Văn hóa truyền thống cho rằng “Tào khang chi thê bất hạ đường” (ý nói: không thể bỏ người vợ tình nghĩa thuở ban đầu nghèo khổ để cưới người vợ mới trẻ đẹp lúc giàu sang), “Nhất nhật phu thê bách nhật ân” (ý nói: một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa), người xưa đều biết đuổi vợ, bỏ vợ sẽ gặp báo ứng.
Giúp người viết thư bỏ vợ bị mất đi công danh
Vào triều đại nhà Thanh ở Ninh Ba có một thư sinh họ Cát, người này mỗi lần trên đường đi học đều đi qua một ngôi chùa và đều vái chào rồi mới đi tiếp. Thần linh trong chùa báo mộng cho ông từ (người trông coi chùa) biết, vị thần linh nói: “Cát trạng nguyên mỗi lần đi qua đây đều vái chào ta, ta có chút không dám, đành phải vội vàng trốn tránh đi, thật sự là dằn vặt không chịu nổi, ngươi nhất định phải giúp ta xây một bức tường che chắn ở trước cửa đi”.
Ông từ nhanh chóng tìm cách tụ hợp mọi người trong thôn lại để bắt đầu xây dựng thì lại mơ thấy thần linh trong chùa nói: “Không cần nữa, Cát thư sinh đã giúp người khác viết thư bỏ vợ, Thượng Đế đã xóa sạch công danh của hắn ta đi rồi”. Hóa ra, có người vì muốn bỏ vợ nên đã trả cho Cát thư sinh một lượng bạc để viết cho ông ta một lá thư bỏ vợ.
Cát thư sinh nghĩ: “Mình không viết, ông ta cũng sẽ tìm người khác viết, vậy cũng không giúp được người vợ kia mà lại làm sứt mẻ tình cảm giữa mình và ông ta, kết hạ oán hận, chi bằng biết thời biết thế lại kiếm được một lượng bạc”. Cát thư sinh liền hồ đồ viết, đến lúc nghe được ông từ kể lại, mới mồ hôi đầm đìa, hối hận không kịp. Cát thư sinh liền đi tìm người muốn bỏ vợ kia, tận tình khuyên bảo, tận sức cứu vãn hôn nhân của hai người họ. Sau này, Cát thư sinh đỗ cử nhân nhưng không đỗ tiến sĩ, con đường làm quan chỉ đến chức quan giám ti là cao nhất.
Vừa động niệm bỏ vợ, suýt không đỗ trạng nguyên
Mỗ Công là một bậc danh nhân tiền bối của triều đại nhà Thanh, gia đình ông vốn là danh môn vọng tộc. Từ lúc còn bé, ông đã được đính ước với một tiểu thư con nhà giàu có quyền quý. Cha của ông là người hào phóng, đem hết số tiền tích lũy được đi bố thí cho người nghèo. Đến lúc cha ông lâm chung trong nhà trống không chỉ còn lại có bốn bức tường, chỉ đem âm đức lưu lại cho con cháu. Mỗ Công vô cùng nghèo khổ, sau khi thi đỗ tú tài, phải vay mượn khắp nơi mới có tiền để xin cưới. Nhưng khi ấy cha vợ tương lai của ông lại ngại con rể nghèo quá liền lén lút đổi ý, dùng tỳ nữ (hầu gái) đánh tráo làm tiểu thư. Tỳ nữ kia cũng là một cô gái đoan trang dịu dàng, Mỗ Công không hề biết tỳ nữ này chỉ là người thay thế.
Sau khi việc hôn lễ đã xong, một số kẻ vô lại ở quê nhà đều diễu cợt ông, gọi ông là: “Chồng của hầu gái”. Mỗ Công vô cùng phẫn nộ yêu cầu họ phải nhận lỗi nhưng không được đành đem sự việc về nhà hỏi vợ, vợ ông kể hết đầu đuôi sự thật, Mỗ Công như ở trong mộng tỉnh ra.
Trước đây, Mỗ Công từng mơ thấy mình đi đến một nơi có lan can màu đỏ và mái ngói màu xanh, hoàn toàn không phải cảnh tượng nhân gian. Ở đó có mấy thiếu nữ đang cùng nhau thêu một chiếc áo cẩm bào, họ nói với Mỗ Công rằng: “Đây là áo của tân khoa trạng nguyên”. Mỗ Công nhìn kỹ, giữa tay áo và vạt áo có viết hai chữ màu đỏ, đúng là tên của mình. Mỗ Công sau khi tỉnh dậy vui mừng không tả xiết, lại có chút tự phụ.
Nhưng lúc này khi nghe vợ kể ra đầu đuôi sự tình, Mỗ Công vô cùng căm hận và xấu hổ bởi ông nghĩ mình như vậy mà lại phải cưới một tiện nữ. Ông thầm nghĩ sau này giàu sang phú quý, nhất định phải lấy được người vợ khác danh môn, con nhà quyền quý để cho mở mày mở mặt.
Buổi tối hôm đó, Mỗ Công lại mơ đến nơi mà lần trước ông đã mơ tới, nhưng những thiếu nữ đang ngồi thêu kia lại tỏ thái độ lạnh lùng và không để ý tới ông chút nào. Ông nhìn chữ ở giữa tay áo và vạt áo thấy mờ mờ không rõ rồi nó tan biến mất, Mỗ Công giật mình vội vàng hỏi tại sao? Mấy thiếu nữ thuận miệng trả lời: “Người này vừa mới nảy sinh một niệm muốn bỏ vợ, nên Thượng Đế đã lệnh chuyển ngôi vị trạng nguyên cho người khác rồi!”. Mỗ Công đột nhiên bừng tỉnh, hối hận vô cùng, từ đó về sau cùng vợ chung sống hòa thuận đầm ấm, thề nguyện chung sống suốt đời. Mấy năm sau, Mỗ Công đỗ trạng nguyên, đảm nhiệm chức vị quan trọng trong kinh thành.
Người thời nay hờ hững với những quan niệm đạo đức truyền thống, không coi trọng việc hứa hẹn trong hôn nhân. Kỳ thực, đừng vì cảm tình xúc động nhất thời mà thay thế lý trí và luân lý, chưa hẳn là việc hủy bỏ hôn nhân đã đem lại phiền não ít hơn là việc duy trì gắn bó đâu! Hơn nữa, con người đang ở trong vô tri, gặp sao biết vậy nên muốn làm gì liền làm đấy mà không biết được rằng như thế là tự cắt giảm âm đức của mình, còn đem lại báo ứng. Hôn nhân là việc lớn của cả đời, là khế ước được lập ra trước sự chứng giám của thần linh và trời đất, nhất định phải coi trọng những cam kết của bản thân thì mới có thể hạnh phúc lâu dài.
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: