Đại Kỷ Nguyên

Người trí tuệ thì không nghi hoặc điều gì, người nhân đức thì không lo lắng điều gì

Không thể phủ nhận rằng, trí tuệ cổ nhân rất phong phú và sâu sắc, khiến người ngày nay chỉ có thể ngưỡng nhìn. Dưới đây là những ví dụ như vậy.

Một bộ “Đạo đức kinh” chỉ 5000 chữ, lại triển hiện đầy đủ tinh tế những quy luật của vạn sự vạn vật từ khi sinh ra, phát triển, hưng thịnh không suy, cho đến con người phản bổn quy chân như thế nào. Một bộ “Luận ngữ” cũng chẳng qua là hơn vạn chữ, lại được coi là khuôn vàng thước ngọc của Nho gia, là kinh điển để giới Nho sỹ học tập và là mẫu mực để giới chấp chính quản lý hoạch định chính sách, sách lược. Còn bộ “Binh pháp Tôn Tử” chưa đến 6.000 chữ, đến nay vẫn là sách bắt buộc phải đọc của các nhà quân sự. Thử hỏi có cuốn sách nào ngày nay đạt được tầng cao như thế?

Trí tuệ là gì

Vậy thế nào là “Trí tuệ”? Trong “Tuân Tử – Tử Đạo” có 3 đoạn đối thoại, Khổng Tử lần lượt hỏi các học trò Tử Lộ, Tử Cống, Nhan Uyên hai câu hỏi: “Người trí tuệ là như thế nào? Người nhân đức là như thế nào?”.

Tử Lộ cho rằng: “Người trí tuệ là người có thể hiểu rõ bản thân. Người nhân đức là người có thể khiến người khác yêu quý mình”.

Tử Cống nói: “Người trí tuệ là người có thể hiểu rõ người khác. Người nhân đức là người có thể yêu quý người khác”.

Nhan Uyên cho rằng: “Người trí tuệ là người sáng suốt tự biết mình. Người nhân đức là người có thể tự trọng tự yêu quý mình”.

Do đó có thể thấy, người trí tuệ là người hiểu rõ người khác, biết rõ bản thân, khiến người khác hiểu mình.

Khổng Tử nói: “Trí giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ”, nghĩa là “Người trí tuệ thì không nghi hoặc điều gì, người nhân đức thì không lo lắng điều gì, người dũng cảm thì không sợ điều gì”.

Người trí tuệ gặp chuyện gì cũng không bị mê hoặc, người nhân đức không lo lắng ưu sầu, người dũng cảm không có gì khiến họ sợ hãi. Ban Cố đời Hán cũng viết: “Người trí tuệ là người hiểu biết. Nếu chỉ biết kiến thức xưa, không nghi hoặc sự việc, thì chỉ là kiến thức nhỏ bé thôi”. Người có trí tuệ là người có tri thức hiểu biết phong phú, nhưng người có tri thức phong phú chưa chắc đã là người có trí tuệ, vì trí tuệ còn bao hàm cả suy nghĩ cẩn trọng, sáng suốt phân biệt, mưu lược, và cơ trí v.v…

Thế gian còn có loại đại trí tuệ, đó chính là trí huệ của Phật gia. Trong con mắt của Phật gia, thế giới hiện thực mà con người khổ cực chấp trước, kỳ thực là một thế giới giả tướng, đau khổ. Nhân loại chẳng qua chỉ là dùng tâm trí của mình để xây dựng cho mình một thế giới thống khổ và phiền não. Do đó đại trí huệ của Phật gia là khai mở thiện và huệ căn trong tâm con người, dẫn dắt con người từ thế giới giả tướng tiến vào thế giới chân ngã. Đây cũng chính là lý do tại sao chữ “huệ” (tuệ) được Phật gia sử dụng nhiều nhất, như định huệ, đại huệ, bản huệ, giới định huệ v.v…

Người trí tuệ gặp chuyện gì cũng không bị mê hoặc, người nhân đức không lo lắng ưu sầu, người dũng cảm không có gì khiến họ sợ hãi. (Ảnh: sohu.com)

Trí tuệ Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng thời Tam Quốc được coi là tiêu biểu của người trí tuệ. Trong dân gian có lưu truyền rất nhiều câu chuyện về trí tuệ của ông, như không thành kế, thuyền cỏ mượn tên, đốt hương đánh đàn, đối đáp Long Trung, mượn gió đông, gạt lệ trảm Mã Tốc, thất cầm Mạnh Hoạch v.v… Càng thần kỳ hơn là, Gia Cát Lượng có đại trí tuệ, trước khi được Lưu Bị mời xuất sơn đã biết trước cục diện tam phân thiên hạ, đồng thời biết rõ thiên hạ nhà Hán không thể phục hưng được nữa, nhưng tại sao ông vẫn xuất sơn phò tá Lưu Bị? Thì ra thứ nhất là để thuận theo Thiên ý, thứ hai là để báo đáp ân tri ngộ của Lưu Bị.

Gia Cát Lượng ‘cúc cung tận tụy đến chết mới thôi’ đã để lại cho hậu thế ngoài mưu trí trác tuyệt và lòng trung nghĩa với Lưu Bị ra, còn để lại một bộ sách dự ngôn ‘Mã tiền khóa’ tiên đoán các đại sự trong lịch sử từ sau thời Tam Quốc đến tận hôm nay. Điều này khiến cho người đời sau khi nghĩ tới Gia Cát Lượng năm xưa quạt lông khăn lụa rong ruổi tung hoành thiên hạ, không khỏi nảy ra suy nghĩ: “Lẽ nào Gia Cát Lượng là Thần nhân chuyển thế?”.

Trí tuệ Tôn Tẫn qua cuộc đua ngựa

Nhà quân sự thời Chiến Quốc Tôn Tẫn cũng là người có mưu trí. Ông phò tá Tề Uy Vương giành được rất nhiều thắng lợi. ‘Điền Kỵ đua ngựa’ chính là một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi. Câu chuyện kể về Tôn Tẫn khi mới đến nước Tề, tướng quân Điền Kỵ vô cùng đánh giá cao ông, đồng thời tiếp đãi như thượng khách. Điền Kỵ thường xuyên đua ngựa với các công tử nước Tề, bỏ khoản tiền lớn đặt cược. Tôn Tẫn phát hiện ra ngựa của bọn họ có sức lực đều xấp xỉ nhau, có thể phân làm 3 loại thượng, trung, hạ. Thế là Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ rằng: “Ngài cứ đặt cược thật lớn, tôi có thể khiến ngài thắng cuộc”.

Điền Kỵ tin và làm theo, bỏ ra ngàn lượng vàng đánh cược với Tề Vương và các công tử. Khi cuộc thi sắp bắt đầu, Tôn Tẫn nói: “Bây giờ ngài hãy dùng ngựa hạ đẳng thi với ngựa thượng đẳng của họ, lấy ngựa thượng đẳng của ngài đối phó với ngựa trung đẳng của họ, lấy ngựa trung đẳng của ngài thi với ngựa hạ đẳng của họ”. Sau khi kết thúc 3 cuộc đua, Điền Kỵ một cuộc thua 2 cuộc thắng, cuối cùng đã thắng cuộc, giành được ngàn lạng vàng tiền cược của Tề Vương. Thế là Điền Kỵ tiến cử Tôn Tẫn với Tề Uy Vương, sau đó mới có được nước Tề hùng mạnh.

(Theo “Sử ký – Tôn Võ truyện”)

Tôn Tẫn. (Ảnh: wikipedia.org)

Trí tuệ cậu bé Khổng Dung 10 tuổi

Rất nhiều người đều biết câu chuyện Khổng Dung nhường lê đời Đông Hán. Thực tế Khổng Dung ngay từ nhỏ không chỉ rất khoan hậu, hiểu hiếu đễ, lại vô cùng thông minh trí tuệ. Khi ông 10 tuổi, ông theo cha đến Lạc Dương. Lý Nguyên Lễ đương thời làm Ty lệ Hiệu úy có danh tiếng rất lớn, những người đến nhà Lý đều là những người có tài năng trí tuệ xuất chúng, người thanh cao có tiếng và là người thân thích mới được thông báo đến Lý. Khổng Dung đến trước cổng nhà Lý, nói với người gác cổng rằng: “Tôi là người thân thích của Lý Phủ Quân”. Sau khi được thông báo lên, Khổng Dung bước lên ngồi xuống. Lý Nguyên Lễ bèn hỏi: “Cậu có quan hệ thân thích gì với ta?”

Khổng Dung cười đáp: “Xưa kia tổ tiên của cháu là Trọng Ni (tức Khổng Tử) có bái kiến tổ tiên của ngài là Bá Dương làm thầy, do đó cháu và ngài có quan hệ thân thích hữu hảo đời đời”.

Lý Nguyên Lễ và các tân khách ai nấy đều cảm thấy kinh ngạc trước lời nói của cậu bé. Thái trung Đại phu Trần Vỹ sau đó mới đến, có người đem chuyện Khổng Dung ra kể với Trần Vỹ, nghe xong Trần Vỹ nói: “Lúc nhỏ rất thông minh, lớn lên chưa chắc đã có tài hoa”.

Khổng Dung nghe rồi nói: “Cháu đoán ngài khi còn nhỏ rất thông minh”.

Trần Vỹ nghe vậy cảm thấy vô cùng bất an.

Thiêu lợn phá án

Thời Tam Quốc, văn nhân Trương Cử nhậm chức huyện lệnh huyện Cú Chương có gặp một vụ án: Người vợ vì ngoại tình nên đã giết chết chồng là Lã Chính, sau đó phóng lửa đốt cháy thi thể, giả xưng là chồng chết vì hỏa hoạn. Em trai Lã Chính là Lã Lương báo quan, Trương Cử vội đến hiện trường, thấy Lã Chính đã bị cháy đen. Ông bèn lệnh cho nha dịch cạy miệng thi thể ra kiểm tra, phát hiện ra bên trong không có tro bụi. Thế là Trương Cử lệnh cho người đem 2 con lợn ra làm thực nghiệm, đem một con lợn trong đó ra giết chết, sau đó đốt củi rơm rạ. Kết quả thực nghiệm chứng minh, tro bụi khi hỏa hoạn thì người đã chết không thể hít vào trong miệng. Nội tình vụ án đã rõ, vợ Lã Chính bị bắt quy án. Đây chính là vụ án “Thiêu lợn phá án” nổi tiếng.

(Theo “Chiết ngục quy giám”)

Trí tuệ nhà vua trẻ Thuận Trị

Hoàng đế Thuận Trị đời Thanh trong 10 năm chấp chính đã nghiêm khắc với bản thân, cần mẫn với chính sự, áp dụng nhiều chính sách lợi nước lợi dân. Ông thấu hiểu nỗi thống khổ của bách tính. Ví dụ khi xây dựng cung Càn Thanh, ông đã tiếp thu kiến nghị của đại thần, đem số tiền xây dựng công trình cứu tế bách tính bị thiên tai. Đồng thời ông khuyến cáo các vương và đại thần, từ nay trở đi ăn uống và vui chơi phải tiết kiệm, đối với các phú hộ nguyện ý xuất lương thực cứu trợ bách tính thì triều đình sẽ ban thưởng.

Ngoài ra, ông còn tiếp tục áp dụng các chính sách miễn giảm thuế và lao dịch, có lợi cho dân sinh, bãi bỏ nhiều loại thuế khóa từ thời Vạn Lịch nhà Minh. Đối với khu vực thiên tai, miễn trừ tất cả thuế khóa. Nhưng phú quý chốn nhân gian không khiến Thuận Trị cảm thấy hạnh phúc, ông vô cùng hứng thú với Phật học, đã mời một số cao tăng nổi tiếng đến hoàng cung giảng kinh. Ông đã từng nói, đời trước của ông nhất định là tăng nhân, vì vậy “mỗi lần đến chùa, bồi hồi mãi không muốn ra về”. Năm 24 tuổi, Thuận Trị bệnh qua đời. Khi còn sống ông yêu cầu sau khi chết tiến hành hỏa táng, làm pháp sự.

Mạnh Tử đã từng nói: “Cái tâm biết phân biệt đúng sai là khởi đầu của trí tuệ”. Bất kể là trí tuệ của người nhập thế hay là đại trí huệ của Phật gia xuất thế, thì trí tuệ của lòng thiện lương luôn luôn là đức tính tốt đẹp của nhân loại. Dù bất kỳ dân tộc nào, thời kỳ lịch sử nào thì trí tuệ này vẫn mãi tỏa sáng rực rỡ.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version