Một người tu hành phạm một sai lầm rất nhỏ, phải chịu sự khiển trách nghiêm khắc của Thần. Một người khác phạm phải sai lầm lớn hơn, Thần lại không quản. Tại sao lại như vậy?

Xưa kia, có một người tu hành có tấm lòng lương thiện và thuần khiết. Vì muốn tách mình khỏi nơi thế tục, anh liền vào rừng rậm tìm nơi cư trú. Mỗi ngày anh đều đọc sách, tụng kinh dưới một gốc cây lớn, kiên trì giữ chắc giới luật, đả tọa nhập định.

Một hôm, sau khi ngồi đả tọa xong, anh quyết định đi dạo một chút. Đang đi, anh bỗng thấy trước mặt có một hồ sen, hoa sen nở rộ khắp mặt hồ, đong đưa trong gió, mười phần mỹ lệ. Trong tâm anh khi ấy rất vui mừng, liền sinh ra một ý nghĩ: “Những bông hoa sen mỹ lệ như thế này, hái lấy một bông mang về nơi ở của mình, cung kính đặt ở trước tượng Phật, để khi ngồi thiền, hương thơm thấm vào ruột gan, thật tốt biết bao!”.

Ngay sau đó, anh khom người xuống cạnh hồ, chọn lấy một bông hoa sen rồi hái. Hai tay nâng bông sen lên trước ngực, anh cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Anh đang muốn rời đi thì đột nhiên một âm thanh vĩ đại và nghiêm khắc truyền tới bên tai: “Sao ngươi dám tùy ý hái trộm hoa sen của ta?”.

Anh nhìn khắp xung quanh nhưng không thấy gì, bèn hỏi vào không trung: “Ngươi là ai? Cớ gì hoa sen này là của ngươi?”.

Giọng nói lại vang lên, bình tĩnh mà uy nghiêm: “Ta là Thần của hồ sen này, tất cả hoa sen trong hồ đều là nhờ ta chăm nom mà nở rộ. Người là người tu hành mà tâm lại khởi tham niệm. Đã vậy, ngươi còn không biết ước thúc bản thân, để tham niệm chi phối ngươi hái trộm hoa sen. Bây giờ còn không biết hối lỗi, là đạo lý gì?”.

Người tu hành cảm thấy hổ thẹn, bèn quỳ gối thưa: “Vị Thần của hồ sen tôn kính! Tôi biết sai rồi. Từ nay về sau tuyệt đối sẽ không tham lấy bất cứ thứ gì không thuộc về mình nữa”.

Ảnh: Pixabay.

Lúc này, có một người lạ đến gần hồ sen, thấy nhiều hoa như vậy liền thốt lên: “Oa! Nhiều hoa sen đẹp quá! Sao mình không hái rồi gom thành bó, bán đi sẽ kiếm được rất nhiều tiền đây! Có tiền rồi, mình nhất định lại đến sòng bạc gỡ lại số tiền thua hôm trước!”.

Dứt lời, người này nhảy xuống hồ sen, chẳng mấy chốc toàn bộ hoa sen trong hồ đã bị hái hết sạch. Sau đó, anh ta nghênh ngang bước đi. Lá sen còn lại bị dập tơi tả. Bùn trong hồ nổi lên làm nước đục ngầu. Hồ sen mỹ lệ giờ chỉ còn là đầm nước dơ bẩn.

Chứng kiến từ đầu đến cuối việc ấy, người tu hành trợn tròn mắt, há hốc mồm, trong lòng ngập tràn nghi hoặc, ủy khuất và bất mãn. Anh ta nói: “Thần hoa sen! Tôi chỉ bất quá hái có một bông, ông đã quở trách tôi nghiêm khắc như vậy. Vừa rồi người kia hái hết tất cả hoa sen của ông, lại còn giẫm đạp lên toàn bộ sen trong hồ. Ông lại nhìn mà như không thấy, không nói một lời. Vậy là công bình sao?”.

Âm thanh từ bi của Thần hoa sen truyền tới bên tai người tu hành: “Một tấm vải trắng tinh, dính một chút vết nhơ sẽ vô cùng dễ thấy, nhưng chỉ cần cố gắng tẩy sạch, lại trắng tinh như mới. Một tấm giẻ lau màu đen, nhiều năm ngâm tẩm trong nước bẩn, chỉ e rằng có rửa thế nào cũng không thể sạch được”.

“Ngươi là một kẻ tu hành, cũng giống như tấm vải trắng tinh kia. Ta trách mắng là để thức tỉnh ngươi, để ngươi kịp thời biết được sai sót của bản thân mình, trừ bỏ nó đi. Ngươi nên vì thế mà cảm thấy vui mừng mới đúng. Còn tay cờ bạc kia, đã trầm luân lâu quá rồi, khó có thể thay đổi được lương tri và quan niệm, sẽ tự rơi vào con đường báo ứng!”, Thần hoa sen ôn tồn.

Ảnh: Pixabay.

Vị Thần tiếp tục nói: “Làm một người tu hành, bất cứ việc gì cũng nên hướng nội, tu sửa chính mình! Làm sao có thể hướng ngoại mà cầu, nhìn chằm chằm vào sai lầm của người khác đây?”.

Lúc này người tu hành mới ngộ ra: “Vừa rồi, bản thân mình chẳng phải đã nhìn chằm chằm vào sai lầm của người khác mà không buông sao? Thảo nào, mình đả tọa thường xuyên rơi vào trạng thái mê mờ. Một mực kiên trì tụng kinh không dứt, không tương đương với tu hành, gặp chuyện không tự trách mình, trái lại còn trút giận lên người khác, thì làm sao có thể đạt được giải thoát đây!”.

Khắc Hiền
Theo Epoch Times

Video xem thêm: Người thành công luôn nhìn vào thiếu sót bản thân, kẻ thất bại luôn bình phẩm lỗi lầm người khác

videoinfo__video3.dkn.tv||b340ea7fe__