Đại Kỷ Nguyên

Người xưa đọc sách như thế nào?

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng. Chẳng bằng kinh sử một vài pho” (Lê Quý Đôn). Đáng tiếc là hiện nay, Việt Nam chúng ta lại có văn hóa đọc nghèo nàn so với các nước trên thế giới.

Trong khi ở các nước như Pháp, Nhật Bản, trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm, người dân Singapore đọc 14 cuốn/năm, người Malaysia đọc 10 cuốn/năm… thì mỗi năm người Việt Nam chỉ đọc trung bình 4 cuốn sách. Những cuốn sách có thể “làm mưa làm gió” trong giới trẻ, đáng tiếc thay, lại là những cuốn truyện ngôn tình.

Chúng ta vẫn thường nghe câu: “Ôn cố tri tân”, hay “ôn cổ minh kim”. Vậy người xưa đọc sách như thế nào?

Tranh thủ thì giờ đọc sách, khắc phục hoàn cảnh túng thiếu mà đọc sách

Xưa kia ở vùng đất Chí Linh, Hải Dương, có cậu bé Mạc Đĩnh Chi từ nhỏ đã mồ côi cha, nhà nghèo, hai mẹ con phải đi vào rừng sâu hái củi để kiếm sống hàng ngày.

Mẹ ông chịu thương chịu khó dành dụm tiền mong con đi học lấy cái chữ. Hiểu được lòng mẹ, Mạc Đĩnh Chi càng ra sức học tập. Ông chăm chỉ đọc sách, nghiền ngẫm nội dung, kể cả những lúc gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thỉ lấy lá rừng đốt lên để học.

Với nghị lực phi thường như vậy, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là thần đồng Nho học. Khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi còn được Thiên tử nhà Nguyên phong là “Lưỡng quốc Trạng nguyên” của Trung Hoa và Đại Việt.

Đọc sách chăm chú, nghiền ngẫm kĩ càng

Khi về già, Khổng Tử đảm nhiệm việc chú giải Kinh Dịch. Là một trong năm cuốn sách (Ngũ Kinh) sử dụng trong giáo dục thời đó và là cuốn sách cổ xưa nhất của Trung Quốc, Kinh Dịch giảng giải về vận mệnh, về vũ trụ và về triết học.

Khổng Tử đã đọc Kinh Dịch khắc trên thẻ tre nhiều đến mức mà những dây da trâu để buộc các thẻ tre bị đứt và phải thay tới ba lần. Và ông vẫn than thở rằng không có đủ thời gian để học. Khổng Tử nói: “Nếu Trời cho ta kéo dài cuộc sống, ta sẽ dành năm mươi năm cho việc nghiên cứu Kinh Dịch, sau đó ta có thể sống mà không có khiếm khuyết lớn.”

Đêm khuya thanh vắng, sáng sớm tinh mơ, đọc sách cần cù không nghỉ

Văn nhân thời xưa gọi thư phòng là “Kê song”. Cảnh đêm khuya yên ắng, kẻ sỹ nghe tiếng gà gáy mà trở dậy đọc sách đã trở nên quen thuộc trong thi ca. La Ẩn thời Đường viết:

“Kê song dạ tĩnh khai thư quyển”

(Bên khung cửa sổ giữa đêm thanh vắng lần giở cuốn sách)

Tiếng gà gáy biểu thị sự trân quý của thời gian, sự trân quý của sinh mệnh, như một tiếng chuông cảnh báo đối với người chí sỹ khiến lòng người bừng tỉnh. Kẻ không có chí thì tiêu trầm, lãng phí thời gian; kẻ có chí thì sự ắt thành, biết quý tiếc thời gian như vàng ngọc.

Nhan Chân Khanh cũng viết trong “Cần học” (Cần cù học tập) rằng:

“Tam canh đăng hỏa ngũ canh kê,

Chính thị nán nhi độc thư thời.

Hắc phát bất tri cần học tảo,

Bạch thủ phương hối độc thư trì.”

(Canh ba lên đèn canh năm gà gáy, chính là lúc nam nhi đọc sách. Khi tóc xanh không biết dậy sớm cần cù đọc sách, Tới khi bạc đầu hối hận thì đọc sách cũng đã muộn)

Chiểu theo sách Thánh Hiền mà tu dưỡng Đức Hạnh

Lê Quý Đôn nói: “Đọc sách không cần nhiều, đọc một chữ đem áp dụng làm việc được một chữ, thế là được.”

Dương Chứ là Lễ bộ Thượng thư trong triều đình nhà Minh (1368 – 1644). Một đêm, ông nằm mơ thấy mình đang đi dạo quanh một khu vườn và ông bâng quơ hái hai quả mận trên cây. Sau khi tỉnh dậy, ông tự trách mình, “Là ta đã không thấu hiểu đạo nghĩa và tư lợi nên đã trộm lấy hai trái mận trong giấc mơ!”. Từ đó, ông chú tâm hơn tới việc rèn luyện tâm tính.

Khi Dương Chứ làm Thượng thư bộ Lễ, ba thước đất của ông bị người hàng xóm lấy mất. Gia đình ông cãi nhau với người hàng xóm về việc này và mong Dương Chứ can thiệp, nhưng Dương Chứ chỉ cười và viết một bài thơ:

“Dư địa vô đa mạc giảo lượng,

Nhất điều phân thành lưỡng gia tường,

Phổ thiên chi hạ giai vương thổ,

Tái nhượng tam xích hựu hà phương”.

Tạm dịch:

Đất trống không nhiều chớ so đo ;

Đường kẻ chia đôi 2 tường nhà;

Đất trong thiên hạ Vua làm chủ;

Nhường người 3 thước có làm sao.

Thái độ khiêm nhường và nhã nhặn của Dương Chứ đã làm thay đổi suy nghĩ của người hàng xóm. Điều này khiến anh ta thôi không tranh chấp nữa và còn nhường ba thước đất của bản thân mình, để rồi tạo thành một con hẻm rộng sáu thước.

Tạm kết

Người Việt Nam có phong tục xin chữ đầu năm mới, thể hiện sự trân quý đối với chữ nghĩa Thánh Hiền. Những cuốn sách có nội hàm phong phú và cảnh giới cao thượng chính là những người thầy giúp chúng ta mở mang trí tuệ, đề cao phẩm hạnh và đạo đức. Chọn sách mà đọc, cũng như chọn Thầy mà học; hi vọng mỗi người chúng ta đều có thể tìm cho mình bậc Minh Sư dẫn đường, và chuyên cần trên con đường tu dưỡng bản thân trở thành kẻ sỹ chân chính.

Video xem thêm: Pháp Luân Công – Những hỏi, đáp thắc mắc

Exit mobile version