong khi những người bạn của ông đi học rất sớm nhưng sau này chẳng ai đỗ đạt cử nhân.

Nhiều lần ông nói rằng mình được thụ ích rất nhiều vì đã trải qua nhiều bôn ba, vất vả. Tăng Quốc Phiên nói: “Đọc sách lập chí, phải bỏ công nỗ lực, khắc khổ”, đến nay đó vẫn là công thức thành công chung cho nhiều người. 

Cầm quân cũng phải dựa vào sự ngốc nghếch, không cầu mưu kế lạ, đánh đâu chắc đó

Tăng Quốc Phiên đánh trận thực sự cũng dựa vào tinh thần ‘ngốc nghếch’ này. Cả đời ông rất giỏi đánh những trận chiến ngốc nghếch, thậm chí là xuẩn ngốc. Ông không giỏi dùng kỹ xảo trong chiến trận. Khi tham trận ông không tham cái lợi nhỏ, không cầu mưu kế kỳ lạ, mà chọn cách chắc chắn, thiết thực nhất.

Ông nói: “Đánh nhau phải đánh được chữ Ổn”. Cả đời ông dùng binh là chắc chắn, mực thước, không bao giờ đánh trận mà không có sự chuẩn bị kỹ càng. Ông cũng dồn nhiều tâm huyết để nghiên cứu tình huống giữa hai phía địch ta, từ cách dàn trận, cho đến việc cung ứng hậu cần, hay khi xuất hiện tình trạng bất lợi thì phải cứu viện thế nào… Sau khi từng mắt xích đều chỉ đạo xong xuôi, tính toán kỹ càng ông mới hạ quyết tâm đánh trận.

Đối nhân xử thế lấy chân thành làm gốc, lấy ‘ngốc nghếch’ làm nền

Khi hành sự, ông tình nguyện để người khác chiếm lợi, chứ không chịu đoạt lợi cho riêng mình. Dẫu người khác dùng kỹ xảo để lừa gạt, ông vẫn dùng sự chân thành, sự ngốc nghếch để đối đãi lại với họ. Tăng Quốc Phiên nói được là làm được.

Tả Tông Đường vì lòng ghen tỵ mà cả đời không phục Tăng Quốc Phiên. Ban đầu y châm biếm đả kích ông, cuối cùng lại lấy oán báo đức. Vậy mà Tăng Quốc Phiên cả đời vẫn không hề ăn miếng trả miếng, chấp nhất với ông ta. 

Lý Hồng Chương là đệ tử của ông, cũng vì tư tâm mà thường giở trò khôn vặt. Tăng Quốc Phiên vì mến mộ tài của họ Lý mà trước sau không hề thay dạ đổi lòng, vẫn luôn yêu mến, bao dung, cất nhắc Lý Hồng Chương. Hồng Chương do đó cả đời cảm kích ông tới rơi lệ. Những năm cuối đời mình hễ mở miệng là ông lại nhắc tới 3 chữ “Sư phụ tôi”.

Nhờ cách đối nhân xử thế chất phác của ông mà cả đời Tăng Quốc Phiên nhiều bạn vô kể, mưu sĩ dưới trướng nhiều như nước, mãnh tướng như mưa. Vậy nên ông mới có thể cầm quân, chỉ huy như ý, đánh thắng được Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh. 

Tăng Quốc Phiên nói rằng mình “bẩm sinh đã không thông minh lắm nên chỉ biết dựa vào học vấn mà cầu sự sáng suốt”

Suốt cả đời mình, Tăng Quốc Phiên đã trải qua muôn vàn gian khó. Ông phải xử lý vô số đại sự nhưng xét về tổng thể những quyết sách của ông đều phù hợp. Điểm hơn người của ông chính là không sợ nhọc tâm, tốn sức. Ông luôn phân tích một cách sâu sắc sự việc không bỏ sót điều gì. Dựa trên cơ sở phân tích đó, ông tìm ra lợi hại, nắm vững phần then chốt. Sau mỗi lần xử lý xong, ông còn tổng kết ra kinh nghiệm và bài học để tham khảo cho lần sau.

Sự tinh anh, sáng suốt của Tăng Quốc Phiên được xây dựng trên nền tảng ngốc nghếch như vậy. Ông đã vắt kiệt trí óc, dốc hết tâm can vào đó. Quả thực, “ngốc” đến tột cùng thì chính là “thông minh” tột đỉnh vậy. 

Không dùng kỹ xảo để lừa gạt, không ăn miếng trả miếng và chấp nhất ngay với kẻ muốn hại mình, ngược lại còn chân thành và bao dung. Đối với quan niệm của người ngày nay thì có lẽ như vậy là quá ngốc. Tuy nhiên, sự khờ khạo, ngốc nghếch ấy lại làm nên một Tăng Quốc Phiên nổi danh trong lịch sử, được người đời ngưỡng mộ.

Vậy mới hay:

Đôi khi thông minh lại thành thông minh “dại”. Ngốc nghếch lại hóa ngốc nghếch “khôn”.

Exit mobile version