Đại Kỷ Nguyên

Người trí tuệ biết tự hiểu mình, người nhân đức biết tự yêu quý mình

Không phải là bạn xuất thân càng ưu việt thì càng cao quý. Không phải bạn có càng nhiều tài sản thì càng cao quý. Cũng không phải bạn được người khác phục vụ thì trở nên cao quý…

Một người trở nên cao quý không phải vì có bao nhiêu tài sản tiền của, mà là ở sự tu dưỡng cá nhân. Tài sản có thể thúc đẩy hạnh phúc nhưng cũng có thể gây ra tai họa. Sự tu dưỡng cá nhân không đến từ việc bạn mặc đồ hàng hiệu gì, ở địa vị cấp bậc nào, mà là từ phẩm đức và sự thiện lương.

Cao quý không có quan hệ gì với tiền bạc. Tài sản chỉ là biểu hiện bên ngoài và cũng là một thử thách đối với tố chất tinh thần.

Cao quý chính là phẩm chất ưu tú, là nơi thi vị của tâm hồn, là cốt cách tinh thần của người biết cảm ân và là giá trị sống trên thế gian. Cao quý chân chính có được từ học thức, thiện lương, khoan dung, nhân ái và tu dưỡng làm người.

Không phải xuất thân ưu việt hơn thì cao quý.

Không phải có nhiều của cải hơn thì cao quý.

Không phải được người khác phục vụ thì cao quý.

Cao quý là sẵn lòng nỗ lực để mình ưu tú hơn chính mình hôm qua.

Cao quý chân chính không phải ưu tú hơn người khác mà là ưu tú hơn chính mình trước đây.

Chớ so sánh với người

A: Tôi sốt ruột quá.

B: Bạn có việc gì gấp à?

A: Na Tra 3 tuổi đại náo Đông Hải, Khổng Dung 4 tuổi biết nhường lê, Lạc Tân Vương 7 tuổi biết làm thơ, Cam La 12 tuổi được người ta bái làm tướng. Bạn nói xem, tôi có sốt ruột không?

B: Hoàng Trung 60 tuổi theo Lưu Bị, Khương Tử Nha 80 tuổi làm thừa tướng, Xà Thái Quân 100 tuổi làm nguyên soái. Bạn có gì phải sốt ruột.

Khổng Dung 4 tuổi biết nhường lê. (Ảnh minh họa: soundofhope.org)

Không thể so sánh người này với người khác được.

Người nông thôn không nên so đo với người thành phố.

Người nông thôn cảm thấy người thành phố công việc có thể diện hơn, không phải dãi dầu nắng gió, không phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lại kiếm được nhiều tiền hơn.

Người nghèo không nên so đo với người giàu.

Người nghèo cảm thấy người giàu đi xe sang, ở biệt thự, ăn sơn hào hải vị, dùng đồ hàng hiệu. Người nghèo sáng sớm đến tối mịt tất bật lo cái ăn, ăn mặc dè sẻn.

Người học ít không nên so với người học cao.

Người học ít cảm thấy người học cao nói năng câu nào ra câu ấy, không dám hé miệng nói lời nào trước mặt người ta.

Chúng ta thường động chút là so sánh, không gì không so đo, nào là so thành tích, so kết quả, so địa vị, so chức danh, so quyền thế, so tài sản… So đi so lại thì chỉ có hai loại, loại thứ nhất là mình hơn người, loại thứ hai là mình kém người.

Loại thứ nhất sẽ khiến người ta vui mừng đắc ý, thậm chí còn trở nên kiêu ngạo. Loại thứ hai khiến người ta trở nên không vui, u uất, thậm chí nổi bùng lên ngọn lửa ghen ghét đố kỵ. Như vậy có nghĩa là, bất kể kết quả loại nào thì đều khiến người ta trở lên mất bình tĩnh.

Đáng sợ nhất là trong khi so đo với người, chúng ta đã đánh mất chính mình.

Có một con ếch trâu rất lớn. Khi nó hít một hơi dài và căng bụng lên thì không một con ếch trâu nào có thể sánh với nó được. Sở thích lớn nhất của nó là căng mình lên, sau đó nghe những lời ca ngợi của đám ếch trâu “ôi, to lớn làm sao”, lòng cứ phơi phới như đang phiêu diêu trên mây vậy.

Nhưng một hôm có một con ếch nhìn thấy một con trâu, nó kinh sợ nói với họ hàng nhà ếch rằng: “Trâu mới thực sự to”.

Ếch trâu nghe thấy không phục, liền căng phồng bụng lên rồi hỏi: “Trâu to ư, có to bằng ta không?”

Con ếch kia nói: “Trâu to, trâu to”.

Ếch trâu nghe vậy nổi giận, bạt mạng hít khí, bụng càng căng càng to. Nhưng nó vẫn nghe thấy con ếch kia nói: “Trâu vẫn to hơn”.

Ếch trâu nổi giận ngút trời, tức như vỡ cả ruột gan. Cuối cùng nó hít mạnh một hơi lớn, chỉ nghe thấy ‘độp’ một tiếng, thân thể nó bị căng nứt vỡ toạc ra.

(Ảnh minh họa: soundofhope.org)

Chúng ta luôn thích so đo với người, so đi so lại cuối cùng đánh mất bản thân, tổn thương hòa khí.

Chúng ta luôn nghĩ nhanh chóng đuổi kịp và vượt người, nên đã làm loạn mất chừng mực, mất đi phong thái của mình.

So sánh chẳng thà hãy làm tốt chính mình

Hoàn Ôn khi còn trẻ đã có danh tiếng ngang bằng với Ân Hạo, nhưng anh luôn có một khúc mắc trong tâm, đó là muốn phân cao thấp với Ân Hạo.

Một hôm Hoàn Ôn rốt cuộc cũng đã có cơ hội, anh gặp được Ân Hạo. Anh hỏi Ân Hạo rằng: “Anh và tôi so với nhau thì anh cho rằng ai giỏi hơn?”.

Ân Hạo đứng trước trái bóng mà Hoàn Ôn đá sang cho mình đã trả lời rằng: “Tôi thấy tôi vẫn nên giao tiếp với bản thân nhiều hơn, tôi vẫn muốn làm chính mình”.

Mỗi người đều là độc nhất vô nhị. Chỉ cần tìm được thiên phú của bản thân mình nằm ở chỗ nào, hiểu rõ giá trị độc nhất vô nhị của mình, nỗ lực trở thành chính mình, thì đó là thành công lớn nhất.

Chúng ta nên học Ân Hạo, chỉ đọ sức với chính mình, không so tài cùng người khác. Cuộc sống kỳ lạ là: càng không so đo với người khác thì lại càng thắng lợi.

Tăng Quốc Phiên có một biệt hiệu gọi là Tăng Thùng Sắt. Bởi vì ông tác chiến chỉ huy không hiệu nghiệm lắm, chỉ duy nhất một sở trường là phòng thủ chặt, tấn công chắc. Trong cuộc chiến tiêu diệt quân Thái Bình Thiên Quốc, ông thực hiện “dựng trại chắc chắn, cứ chờ đợi”.

Mỗi khi đến một nơi nào đó đều phải đóng doanh hạ trại, đào chiến hào sâu, sau đó tầng tầng tiến dần, từng bước tiến lên. Tả Tông Đường thường xuyên mắng ông là hành động chậm chạp, để lỡ thời cơ đánh trận.

Thạch Đạt Khai, Lý Tú Thành của Thái Bình Thiên Quốc đều là nhân tài quân sự đỉnh cao, chỉ huy tác chiến xuất quỷ nhập Thần. Nếu so tính linh hoạt trong tác chiến thì Tăng Quốc Phiên nhất định sẽ thua. Nhưng Tăng Quốc Phiên biết sở trường của mình là ở ‘chắc chắn’.

Do đó ông dùng vụng về thắng khéo léo, cứ từng chút từng chút đánh thắng quân Thái Bình Thiên Quốc.

Bức tranh kỷ niệm thắng lợi ‘Khắc phục An Khánh’ của quân Tương do Tăng Quốc Phiên chỉ huy. (Ảnh: wikipedia.org)

Trang Tử nói: “Cả thế giới khen nhưng mình vẫn không vì thế mà gắng sức, cả thế giới chê nhưng mình vẫn không vì thế mà buồn bã”.

Đây chính là biểu hiện chuyên tâm chú ý làm chính mình. Lão Tử gọi loại người này là “sủng nhục bất kinh”, tức là được sủng ái hay chịu tủi nhục vẫn bình thản, không kinh ngạc không kinh sợ. Trang Tử gọi loại người này là “Phân định rõ ranh giới ở giữa trong và ngoài, phân biệt rõ ranh giới giữa vinh và nhục”.

Chỉ cần bạn thấy làm việc gì đó là đúng, nó khiến bạn cảm thấy vui vẻ và hài lòng, thì ngại gì trên đường chỉ có một mình bước đi, bạn vẫn cứ kiên trì đến tận cùng, không vì trên đường chẳng có bóng người mà sợ hãi lùi bước.

Chỉ khi khắc chế được cái tâm cứ muốn so đo với người xung quanh, biết chuyên tâm chú ý vào bản thân thì mới có thể trong thế giới phức tạp này tìm được vòng hào quang và những thứ tốt đẹp thuộc về riêng mình.

Tốt đẹp hơn chính mình trước đây mới gọi là cao quý

Tốt đẹp hơn người khác không phải là cao quý. Cao quý thực sự là tốt đẹp hơn chính mình trước đây. Nếu muốn sống trên đời này có danh tiếng và vinh quang thì phải học cách so sánh với chính mình, khiến bản thân ở hiện tại có tiến bộ hơn bản thân trước đó, khiến bản thân ngày hôm nay ưu tú hơn ngày hôm qua, bản thân của năm nay trác việt hơn năm ngoái.

Một hôm Khổng Tử gọi Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Hồi đến, hỏi họ cùng một câu hỏi: “Thế nào là người trí tuệ, thế nào là người nhân đức?”

Tử Lộ trả lời: “Người trí tuệ là khiến người khác hiểu được mình. Người nhân đức là khiến người khác yêu quý mình”.

Khổng Tử gật đầu nói: “Con đã xứng đáng là kẻ sỹ rồi”.

Tử Cống nói: “Người trí tuệ là hiểu được người khác. Người nhân đức là yêu quý người khác”.

Khổng Tử gật đầu nói: “Ừ, con cũng xứng đáng là kẻ sỹ rồi”.

Nhan Hồi trả lời: “Người trí tuệ biết tự hiểu mình. Người nhân đức biết tự yêu quý mình”.

Khổng Tử khen ngợi rằng: “Nhan Hồi à, con xứng đáng là bậc quân tử trong những kẻ sỹ rồi đó”.

Khổng Tử muốn bảo cho chúng ta biết rằng, trên con đường tu dưỡng và nâng cao thì chớ dán mắt vào người khác, chớ dùng lời nói hành động của người khác để định nghĩa bản thân, chớ dùng ánh mắt của người khác để quy chuẩn mình, mà cần phải xuất phát từ thực tế bản thân, tìm con đường thích hợp với bản thân mình, tự mình nâng cao, tự mình thực hiện. Đây chính là điều Nhan Hồi nói: “Người trí tuệ biết tự hiểu mình. Người nhân đức biết tự yêu quý mình”.

Người cao quý không phải là tu dưỡng thành bản thân hoàn mỹ, mà là thực hiện được bản thân hoàn chỉnh, tiếp nhận bản thân, vui với bản thân, không hâm mộ, không theo người khác, không mê lạc, bước đi vững chãi trên con đường của riêng mình. Đó mới là cao quý chân chính.

Nam Phương
Theo soundofhope.org

Xem thêm:

Exit mobile version