Mọi người đều biết câu thành ngữ: “nhất ngôn cửu đỉnh”, ý nghĩa là lời nói rất có trọng lượng. Vậy vì sao lại ví với “cửu đỉnh”, và “nhất ngôn cửu đỉnh” có nguồn gốc như thế nào?

Mao Toại tự tiến cử bản thân, “nhất ngôn cửu đỉnh” ra đời từ đó

Trong thời kỳ Chiến Quốc, nước Tần tấn công nước Triệu ở Hàm Đan (kinh đô nước Triệu). Bình Nguyên Quân của nước Triệu đến nước Sở cầu viện, muốn liên kết với nước Sở để chống lại nước Tần. Bình Nguyên Quân muốn tuyển 20 môn khách cùng đến nước Sở để thuyết phục, nhưng tìm tới tìm lui chỉ tìm được 19 người, còn thiếu một người thì phải làm thế nào đây? Lúc ấy, có một người tên là Mao Toại tự tiến cử mình, Bình Nguyên Quân bèn thu nạp anh ta.

Đến nước Sở, Bình Nguyên Quân vẫn không có cách nào thuyết phục Sở Vương viện trợ nước Triệu. Cuối cùng Mao Toại cầm kiếm đi về phía trước, hướng đến Sở Vương phân tích tình thế với một phong thái chính nghĩa, lời nói trang nghiêm, khí thế hùng hồn; Sở Vương bèn đáp ứng việc thiết lập giao ước đồng minh với nước Triệu.

Bình Nguyên Quân sau khi trở về nước Triệu, nghĩ đến việc đã dùng cả một ngày mà không thể thuyết phục được Sở Vương, vậy mà Mao Toại chỉ với mấy câu mà khiến cho Sở Vương không nói được lời nào, mới tán thưởng Mao Toại rằng: “Mao tiên sinh đến Sở; mà khiến nước Triệu được tôn trọng nặng như cửu đỉnh, như chuông Đại Lữ. Mao tiên sinh dùng ba tấc lưỡi còn mạnh hơn cả trăm vạn hùng binh”.

Thành ngữ: “Nhất ngôn cửu đỉnh” chính là từ điển cố đó mà ra vậy.

Vì sao gọi là ‘cửu đỉnh’?

‘Đỉnh’ là vật dụng dùng để cúng tế Thần minh và tổ tiên (có dạng như chậu), cũng có thể là vật dụng để đựng thức ăn. Sau khi Đại Vũ trị thuỷ thành công, kiến lập nên vương triều nhà Hạ, đã chia thiên hạ thành chín châu (cửu châu) là: Kí, Duyện, Thanh, Kinh, Dương, Lương, Ung, Từ, Dự. Thêm vào đó, ông lệnh cho thuộc hạ thu thập đồng xanh (kim loại đồng) ở các châu, đúc thành chín đỉnh. Trên mỗi đỉnh có sông núi, con người, sản vật… của các châu được khắc lên đó. Cửu đỉnh đại biểu cho cửu châu, cũng chính là đại biểu cho thiên hạ.

Đại Vũ xem cửu đỉnh là bảo khí trấn quốc, là biểu tượng của vương quyền thiên tử. Nhưng bảo đỉnh trấn quốc này sau khi kinh qua ba triều đại là Hạ, Thương, Chu; trong thời kỳ nhà Tần diệt nhà Chu, có một bảo đỉnh đã lạc mất ở sông Tứ Thủy (nay thuộc Tế Ninh, Sơn Đông), tám cái còn lại lưu lạc ở đâu thì không rõ. Tần Thủy Hoàng và Hán Văn Đế đều từng nghĩ cách vớt bảo đỉnh từ Tứ Thủy, nhưng đều mất công vô ích. Cửu đỉnh chính là tiêu mất một cách thần bí như vậy.

(Ảnh minh họa: aboluowang)

Nhà Tần phát binh đến nhà Chu đoạt cửu đỉnh

Vào cuối triều đại nhà Chu, nước Tần phát binh hướng về Đông Chu, muốn đoạt cửu đỉnh của nhà Chu. Thiên tử nhà Chu lúc bấy giờ phái ‘Đại phu’ (một chức quan) là Nhan Suất hướng đến nước Tề để cầu trợ và phải đồng ý điều khoản là tặng cửu đỉnh cho Tề quốc.

Sau khi nước Tề phái binh đẩy lui quân Tần thì Tề Vương chuẩn bị đòi cửu đỉnh. Nhan Suất muốn phân tán ý định ấy của Tề Vương, bèn hỏi Tề Vương là muốn mượn một con đường nào đó để vận chuyển cửu đỉnh về Tề quốc. Kết quả là không có con đường nào đáp ứng được, vì Nhan Suất kể năm xưa sau khi Chu Võ Vương phạt Trụ lấy được cửu đỉnh xong, để vận chuyển một đỉnh phải dùng đến chín vạn người, cửu đỉnh phải mất tổng cộng là 81 vạn người! Dù Tề Vương có ngần ấy nhân lực, cũng không có con đường nào đủ rộng để có thể vận chuyển về nước Tề. Cuối cùng Tề Vương bãi bỏ việc ấy, cũng không đề cập đến chuyện vận chuyển cửu đỉnh nữa.

Tần Võ Vương ‘nâng đỉnh mà vỡ xương bánh chè’

Thời kỳ Chiến Quốc, Tần Võ Vương sau khi hạ thành Nghi Dương, đã trực tiếp tiến vào Lạc Dương, Thiên tử nhà Chu đích thân nghênh tiếp. Tần Võ Vương tiến tới tông miếu nhà Chu và thấy được chín cái đỉnh. Tần Võ Vương bản thân là người có sức lực phi phàm Trời cho, nên khi nhìn thấy đỉnh của Ủng Châu, ông muốn cùng đại lực sĩ Mạnh Thuyết so tài nâng đỉnh. Sau khi dùng hết sức nâng đỉnh lên khỏi mặt đất nửa thước thì đột nhiên tay ông không còn chút lực, cái đỉnh đó rơi xuống, đè lên chân của ông, làm chân ông bị vỡ nát, và ông chết ngay trong đêm đó.

Trong “Văn Tâm Điêu Long” quyển 18, Lưu Hiệp có nói rằng: “Một lời nói quý giá nặng hơn cửu đỉnh, ba tấc lưỡi hơn cả trăm vạn hùng binh”.

Mao Toại xuất ngôn, đã khiến Sở Vương xuất binh cứu Triệu. Lời nói của Nhan Suất đã thoái lui được thiên vạn địch quân, bảo hộ được cửu đỉnh. Thời Chiến Quốc binh mã loạn lạc, ‘nhất ngôn cửu đỉnh’ không chỉ yêu cầu trí tuệ đầy đủ, mà còn phải có đủ dũng khí. Tần Võ Vương dùng sức mạnh ngang ngược, cho rằng tự mình có thể đủ sức nâng đỉnh, kết quả chết nơi đất khách, trở thành trò cười cho thiên hạ.

Theo secretchina.com

Mạn Vũ biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||010552283__

Xem thêm: