Đại Kỷ Nguyên

Người xưa ứng phó với dịch bệnh như thế nào?

4 cách người xưa đối phó với dịch bệnh

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Các loại bệnh lây lan, truyền nhiễm ở phạm vi rộng gọi là dịch. Nhân loại đã từng trải qua các loại dịch như dịch hạch, dịch kiết lỵ, dịch cúm, dịch hủi… Mới đây dịch viêm phổi do virus Corona kiểu mới xuất phát từ Vũ Hán đang không ngừng lan rộng làm cả thế giới phải lo lắng. Có nhiều ghi chép cho thấy thời xưa ở Trung Quốc đã từng xuất hiện rất nhiều loại dịch bệnh và những phương thức đối phó với chúng. Những biện pháp xử lý dịch bệnh của người xưa có thể là tham khảo hữu ích. 

Vệ sinh môi trường

Môi trường dơ bẩn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn virus sinh trưởng và lây lan, do đó người xưa rất chú ý tới vấn đề vệ sinh môi trường.

Ví như Chân Đức Tú thời Nam Tống (1127 – 1279), trong những năm nhậm chức ở Tuyền Châu, phát hiện hệ thống cống rãnh ở Tuyền Châu ứ tắc đã lâu, bùn ứ đọng, nước đen ngòm. Nước không chảy được, mùa hè khí bốc lên hôi thối không chịu được, gây lở loét cho người dân. Thế là ông đốc thúc những người thợ xử lý khai thông, làm sạch những cống rãnh đó.

Một ví dụ khác là năm Càn Đạo thứ 2 vua Tống Hiếu Tông (1166), Ngô Phất quản lý phủ Long Hưng. Nơi đó ban đầu cống rãnh thông thoáng, lâu dần ứ tắc, khí hôi thối ứ tắc không tản, khiến dân chúng bị bệnh rất nhiều. Lúc đó ông đã nhanh chóng đốc thúc thợ khơi thông hệ thống kênh rạch thoát nước, cống rãnh rộng thoáng khiến nước không bị tắc, từ đó nhân dân an cư lạc nghiệp.

Cử thầy thuốc đi khám bệnh, phát thuốc miễn phí

Chế độ tuần tra chẩn đoán tìm thấy sớm nhất vào thời Tiên Tần, trong “Chu lễ – Địa quan” có một ty với chức năng: “Khi có thiên tai dịch bệnh, sẽ điều người đến những vùng đó, để thực hiện mệnh lệnh của nhà vua là giúp dân”.

Đến đời nhà Tống, việc chữa trị bệnh tình cho người dân trong lúc dịch bệnh càng được chú trọng hơn nữa. Mỗi khi có dịch, triều đình nhà Tống đều lệnh cho các thái y và thầy thuốc trong triều đi chữa trị cho dân chúng, toàn bộ chi phí thuốc men do triều đình cấp phát miễn phí. Ngoài ra, khi địa phương nào phát dịch, quan lại tại đó cũng phải nghĩ cách để kịp thời chữa trị và phát thuốc cho dân. Ngoài việc cho người đi khám tận nơi, từ trung ương tới địa phương còn lập ra những kho thuốc tại các cấp để giúp dân. Ngày thường thuốc được bán theo giá riêng, nhưng khi có dịch bệnh tất cả đều được phát miễn phí.

Cách ly bệnh nhân

Từ sau đời Đông Hán (23 – 220), bắt đầu có ghi chép về vấn đề cách ly người bệnh. Điều này cho thấy vấn đề ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh rất được chú trọng từ thời đó. Đến triều Tấn, việc làm này đã thành quy định bắt buộc. Triều Đường, các nhà sư đã lập phường dưỡng bệnh cho người ăn xin, cách ly rồi sau đó trị bệnh cho họ.

Đến thời Tống đã xuất hiện rất nhiều nơi dưỡng bệnh cho người dân, tất cả đều giúp cách ly người bệnh. Năm Hy Ninh thứ 9 (1076) thời Tống Thần Tông, mùa xuân ở Việt Châu phát dịch, Triệu Tiết đã cho xây dựng khu chữa bệnh cách ly. Sau đó không lâu, Tô Thức vào năm Nguyên Hựu thứ 4 (1089) đời Tống Triết Tông đã cho xây dựng “phường an lạc” tại Hàng Châu, đây cũng là khu chữa bệnh cách ly.

Từ cuối đời Bắc Tống các nơi đều cho xây dựng “phường an tế” để cách ly người bệnh, thu được hiệu quả tốt, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan. Từ đó, các triều Nguyên, Minh, Thanh đều cho xây dựng các khu chữa trị. Các cơ sở từ thiện cách ly người bệnh không ngừng tăng lên đã góp phần khống chế dịch bệnh ngày càng hiệu quả.

Xử lý thi thể

Thi thể là nơi vi khuẩn phát triển mạnh nhất, vì thế xử lý thi thể là một việc vô cùng quan trọng để khống chế dịch bệnh. Bắt đầu từ thời Tiên Tần đã có biện pháp xử lý thi thể không có người nhận. Từ đó, khi gặp bất kỳ dịch bệnh gì, quan phủ cũng đều có biện pháp chôn cất, mai táng người chết. Thời Nam Triều đời vua Lương Võ Đế, đại dịch tại Sính Thành đã làm chết hàng trăm nghìn người. Triều đình đã tặng quan tài cho người dân để tránh bệnh dịch phát tán rộng rãi. 

Vào đời nhà Tống, mỗi khi dịch bệnh kết thúc, triều đình đều cử người hỗ trợ việc chôn cất. Như năm Gia Định thứ nhất (1208) đời vua Tống Ninh Tông, vùng Giang Hoài bị dịch bệnh hoành hành, quan phủ đã cho huy động những người tình nguyện đến để chôn cất hơn 200 người. Ngoài ra, từ cuối đời Bắc Tống, các nơi đều có quy định xây dựng “Lậu Trạch Viên” để chôn cất những thi thể không có người nhận. Sau đời Tống, các nơi đều thực hiện rất tốt quy định này, đều cho xây dựng “Lậu Trạch Viên”, qua đó giảm thiểu khả năng phát tán dịch bệnh do lây nhiễm từ thi thể.

***

Đạo đức suy bại là một trong những nguyên nhân gây ra họa dịch bệnh, bởi khi người ta không còn đạo đức thì việc ác gì cũng làm, chỉ vì lợi ích mà hủy hoại môi trường, tạo ra những sản phẩm độc hại. Con người tranh đấu giành giật đến mức hãm hại lẫn nhau… thì chưa cần đến “thiên tai” thì “nhân họa” (họa do con người) đã cũng đủ làm con người lãnh nhận hậu quả do chính mình gây ra rồi. Do đó việc nâng cao tiêu chuẩn đạo đức của xã hội cũng là một cách hạn chế ôn dịch.

Quỳnh Chi 
Theo Secretchina

Ghi chú:

Các địa điểm và thời kỳ đề cập trong bài nằm ở Trung Quốc.

Video: Bác sĩ: hành trình chữa bệnh cho chính mình

Exit mobile version