“Bệ hạ” vốn là chỉ bậc lên xuống trong cung điện, cũng chỉ bậc lên xuống trước ngai vàng của hoàng đế.
Khi lâm triều, hai bên “bệ” là các cận thần đứng chầu. Để đề phòng bất trắc xảy ra và thể hiện sự uy phong của nhà vua, quần thần thường không được nói trực tiếp với vua, mà phải do thị vệ ở dưới “bệ hạ” truyền đạt lên, để khẳng định sự uy nghiêm của hoàng đế.
Từ “bệ hạ” được ghi chép sớm nhất trong “Sử Ký Tư Mã Thiên”. Sử ký -Tần Thủy Hoàng bản kỷ” có ghi lại như sau: “Nay bệ hạ hưng nghĩa quân, diệt tàn tặc, bình định thiên hạ, trong nước là các quận huyện, pháp luật được thống nhất, từ cổ chí kim chưa từng có, Ngũ Đế cũng không bằng.”
Sau đó mọi người dùng từ “bệ hạ” để xưng hô trực tiếp với hoàng đế, thể hiện rằng mặc dù bản thân đang nói chuyện với hoàng đế, nhưng vẫn luôn nhớ rằng thực ra mình không có tư cách này.
Từ “Vạn Tuế” vốn chỉ là một cách hô hoan dùng để chúc mừng do mọi người tự bộc phát từ niềm vui trong lòng mình mà ra. Trước thời Tần Hán, cách hô “vạn tuế” là chuyện rất bình thường. Sau đó, khi quần thần yết kiến quân vương, cũng thường hô “vạn tuế”, từ đó trở thành một kiểu lễ nghi.
Để biểu thị sự tôn kính với hoàng đế, “vạn tuế” cũng nghiễm nhiên trở thành cách xưng hô của vua. Thời đó, vua còn được gọi là Thiên tử, thể hiện quyền lực tối thượng của vua là do trời ban. Nếu hô “vạn tuế” với người khác, thì hoàng đế cũng không can thiệp.
Hán Vũ Đế cũng từng định dùng “vạn tuế” làm cách gọi của riêng mình, và không cho người khác sử dụng, nhưng không thành. Các đời vua sau cũng không ai có được riêng danh xưng “vạn tuế” này.
Mãi cho đến thời Tống, “vạn tuế” mới chính thức trở thành quyền sở hữu riêng của nhà vua. Nếu quần thần nào được xưng hô “vạn tuế” thì bị khép tội phạm thượng và bị phạt nặng. Khẩu Chuẩn, một vị quan nổi tiếng là trung quân, một lần đang cùng đi với Ôn Trọng Thư thì gặp phải một “người điên”, đón đường hô “Vạn tuế”. Kẻ thù của Khẩu Chuẩn biết được, liền bẩm báo với vua, Khẩu Chuẩn liền bị giáng chức.
Theo Tìm hiểu văn hóa Phương Đông
Xem thêm: