Đại Kỷ Nguyên

Người trí huệ tuỳ cảnh mà biến, bậc thông minh tuỳ tình mà động

Trong Phật giáo, giày của tăng nhân thường dùng có 3 loại, trong đó có một loại được các tăng nhân ưa dùng nhất và cũng là phổ biến nhất có tên là ‘giày La Hán’.

Đây là loại giày có hình thon nhọn được may ghép lại từ ba mảnh vải, bên cạnh thân giày có một vài kẽ hở, kiểu thiết kế này vừa dễ làm lại vừa bền chắc, thoải mái khi mang.

Tương truyền đây là loại giày có hàm ý giáo dưỡng con người, giúp chúng ta nhìn thấu được mọi việc. Tuy nhiên vì con người khi đối diện với những cám dỗ và dục vọng trước mắt lại rất khó có thể nhìn ra được chân cơ.

Trong cuộc sống thường nhật, khi đối diện với dục vọng của mình, chúng ta chỉ chú trọng đến những điều mà bản thân đang mong muốn và truy cầu mà thành ra hồ đồ đánh mất chính mình, đánh mất cơ hội. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta khó mà có thể tĩnh tâm suy nghĩ chuyện đúng sai.

Giày La Hán có 6 kẽ hở hai bên là muốn người xuất gia cúi đầu có thể nhìn thấu chân cơ. (Ảnh minh họa: soundofhope.org)

Có điển cố kể rằng: Trước đây có một vị cao tăng trụ trì một ngôi chùa trên núi, vì tuổi đã cao nên cần tìm người truyền ngôi thế vị. Một hôm vị cao tăng trụ trì cho gọi hai người đệ tử mà mình tâm đắc nhất là Huệ Minh và Trần Nguyên đến để nói chuyện.

Trụ trì: “Trong hai con, ai có thể dùng toàn bộ sức mình trèo từ chân vách núi sau chùa lên đây, người đó sẽ là người kế vị thay ta”.

Huệ Minh và Trần Nguyên, hai người lần lượt dùng dây mà leo xuống chân núi để thử sức mình. Vách núi cheo leo, đá chìa sắc nhọn, vực sâu thăm thẳm, nguy hiểm trùng trùng, gian nan vô kể. Chỉ nhìn không cũng đủ khiến người ta tinh thần run sợ.

Huệ Minh với thân thể cường tráng, cơ bắp dẻo dai lại cộng với niềm tin chắc chắn vượt mọi gian nguy bắt đầu cuộc hành trình vượt núi.

Tuy nhiên, chân vừa mới bước, tay mới vừa leo, đường đi quá trượng, không may đã ngã, thân đau gối nhức. Làm lại từ đầu, Huệ Minh kiên trì, lòng không nổi giận, tận lực leo lên, thận trọng từng bước, dốc lòng chuyên tâm, mong rằng sẽ đạt. Mái chùa nghiêng nghiêng, đỉnh cao gió lộng chào đón Huệ Minh. Nỗ lực bao lần, thế thời bất động, Huệ Minh lại ngã về chốn khởi đầu, thân đau lực tận, khác nào dã tràng xe cát biển đông.

Một lần sau cuối, Huệ Minh gắng lực, quyết chí phải thành, vách cao quá nửa, thân trèo tới nơi, chốn cao mời gọi, tùng vẫy chim ca, gió lộng tứ bề, hương thơm khắp nẻo. Thành công trước mặt, tưởng chừng đã xong, ngờ đâu định mệnh, hay chí chẳng tường. Huệ Minh sơ sẩy, chân trượt tay buông, thân rơi tịch cốc, đầu va phải đá, hôn mê bất tỉnh, đồng môn phải xuống sơ cứu Huệ Minh.

Tới lượt Trần Nguyên, cũng giống Huệ Minh, khởi sự ban đầu, toàn tâm dốc sức, quyết chí thành công. Lưng đèo đã vượt, đích đến đã gần, thành công tưởng chạm, số phận mỉm cười, ngờ đâu lại ngã, thân rớt vực sâu, hi vọng còn đâu, thân nằm tịch cốc.

Suy ngẫm hồi lâu, Trần Nguyên trở mình, men theo đường nhỏ, nhằm hướng núi sâu, nhanh chân rảo bước. Đồng môn trên đỉnh, quan sát sự tình, bàng hoàng khó hiểu, lẽ nào Trần Nguyên bỏ cuộc dễ dàng? Chỉ có cao tăng điềm nhiên bất động, quan sát Trần Nguyên, tỏ tường thâm ý.

Trần Nguyên xuống núi, tìm được suối khe, men dòng ngược nước, thân xuyên qua đá, rẽ nước tìm thang, vượt lên đỉnh thác một cách dễ dàng, không cần tốn sức khiến cho đồng môn ngỡ ngàng, cao tăng mãn ý.

Sau khi Trần Nguyên về tới chùa, chúng bạn ngỡ ngàng nghị luận xôn xao. Tất cả cho rằng Trần Nguyên tham sống sợ chết, thậm chí có người nói cần đuổi khỏi thiền môn. Tuy nhiên ngược lại suy đoán của mọi người, trụ trì mỉm cười, trao lại ngôi cao tiếp quản thiền môn cho Trần Nguyên.

Trước sự ngỡ ngàng của chúng bạn, vị sư trụ trì lại trao ngôi cao tiếp quản thiền môn cho Trần Nguyên. (Ảnh minh họa: soundofhope.org)

Trụ trì trao ngôi quyền trượng cho Trần Nguyên khiến bao người khó hiểu, chẳng biết nguyên do. Lúc này, Trần Nguyên mới hòa ái mỉm cười giải thích: “Vách đá sau chùa dựa vào sức người thì chẳng thể nào có thể vượt lên, tuy nhiên chỉ cần cúi đầu nhìn xuống thì ắt có đường đi. Sư phụ thường giảng “Minh giả nhân cảnh nhi biến, trí giả tùy tình nhi hành”, nghĩa là người minh trí tùy cảnh mà biến, người thông minh tùy tình mà động. Đây chính là dạy chúng ta cần phải biết co duỗi tùy thời”.

Vị trụ trì nghe xong mãn nguyện mà gật đầu: “Nếu như vì danh lợi mà dẫn động, trong tâm ắt chỉ có vách đá cheo leo. Trời không tạo nhà giam, chỉ có lòng người tự xây ngục tối. Con người sống trong danh lợi, nhọc tâm tranh đấu, người bị nhẹ thì khổ tâm hại não, người bị nặng thì chân tay thương tật, còn người cực nặng xương tàn cốt vỡ”.

Sau rồi vị trụ trì truyền lại y bát và thiết trượng cho Trần Nguyên, trụ trì nghiêm trang nói: “Leo vách núi chẳng qua chỉ là khảo nghiệm tâm cảnh của mọi người. Nếu như không vì danh lợi mà dẫn dắt, ắt tâm thái sẽ không có trở ngại, thuận cảnh mà hành, đó chính là người ta ưng chọn”.

Từ chân núi mà leo vách trèo lên đỉnh núi, đó là con đường ngắn nhất, nhưng nó lại là con đường chẳng thể dễ đi. Đi đường vòng, lối nhỏ, tuy xa mà lại gần. Chúng ta sống ở đời cũng thường hay gặp cảnh đường hẹp ngõ cong, hãy tĩnh tâm lại mà suy ngẫm, rất có thể bạn sẽ phát hiện ở đâu đó có một con đường hoàn toàn khác đang đợi mình.

Khi đối diện với cám dỗ, điều đầu tiên chúng ta nên làm, đó là học theo trí huệ cổ nhân, bảo trì một tâm thái điềm nhiên tĩnh lặng, chứ không phải tận lực mà phấn đấu vượt chướng ngại trước mắt bằng mọi giá. Tĩnh tâm quan sát, hiểu rõ được bản thân mình là ai, mình đang ở đâu, chứ không chỉ là nhìn rõ hoàn cảnh thế nào?

Khi con người chìm đắm trong dục vọng của chính mình, điều có thể đón nhận chỉ là thân bại danh liệt. Tĩnh tâm mà suy nghĩ, ắt không gì không thể vượt qua. Cổ nhân từng nói “Lấy kiệm dưỡng đức, lấy tĩnh dưỡng trí” cũng là ý này.

Theo soundofhope.org
Minh Vũ biên dịch

Exit mobile version