Đại Kỷ Nguyên

Chuyện chưa kể về những chiến binh dũng mãnh mở ra con đường tơ lụa huyền thoại

Hơn 2.000 năm trước, nhà Hán thống nhất Trung Quốc, liên tục tìm kiếm con đường mở rộng giao thương ở phía bắc và phía tây, cũng như bảo vệ biên giới của mình chống lại các bộ lạc du mục thường xuyên đột nhập vào lãnh thổ đế quốc. Hán Vũ Đế với những chiến dịch quân sự mạnh mẽ của mình đã hầu như bình định toàn bộ các bộ lạc du mục ở nơi biên cương đại mạc hoang dã rộng lớn này.

Những chiến binh quả cảm trong các cuộc viễn chinh của Vũ Đế không chỉ phải đối mặt với nguy hiểm mà thậm chí còn phải hy sinh cả mạng sống của mình vì nghĩa lớn. Truyền thuyết về họ là thiên sử thi anh hùng mở mang bờ cõi, còn lưu truyền hậu thế. 

Dưới đây là câu chuyện về những anh hùng như thế. Một người trải qua hành trình vất vả để kết nối Trung Hoa với các dân tộc Trung Á, còn người kia luôn giữ lòng trung dù phải làm tù binh cho người Hung Nô (một sắc dân du mục được người Trung Quốc coi là man di) suốt 2 thập kỷ. 

Trương Khiên đi sứ Tây Vực và cuộc tìm kiếm Hãn Huyết Bảo Mã

Bản đồ đế quốc Hán và những con đường giao thương. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh

Năm 138 trước CN, Hán Vũ Đế phái Trương Khiên dẫn đầu một đoàn nhân mã 100 người, dưới sự dẫn đường của một nô bộc người Hung Nô tên là Cam Phụ, xuất phát từ kinh đô Trường An, đi sứ các nước Tây Vực. Chuyến đi này có mục đích lớn nhất là kết đồng minh với nước Đại Nguyệt Chi, nằm ở biên giới Trung Quốc – Kazakhstan ngày nay để chống lại người Hung Nô thường xuyên quấy phá đế quốc ở phía Nam Vạn Lý Trường Thành.

Họ cũng có nhiệm vụ phải tìm kiếm bằng được một giống ngựa quý có tên là Hãn Huyết Mã, nhanh và mạnh hơn ngựa chiến hiện tại của Trung Thổ. Người ta hy vọng giống ngựa này sẽ giúp cho kỵ binh nhà Hán có thể sánh ngang với đội quân kỵ khét tiếng của Hung Nô.

Chuyến đi lịch sử này đã được sử gia nổi tiếng Tư Mã Thiên ghi lại trong “Sử Ký”. Trong đó chép rằng, chuyến này bắt đầu rất không thuận lợi. Ngay khi vừa vượt qua Thiên Sơn thì Trương Khiên đã bị áp giải ngay đến cho Thiền Vu Hung Nô. Trương Khiên và đoàn tùy tùng của ông bị giam lỏng ở đất Hung Nô khoảng 10 năm, lấy vợ sinh con nhưng vẫn không quên nhiệm vụ của mình.

Trương Khiên nhân lúc người Hung Nô không đề phòng mà trốn đi, theo đường của nước Xa Sư vào nước Yên Kỳ, lại từ Yên Kỳ vượt sông Tháp Lý Mộc (sông Tarim) đi qua các nước Quy Từ (Kucina), Sơ Lặc (Shule), vượt qua Thông Lĩnh (núi Pamir), đến được Đại Uyển (Dawan), được người Đại Uyển đưa đến Khang Cư, cuối cùng đến được Đại Nguyệt Chi.

Nhưng lúc này Đại Nguyệt Chi đã dời đến lưu vực Amu Darya, chinh phục được nước láng giềng Đại Hạ (Daxia hay Blakhah) quyết định an cư lạc nghiệp, không muốn báo thù Hung Nô, lại cho rằng nhà Hán ở nơi xa xôi, không giúp ích gì. Trương Khiên ở lại hơn 1 năm, vào năm Nguyên Sóc đầu tiên (128 TCN) đành xin trở về.

Nhằm tránh gặp phải người Hung Nô, Trương Khiên đổi sang đường phía nam, vượt qua Thông Lĩnh, men theo phía bắc chân núi Côn Lôn mà đi, qua các nơi Toa Xa, Vu Điền, Thiện Thiện, tiến vào khu vực của người Khương. Dù vậy, lúc này người Khương đang quy phụ người Hung Nô, nên ông lại bị người Hung Nô bắt được, giam giữ hơn 1 năm.

Tranh vẽ kỵ binh Mông Cổ trong trận chiến giáp lá cà. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh

Năm Nguyên Sóc thứ 3 (126 TCN), Hung Nô có nội loạn, Trương Khiên thừa cơ đưa vợ con và trợ thủ Cam Phụ trốn về nhà Hán. Dựa vào báo cáo hết sức chi tiết của ông, Hán Vũ đế nắm được tình hình Tây Vực, rất hài lòng, phong Trương Khiên làm Thái trung đại phu, Cam Phụ làm Phụng sứ quân. 

Mặc dù đã không thể kết đồng minh với người Đại Nguyệt Chi nhưng cuộc thám hiểm của Trương Khiên đã đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại và ngoại giao với các dân tộc Trung Á trong mắt triều đình nhà Hán. Bởi thực tế cho thấy những dân tộc như Đại Nguyệt Chi không những không phải man rợ như Hán Triều đã nghĩ mà còn là quốc gia phát triển, có một trình độ văn hóa khá cao.

Khi nhà Hán bắt đầu giao thương với các dân tộc này, nó đã phát triển đến mức vươn được tới Đế chế La Mã. Vào thời điểm này trong lịch sử, “Con đường tơ lụa” mà chúng ta biết, cây cầu nối giữa Trung Quốc và phương Tây, thực sự đã xuất hiện. Nó đã hoàn thành vai trò đặc thù này trong hơn một nghìn năm trước thời kỳ các nhà thám hiểm Châu Âu mở ra các tuyến đường tương đương bằng đường biển.

Tô Vũ 20 năm chăn dê Bắc Hải vẫn giữ lòng trung 

Bản đồ lãnh thổ đế chế Hung Nô cách đây 2000 năm. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh

Vào năm 100 TCN, một thế hệ sau cuộc hành trình của Trương Khiên, Hán Vũ Đế đã phái Tô Vũ, chỉ huy Ngự lâm quân đi sứ Hung Nô. Chuyến đi của ông được ghi lại trong “Tư trị Thông Giám” (tác giả Tư Mã Quang đời Tống). Tô Vũ tự Tử Khanh, là con thứ hai của Bình Lăng hầu Tô Kiến. Ông cùng anh em trai của mình đều làm quan cho triều Hán. 

Dưới triều nhà Hán, các thị tộc Hung Nô ở phương bắc luôn luôn tiến xuống xâm phạm miền nam, đốt phá giết người, quấy nhiễu đời sống của dân tộc Hán. Năm 119 TCN, Hán Vũ Đế phái quân đội lên đánh dẹp miền bắc, giải trừ được sự uy hiếp của tộc Hung Nô nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn lúc tốt lúc xấu. Những chuyện hai bên bắt giữ sứ giả của nhau vẫn luôn luôn xảy ra.

Năm 110 TCN, chúa Thiền Vu của Hung Nô sai sứ giả đến cầu hoà. Hán Vũ Đế bèn sai Tô Vũ đem một đội quân đưa tiễn sứ giả của Hung Nô trở về. Tô Vũ cầm trong tay một chiếc gậy dài bảy, tám thước, đầu trên của gậy hơi cong và có treo một quả cầu bằng lông. Cờ này được gọi là cờ “Tiết”. Tô Vũ làm như thế là để cho thấy rõ mình là sứ giả của triều đình nhà Hán.

Trước khi Tô Vũ đi sứ Hung Nô, đã từng có một sứ giả của triều đình nhà Hán tên là Vệ Luật đầu hàng Hung Nô. Nhưng các bộ hạ của Vệ Luật lại không cam tâm làm phản. Sau khi Tô Vũ đến chỗ đóng quân của Thiền Vu, các bộ hạ của Vệ Luật chuẩn bị khởi nghĩa để trở về nước. Không ngờ sự việc này bị Thiền Vu phát hiện, hắn nghi Tô Vũ có tham gia âm mưu này vì thế giam giữ Tô Vũ.

Tuy phải trải qua rất nhiều lần tra hỏi thẩm vấn nhưng Tô Vũ trước sau như một vẫn tỏ rõ lòng kiên trinh bất khuất. Thiền Vu không biết làm thế nào được nữa, đành phải đầy Tô Vũ lên Bắc Hải chăn dê (địa phận hồ Baikal ngày nay). Trước khi Tô Vũ đi, Thiền Vu Hung Nô nói với ông rằng: “Đợi đến khi nào dê đực sinh con, ngươi mới có thể về lại triều Hán”, kỳ thực chính là đày Tô Vũ ở Bắc Hải vĩnh viễn.

Hồ BaiKal vào buổi tối (Arkady Zarubin/CC BY-SA 3.0)

Tô Vũ  nghĩ rằng lá cờ “Tiết” là vật tượng trưng cho sứ giả của triều đình nhà Hán, vì thế một ngày nào còn chưa về tới triều đình nhà Hán thì ngày ấy ông không rời tay khỏi lá cờ “Tiết” này. Mãi tới 19 năm sau, quan hệ giữa triều đình nhà Hán và Hung Nô mới có phần hòa hoãn và Hung Nô đi mới tha cho Tô Vũ trở về, đó là vào năm 81 TCN. 

Cũng cần nói thêm là ngay cả khi trải qua 19 năm lưu đày và 2 nước đang trong thời kỳ hòa hoãn, cũng không phải đơn giản mà Hung Nô chịu thả Tô Vũ về lại quê hương nếu không nhờ sự mưu trí dũng cảm của thành viên các sứ đoàn của nhà Hán. Sử chép rằng, triều Hán đòi Hung Nô trao trả Tô Vũ trở về. Thiền vu nói dối Tô Vũ đã chết từ rất lâu, sự kiện này bị Thường Huệ biết được. Sau đó khi triều Hán phái sứ giả đến Hung Nô một lần nữa, Thường Huệ liền theo, vào lúc đêm tối lén gặp Hán sứ, đem tình hình của Tô Vũ nói lại, đồng thời đưa ra chủ ý. 

Ngày hôm sau, sứ giả triều Hán hội kiến Thiền Vu Hung Nô, một lần nữa yêu cầu trao trả Tô Vũ. Thiền Vu Hung Nô vẫn nói dối là Tô Vũ đã chết. Hán sứ nghiêm khắc trách Thiền vu rằng: “Trước đây không lâu, Hoàng đế triều Hán lúc đi săn tại vường Thượng Lâm, đã bắn được một con chim nhạn đang bay về phương nam, trên chân chim nhạn có buộc một lá thư được viết trên lụa, đó là bút tích của Tô Vũ. Trong thư nói rằng Tô Vũ đang chăn dê nơi Bắc Hải”. 

Thiền vu Hung Nô thất kinh, vừa nghe vừa nhìn đại thần bên cạnh, cuối cùng đành phải xin lỗi sứ giả triều Hán, nói rằng: “Nhóm người của Tô Vũ quả thật còn sống”. Để chứng tỏ rằng mình rất cầu thị trong việc cải thiện mối quan hệ bang giao, Thiền Vu Hung Nô liền đáp ứng yêu cầu của Hán sứ, quyết định để Tô Vũ trở về lại triều Hán. 

Ấn phong của Hán Triều cho Thiền Vu Hung Nô (Wikimedia Commons)

Mùa xuân năm đó, gió mát trời trong, phong cảnh tươi đẹp, sau 19 năm xa cách, tóc Tô Vũ đã bạc trắng, về đến được Trường An mà lòng luôn mong đợi, nhìn thấy lại giang sơn gấm vóc của cố hương. Để biểu dương công lao của Tô Vũ, Hán Chiêu Đế phong ông là Hoàng Thuộc Quốc, ban cho 200 vạn tiền, 2 khoảnh ruộng, một gian nhà.

Thường Huệ, Từ Thánh, Triệu Chung cùng về với Tô Vũ cũng được phong quan, mỗi người được ban thưởng 200 tấm đoạn. Sáu người khác cáo lão về quê, mỗi người được ban thưởng 10 vạn tiền, đồng thời được miễn lao dịch suốt đời. 

Tô Vũ đi sứ Hung Nô từ năm 100 TCN đến khi trở về trải qua 19 năm. Khi đi sứ Tô Vũ chỉ mới 40 tuổi, đương lúc tráng niên, khi về đã là một ông lão gần 60 tuổi. Hơn 100 người cùng với Tô Vũ đi sứ, có người đã chết, có người đầu hàng, khi về chỉ còn lại 9 người. Năm 60 TCN, Tô Vũ bệnh nặng qua đời, hưởng niên hơn 80 tuổi, nhưng khí tiết hạo nhiên của ông mãi trường tồn, trở thành một trong những nhân vật yêu nước nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa nói riêng và Á Đông nói chung. 

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh
Minh Trí biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version