Đại Kỷ Nguyên

Người Việt không xấu xí: Ứng xử lạ lùng của ‘Bao Công đất Việt’ khiến kẻ hối lộ cứng họng quay về

Một đám rước ở Đông Dương. Tranh sơn dầu vẽ năm 1927 của René Bassouls (ảnh: Flickr).

Loạt bài Người Việt không xấu xí của chuyên mục Văn hóa – Đại Kỷ Nguyên hy vọng sẽ mang tới làn gió mát lành giữa những trăn trở về hình ảnh ngày nay của người Việt Nam. Chúng tôi muốn cung cấp cho độc giả một góc nhìn khác, để chúng ta cùng quay trở lại với những nét đẹp đã từng tồn tại và trở thành bản sắc văn hóa một thời của cha ông. Để từ đó cùng nhau thực hành, lan tỏa những nét văn hóa tốt đẹp.

Giữa những nỗi tủi hổ của dân tộc và sự chỉ trích lẫn nhau, một gợn nước nhỏ bé hy vọng sẽ trở thành cơn sóng lớn cuốn trôi những gì được đặt tên là xấu xí trong tác phong, lối sống của người Việt hiện đại. Thay vì cứ nói mãi về những điều chưa được, chúng ta hãy cùng thực hành với sự rộng lượng và đốc thúc lẫn nhau. Bởi cái xấu chỉ có thể bị đẩy lùi bởi cái Thiện.

***

Câu chuyện về một vị “Bao Công” của đất Việt văn hiến xưa vẫn luôn còn giá trị với người thời nay, khi ông bị đẩy vào hoàn cảnh phải “ăn hối lộ” một cách bị động nhưng vẫn hành xử mạnh mẽ để giữ được sự cương trực, ngay thẳng của một vị quan thanh liêm.

Một mùa Tết lại sắp đến, đường phố tấp nập, người ta đi mua đi bán, lo giải quyết nốt những công việc tồn đọng, và còn cả những người đi biếu xén, tặng quà cuối năm. Tặng quà cuối năm là một nét văn hóa độc đáo của nhiều quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…

Đó như là một lời cảm ơn đối với những người đã giúp đỡ mình trong năm qua, như vị thầy đã hướng dẫn mình, người mai mối cho đám cưới của mình, hay cấp trên ở chỗ làm luôn tạo điều kiện làm việc và học tập tốt cho mình… Và thường những món quà đều là những sản phẩm rất thiết thực cho cuộc sống hàng ngày. Người Nhật thường tặng dầu ăn, xì dầu, đồ uống, thịt cá, bào ngư khô… Người Hàn Quốc thì còn thực tế hơn nữa khi ngoài những đồ ăn thức uống theo mùa, họ cũng tặng nhau cả giấy vệ sinh, đồ dùng nhà bếp… Món quà có giá trị không phải vì nó đắt tiền và quý hiếm mà bởi người nhận chắc chắn sẽ phải dùng tới. Đó vừa là niềm vui cho người tặng, vừa là sự hữu ích cho người nhận.

Nhưng không giống như văn hóa tặng quà để bày tỏ lòng biết ơn với sự chân thành và mộc mạc, ngày nay, ở Việt Nam, văn hóa tặng quà đã trở thành một cái gì đó rất khác. Người ta quá chú trọng tới giá trị bằng tiền và sự độc đáo của món quà. Và nó đã đi xa hơn nữa khi biến thành một cách thức để “đi cửa sau”, “lại quả”, “cảm ơn” sự nâng đỡ của những người có địa vị, chức quyền ở mọi lĩnh vực. Hay thậm chí còn tặng quà trước cả khi được giúp đỡ, được gọi là hối lộ.

Có những người có chức quyền nói rằng họ không có đòi hỏi, cũng chẳng muốn nhận, nhưng đôi khi bị ép quá mà nhận ngay cả khi bản thân cũng chưa kịp hiểu ra. Thế nhưng mọi sự giải thích đều chỉ là bao biện, một khi không muốn vướng vào sự ràng buộc, sai lầm, thì người ta sẽ vẫn luôn có cách để từ chối, thẳng thắn khẳng định sự thanh liêm của mình. Sẽ luôn có người đi hối lộ vì lợi ích của mình, nhưng người được biếu tặng có liêm chính hay không thì là do chính bản thân họ quyết định chứ không phụ thuộc vào người hối lộ.

***

Pháp quan Trần Thì Kiến (1260-1330) là người làng Cự Sa, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh). Ông vốn là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, được Quốc Tuấn tiến cử với vua Nhân Tông (1279-1293) cất nhắc làm An phủ sứ Thiên Trường, kế đó đổi qua phủ Yên Ninh. Ông được bổ dụng làm Kiểm pháp quan, kiêm chức Đại an phủ Kinh sư trước tiên bởi tính thanh liêm hiếm có của mình.

Lúc đang làm An phủ sứ Thiên Trường, có người trong hương nơi ông trị nhậm, nhân ngày giỗ đem biếu ông mâm cỗ. Trần Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu, người ấy trả lời là vì ở gần trị sở nên đem biếu chứ không có ý gì khác.

Tuy nhiên, mấy ngày sau khi biếu mâm cỗ giỗ ấy, người đó lại có việc đến kêu xin, nhờ vả. Người kia trình bày việc vừa dứt, quan Thì Kiến liền móc họng mửa ra, ý là trả lại mâm cỗ hôm trước, không nhận, làm cho kẻ kêu xin muối mặt mà về, từ đó không dám ho he nhờ cậy nữa.

Bởi việc liêm của ông, nên vua Anh Tông thăng làm Kiểm pháp quan. Người đời đều khen ông là giỏi xét đoán kiện tụng, lại có câu khen rằng: “Khả dĩ chiết ngục” nghĩa là trong cương vị một quan tòa có khả năng phân tích hết mọi lẽ rồi mới kết tội.

Sử gia Ngô Sĩ Liên khi nói về trường hợp của ông, cũng tấm tắc mà khen: “Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quản Trọng vậy”.

“Làm quan, có ‘phương diện quốc gia’, phải được dân tín, dân kính, phải công minh, thanh liêm. Dân đến thường kêu lên: ‘Xin quan lớn đèn trời soi xét cho’. Xưa kia lương ít quá, nên giữ được chữ thanh liêm là khó. Nhưng nhiều người vấn cố giữ thanh liêm. Không giữ nổi, thì về.” – (Trích Hà Nội Thanh lịch)

Chữ Liêm(廉) trong từ thanh liêm, liêm khiết gồm bộ Quảng (rộng lớn) ở trên chữ Kiêm (kiêm nhiệm, tập hợp) như để chỉ ra rằng người làm quan phải có hội tụ đủ những đức tính tốt. Sách Chu Quan xưa đã dùng chữ Liêm để bao quát mọi đức tính của một người đứng ra đảm đương công vụ. Một công bộc liêm chính phải: có đức, có tài, công chính vô tư, biết lễ, biết phép, biết hay dở phải trái. Hay người liêm chính là người tài đức xứng với danh vị của mình, với chức tước, phận vị của mình.

Đối với người làm quan, Liêm gần như là đức tính quan trọng nhất, bởi họ nắm trong tay quyền hành và trọng trách giúp đỡ, mang tới sự công bình, lợi ích cho cộng đồng. Cụ Hoàng Đạo Thúy đã từng viết về cái sự làm quan thời xưa rằng:

Người làm quan mà tham ô thì không bao giờ giấu được, vì có ‘tứ tri’, là bốn kẻ biết, ấy là: Trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết. Có thể chạy chọt, che đậy, nhưng rồi ai cũng biết…” – (Trích Hà Nội Thanh lịch).

Thanh liêm là đại tiết để ước thúc con người nhất là bậc làm quan, có chút địa vị, chức quyền. Nhưng ngay cả những thường dân áo vải cũng cần có đức Liêm ấy. Bởi thanh liêm là thu liễm lòng tham lại để cho phẩm hạnh được trong sạch, thì riêng gì người làm quan, người có quyền có thế mới có đức Liêm. Gặp phú quí mà không hợp với lẽ phải thì người Liêm nhất định không nhận. Bởi:

“Sự thanh liêm của người ngay thẳng dẫn dắt họ, còn sự gian tà của kẻ bất trung sẽ hủy diệt họ”. (Vua Solomon, Châm-ngôn 11:3)

Video: Lùi một bước biển rộng trời cao, biết nhẫn nhịn người can qua cũng biến thành ngọc lụa

Exit mobile version