Đại Kỷ Nguyên

Người xưa trị quốc như thế nào mà: “Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi”

Cổ kim Đông Tây, đạo trị quốc có hai tư tưởng: Đức trị và Pháp trị.

Nguyên tố trung tâm của một chế độ, một quốc gia là con người. Sự phát triển của con người có tính thống nhất với sự phát triển của xã hội. Để ước chế con người thì có hai con đường: Một cách là nâng cao tu dưỡng đạo đức bản thân, để mỗi cá nhân đều trở thành bậc quân tử khiêm nhường, ôn hòa như ngọc quý; Một cách khác là dùng ngoại lực ước chế, đó chính là các thiết chế và pháp luật quốc gia.

“Đức trị” là cái gốc của đạo trị quốc

Từ góc độ văn minh phương Đông, sự thay triều đổi đại dẫn đến sự thay đổi của các bậc đế vương. Tuy không phải hoàng đế nào cũng là bậc hiền giả, nhưng cội rễ của văn hóa Thần truyền đã gieo xuống những hạt giống đạo đức trên mảnh đất Đông phương. Học thuyết “Thiên nhân cảm ứng”“Thiên nhân hợp nhất” (người và trời cảm nhận và linh ứng; người và trời hợp nhất) đã củng cố thêm tín ngưỡng của con người vào đất trời. Tin rằng người và trời giao hoà, con người phải thuận thiên mà nhi hành, nhân dân áo vải có thể dựa vào đạo Trời để mưu cầu công lý. Điều ấy nói nên rằng, đạo đức – sức mạnh ước chế bên trong – là dựa trên cơ sở tín ngưỡng vào Thần Phật.

Trong thời cổ đại, con người tin vào Thần Phật, “trên đầu ba thước có thần linh”, vậy nên dù không có pháp luật nhưng tự lòng người đã lấy đạo đức làm tiêu chuẩn hành xử rồi. Trời là trên nhất, hoàng đế dẫu đứng trên muôn vạn người nhưng cũng không thể “qua mặt” ông Trời. Người xưa tin rằng vua là con của Trời, được cử xuống thay Trời hành đạo. “Suất thiên hạ dĩ đạo” (lấy đạo thống lĩnh thiên hạ) là chức trách mà Thiên thượng quy cho Thiên tử, cũng chính là điều gọi là “quân quyền Thần thụ” (Thần trao quyền cho vua).

Bảo hộ dân chúng tránh khỏi tổn hại là thiên chức của quân vương; dân chúng nghèo khó hay lầm than lại là cái tội của Thiên tử. Ảnh wikipedia.com

Thuở ban sơ, vua Nghiêu nhường lại ngôi vị cho Ngu Thuấn đã căn dặn rằng: “Hỡi vua Thuấn, giờ ông đã mang trên mình Thiên mệnh rồi, ông phải nắm vững đạo trong đó. Nếu nhân dân lâm cảnh lầm than, lộc Trời ban của ông sẽ mãi mãi kết thúc”. Về sau, khi Ngu Thuấn nhường ngôi cho Hạ Vũ cũng nhắc lại những lời này.

Nói cách khác, vua là sứ giả của Thiên thượng, cho nên hoàng đế mới được tôn xưng là “Thiên tử”, là con của Trời. Hoàng đế có vinh diệu lớn nhất trên thế gian, đồng thời cũng phải gánh vác trách nhiệm lịch sử trọng đại nhất. Bảo hộ dân chúng tránh khỏi tổn hại là thiên chức của quân vương; dân chúng nghèo khó hay lầm than lại là cái tội của Thiên tử.

Trong lịch sử phương Đông, ngoài thời vua Nghiêu vua Thuấn ra, thì sử sách cũng ghi nhận rằng những giai đoạn hiển dương đạo đức đã đạt được thái bình thịnh trị: “Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi”.

Khi Khang Hy lên ngôi, dù phải đối mặt với thù trong giặc ngoài, dân chúng đối kháng với triều đình nhưng ông vẫn tự tin khẳng định rằng: “Chỉ có người nhân từ là không có kẻ thù“. Ông nói với các đại thần: “Phương cách để dẹp loạn, chỉ có duy trì lòng khoan dung, tấm lòng rộng rãi ắt được lòng dân. Đạo lý trị vì thiên hạ, lấy khoan dung làm căn bản“. Năm Khang Hy 16 tuổi, ông đã dùng trí tuệ để khuất phục lộng thần Ngao Bái mà không cần đổ một giọt máu. Sau đó ông bình định loạn Tam phiên, bình định Đài Loan, hai lần thân chinh Chuẩn Cát Nhĩ, phía Bắc chống nước Nga Sa hoàng, nắm được thiên hạ, hoàn thành xong sự nghiệp thống nhất toàn dân tộc Trung Hoa.

Khi chinh phục Cát Nhĩ Đan, Khang Hy nói với các đại thần: “Cần phải dùng lòng nhân từ để cảm hóa thiên hạ, không thể dùng quyền uy để khuất phục. Cát Nhĩ Đan hung bạo, Trẫm khoan dung với dân chúng; Cát Nhĩ Đan gian xảo, Trẫm lấy thành tín để đối đãi với dân chúng“.

Khang Hy chẳng những quan tâm chăm sóc trăm họ, mà còn yêu cầu quan lại cũng yêu dân như con. Ông chủ trương chọn lựa nhân tài là lấy đức làm tiêu chuẩn: “Quốc gia dùng người, lấy đức làm căn bản, tài nghệ là thứ yếu“; “Xét tài năng thì phải lấy đức làm căn bản, đức hơn tài là người quân tử, tài hơn đức là kẻ tiểu nhân“.

Chỉ khi “Đức trị” không đủ để ước thúc hành vi thì mới cần “Pháp trị”

Khổng Tử cho rằng nếu dựa vào đức trị thì không cần dùng hình phạt vẫn có sức mạnh khiến mọi người biết xấu hổ, hành Thiện tích Đức. Ảnh moral.followcn.com

Từ phương Đông tới phương Tây, nền văn minh nhân loại đã được đặt định từ năm 500 trước Công Nguyên. Nếu như phương Đông có trí huệ của Lão Tử và Khổng Tử, thì văn minh phương Tây lại được dẫn đường bởi các nhà hiền triết của Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Nền chính trị lý tưởng của Platon là “triết học vương chi trị”, nghĩa là triết học trị quốc của bậc vương giả. Triết học vương chi trị là tìm kiếm bậc hiền giả đạo đức cao thượng, ví như Socrates cả đời luôn tôn sùng đạo đức, hướng con người đến với những giá trị mỹ đức cao đẹp. Nhưng trong rất nhiều thành bang của Hy Lạp cổ đại, làm sao để tìm được một “Triết học vương” có đạo đức cao siêu? Vì vậy, Platon không thực hiện được lý tưởng của mình nên ông đành lùi lại để trở về với “Pháp trị”. Điều ấy nói nên rằng, chỉ khi sức mạnh của “Đức trị” không đủ để ước thúc hành vi, thì mới cần đến sức mạnh ước chế bên ngoài là “Pháp trị” để bổ sung vào.

Con người sinh sôi đông lên sẽ tạo thành xã hội, từ xã hội lại hình thành quốc gia. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống vật chất càng phong phú thì các giá trị tinh thần lại càng suy đồi. Đạo đức từng là sức mạnh ước chế bên trong nay cũng không còn được coi trọng nữa. Trong cuộc đối kháng giữa đạo đức và dục vọng của nhân loại, dục vọng thì hữu hình mà đạo đức lại vô hình, trong khi dục vọng đang hiển hiện, thì đạo đức cũng bị nhạt nhòa.

Khi ấy, quốc gia sẽ cần đến cả hai sức mạnh “Đức trị” và “Pháp trị” để ước chế. Nếu như pháp luật chỉ có thể chế ước hành vi công dân từ bên ngoài, thì nâng cao đạo đức lại có thể giữ gìn nội hàm dân tộc từ bên trong. Trong lịch sử, các bậc hiền nhân học sĩ đã đưa ra hai phương pháp vô cùng hoàn mỹ ấy để duy trì trật tự xã hội, điều ấy cũng giống như quan điểm về chủ nghĩa hiện sinh mà nhà triết học Karl Jaspers từng đề xuất.

Trong thời đại hiện sinh, các triết gia không đề xướng pháp chế. Thương Ưởng cuối đời bị tứ mã phanh thây, những người tôn sùng pháp trị giống như ông cuối cùng cũng phải nhận kết cục tương tự, bởi pháp trị là hệ quả khi đạo đức đã xói mòn. Do đó, trên góc độ quyền lực, thì người đứng đầu quốc gia nên lấy “đức trị” làm gốc, đồng thời áp dụng cả hai chế độ đức trị và pháp trị.

Khổng Tử cho rằng dựa vào pháp chế và hình phạt chỉ có thể khiến dân chúng sợ hãi, vì sợ hãi mà không dám làm việc xấu. Song, nếu dựa vào đức trị thì không cần dùng hình phạt vẫn có sức mạnh khiến mọi người biết xấu hổ, tự giác làm việc thiện, không đi theo con đường gian tà.

Nhưng người hiện đại không còn tin vào Thần Phật, đã mất đi sức mạnh ước chế bên trong, con người mất đi tính tự giác, không còn ước chế bản thân. Và khi nền pháp trị cũng không được tôn trọng thì cả cái sức mạnh ước chế bên ngoài, cưỡng bức, ép buộc ước chế cũng bị vứt bỏ, lúc ấy dục vọng con người sẽ bị thả rông, con người sẽ trở nên cuồng vọng, phóng đãng và sa đọa. Con người bị mê hoặc, đánh mất chính mình, chẳng còn nghe được những tiếng gọi lương tri sâu thẳm trong tâm hồn. Lẽ tất yếu sẽ dẫn đến xã hội suy đồi, chính trị hủ bại, phá hỏng mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, tàn phá hủy diệt tự nhiên.

“Đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ thì cỏ phải rạp xuống”. Ảnh visiontimes.com

Một dân tộc muốn hưng thịnh, một quốc gia muốn thái bình thì phải khôi phục cái gốc Đức trị, lựa chọn bậc đại đức quản lý xã hội, lãnh đạo quốc gia, điều hành chính quyền, hoằng dương đạo đức. Như vậy nền đạo đức của cả dân tộc sẽ tức khắc được nâng cao. Khổng Tử nói: “Đức của người quân tử như gió, đức của kẻ tiểu nhân như cỏ. Gió thổi trên cỏ thì cỏ phải rạp xuống”, cũng chính là cái ý như vậy.

Hải Sơn

Xem thêm:

Exit mobile version