Đại Kỷ Nguyên

Người tích thiện thì có dư phúc lành, người tích bất thiện ắt có thừa tai ương

Tránh họa đắc phúc là điều ai cũng mong muốn. Nhưng cuộc đời vẫn thường có nhiều khúc rẽ quanh co bất ngờ, làm thế nào để có thể đón lành tránh dữ?

Ngựa đá sang sông

Nguyên Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống tại làng Vĩnh Lại, nổi tiếng có tài học rộng hiểu nhiều, tiên đoán nhiều cho các thí sinh ứng thí khoa thi của các làng lân cận thành danh. Chỉ riêng nơi ông sống là Vĩnh Lại thì vẫn chẳng ai thành quan. Trong cái ghen tị từ cuộc sống nghèo khổ, dân làng Vĩnh Lại cho rằng Trạng trình không chú ý đến người nhà. Một ngày nọ, trạng Trình cho người dựng một bức tượng ngựa đá bên dòng sông, và viết lên đó 2 câu thơ:

Hà thời thạch mã độ giang
Thử thời Vĩnh Lại nghênh ngang công hầu

Lời sấm này nghĩa là khi nào ngựa đá sang sông thì làng Vĩnh Lại sẽ đầy công đầy hầu. Nhưng hỡi ôi mấy người tin ngựa đá có thể sang sông. Câu chuyện từ đó lạc mất và người ta bắt đầu quên lãng.

Hai trăm năm sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, làng Vĩnh Lại gặp một trận lụt to. Và trận lụt đã đổi nguồn dòng sông từ trước mặt ngựa đá sang sau lưng ngựa đá, vậy là lời tiên tri đã ứng nghiệm. Khi ấy dân làng Vĩnh Lại lên mặt với các làng kế cận, còn các cô gái ai cũng muốn về Vĩnh Lại làm dâu.

Thời gian này, Tây Sơn đã chiếm được một nửa giang sơn, và trong lần bắc tiến đầu tiên, đã khiến vua Lê bỏ thành mà chạy, lưu lạc đến làng Vĩnh Lại. Dân làng Vĩnh Lại tìm được vua, đem về phò. Vua ban công ban tước cho cả làng dưới áp lực của dân làng Vĩnh Lại, dĩ nhiên khi mà mất cả giang sơn thì vài cái chức tước tự nghĩ ra có hà đáng gì?

Dân Vĩnh Lại sau khi được phong tước, đều tập họp quân đội sẵn sàng cần vương. Nhưng đội quân ô hợp ấy chỉ một trận đã bị đội quân bách chiến bách thắng của Tây Sơn đánh tan nát, làng Vĩnh Lại tử vong vô số, gần như tuyệt diệt

Đội quân Tây Sơn đánh tan nát, làng Vĩnh Lại tử vong vô số, gần như tuyệt diệt. (Ảnh: Tindachieu.com)

Bát cơm phiếu mẫu (Bát cơm ngàn vàng)

Hàn Tín là cậu bé sớm mồ côi nên có tuổi thơ cơ cực, kiếm sống bằng nghề đi câu cá ở sông Hoài để độ nhật qua ngày. Mùa đông rét mướt không câu được nên rất đói khổ. Tuy vậy Hàn Tín lại mê đèn sách, nghiên cứu binh thư nên thường đeo kiếm như con nhà võ.

Xóm chợ có bà Phiếu Mẫu kiếm ăn bằng nghề giặt đồ thuê, cũng thiếu trước hụt sau nhưng thương tình cậu bé đói khát nên thường chia cơm cho Hàn Tín ăn cùng. Tín lấy làm cảm tạ mà nói rằng: “Tôi ngày sau công thành danh toại sẽ xin báo đáp”.

Phiếu Mẫu hiền hậu trả lời: “Thấy ngươi đói khát nên chia sẻ miếng cơm giọt nước, mong gì báo đáp. Mà đàn ông như ngươi miếng cơm không có mà ăn thì nói gì quyền cao chức trọng ngày sau”.

Hàn Tín lấy làm hổ thẹn mà không dám qua Phiếu Mẫu nữa nhưng bà già đôn hậu thương người cùng khổ hàng ngày vẫn đặt cơm trước lều Tín. Người xóm chợ biết chuyện thường gọi đó là “Bát cơm Phiếu Mẫu”.

Ngày sau Hàn Tín phò tá Lưu Bang lập nên cơ nghiệp thống nhất thiên hạ. Ông được phong tước hầu, sau được về quê cũ cai trị phong làm Sở Vương. Khi về quê ông lập tức cho người đi tìm cả Phiếu Mẫu. Hàn Tín sai người lấy ngàn vàng thưởng cho Phiếu Mẫu để đền ơn ngày xưa đã cưu mang thuở cơ hàn.

Hàn Tín lấy ngàn vàng thưởng cho Phiếu Mẫu để đền ơn ngày xưa đã cưu mang thuở cơ hàn. (Ảnh: dkn.tv)

Bí mật của họa – phúc 

Câu chuyện ngựa đá sang sông, dân làng Vĩnh Lại cứu vua, công lớn, việc thiện, nhưng phúc chẳng thấy mà cuối cùng gần như cả làng bị giết. Có phải hành thiện mà ác báo không? Hoàn toàn không phải, đây chính là ác có ác báo. Cứu vua là thiện, nhưng ép vua ban chức là ác. Cứu vua vì mục đích để được ban chức, như vậy không phải là chân thiện mà là giả thiện, tức là ác vậy.

Còn chuyện bát cơm Phiếu Mẫu, tại sao chỉ mấy bát cơm nguội, với người khác có thể coi là cơm thừa canh cặn mà lại phúc báo nghìn vàng. Bà giúp mà không mục đích, thấy người đói khát thì động lòng trắc ẩn, giúp mà không cầu báo đáp, đây chính là chân thiện, thiện có thiện báo.

Bát cơm với người bình thường thì không ý nghĩa gì, nhưng với người đang đói khổ, vật lộn với cuộc sống, bên bờ vực tử sinh, thì bát cơm kia chính là cứu mạng sống của Hàn Tín, động đến tâm can người, suốt đời cũng chẳng quên. Với người phiếu mẫu nghèo khổ, thì bát cơm cũng là quý giá lắm. Bà sẵn lòng sẻ tài sản của mình giúp người xa lạ, không có bất kỳ ý định, điều kiện nào, đó là đại thiện, nên được đại phúc báo.

Hiện nay chúng ta làm các việc thiện như phóng sinh nhưng với tâm thái cầu phúc báo, cúng dường, hiến chuông, xây chùa… cũng với cái tâm được phúc báo, được che chở, tiêu tai, bình an. Như vậy nào có khác dân làng Vĩnh Lại hành thiện cầu phúc báo, cuối cùng lại chiêu họa.

Những người đi chùa ngày nay còn mấy ai có tâm kính Phật đến bái lạy mà đều chỉ là cầu tiêu tai, giải nạn những thứ đó đều là giả Thiện… (Ảnh: zing.vn)

Chu Tử trị gia cách ngôn có câu:

Thiện dục nhân kiến, bất thị chân thiện
Ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác

Nghĩa là:

Làm thiện muốn người ta thấy, chẳng phải chân thiện.
Làm ác sợ người ta biết, chính là đại ác.

Kinh Dịch có câu: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khách; tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”, nghĩa là: “Nhà tích thiện, ắt có dư phúc lành; nhà tích bất thiện, ắt có thừa tai ương”.

“Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, đạo lý này ai ai cũng hiểu, nhưng vẫn còn người không biết, hành thiện cầu phúc báo, thì không phải chân thiện cũng chính là ác vậy. Như vậy để thực sự tránh được họa mà đắc phúc báo, thì hành thiện không mong cầu mà tự đắc phúc báo.

Nam Phương

Exit mobile version