Đại Kỷ Nguyên

Người tín Phật như thế nào thì chiêu mời hoạ, phúc?

Có câu cổ ngữ rằng: “Họa phúc không có lối, con người tự chiêu mời” (Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu). Chiêu mời cát tường hay tai họa, hoàn toàn xem con người khởi tâm động niệm gì.

Hủy hoại tượng Phật, cả gia đình gặp nạn

Những năm đầu niên đại Khang Hy đời Thanh, gỗ đàn hương rất quý. Quận Tô có một cửa hiệu chuyên làm hương, trước đây đã dùng 3 lạng vàng để mua một pho tượng Phật gỗ đàn hương. Người trong cửa hiệu hương bàn riêng với nhau rằng: “Nếu đem pho tượng này làm thành hương rồi đem đi bán thì có thể được 16 lạng vàng”.

Thế là họ muốn hủy pho tượng, thừa dịp đàn hương lên giá kiếm một món tiền. Nhưng người hầu sợ tạo tội nghiệp nên đã khuyên bọn họ không được làm như vậy. Khi đó chàng rể của cửa hiệu hương chuẩn bị đón vợ về nhà, nên đang ở nhà nhạc phụ, anh ta nói với người hầu rằng: “Anh là người hầu, có liên quan gì đến việc của anh? Cứ nghe theo căn dặn là được rồi”.

Đêm hôm đó con gái cửa hiệu hương đau bụng không về nhà được, hai vợ chồng đành tiếp tục lưu lại cửa hiệu.

Ngày hôm sau trên phố có đứa trẻ 6 tuổi theo cha đi đường, bỗng nhiên nó chỉ vào cửa hiệu hương rồi hỏi cha: “Nhà cửa nhà này tại sao lại dán giấy niêm phong đỏ như thế?”

Người cha cho rằng con trai nhìn nhầm liền bảo nó chớ có nói bừa. Đêm hôm đó cửa hiệu hương xảy ra hỏa hoạn, toàn bộ người nhà cửa hiệu hương đều chết cháy. Nhưng ngọn lửa lớn như thế lại không cháy sang nhà hàng xóm. Khi đó con rể cửa hàng hương muốn chui ra từ một cái lỗ trên lầu thì bị một vật chắn không chui ra được và chết trong lửa. Người hầu vốn khuyên can mọi người thì sáng sớm hôm đó được một hiệu làm hương khác nhất quyết mời đi làm công giúp 2 ngày, chỉ có anh ta là may mắn thoát nạn.

Nhân quả báo ứng không có mảy may sai lệch. Có cái tâm như thế nào thì bị báo ứng như thế ấy. Người con rể và người hầu có cái tâm hoàn toàn khác nhau. Anh con rể thì to gan lớn mật làm càn, không hề kính sợ đối với tượng Phật. Người hầu thì kính sợ tượng Phật, không dám tạo tội nghiệp. Kết quả hoàn toàn khác biệt: Một người nguyên ban đầu muốn về nhà thì lại khiến anh ta không về. Một người vốn không muốn đi thì lại ép buộc anh ta đi nên đã thoát nạn.

Quả thực chiêu mời cát tường hay chiêu mời tai họa hoàn toàn xem con người khởi tâm động niệm gì. Cả nhà cửa hiệu hương là tạo nghiệp tập thể, hủy hoại tượng Phật, lấy tượng Phật tôn quý làm hàng hóa kiếm lợi nên rất nhanh chóng phải chịu báo ứng.

***

Con người làm việc phải tuân theo lẽ Trời. Từ xưa đến nay người hiểu rõ nhân quả luôn coi đức hạnh và thiện niệm là điều quan trọng nhất, đáng tin cậy nhất. Đối với những việc hành thiện thì họ cũng làm hết sức mình. Đối với những việc hung ác nham hiểm, tổn hại người khác thì họ đều né tránh không làm. Họ cũng không vào hùa với những thế lực hắc ám trong xã hội. Một niệm thiện có thể hóa giải tai ương. Sửa lỗi hướng thiện cũng có thể chuyển họa thành phúc.

(Ảnh minh họa: eyeni.biz)

Trong xã hội chúng ta, nếu quan sát những người xung quanh mình thì cũng có thể thấy rất rõ là có 4 loại người:

Người vô thần, vô pháp vô thiên

Những người này chỉ tin vào tiền tài quyền lực danh vọng là mục tiêu cao nhất để phấn đấu, thế nên để đạt được mục đích thì họ không từ thủ đoạn nào: từ bịa đặt, vu khống, vu oan giá họa, đến âm mưu hiểm độc triệt hạ đối thủ, không việc gì không dám làm. Nhiều khi họ còn sẵn sàng hy sinh mạng sống của những người vô tội để làm bàn đạp cho con đường công danh sự nghiệp của mình. Những người này là đáng thương nhất, tự lừa mình lừa người, nhưng sao có thể lừa được Trời Phật. Thế nên không trước thì sau họ đều có kết cục không có hậu, nhiều khi rất thê thảm.

Người nửa vô thần

Những người này vốn không tin Thần Phật nhưng cũng có chút sợ nhân quả báo ứng. Họ không lễ Phật nhưng cho rằng ‘có thờ có thiêng có kiêng có lành’, nên họ chăm chỉ thờ ông bà tổ tiên, xây mộ lớn, từ đường to, khi cúng lễ, ma chay họ cũng mời các ‘thầy’ về ‘làm lễ’ giúp.

Những người này thường không làm những việc đại ác. Họ cũng phấn đấu, tính toán để có được công danh địa vị, nhưng họ biết giữ ranh giới, tránh làm việc ác quá. Họ vẫn làm những việc xấu, việc ác nhỏ, nhưng họ không tự biết, vì họ so với mặt bằng đạo đức xã hội thì họ tự cho rằng mình cũng chấp nhận được. Những người này thường chỉ gặp những hạn nhỏ như ốm đau, bệnh tật, tai nạn nhỏ.

Người tín ngưỡng thiếu lý trí

Những người này khá nhiều. Cứ nghe nói nơi nào thiêng chùa miếu đền nào linh nghiệm thì họ phải đi lễ bằng được. Cứ nghe nói ‘thầy’ nào giỏi, ‘cô’ nào thiêng, ‘cậu’ nào linh là họ đều tìm đến. Quanh năm lễ tiết, giỗ chạp, ngày rằm mồng một đều chăm chỉ sắm lễ thờ cúng rất thành kính. Những người này họ có cái tâm truy cầu, có suy nghĩ quá đơn giản và thiếu lý trí rằng ‘dương sao âm vậy’. Thế nên họ dùng tư duy con người để suy ra Thánh Thần, họ áp dụng tệ nạn ‘lo lót, hối lộ’ ở thế gian thời hiện đại đưa vào lễ bái, cầu khẩn.

Những người này thường không cố ý làm điều xấu, điều ác, nhưng họ vẫn làm điều xấu, ác nhỏ mà không tự biết do cái tư duy đơn giản ấy. Họ thường là nạn nhân của những ‘thầy’, ‘cô’, ‘cậu’ giả Thần giả Thánh, giả tu kia lừa đảo kiếm tiền mà không tự biết.

(Ảnh minh họa: miifotos.com)

Người tín ngưỡng chính Pháp

Những người này đều trải qua tiếp thu một cách có lý trí, và tự mình trải nghiệm đánh giá. Họ hiểu rõ nhân quả báo ứng nên hết sức tránh tạo nghiệp, không làm việc xấu. Họ chú ý từ suy nghĩ, lời nói và hành vi của mình, phát hiện ra sai trái liền cẩn thận sửa chữa. Họ kính Trời kính Thần Phật, nhưng họ không quá chú trọng vào lễ bái. Họ hiểu tu Phật tại tâm, tu là tu cái tâm, chứ không phải hình thức. Họ cũng hiểu có nhiều hình thức tu luyện như đạo sỹ, tăng nhân, mục sư, tại gia, xuất gia, vào núi sâu rừng già. Thế nên họ lựa chọn hình thức phù hợp với mình, và không bao giờ bài xích nói xấu người khác hay người theo tín ngưỡng khác. Khi họ gặp khó khăn hay ở trong nghịch cảnh, họ cũng không oán Trời trách người, cũng không cầu Thần khấn Phật giúp họ tiêu tai giải hạn, họ bình tĩnh đón nhận và dùng nghị lực vượt qua, coi đó là trả nghiệp, tiêu nghiệp.

Con người ai cũng có Phật tính. Con người vốn có bản tính thiện. Nhưng trong xã hội có quá nhiều cạm bẫy và hiểm ác, khiến con người vì để thích nghi nên đã dưỡng thành rất nhiều tính ác, nhiều ma tính. Khi con người đã trở nên xấu rồi thì tự mình không nhận biết được, họ cho rằng chạy theo nhu cầu, theo bản năng là lẽ tự nhiên, nên càng buông thả, phóng túng. Thế nên xã hội mới loạn lạc, tội ác hoành hành.

Chỉ khi con người phân biệt rõ mình đang là người như thế nào, thay đổi và làm một người tín ngưỡng chính Pháp, làm một người tốt, người thiện thực sự, thì đạo đức xã hội sẽ quay trở lại. Việc này tuy khó, nhưng không phải là đường cùng. Mong rằng dần dần cái tốt đẹp thiện lương sẽ lan truyền trong xã hội.

Kiến Thiện
(Tham khảo minghui.org)

Exit mobile version